Bệnh cúm là một bệnh lây nhiễm virut cúm lan truyền nhanh trên thế giới trong các mùa dịch cúm và gây nên gánh nặng về kinh tế do chi phí nằm viện điều trị và chăm sóc y tế cũng như nghỉ việc do bị bệnh. Bệnh cúm nguy hiểm là do tính lây lan nhanh và

Tổng quan về bệnh cúm

Bệnh cúm là một bệnh lây nhiễm virut cúm lan truyền nhanh trên thế giới trong các mùa dịch cúm và gây nên gánh nặng về kinh tế do chi phí nằm viện điều trị và chăm sóc y tế cũng như nghỉ việc do bị bệnh. Bệnh cúm nguy hiểm là do tính lây lan nhanh và gây thành dịch. Bệnh có thể xảy ra dưới nhiều mức độ khác nhau: đại dịch, dịch, dịch nhỏ địa phương và các trường hợp tản phát.
Người ta nhận thấy rằng các đại dịch cúm xảy ra có tính chu kỳ khoảng từ 10 đến 40 năm. Hiện nay, các phân týp kháng nguyên của virút cúm A đang lưu hành trên toàn cầu là A/H1N1 và A/H3N2 xen kẽ nhau hoặc một trong hai týp chiếm ưu thế tuỳ từng nơi. Ở các vùng ôn đới, dịch cúm thường xảy ra vào mùa lạnh. Ở các vùng nhiệt đới, bệnh thường xảy ra vào mùa mưa hoặc các trường hợp tản phát xảy ra bất kỳ tháng nào trong năm.
Virút cúm B biến đổi chậm hơn virút cúm A và do đó chỉ có một týp huyết thanh và không gây những vụ dịch lớn, với chu kỳ dịch từ 5-7 năm. Virút cúm C gây ra các trường hợp tản phát với triệu chứng lâm sàng không điển hình và các vụ dịch nhỏ ở địa phương.
Tỷ lệ mắc bệnh cúm là 5-10% ở người lớn và 20-30% ở trẻ em. Trong các vụ dịch cúm hàng năm, 5-15% dân số bị nhiễm khuẩn đường hô hấp trên. Bệnh nặng và tử vong xảy ra chủ yếu ở những nhóm người có nguy cơ cao như người già và người mắc bệnh mạn tính.
Mặc dù khó có thể đánh giá đúng tình hình dịch, các vụ dịch cúm hàng năm thường gây 3-5 triệu người bị bệnh nặng và khoảng 250.000-500.000 người chết hàng năm do bệnh cúm trên thế giới. Hầu hết, các trường hợp tử vong ở các nước phát triển xảy ra ở người già trên 65 tuổi.
Hiện có rất ít thông tin về gánh nặng của bệnh cúm ở những nước nhiệt đới là nơi mà dịch xảy ra quanh năm và có tỷ lệ chết/mắc cao. Ví dụ trong một vụ dịch cúm ở Madagascar năm 2002, có hơn 27.000 ca bệnh được báo cáo trong vòng 3 tháng và có 800 trường hợp tử vong mặc dù đã có các đáp ứng can thiệp nhanh.

Triệu chứng, biểu hiện bệnh cúm

Triệu chứng, biểu hiện bệnh cúm

Các dấu hiệu và triệu chứng hay gặp của bệnh cúm bao gồm:
  • Sốt trên 38 độ C.
  • Ớn lạnh và đổ mồ hôi.
  • Nhức đầu.
  • Ho khan.
  • Đau nhức cơ bắp, đặc biệt là ở lưng, tay và chân.
  • Mệt mỏi và yếu.
  • Nghẹt mũi.
Đến gặp Bác sĩ khi:
Có triệu chứng cúm và có nguy cơ biến chứng, hãy đến gặp Bác sĩ ngay. Uống thuốc kháng virut trong vòng 48 giờ đầu sau khi có các triệu chứng đầu tiên có thể làm giảm thời gian bị bệnh và giúp ngăn ngừa nhiều rối loạn nghiêm trọng hơn.

