Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính giai đoạn ổn định

Tham khảo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính giai đoạn ổn định của Cục y tế dự phòng. Gọi thoại - Gọi video khám từ xa với bác sĩ chuyên khoa Nội hô hấp để được chẩn đoán và điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Thursday, 25/10/2018

Bệnh tắc nghẽn phổi mãn tính là gì?

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (BPTNMT) là bệnh lý hô hấp mạn tính có thể dự phòng và điều trị được. Bệnh đặc trưng bởi sự tắc nghẽn luồng khí thở ra không có khả năng hồi phục hoàn toàn, sự cản trở thông khí này thường tiến triển từ từ và liên quan đến phản ứng viêm bất thường của phổi với các hạt bụi hoặc khí độc hại mà trong đó khói thuốc lá, thuốc lào đóng vai trò hàng đầu.

Chẩn đoán bệnh tắc nghẽn phổi mãn tính

1. Phát hiện tại y tế cơ sở: huyện, xã, phường

a) Khai thác kỹ tiền sử tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ gây bệnh, thăm khám lâm sàng để tìm các dấu hiệu định hướng chẩn đoán:

- Bệnh hay gặp ở nam giới trên 40 tuổi.

- Tiền sử: hút thuốc lá, thuốc lào (bao gồm cả hút thuốc chủ động và thụ động). Ô nhiễm môi trường trong nhà, ngoài nhà. Nghề nghiệp: khói bếp than, bếp củi, bếp rơm rạ, hơi khí độc hóa chất, bụi công nghiệp. Nhiễm khuẩn hô hấp tái diễn. Tăng tính phản ứng đường thở.

- Ho, khạc đờm kéo dài: là triệu chứng thường gặp và không do các bệnh phổi khác như lao phổi, giãn phế quản... Ho dai dẳng hoặc gián đoạn từng đợt (ho kéo dài ít nhất 3 tháng trong 1 năm và trong 2 năm liên tiếp trở lên), ho khan hoặc ho có đờm, thường ho khạc đờm về buổi sáng. Ho đờm mủ là một trong các dấu hiệu của đợt cấp do bội nhiễm.

- Khó thở: tiến triển nặng dần theo thời gian, lúc đầu là khó thở khi gắng sức, sau khó thở cả khi nghỉ ngơi và khó thở liên tục. Bệnh nhân “phải gắng sức để thở”, “thở nặng”, “cảm giác thiếu không khí” hoặc “thở hổn hển”, thở khò khè. Khó thở tăng lên khi gắng sức, nhiễm trùng đường hô hấp.

- Các triệu chứng ho khạc đờm, khó thở dai dẳng và tiến triển nặng dần theo thời gian, thường là ho khạc đờm xuất hiện trước sau đó mới xuất hiện thêm khó thở, khi khó thở mà bệnh nhân cảm nhận được lúc đó bệnh đã ở giai đoạn nặng.

b) Khám lâm sàng:

- Giai đoạn sớm của bệnh khám phổi có thể bình thường. Cần đo chức năng thông khí ở những đối tượng có yếu tố nguy cơ ngay cả khi thăm khám bình thường để chẩn đoán sớm BPTNMT.

- Giai đoạn nặng hơn khám phổi thường gặp nhất là rì rào phế nang giảm. Các dấu hiệu khác có thể thấy bao gồm: lồng ngực hình thùng, gõ vang trống, ran rít, ran ngáy, ran ẩm, ran nổ.

- Giai đoạn muộn có thể thấy những biểu hiện của suy hô hấp mạn tính: tím môi, tím đầu chi, thở co kéo cơ hô hấp phụ, những biểu hiện của suy tim phải (tâm phế mạn): tĩnh mạch cổ nổi, phù 2 chân, gan to, phản hồi gan tĩnh mạch cổ dương tính.

Khi phát hiện bệnh nhân có các triệu chứng nghi ngờ BPTNMT cần chuyển bệnh nhân đến các cơ sở y tế có đủ điều kiện (tuyến huyện, tuyến tỉnh hoặc tuyến trung ương) để làm thêm các thăm dò: đo chức năng thông khí, chụp Xquang phổi, điện tim... nhằm chẩn đoán xác định và loại trừ những nguyên nhân khác có triệu chứng lâm sàng giống BPTNMT.

2. Chẩn đoán xác định tại cơ sở y tế tuyến huyện, tuyến tỉnh và tuyến trung ương

Những bệnh nhân có tiền sử tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ, có các dấu hiệu lâm sàng lâm sàng nghi ngờ mắc BPTNMT như đã mô tả ở trên cần được làm các xét nghiệm sau:

a) Đo chức năng thông khí: bằng máy đo phế dung kế

- Đây là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán xác định và đánh giá mức độ nặng BPTNMT.

