Tiền sản giật

Tiền sản giật được định nghĩa là tình trạng huyết áp cao và protein dư thừa trong nước tiểu sau tuần thai thứ 20 ở phụ nữ có huyết áp bình thường trước đó. Sự tăng huyết áp nhẹ cũng có thể là dấu hiệu của tiền sản giật. Nếu không điều trị, tiền sản giật

Tiền sản giật là bệnh gì?

Tiền sản giật
(Ảnh minh họa)

Tiền sản giật được định nghĩa là tình trạng huyết áp cao và protein dư thừa trong nước tiểu sau tuần thai thứ 20 ở phụ nữ có huyết áp bình thường trước đó. Sự tăng huyết áp nhẹ cũng có thể là dấu hiệu của tiền sản giật. Nếu không điều trị, tiền sản giật có thể dẫn đến biến chứng nghiêm trọng – thậm chí gây tử vong – cho cả mẹ và em bé.
Nếu bạn bị tiền sản giật, cách chữa khỏi hoàn toàn là hạ sinh em bé. Nếu bạn được chẩn đoán bị tiền sản giật quá sớm trong thai kỳ, bạn và bác sĩ sẽ phải đối mặt với một nhiệm vụ đầy thách thức. Khi đó em bé cần thêm thời gian để trưởng thành, nhưng bạn cần phải tránh đặt mình hay con mình vào nguy cơ bị biến chứng nghiêm trọng.

Triệu chứng của tiền sản giật

Tiền sản giật có thể phát triển dần dần nhưng thường bắt đầu đột ngột, sau 20 tuần của thai kỳ. Tiền sản giật có thể từ nhẹ đến nặng. Nếu bạn có huyết áp bình thường trước khi mang thai, dấu hiệu của tiền sản giật có thể bao gồm:

  • Tăng huyết áp (huyết áp cao) – cao hơn 140/90mm thủy ngân (mmHg) – đo được tại trên hai thời điểm cách nhau ít nhất 6 giờ và không quá 7 ngày;
  • Dư protein trong nước tiểu (protein niệu);
  • Đau đầu trầm trọng;
  • Thay đổi thị lực, bao gồm cả mất thị lực tạm thời, mờ mắt hoặc nhạy sáng;
  • Đau bụng trên, thường là dưới xương sườn bên phải;
  • Buồn nôn hoặc nôn;
  • Chóng mặt;
  • Giảm lượng nước tiểu;
  • Tăng cân đột ngột, thường là hơn 2 pounds (0,9 kg) một tuần;
  • Sưng (phù), đặc biệt là ở mặt và tay, thường đi kèm với chứng tiền sản giật. Tuy nhiên, sưng không được coi là một dấu hiệu đáng tin cậy báo hiệu tiền sản giật vì nó cũng có thể xảy ra trong trường hợp mang thai bình thường.

Khi nào nên khám bác sĩ?

Đi khám bác sĩ hoặc Gọi thoại - Gọi video với bác sĩ chuyên khoa Phụ sản trên hệ thống khám từ xa Wellcare ngay lập tức nếu bạn bị nhức đầu dữ dội, nhìn mờ hoặc đau bụng dữ dội.
Nhức đầu, buồn nôn, và đau nhức là những triệu chứng thông thường khi mang thai, rất khó để nhận biết khi nào là triệu chứng thai kỳ bình thường và khi nào là dấu hiệu cảnh báo nghiêm trọng – đặc biệt là khi bạn mang thai lần đầu. Nếu có lo lắng về các triệu chứng của tiền sản giật, hãy liên hệ với bác sĩ để được tư vấn thêm.

Nguyên nhân của tiền sản giật

Tiền sản giật thường được gọi là nhiễm độc thai nghén bởi nó được cho là gây ra bởi một loại độc tố trong máu của người mẹ. Lý thuyết này đã được loại bỏ, nhưng các nhà nghiên cứu vẫn chưa xác định nguyên nhân gây ra tiền sản giật. Nguyên nhân có thể có thể bao gồm:

  • Không đủ máu chảy vào tử cung;
  • Tổn thương các mạch máu;
  • Trục trặc ở hệ thống miễn dịch;
  • Chế độ ăn uống nghèo nàn.

Yếu tố nguy cơ gây tiền sản giật

Tiền sản giật chỉ phát triển trong thời gian mang thai. Những yếu tố nguy cơ bao gồm:

  • Đã từng bị tiền sản giật. Bản thân hoặc có người trong gia đình đã bị tiền sản giật làm tăng nguy cơ phát triển bệnh này.
  • Mang thai lần đầu. Nguy cơ tiền sản giật cao nhất khi mang thai lần đầu.
  • Quan hệ cha con mới. So với việc có thai với cùng một người, việc mang thai với chồng mới làm tăng nguy cơ tiền sản giật trong 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối thai kỳ.
  • Tuổi. Nguy cơ tiền sản giật cao hơn đối với phụ nữ mang thai dưới 20 và trên 40 tuổi.
  • Béo phì. Nguy cơ tiền sản giật cao hơn nếu bạn đang bị béo phì.
  • Đa thai. Tiền sản giật phổ biến hơn ở những phụ nữ đang có thai sinh đôi, sinh ba hoặc nhiều hơn.
  • Thời gian giữa hai lần mang thai dài. Điều này dường như làm tăng nguy cơ tiền sản giật.
  • Bệnh tiểu đườngtiểu đường thai kỳ. Những phụ nữ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ có nguy cơ tiến triển thành tiền sản giật cao hơn vào giai đoạn cuối.
  • Mắc một số bệnh khác. Có một số bệnh nhất định trước khi mang thai như bị cao huyết áp mãn tính, đau nửa đầu, bệnh tiểu đường, bệnh thận, viêm khớp dạng thấp hoặc lupus… làm tăng nguy cơ tiền sản giật.