Mẹo đơn giản phòng ngừa cảm cúm hiệu quả

Mẹo đơn giản phòng ngừa cảm cúm hiệu quả

Tiêm vắc-xin cúm là cách đơn giản giúp phòng ngừa cảm cúm hiệu quả, tiết kiệm chi phí chăm sóc y tế và tình trạng mất ngày công lao động do mắc bệnh.

Tiêm vắc-xin ngừa cúm

Việc tiêm vắc-xin ngừa cúm không có nghĩa là cơ thể hoàn toàn miễn dịch với cúm nhưng sẽ hạn chế biến chứng do cúm gây ra như viêm thanh quản, viêm tai giữa, viêm phế quản, viêm phổi…
Đặc biệt, biến chứng của bệnh cúm có khả năng gây tử vong cho trẻ em, phụ nữ có thai, người cao tuổi và những người mắc bệnh mạn tính.
Các thành phần của vắc-xin hàng năm được thay đổi trên cơ sở chủng vi-rút mới được phát hiện bởi chương trình giám sát cúm toàn cầu. Trước mùa cúm hàng năm nên tiêm phòng vắc-xin ngừa cúm cho các đối tượng sau:
  • Trẻ em từ 6 đến 23 tháng tuổi, người lớn trên 65 tuổi.
  • Phụ nữ dự định mang thai, người già sống tập trung trong các nhà dưỡng lão.
  • Người mắc bệnh mạn tính: hen phế quản, tim bẩm sinh, suy tim, đái tháo đường, suy giảm miễn dịch, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD).
  • Nhân viên y tế thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân.
Chống chỉ định tiêm vắc-xin cho các trường hợp: dị ứng với trứng gà, thịt gà hoặc các thành phần khác của vắc-xin.

Giữ vệ sinh, thường xuyên rửa tay

  • Rửa tay ít nhất 20 giây bằng xà phòng sau khi tiếp xúc với vật dụng nơi công cộng
  • Vi-rút cảm lạnh có thể tồn tại trên tay nắm cửa, lan can tàu điện ngầm… từ vài phút đến 48 giờ. Để phòng ngừa cúm, ngoài việc mang khẩu trang khi ra đường, bạn nên rửa tay ít nhất 20 giây bằng xà phòng sau khi tiếp xúc với vật dụng nơi công cộng.
  • Dùng giấy lót tay khi sử dụng chung điện thoại, ly chén, tay nắm cửa phòng… Không dùng chung bàn chải đánh răng, dao cạo râu, khăn mặt, khăn tắm...
  • Che mũi, miệng khi ho, hắt hơi, sau đó rửa tay sạch sẽ. Không dùng tay dụi mắt, ngoáy mũi, hạn chế tiếp xúc với người nghi ngờ nhiễm cúm, thường xuyên vệ sinh nhà cửa, lau chùi bàn ghế, vật dụng ở văn phòng.

Chế độ dinh dưỡng lành mạnh

Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng không chỉ giúp cơ thể khỏe mạnh mà còn tăng cường khả năng miễn dịch, giúp phòng ngừa cảm cúm hữu hiệu.
Nên ăn nhiều thực phẩm có chứa chất chống oxy hóa như hoa quả (dâu, táo), rau xanh, bông cải xanh, ớt chuông đỏ, khoai lang. Bổ sung vitamin C, vitamin E, beta-carotene, kẽm, lúa mì, quả óc chó, đặc biệt là tỏi và các chế phẩm từ tỏi… vào thực đơn hàng ngày giúp hệ miễn dịch khỏe mạnh.
Nên uống nhiều nước, có thể uống trà nóng khi thời tiết chuyển mưa hoặc trở lạnh. Nếu bị cảm cúm, bệnh nhân nên ăn cháo, súp hoặc xông hơi để bệnh mau khỏi, không hút thuốc và tiếp xúc với người khác, đặc biệt là trẻ em, tránh lây bệnh trong cộng đồng.