- Biểu hiện rối loạn thông khí tắc nghẽn không hồi phục hoàn toàn sau nghiệm pháp giãn phế quản (400µg salbutamol hoặc 80µg ipratropium hoặc 400µg salbutamol và 80µg ipratropium khí dung hoặc phun hít với buồng, đệm): chỉ số Gaensler (FEV1/FVC) < 70%; FEV1 không tăng hoặc tăng dưới 12% (<200ml) sau test phục hồi phế quản...)

- Dựa vào chỉ số FEV1 đế đánh giá mức độ tắc nghẽn của bệnh nhân.

b) X-quang phổi:

- BPTNMT giai đoạn sớm của bệnh hoặc không có giãn phế nang lúc đó có thể có hình ảnh X-quang phổi bình thường.

- Giai đoạn muộn và điển hình có hội chứng phế quản và hình ảnh khí phế thũng. X-quang phổi có thể gợi ý chẩn đoán BPTNMT với hình ảnh trường phổi 2 bên quá sáng, cơ hoành hạ thấp, có thể thấy cơ hoành hình bậc thang, khoang liên sườn giãn rộng, các bóng khí; hoặc có thể thấy nhánh động mạch thùy dưới phổi phải có đường kính >16mm.

- X-quang phổi cho phép loại trừ một số bệnh phổi khác có biểu hiện lâm sàng, tương tự BPTNMT như: u phổi, giãn phế quản, lao phổixơ phổi... Ngoài ra X-quang phổi có thể phát hiện các bệnh lý đồng mắc với BPTNMT như: tràn dịch,tràn khí màng phổi, suy tim, bất thường khung xương lồng ngực, cột sống...

**c) Điện tâm đồ: **

Ở giai đoạn muộn có thể thấy các dấu hiệu của tăng áp động mạch phổi và suy tim phải: sóng P cao (>2,5mm) nhọn đối xứng (P phế), trục phải (>1100), dày thất phải (R/S ở V6 <1).

3. Chẩn đoán phân biệt

Lao phổi: ho kéo dài, khạc đờm hoặc có thể ho máu. Xquang phổi: tổn thương thâm nhiễm hoặc dạng hang, thường ở đỉnh phổi. Xét nghiệm đờm, dịch phế quản: thấy hình ảnh trực khuẩn kháng cồn, kháng toan, hoặc nuôi cấy môi trường lỏng MGIT Bactec dương tính.

Giãn phế quản: ho khạc đờm kéo dài, đờm đục hoặc đờm mủ nhiều, nghe phổi có ran nổ, ran ẩm. Chụp cắt lớp vi tính ngực lớp mỏng 1 mm. độ phân giải cao: thấy hình ảnh giãn phế quản.

Hen phế quản (Xem chi tiết bảng 1).

- Hội chứng chồng lấp (ACOS - asthma COPD overlap syndrome): những bệnh nhân này vừa có một số triệu chứng lâm sàng của hen phế quản vừa có một số triệu chứng của BPTNMT, có rối loạn thông khí tắc nghẽn không hồi phục như BPTNMT, có test hồi phục phế quản dương tính mạnh với giá trị FEV1 tăng >400ml và >12%.

Bảng 1: Chẩn đoán phân biệt BPTNMT với hen phế quản

Hen phế quảnBPTNMT
- Thường bắt đầu khi còn nhỏ.- Các triệu chứng biến đổi từng ngày.- Tiền sử dị ứng thời tiết, dị ứng thức ăn, viêm khớp, và/hoặc eczema, chàm.- Gia đình có người cùng huyết thống mắc hen.- Các triệu chứng ho, khó thở thường xuất hiện vào ban đêm/sáng sớm.- Khám ngoài cơn hen: có thể hoàn toàn bình thường.- Rối loạn thông khí tắc nghẽn hồi phục hoàn toàn: FEV1/FVC ≥ 70% sau nghiệm pháp giãn phế quản.- Hiếm khi có biến chứng tâm phế mạn hoặc suy hô hấp mạn.- Xuất hiện thường ở người ≥ 40 tuổi.- Các triệu chứng tiến triển nặng dần.- Tiền sử hút thuốc lào nhiều năm.- Khó thở lúc đầu khi gắng sức sau khó thở liên tục.- Luôn có triệu chứng khi khám phổi.- Rối loạn thông khí tắc nghẽn không phục hồi hoàn toàn: FEV1/FVC < 70% sau nghiệm pháp giãn phế quản.- Biến chứng tâm phế mạn hoặc suy hô hấp mạn tính thường xảy ra ở giai đoạn cuối.