Tập luyện thể thao, giảm căng thẳng

Những người có thân hình thon thả và thường xuyên tập luyện rất ít khi bị cảm lạnh. Tập thể dục ngoài trời giúp tăng cường hấp thụ vitamin D, cải thiện tâm trạng, giảm căng thẳng vì stress kích thích hoóc-môn gây ức chế hệ thống miễn dịch khiến bạn dễ nhiễm bệnh.
Hãy đưa cơ thể ra khỏi vòng xoáy công việc, môi trường ô nhiễm, tập thư giãn bằng các bài yoga, đọc sách, nghe nhạc, tập thể thao hoặc thiền.
Có thể uống trà nóng khi thời tiết chuyển mưa hoặc trở lạnh

Vệ sinh mũi, miệng sạch sẽ

Hàng ngày, súc miệng bằng nước muối ấm (có thể thêm tinh chất nghệ để tăng tính kháng viêm) giúp rửa trôi chất nhầy, vi khuẩn, vi-rút ở cổ họng, ngăn ngừa nhiễm trùng phát sinh.
Sử dụng bình xịt nước muối rửa sạch mũi là cách hiệu quả để phòng ngừa vi-rút cúm. Bạn cũng có thể dùng bình xịt sau khi xuất hiện các dấu hiệu cảm lạnh để giảm thiểu những khó chịu do triệu chứng này.

Nghỉ ngơi hợp lí

Giấc ngủ giúp cơ thể phục hồi các tế bào và chống nhiễm trùng nên giấc ngủ trung bình được các chuyên gia y tế khuyến cáo nên ngủ 7-8 giờ mỗi đêm. Mất ngủ sẽ ức chế chức năng của hệ thống miễn dịch, giảm khả năng kháng vi-rút gây cảm cúm.
Tiêm vắc-xin, duy trì tập luyện, chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lí… giúp cơ thể khỏe mạnh, tăng cường miễn dịch là cách phòng ngừa cảm cúm hiệu quả.