4. Chẩn đoán mức độ nặng của BPTNMT

Để có thể cá thể hóa việc điều trị cho bệnh nhân mắc BPTNMT và đạt hiệu quả tối ưu, chẩn đoán mức độ nặng của bệnh dựa vào sự phối hợp của nhiều thành phần: mức độ tắc nghẽn đường thở, mức độ nặng của triệu chứng và sự ảnh hưởng của bệnh đối với sức khỏe và cuộc sống của bệnh nhân, nguy cơ nặng của bệnh (mức độ tắc nghẽn, tiền sử đợt cấp/năm) và các bệnh lý đồng mắc.

a. Chđoán mức độ tắc nghẽn đường thở

Bảng 2: Mức đ*** nặng theo chức năng thông khí***

Mức độ rối loạn thông khí tắc nghẽnGiá trị FEV1 sau test giãn PQ
Mức độ I (nhẹ)FEV1 ≥ 80% trị số lý thuyết
Mức độ II (trung bình)50% ≤ FEV1 < 80% trị số lý thuyết
Mức độ III (nặng)30% ≤ FEV1 < 50% trị số lý thuyết
Mức độ IV (rất nặng)FEV1 < 30% trị số lý thuyết

b. Chẩn đoán mức độ nặng của bệnh theo chức năng thông khí và triệu chứng lâm sàng

Bảng 3: Mức độ nặng BPTNMT theo chức năng thông khí, triệu chứng lâm sàng **(Phân loại theo GOLD 2014)
Khi đánh giá nguy cơ chọn nhóm nguy cơ cao nhất theo tiêu chuẩn của GOLD hoặc tiền sử đợt cấp

Đánh giá:

- Bệnh nhân thuộc nhóm (A) - Nguy cơ thấp, ít triệu chứng: Mức độ tắc nghẽn đường thở nhẹ, trung bình và/hoặc có 0 - 1 đợt cấp trong vòng 12 tháng và khó thở giai đoạn 0 hoặc 1 (theo phân loại mMRC) hoặc điểm CAT<10.

- Bệnh nhân thuộc nhóm (B) - Nguy cơ thấp, nhiều triệu chứng: Mức độ tắc nghẽn đường thở nhẹ, trung bình và/hoặc có 0 – 1 đợt cấp trong vòng 12 tháng và mức độ khó thở từ giai đoạn 2 trở lên (theo phân loại mMRC) hoặc điểm CAT ≥10.

- Bệnh nhân thuộc nhóm (C) - Nguy cơ cao, ít triệu chứng: Mức độ tắc nghẽn đường thở nặng, rất nặng và/hoặc có ≥2 đợt cấp trong vòng 12 tháng (hoặc 1 đợt cấp nặng phải nhập viện hoặc phải đặt nội khí quản) và mức độ khó thở từ giai đoạn 0 - 1 (theo phân loại mMRC) hoặc điểm CAT <10.

- Bệnh nhân thuộc nhóm (D) - Nguy cơ cao, nhiều triệu chứng: Mức độ tắc nghẽn đường thở nặng, rất nặng và/hoặc có ≥ 2 đợt cấp trong vòng 12 tháng (hoặc 1 đợt cấp nặng phải nhập viện hoặc phải đặt nội khí quản) và mức độ khó thở từ giai đoạn 2 trở lên (theo phân loại mMRC) hoặc chỉ số CAT ≥10.

Điều trị bệnh tắc nghẽn phổi mãn tính

1. Các điều trị chung

a. Ngừng việc tiếp xúc với yếu tố nguy cơ

- Ngừng tiếp xúc với: khói thuốc lá thuốc lào, bụi, khói bếp củi than, khí độc...

b. Cai nghiện thuốc lá, thuốc lào

Ngừng hút thuốc là biện pháp rất quan trọng để không làm nặng thêm BPTNMT. Để cai thuốc, việc tư vấn người bệnh đóng vai trò then chốt và các thuốc hỗ trợ cai giúp người bệnh dễ bỏ thuốc hơn.

* Chiến lược tư vấ****n người bệnh cai thuốc lá:

- Tìm hiểu lý do ảnh hưởng đến việc cai thuốc lá: Sợ cai thuốc lá thất bại, hội chứng cai thuốc lá, mất đi niềm vui hút thuốc, căng thẳng,...

- Sử dụng lời khuyên 5A:

  • Ask - Hỏi: Xem tình trạng hút thuốc của người bệnh để có kế hoạch phù hợp.
  • Advise - Khuyên: Đưa ra lời khuyên đủ sức thuyết phục người bệnh bỏ hút thuốc.
  • Assess - Đánh giá: Xác định nhu cầu cai thuốc thực sự của người bệnh.
  • Assist - Hỗ trợ: giúp người bệnh xây dựng kế hoạch cai thuốc, tư vấn, hỗ trợ và chỉ định thuốc hỗ trợ cai nghiện thuốc lá nếu cần.
  • Arrange - Sắp xếp: Có kế hoạch theo dõi, hỗ trợ trực tiếp hoặc gián tiếp để người bệnh cai được thuốc và tránh tái nghiện.

* Thuốc hỗ trợ cai thuốc lá:

Việc dùng thuốc hỗ trợ cai thuốc lá giúp giảm nhẹ hội chứng cai thuốc và làm tăng tỷ lệ cai thuốc thành công. Các thuốc có thể chỉ định: Nicotine thay thế, Bupropion, Varenicline.

- Nicotine thay thế: cung cấp nicotine cho cơ thể không qua điếu thuốc:

  • Chống chỉ định tương đối ở bệnh nhân tim mạch có nguy cơ cao (vừa nhồi máu cơ tim cấp).
  • Các dạng thuốc: dạng xịt mũi, họng, viên ngậm, viên nhai, miếng dán da.
  • Thời gian dùng thuốc tùy thuộc vào mức độ lệ thuộc nicotine: thông thường từ 2-4 tháng, có thể kéo dài hơn.
  • Tác dụng phụ: Gây kích ứng da khi dán, khi uống có thể gây khô miệng, nấc cụt, khó tiêu...

- Bupropion: tác dụng tăng cường phóng thích noradrenergic và dopaminergic ở hệ thần kinh trung ương giúp làm giảm ham muốn hút thuốc.

  • Không dùng cho bệnh nhân động kinh, rối loạn tâm thần, rối loạn hành vi ăn uống, dùng thuốc nhóm IMAO, đang điều trị cai nghiện rượu, suy gan nặng.
  • Thời gian điều trị 7 - 9 tuần, có thể kéo dài 6 tháng.
  • Liều cố định không vượt quá 300 mg/ngày: Tuần đầu: 150 mg/ngày uống buổi sáng; từ tuần 2 - 9: 300mg/ngày chia 2 lần.
  • Tác dụng phụ: mất ngủ, khô miệng, nhức đầu, kích động, co giật.

- Varenicilline có tác dụng giảm triệu chứng khi cai thuốc lá và giảm sảng khoái khi hút thuốc.

  • Chống chỉ định tương đối khi suy thận nặng (thanh thải Creatinine < 30ml/phút)
  • Thời gian điều trị 12 tuần, có thể kéo dài đến 6 tháng.
  • Liều cố định không cần điều chỉnh: Ngày 1 đến 3: 0,5mg/ngày uống buổi sáng; ngày 4 đến 7: 1mg/ngày chia 2 lần sáng-chiều; tuần 2 đến 12:2mg/ngày chia 2 lần sáng-chiều.
  • Tác dụng phụ: buồn nôn, rối loạn giấc ngủ, ác mộng, trầm cảm, thay đổi hành vi.

c. Tiêm vắc xin phòng nhiễm trùng đường hô hấp

- Nhiễm trùng đường hô hấp (cúmviêm phổi...) là một trong các yếu tố nguy cơ gây đợt cấp BPTNMT. Việc tiêm phòng vaccine có thể làm giảm các đợt cấp nặng và giảm tỷ lệ tử vong.

- Tiêm phòng vắc xin phế cầu mỗi 5 năm 1 lần và được khuyến cáo ở bệnh nhân mắc BPTNMT giai đoạn ổn định khi:

  • Người bệnh > 65 tuổi;
  • Có FEV1 <40%;
  • Có bệnh đồng mắc khác như: Bệnh tim mạch, bệnh gan, thận mạn tính, đái tháo đường, nghiện rượu, nghiện thuốc lá...

- Tiêm phòng vắc xin cúm vào đầu mùa thu và tiêm lại hàng năm cho các đối tượng mắc BPTNMT.

d. Phục hồi chức năng hô hấp

>>> Xem thêm: Hướng dẫn phục hồi chức năng hô hấp và chăm sóc bệnh nhân mắc phổi tắc nghẽn mạn tính

*e. *Các điều trị khác

- Vệ sinh mũi họng thường xuyên.