Liệu pháp cần thiết giảm nhẹ triệu chứng cảm cúm

Liệu pháp cần thiết giảm nhẹ triệu chứng cảm cúm

Mẹo đơn giản sau đây giúp giảm nhẹ triệu chứng cảm cúm gây khó chịu như sốt, ngạt mũi, chảy nước mũi, ho, rát họng, đau nhức khiến người bệnh mệt mỏi.
  • Thường xuyên vệ sinh mũi họng
Muối có tính sát trùng, sát khuẩn cao, kháng viêm tốt nên sẽ làm dịu cổ họng nhanh chóng. Súc miệng bằng nước muối 2 lần/ ngày hoặc ngậm muối rồi nhổ đi giúp loại sạch đờm trong cổ họng. Các chuyên gia y tế khuyến cáo nên thường xuyên nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý giúp giảm triệu chứng ngạt mũi, chảy nước mũi.
  • Cung cấp đủ nước cho cơ thể
Cảm cúm có thể gây mất nước nghiêm trọng, đặc biệt khi bệnh nhân bị tiêu chảy, nôn ói... nên cần thiết phải bổ sung nước lọc hoặc nước ép trái cây, nước chứa chất điện giải (oresol)…
  • Tập luyện nhẹ nhàng
Cảm giác mệt mỏi, đau nhức cơ thể là những triệu chứng cảm cúm gây khó chịu cho bệnh nhân. Tuy nhiên, người bệnh ngoài việc nghỉ ngơi, không thức khuya, làm việc muộn, cần kết hợp tập luyện nhẹ nhàng để tăng cường sức khỏe cho hệ miễn dịch.
  • Xông hơi trị ngạt mũi
Cách nhanh nhất giúp đường thở đang bị tắc nghẽn được lưu thông là nấu nồi nước xông, nhỏ vài giọt tinh dầu khuynh diệp hoặc bạc hà. Dùng chăn trùm lên người và nồi nước xông rồi nhắm mắt, hít thở sâu bằng mũi.
Dập 1 củ tỏi cho vào cốc nước sôi, dùng giấy A4 khoanh miệng cốc thành hình cái phễu, cắt thủng đầu nhọn, ghé mũi vào lỗ này để xông hơi. Tinh chất tỏi đi sâu vào mũi họng sẽ nhanh chóng đánh bay cơn khó chịu do những triệu chứng cảm cúm gây ra.
Ngoài những liệu pháp trên, các bạn có thể tham khảo một vài mẹo đơn giản từ ‘kháng sinh tự nhiên’ giúp đẩy lùi triệu chứng cảm cúm nhanh và hiệu quả.
  • Cháo hành giải cảm rất hiệu quả bởi hành có tính sát khuẩn mạnh
Cháo hành: Kinh nghiệm dân gian thường nấu cháo hành để chữa trị cảm cúm rất hiệu quả bởi hành có tính sát khuẩn mạnh. Bạn có thể nấu cháo trắng, thái nhỏ hành lá thả vào, quấy đều tay đến khi hành chín tái, ăn nóng cho toát mồ hôi, người sẽ cảm thấy dễ chịu hơn nhiều.
  • Cháo tía tô: Hoặc dùng 12-30g lá tía tô tươi, 6-12g hành tím (hoặc dùng hành tăm, có nơi gọi là hành chăm), 4-10g gừng tươi, 1 quả trứng gà, 30-80g gạo. Lá tía tô, hành tím, gừng tươi rửa sạch, xắt nhỏ. Gạo ninh nhừ, cho lòng đỏ trứng gà, thêm tía tô, hành, gừng vào quậy đều. Nêm gia vị vừa miệng, cho bệnh nhân ăn lúc cháo còn nóng.
  • Nước gừng, mật ong, sả: Lấy 30g củ sả, 20g gừng, 20g mật ong. Củ sả, gừng cạo vỏ ngoài, giã nát với nước, lọc lấy 100-200ml nước, thêm mật ong, trộn đều, đun nhỏ lửa. Cho bệnh nhân uống hỗn hợp nước sả, gừng, mật ong khi còn ấm, trước bữa ăn.
  • Dùng 8-10g lá tía tô, 6-8g quế chi, gừng tươi 3 lát, rửa sạch nấu với 300ml nước, đun sôi khoảng 10 phút, cho bệnh nhân cảm cúm uống một lần, uống nóng cho toát mồ hôi.
  • Kinh giới hấp mật ong hoặc đường phèn: Kinh giới vị cay, tính ấm, giúp toát mồ hôi nhanh, thông mũi, mát họng. Lấy lá kinh giới giã nát, hấp chín với mật ong hay đường phèn, ăn nóng giúp bạn nhanh chóng thoát khỏi triệu chứng cảm cúm.
  • Đơn giản hơn nữa, có thể đun sôi vài lát gừng tươi cùng đường phèn, uống ngày 3 lần giúp giảm nhanh các triệu chứng cảm cúm mà không cần dùng đến thuốc kháng sinh.
  • Tỏi chứa chất kháng viêm mạnh, dùng chữa trị cảm cúm vô cùng hữu hiệu. Giã nát tỏi, thêm chút nước sôi để uống sẽ nhanh khỏi hơn nhưng cách này khó thực hiện vì nhiều người không thích hương vị đặc trưng của tỏi.
Ngoài việc đảm bảo vệ sinh cá nhân sạch sẽ, bạn có thể áp dụng một số mẹo từ nguyên liệu sẵn có, đẩy lùi những khó chịu do triệu chứng cảm cúm gây ra.

Điều trị bệnh cúm

Điều trị bệnh cúm

Các thuốc kháng sinh không có tác dụng diệt virut. Trong nhiều năm qua, 4 loại thuốc điều trị cúm đã được sử dụng. Các thuốc này ngăn cản sự nhân lên của virut cúm. Nếu uống thuốc trước khi bị bệnh hay trong 2 ngày đầu của bệnh, những thuốc này có thể làm bệnh nhẹ hơn hay giảm số ngày bị bệnh.
Đối với các trường hợp cúm nặng, cần phải nhập viện, chăm sóc tăng cường và điều trị kháng sinh để đề phòng nhiễm khuẩn thứ phát và hỗ trợ hô hấp.