- Giữ ấm cổ ngực về mùa lạnh.

- Phát hiện sớm và điều trị kịp thời các nhiễm trùng tai mũi họng, răng hàm mặt.

- Phát hiện và điều trị các bệnh đồng mắc.

2. Thuốc giãn phế quản và corticosteroid

- Các thuốc giãn phế quản sử dụng điều trị BPTNMT: ưu tiên các loại thuốc giãn phế quản loại kéo dài, dạng phun hít khí dung. Liều lượng và đường dùng của các thuốc này tùy thuộc vào mức độ và giai đoạn bệnh (xem bảng 4).

- Corticosteroid được chỉ định khi bệnh nhân BPTNMT giai đoạn nặng (FEV1 <50%), có đợt cấp lặp đi lặp lại (3 đợt trong 3 năm gần đây).

Bảng 4: Các thuốc giãn phế quản và Corticosteroid

ThuốcBiệt dượcLiều dùng
Cường beta 2 tác dụng ngắn (SABA)
SalbutamolVentolin,Salbutamol- Viên 4mg, uống ngày 4 viên, chia 4 lần, hoặc- Nang khí dung 5mg, khí dung ngày 4 nang, chia 4 lần, hoặc 6 nang chia 3 - 6 lần hoặc- Ventolin xịt 100mcg/ lần xịt, xịt ngày 4 lần, mỗi lần 2 nhát
TerbutalineBricanyl- Viên 5mg, uống ngày 4 viên, chia 4 lần, hoặc- Nang khí dung 5mg, khí dung ngày 4 nang, chia 4 lần
Cường beta 2 tác dụng kéo dài (LABA)
FormoterolOxis- Dạng hít 4,5mcg/ liều. Hít ngày 2 lần, mỗi lần 2 liều
SalmeterolSerevent- Dạng xịt, mỗi liều chứa 25mcg, xịt ngày 2 lần, mỗi lần 2 liều
IndacaterolOnbrez- Dạng hít mỗi liều chứa 150mcg hoặc 300mcg, ngày hít 1 viên
Kháng cholinergic tác dụng ngắn (SAMA) và tác dụng kéo dài (LAMA)
Ipratropium bromideAtrovent- Nang 2,5ml. Khí dung ngày 3 nang, chia 3 lần
TiotropiumSpiriva- Dạng hít bột khô 18mcg, hít 1 viên/ngày
TiotropiumSpiriva Respimat- Dạng phun hạt mịn 2,5mcg/liều, ngày hít 2 liều vào buổi sáng
Kết hợp cường beta 2 tác dụng ngắn và kháng cholinergic tác dụng ngắn
FenoteroI/IpratropiumBerodual- Dạng khí dung: khí dung ngày 3 lần, mỗi lần pha 1-2ml berodual với 3 ml natriclorua 0,9%- Dạng xịt: xịt ngày 3 lần, mỗi lần 2 nhát
Salbutamol/IpratropiumCombivent- Nang 2,5ml. Khí dung ngày 3 nang, chia 3 lần
Nhóm MethylxanthineChú ý: tổng liều (bao gồm tất cả các dạng thuốc thuộc nhóm methylxanthine) không quá 10mg/kg/ngày. Không dùng kèm với thuốc nhóm macrolide vì nguy cơ độc tính gây biến chứng tim mạch (xoắn đỉnh)
AminophyllineDiaphyllin- Ống 240mg. Pha truyền tĩnh mạch ngày 2 ống, hoặc- Pha 1 ống với 10 ml glucose 5%, tiêm tĩnh mạch chậm trong cấp cứu cơn khó thở cấp.
Theophylline (SR)TheophyllineTheostat- Viên 0,1 g uống 4 viên/ngày chia 4 lần- Viên 0,1g hoặc 0,3g. Liều 10mg/kg/ngày. Uống chia 2 lần.
Corticosteroid dạng phun hít (ICS)
Chú ý: cần súc miệng sau sử dụng các thuốc dạng phun hít có chứa corticosteroid
BeclomethasoneBecotide- Dạng xịt chứa 100mcg/ liều. Xịt ngày 4 liều, chia 2 lần
BudesonidePulmicort khí dung, hoặc xịt- Nang khí dung 0,5mg. Khí dung ngày 2-4 nang, chia 2 lần, hoặc- Dạng hít, xịt, liều 200mcg/ liều. Dùng 2-4 liều/ ngày, chia 2 lần.
FlulicasonePlixotide- Nang 5mg, khí dung ngày 2-4 nang, chia 2 lần
Kết hợp corticosteroid và cường beta 2 tác dụng kéo dài (ICS + LABA)
Pormoterol/BudesonideSymbicort- Dạng ống hít. Liều 160/4,5 cho 1 liều hít. Dùng 2-4 liều/ ngày, chia 2 lần
Salmeterol/FluticasoneSeretide- Dạng xịt hoặc hít. Liều 50/250 hoặc 25/250 cho 1 liều. Dùng ngày 2-4 liều, chia 2 lần.
Corticosteroid đường toàn thân
PrednisonePrednisone- Viên 5mg. Uống ngày 6-8 viên, uống 1 lần sau ăn sáng.
MethylprednisoloneSolumedrolMethylprednisone- Lọ tiêm tĩnh mạch. Ngày tiêm 1-2 lọ
Chất ức chế Phosphodiesterase 4
Chất ức chế Phosphodiesterase 4Roflumilast- Roflumilast

******3. **Thử oxy dài hạn tại nhà

**a. **Mục tiêu

- Làm giảm khó thở và giảm công hô hấp do giảm kháng lực đường thở và giảm thông khí phút.

- Giảm tỷ lệ tâm phế mạn do cải thiện tình trạng thiếu oxy máu mạn tính, giảm hematocrit, cải thiện huyết động học phổi.

b. Chỉ định: BPTNMT có suy hô hấp mạn tính

- Thiếu oxy máu: khí máu động mạch có PaO2 ≤55 mmHg hoặc SaO2 ≤88% thấy trên hai mẫu máu trong vòng 3 tuần, trạng thái nghỉ ngơi, không ở giai đoạn mất bù, không thở oxy, đã sử dụng các biện pháp điều trị tối ưu.

- PaO2 từ 56 - 59 mmHg hoặc SaO2 ≤88% kèm thêm một trong các biểu hiện:

  • Dấu hiệu suy tim phải.
  • Và/hoặc đa hồng cầu (hematocrit >55%).
  • Và/ hoặc tăng áp động mạch phổi đã được xác định (siêu âm Doppler tim...)

**c. **Lưu lượng, thời gian thở oxy

- Lưu lượng oxy: 1-3 1/phút, thời gian thở oxy ít nhất 15 giờ/24 giờ.

- Đánh giá lại khí máu động mạch sau ít nhất 30 phút để điều chỉnh lưu lượng oxy để đạt PaO2 từ 65 - 70mmHg, tương ứng với SaO2 tối ưu là 90 - 92% lúc nghỉ ngơi.

- Để tránh tăng CO2 máu quá mức khuyến cáo nên bắt đầu với lưu lượng thở oxy ≤ 2 lít/phút.

**d. **Các nguồn oxy

- Các bình khí cổ điển: cồng kềnh và phải nạp thường xuyên. Thường dùng làm nguồn oxy dự phòng khi mất điện hoặc lúc di chuyển ngoài nhà.

- Các máy chiết xuất oxy thuận tiện cho các bệnh nhân ít hoạt động. Ngoài ra còn có các bình oxy lỏng.

Lưu ý: đối với y tế tuyến cơ sở (xã, phường, huyện) sẽ quản lý bệnh nhân BPTNMT giai đoạn ổn định với các bước điều trị không thuốc như đã nêu ở trên (đặc biệt việc tư vấn ngừng tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ gây bệnh cần được nhắc lại ở mỗi lần tái khám) và hướng dẫn, kiểm soát việc dùng thuốc của bệnh nhân theo đơn của các cơ sở y tế tuyến tỉnh hoặc tuyến trung ương. Theo dõi và phát hiện các tác dụng phụ của thuốc, phát hiện các triệu chứng của đợt cấp và đáp ứng với điều trị (xem phần đợt cấp) đ kịp thời chuyển tuyến trên nếu thấy cần.

Cần tạo điều kiện cho phép y tế tuyến cơ sở cấp thuốc cho bệnh nhân theo hướng dẫn của y tế tuyến trên.

**d. **Hướng dẫn lựa chọn thuốc điều trị BPTNMT theo GOLD 2014

Các lựa chọn dưới đây dựa trên cơ sở: hiệu quả cao, tác dụng phụ ít, sự sẵn có trên thị trường của mỗi quốc gia và khả năng chi trả cho bệnh nhân của bảo hiểm y tế. Do vậy tùy thuộc vào điều kiện cụ thể mà lựa chọn thuốc điều trị cho bệnh nhân BPTNMT phù hợp nhất.

Lựa chọn 1: là lựa chọn ưu tiên hàng đầu.

Lựa chọn 2: là lựa chọn thay thế.