Phòng ngừa bệnh cúm

Phòng ngừa bệnh cúm

Nhiều loại văcxin cúm đã được sử dụng trong hơn 60 năm qua. Các văcxin cúm là an toàn và có hiệu quả phòng các thể nhẹ và nặng của cúm, tỷ lệ bảo vệ tương đối cao 70-90%. Ở người già, văcxin cúm làm giảm 60% tỷ lệ mắc bệnh và 70-80% tỷ lệ tử vong có liên quan đến cúm.
Hiệu quả bảo vệ của văcxin cúm phụ thuộc vào tuổi tiêm và đáp ứng miễn dịch của người được tiêm văcxin, mức độ giống nhau giữa thành phần virút của văcxin và các virut hiện đang lưu hành. Tiêm văcxin cúm có thể làm giảm chi phí cho chăm sóc y tế và tình trạng mất ngày công lao động do bị bệnh.
Có 2 loại văcxin cúm: văcxin sống giảm độc lực và văcxin bất hoạt. Cả hai loại văcxin này đều chứa các chủng virut được khuyến cáo hàng năm: virút cúm A(H3N2); virut cúm A (H1N1); và virut cúm B. Các thành phần của văcxin hàng năm cần phải thay đổi dựa trên cơ sở chủng virut hiện tại đang lưu hành được phát hiện thông qua chương trình giám sát cúm toàn cầu. Ví dụ văcxin mùa cúm 2007-2008 bao gồm các kháng nguyên: cúm A/Solomon Islands/3/2006 (H1N1), cúm A/Wisconsin/ 67/2005 (H3N2) và cúm B/Malaysia/2506/2004.
Cần phải tiêm phòng cho cộng đồng hàng năm trước mùa cúm. Những người nên tiêm văcxin cúm hàng năm là những người có nguy cơ mắc bệnh cúm và có nguy cơ có biến chứng cao của bệnh cúm, bao gồm:
  • Tất cả trẻ em từ 6 đến 23 tháng và những người từ 65 tuổi trở lên;
  • Người lớn và trẻ em từ 6 tháng trở lên bị bệnh tim hoặc phổi mạn tính, bệnh hen, rối loạn chuyển hóa (ví dụ bệnh tiểu đường), bệnh thận mạn tính, hoặc suy giảm hệ miễn dịch.
  • Phụ nữ dự định có thai trong mùa bệnh cúm;
  • Những người sống trong các nhà dưỡng lão và các cơ sở chăm sóc dài hạn.
  • Những người tiếp xúc mật thiết với các bệnh nhân như cán bộ y tế, người cùng nhà với bệnh nhân....
Chống chỉ định dùng văcxin đối với người có dị ứng với protein trứng hoặc với các thành phần khác của văcxin.

Những lưu ý khi dùng thuốc chữa cảm cúm

Những lưu ý khi dùng thuốc chữa cảm cúm

Triệu chứng thường gặp khi cảm cúm là sốt và nhức đầu. Cần hiểu rõ tình trạng bệnh là cảm cúm thường hay có ho để chọn thuốc chữa cảm cúm cho đúng.