Lựa chọn 3: là các lựa chọn khác có thể.

Bng 5: Chọn thuốc điều trị BPTNMT theo GOLD 2014

Mức **độ **nặngLựa chọn ưu tiênLựa chọn thay thếLựa chọn khác có th****ể
ASAMA khi cần hoặc SABA khi cầnLA MAHoặc LABAHoặc SABA + SAMATheophylline
BLAMA hoặc LABALAMA + LABASABA và/ hoặc SAMA Theophylline
CICS + LABA hoặc LAMALAMA + LABAỨc chế phosphodiesterase 4 SABA và/ hoặc SAMA Theophylline
DICS + LABA và/hoặc LAMAICS + LAMAHoặc ICS + LABA + LAMAHoặc ICS + LABA + Ức chế phosphodiesterase 4Hoặc LAMA + LABAHoặc LAMA + Ức chếphosphodiesterase 4Carbocysteine SABA và/ hoặc SAMA Theophylline

Bảng 6: Thuốc điều trị BPTNMT

Tên viết tắtTác dụngTên thuốc (biệt dược)
SAMAkháng cholinergic tác dụng ngắnAtrovent
LAMAkháng cholinergic tác dụng dàiSpiriva Respimat
SABAcường beta 2 adrenergic tác dụng ngắnVentolin, Asthalin, salbutamol
LABAcường beta 2 adrenergic tác dụng kéo dàiOnbrez
SABA+SAMAkháng cholinergic tác dụng ngắn cường beta 2 adrenergic tác dụng kéo ngắnBerodualCombivent
ICS+LABACorticosteroid dạng phun hít cường beta 2 adrenergic tác dụng kéo dàiSymbicort, Seretide Seroflo, Esiflo

Theo dõi bệnh nhân

- Tái khám định kỳ 1 tháng 1 lần.

- Đo chức năng hô hấp phân loại lại mức độ nặng. Phát hiện các bệnh phối hợp.

- Đánh giá khả năng hoạt động, hợp tác với thầy thuốc và thích nghi với ngoại cảnh.

- Đánh giá sự hiểu biết và tuân thủ phương pháp điều trị, phương pháp dự phòng đợt cấp, kỹ thuật phun hít, sử dụng các thuốc giãn phế quản, Corticosteroid.

Tiên lượng bệnh

- BPTNMT tiến triển nặng dần không hồi phục vì vậy cần phát hiện và điều trị sớm, tích cực để bệnh tiến triển chậm.

**Một số khuyến cáo của tổ chúc Y tế Thế giới và GOLD **2014

Khuyến cáo 1

Đánh giá bệnh nhân toàn diện, dựa trên nhiều yếu tố: triệu chứng, mức độ tắc nghẽn đường thở, nguy cơ các đợt cấp và các bệnh lý đồng mắc.

Khuyến cáo 2

Các thuốc giãn phế quản tác dụng kéo dài (LABA, LAMA) được ưu tiên dùng hơn các thuốc tác dụng ngắn. Các thuốc giãn phế quản dạng phun hít được khuyến cáo nhiều hơn các thuốc uống vì do có hiệu quả cao hơn và ít tác dụng phụ hơn. Những tác dụng phụ này có thể có liên quan rõ ràng khi có các bệnh đồng mắc với BPTNMT như rối loạn nhịp tim, bệnh nhân có bệnh mạch vành...

Khuyến cáo 3

Thuốc giãn phế quản tác dụng ngắn có tác dụng cải thiện các triệu chứng ở bệnh nhân BPTNMT ổn định. Thuốc giãn phế quản tác dụng ngắn được khuyên bệnh nhân dùng khi có triệu chứng khó thở.

Khuyến cáo 4

Theophylline: khuyến cáo dùng theophylline phóng thích chậm liều thấp (≤ 10mg/kg/24h) để điều trị duy trì ở những nơi nguồn lực y tế thấp. Nên khuyến cáo bệnh nhân ngừng điều trị và đi khám ngay nếu có tác dụng phụ.

Khuyến cáo 5

Corticosteroids đường uống (prednisolone) không hiệu quả trong BPTNMT ổn định ngoại trừ trường hợp liều cao, khi đó sẽ có những tác dụng phụ quan trọng. Trên cơ sở cân bằng giữa các lợi ích và nguy cơ, steroids đường uống không được khuyến cáo dùng cho BPTNM ổn định.

Khuyến cáo 6 

Steroids dạng hít (ICS): Theo khuyến cáo của GOLD ICS/LABA được chỉ định khi bệnh nhân có từ 2 đợt cấp/năm trở lên và hoặc FEV1 <50% trị số lý thuyết. ICS không được khuyến cáo ở dạng đơn trị liệu.