Lưu ý dùng thuốc tân dược chữa cảm cúm

  • Khi thân nhiệt cao hơn bình thường, từ 38oC- 38,9oC là sốt nhẹ, trên 39oC là sốt cao. Sốt quá cao có thể gây co giật, thậm chí tổn thương não ở trẻ sơ sinh.
  • Paracetamol tương đối an toàn nhưng phải dùng thuốc đúng liều
  • Cảm cúm thường: biểu hiện hắt hơi, sổ mũi, ngạt mũi, toàn thân đau nhức, cơ thể mỏi mệt. Người bệnh có thể dùng thuốc điều trị cảm cúm 3 thành phần Paracetamol; kháng histamin trị dị ứng là Clorpheniramin và Phenylpropanolamin tác dụng co mạch, tan máu, chống sung huyết ở niêm mạc mũi, trị ngạt mũi, sổ mũi.
  • Không dùng thuốc kháng histamin cho phụ nữ có thai, người cần tỉnh táo như lái xe, vận hành máy móc. Không dùng thuốc chứa chất co mạch giảm sung huyết cho người cao huyết áp, cường tuyến giáp.
  • Paracetamol tương đối an toàn nhưng phải dùng thuốc đúng liều và không được dùng quá thường xuyên.
  • Khi bị cảm cúm, người bệnh nên nghỉ ngơi, uống nhiều nước (có thể bổ sung nước bằng oresol), ăn thức ăn dễ tiêu như cháo, súp... Tiêm vắc-xin ngừa cúm vào mùa thu là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu, duy trì miễn dịch và kháng lại các chủng vi-rút cúm.
  • Cảm cúm có ho: biểu hiện hắt hơi, sổ mũi, ngạt mũi, đau đầu, ho, rát họng kèm sốt cao. Nên chọn thuốc điều trị cúm có 6 thành phần tương ứng: Phenylephrine, Hydrochloride (PE); Paracetamol; Caffeine; Noscapine giảm ho; chất giúp long đờm như Terpin Hydrat và Vitamin C (giúp tăng sức đề kháng).
  • Các loại tân dược chữa cảm cúm được bán không cần đơn (thuốc OTC) ở các nhà thuốc, phục vụ mọi lúc mọi nơi. Tuân thủ đơn thuốc, chỉ định dùng thuốc của bác sĩ, nên dùng đủ liều để tránh kháng thuốc, không lạm dụng, tự ý mua thuốc để tránh những tác hại không mong muốn:
Tránh hại gan: Nếu không sốt cao (trên 38oC), không đau nhức (đau đầu và cơ thể) thì không dùng paracetamol (acetaminophen).
Tránh quá liều: Cùng một lúc không dùng nhiều thuốc chứa paracetamol: nếu đã tiêm thì không uống, nếu dùng thuốc uống thì không dùng thuốc viên đặt hậu môn.
Tránh đột quỵ: Người mắc bệnh tim mạch, đái tháo đường, cao huyết áp… tuyệt đối không dùng biệt dược chứa Phenylpropanolamin, Pseudoephedrin.
Không dùng Clorpheniraminmaleat và các biệt dược chứa chất này cho trẻ sơ sinh, người mang thai 3 tháng cuối hoặc đang cho con bú, bệnh nhân đang lên cơn hen, phì đại tuyến tiền liệt, thiên đầu thống, tắc môn vị, tá tràng, loét dạ dày…
Nếu cảm cúm nhẹ như hắt hơi, chảy nước mũi trong… người bệnh chỉ cần uống thuốc kháng histamin H1 như Clorpheniramin Maleat hoặc Loratadin,Cetirizin… là khỏi.
Trường hợp bệnh nặng gây nhức đầu, sốt cao, biến chứng thành viêm phổi, viêm phế quản… thì sau 10 ngày uống thuốc không khỏi cần đi khám để được chữa trị kịp thời.

Lưu ý dùng thuốc đông dược chữa cảm cúm

Thuốc giải biểu: Viên khung chỉ với dược chất xuyên khung, bạch chỉ, hương phụ, cam thảo bắc được nhiều cơ sở sản xuất. Cảm xuyên hương, cảm tế xuyên, comazin (gừng khô, quế và 4 dược chất như viên khung chỉ).
Các thuốc có cùng công thức như cảm xuyên hương chỉ dùng khi cảm lạnh, không dùng cho người bị cảm nắng sẽ khiến bệnh nặng thêm. Không dùng cho phụ nữ có thai và đang cho con bú.
Các loại thuốc chứa tinh dầu như dầu gió, dầu khuynh diệp, cao sao vàng... có thể dùng cạo gió, xoa 2 bên thái dương, cổ họng, ngực hoặc cho vào nước nóng để xông mũi. Tuyệt đối không dùng các loại có chứa tinh dầu bạc hà cho trẻ dưới 6 tuổi gây ức chế hô hấp, thậm chí ngừng tim, ngừng thở.