Khuyến cáo 7

Các thuốc kháng cholinergic: Ipratropium bromide dạng phối hợp tác dụng ngắn được khuyến cáo sử dụng cho bệnh nhân khi cần hoặc trong đợt cấp. Thuốc kháng cholinergic tác dụng kéo dài (LAMA - tiotropium) được khuyến cáo sử dụng điều trị duy trì cho bệnh nhân BPTNMT (Từ giai đoạn II theo phân loại của GOLD 2006 hoặc từ nhóm B theo phân loại GOLD 2011). LAMA đã được chứng minh trong một sốnghiên cứu có thể giảm triệu chứng và cải thiện chức năng phổi. Tuy nhiên do giá thành đắt hơn thuốc được khuyến cáo ở những nơi có nguồn lực y tế tốt.

Khuyến cáo 8

Cần kiểm tra việc sử dụng thuốc của bệnh nhân mỗi lần tái khám đặc biệt cách sử dụng các dụng cụ cấp thuốc giãn phế quản dạng phun xịt, hít khí dung.

Khuyến cáo 9

Hút thuốc lá, thuốc lào đã được chứng minh là nguyên nhân hàng đầu gây BPTNMT, ngừng hút cho dù là muộn vẫn có hiệu quả giảm tốc độ suy giảm chức năng hô hấp. Do vậy nên tư vấn cai nghiện thuốc lá cho bệnh nhân.

Khuyến cáo 10

Ở những nơi nguồn lực y tế tốt cần khuyến cáo bệnh nhân tiêm vắc xin phòng cúm mỗi năm 1 lần và vắc xin phòng phế cầu 5 năm 1 lần. Mục tiêu giảm đợt cấp gây ra bởi virus cúm, phế cầu.

Khuyến cáo 11

Phục hồi chức năng hô hấp là biện pháp điều trị không thuốc rất hữu hiệu cho bệnh nhân BPTNMT. Tập phục hồi chức năng hô hấp giúp cải thiện khả năng gắng sức, thích nghi với hoạt động hàng ngày và cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.

Khuyến cáo 12

Roflumilast được khuyến cáo sử dụng cho bệnh nhân BPTNMT typ B mức độ nặng và rất nặng hoặc thường xuyên có đợt cấp.

Xem thêm:

>>> Danh sách các thuốc điều trị COPD

>>> Danh sách bác sĩ giỏi chuyên khoa Nội hô hấp

>>> Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đợt cấp

>>> Hướng dẫn phục hồi chức năng hô hấp và chăm sóc bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Tài liệu tham khảo:

1. GOLD (2014). Global strategy for diagnosis, management and prevention of chronic obstructive pulmonary disease, update 2014.

2. WHO (2013). Package of essential noncommunicable (PEN) discase interventiong for primary Health care in low-resource settings.

3. Bestall J.C; et al (1999). Usefulness of the Medical Research Council (MRC) dyspnoea scale as a measure of disability in patients with chronic obstructive pulmonary disease. Thorax, 54 (7), 581 - 6.

4. Jones, P; et al (2009). Development and first validation of the COPD assessment test. Eur Respir J, 34(3), 648-54.

5. Burge, S; J.A. Wendzicha (2003). COPD exacerbations: definitions and classifications. Eur Respir J Suppl, 41 46s-53s.

6. American College of chest physicians, American Association of cardiovascular and pulmonary Reabilitation. Pulmonary rehabilitation: joint ACCP/AACVPR evidence-based practice guidelines. Chest 2007, 131, 4S - 42S.

7. American Thoracic Society, European Respiratory Society ATS/ERS statement on pulmonary Reabilitation, Am J Respir crit Care Med 2006 Vol 173: 1390 - 1413.

8. Bộ Y tế (2014). Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh hô hấp.

Theo Cục y tế dự phòng

Đăng ký Khám từ xa

LogoWellcare
Đối tác sức khỏe TIN CẬYChúng tôi giúp bạn duy trì một lối sống lành mạnh, và khi bạn cần tham vấn y tế, chúng tôi kết nối bạn với những bác sĩ chuyên khoa hàng đầu qua gọi thoại và gọi video.
Thông tin công ty
(+84) 28 3622 6822[email protected]LA0208 Lexington Office, 67 Mai Chi Tho, An Phu Ward, Ho Chi Minh City, Vietnam
Tải ứng dụng
Theo dõi
© 2015 - 2024 • Wellcare • All Rights Reserved