Lời khuyên chọn thuốc chữa cảm cúm an toàn

  • Thường xuyên vệ sinh tủ thuốc, loại bỏ các thuốc quá hạn sử dụng
  • Hạn sử dụng: Thuốc cắt khỏi vỉ hay bóc khỏi bao phim thường khó biết chính xác thời gian sử dụng nên cần kiểm soát tốt hạn sử dụng của các loại thuốc.
  • Đọc kĩ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng, nắm rõ thành phần của từng loại thuốc. Nhiều thuốc chữa cảm cúm có chất kháng histamin như Clorpheniramin Maleat gây buồn ngủ nên người lái xe, vận hành máy móc… không nên dùng.
  • Thương hiệu có uy tín: Các thương hiệu nổi tiếng, đáng tin cậy trên thị trường thường tuân thủ đúng quy trình sản xuất an toàn, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng.
  • ‘Chăm sóc’ tủ thuốc gia đình:
    • Vệ sinh tủ thuốc: loại bỏ các thuốc quá hạn sử dụng, mua mới những thuốc cần thiết.
    • Vị trí đặt tủ thuốc: chọn nơi thoáng mát, không để tủ thuốc gần cửa sổ, tránh ánh nắng trực tiếp hoặc nhiệt độ cao như nhà bếp sẽ không tốt cho việc bảo quản thuốc.
    • Tủ thuốc di động với các loại thuốc chữa cảm cúm có thành phần caffeine (không gây buồn ngủ) dành cho nhân viên văn phòng, tài xế...
    • Lưu trữ thuốc: luôn dự trữ thuốc chữa cảm cúm thông thường (3 thành phần) và cảm cúm có ho (6 thành phần) để đẩy lùi triệu chứng khó chịu khi bị cảm cúm.
    • Những lưu ý khi dùng thuốc chữa cảm cúm không chỉ giúp bạn tránh được tác dụng phụ của thuốc mà còn đảm bảo sức khỏe cho các thành viên trong gia đình.
Trường Giang
(Nội dung do Chuyên gia Bộ Y tế kiểm duyệt)
 

(nguồn Sức khỏe đời sống và Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe Trung ương)

- 28-05-2018 -

Bài viết liên quan

  • 28-05-2018
    Bệnh động mạch vành có thể mất nhiều năm để tiến triển. Bạn có thể không nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào của bệnh cho đến khi động mạch vành đủ hẹp. Khi đó, bạn có thể gặp các triệu chứng như:
  • 28-05-2018
    Nhiễm Toxoplasma, hay nhiễm ký sinh trùng Toxoplasma, là tình trạng nhiễm trùng gây ra do một loại vi sinh vật sống trên các loài chim, động vật và con người. Nó ảnh hưởng đường tiêu hóa (bao gồm miệng, thực quản, dạ dày, ruột và hậu môn), tim, dây thần
  • 28-05-2018
    Tật nứt đốt sống xảy ra trong tuần thứ ba và thứ tư của thai kỳ khi một phần tủy sống của thai nhi đóng không đúng cách. Kết quả là đứa trẻ được sinh ra với một phần của tủy sống bị hở ở mặt sau. Mặc dù các nhà khoa học tin rằng yếu tố di truyền và môi
  • 28-05-2018
    Thoái hoá điểm vàng (hoặc thoái hóa hoàng điểm) là một tình trạng bệnh lý xảy ra và gây tổn thương ở điểm vàng (hoàng điểm) của mắt. Điểm vàng là một điểm nhỏ bằng cỡ chữ o (font chữ 12) nằm tại trung tâm võng mạc ở phần sau nhãn cầu. Bình thường, điểm
  • 17-10-2018

    Bệnh rễ thần kinh cổ, hay còn gọi là bệnh lý rễ tủy cổ, là những tổn thương của rễ thần kinh gần các đốt sống cổ. Các rễ thần kinh thứ sáu và thứ bảy thường bị ảnh hưởng nhiều nhất.

  • 28-05-2018
    Túi phình mạch não là chỗ phồng hay phình ra của mạch máu não, nhìn giống như quả dâu treo trên cuống. Túi phình có thể dò hay vỡ, gây chảy máu trong não (đột quỵ xuất huyết). Hầu hết túi phình vỡ xảy ra trong khoảng giữa não và lớp mô mỏng bao quanh