Các nhà nghiên cứu đang xem xét sự liên hệ giữa những yếu tố dưới đây với việc tăng nguy cơ bị tiền sản giật:

  • Mắc những bệnh khác. Có một số bằng chứng cho thấy cả hai bệnh nhiễm trùng đường tiết niệubệnh nha chu trong thai kỳ có liên quan với việc tăng nguy cơ tiền sản giật. Nếu vậy, việc dùng thuốc kháng sinh có thể giúp ngăn ngừa. Vấn đề này cần được nghiên cứu nhiều hơn nữa.
  • Thiếu vitamin D. Một số bằng chứng cho thấy việc thiếu vitamin D làm tăng nguy cơ tiền sản giật, và việc bổ sung vitamin D trong những tháng đầu của thai kỳ có thể giúp phòng chống. Vấn đề này cần được nghiên cứu nhiều hơn nữa.
  • Có một số protein ở mức cao. Phụ nữ mang thai có nồng độ của một số protein cao trong máu hoặc nước tiểu có nhiều khả năng bị tiền sản giật hơn những phụ nữ khác. Những protein này ảnh hưởng đến sự phát triển và chức năng của mạch máu và chúng là bằng chứng ủng hộ cho giả thuyết rằng tiền sản giật xảy ra do bất thường ở mạch máu nuôi dưỡng nhau thai. Mặc dù cần thêm nhiều nghiên cứu, phát hiện trên mở ra hi vọng rằng trong tương lai sẽ có xét nghiệm máu hoặc nước tiểu để đánh giá nguy cơ tiền sản giật hiệu quả.

Biến chứng của tiền sản giật

Hầu hết phụ nữ bị tiền sản giật sinh con khỏe mạnh. Tuy nhiên, tiền sản giật xuất hiện càng sớm và càng nghiêm trọng thì mẹ và bé càng có nhiều rủi ro. Tiền sản giật có thể yêu cầu khởi phát chuyển dạ và hạ sinh để giải quyết tình hình. Sinh mổ không phải là luôn luôn cần thiết trong những trường hợp này. Tuy nhiên, bác sĩ có thể khuyên bạn nên mổ lấy thai nếu việc chuyển dạ là khó khăn do tuổi thai của em bé. Tuổi thai càng nhỏ, khởi phát chuyển dạ càng khó.

Các biến chứng của tiền sản giật có thể bao gồm:

  • Thiếu máu đến nhau thai. Tiền sản giật ảnh hưởng đến các động mạch mang máu đến nhau thai. Nếu nhau thai không nhận đủ máu, thai có thể thiếu oxy và chất dinh dưỡng. Điều này có thể làm em bé chậm tăng trưởng, sinh nhẹ cân, sinh non và khó thở.
  • Bong nhau sớm. Tiền sản giật làm tăng nguy cơ nhau bong non, tình trạng nhau thai tách ra khỏi thành trong của tử cung trước khi sinh. Bong nhau nghiêm trọng có thể gây chảy máu nặng và đe dọa tính mạng của cả mẹ và bé.
  • Hội chứng HELLP. HELLP là viết tắt của tập hợp nhiều triệu chứng bao gồm hiện tượng tán huyết (Hemolysis, sự phá hủy của các tế bào hồng cầu), tăng men gan ( Elevated liver enzymes) và có mức tiểu cầu thấp ( Low platelet count). Hội chứng này có thể nhanh chóng trở nên nguy hiểm đến mức đe dọa tính mạng của mẹ và bé. Các triệu chứng của hội chứng HELLP bao gồm buồn nôn và ói mửa, nhức đầu, đau bụng trên bên phải. Hội chứng HELLP là đặc biệt nguy hiểm vì nó có thể xảy ra trước khi xuất hiện dấu hiệu hoặc triệu chứng của tiền sản giật.
  • Sản giật. Khi tiền sản giật không được kiểm soát, sản giật – tình trạng tiền sản giật cộng với động kinh – có thể xuất hiện. Các triệu chứng của sản giật bao gồm đau bụng trên bên phải, nhức đầu dữ dội, giảm thị lực và thay đổi tri giác, chẳng hạn như không còn tỉnh táo. Sản giật có thể làm những cơ quan quan trọng như não, gan, thận… bị tổn thương vĩnh viễn. Nếu không điều trị, sản giật có thể gây hôn mê, tổn thương não và tử vong cho cả mẹ và bé.
  • Bệnh tim mạch. Bị tiền sản giật có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch trong tương lai.

Xét nghiệm chẩn đoán bệnh tiền sản giật

Tiền sản giật thường được phát hiện trong quá trình kiểm tra sức khỏe trước sinh qua việc theo dõi huyết áp và xét nghiệm nước tiểu định kỳ. Chẩn đoán phụ thuộc vào sự hiện diện của cao huyết áp và protein trong nước tiểu sau tuần thứ 20 của thai kỳ. Một số chất được gọi là chất đánh dấu sinh hóa (biochemical markers) trong máu và nước tiểu có thể giúp cảnh báo tiền sản giật. Đó là một trong những lý do vì sao việc được chăm sóc thai sớm và thường xuyên trong suốt thai kỳ là rất cần thiết.
Huyết áp vượt quá mức 140/90 mmHg là bất thường trong thai kỳ. Tuy nhiên, cao huyết áp ở một lần khám không có nghĩa là bạn bị tiền sản giật. Nếu bạn có chỉ số huyết áp cao bất thường, bác sĩ sẽ theo dõi sát sao hơn. Khi sự bất thường này được ghi nhận ở lần khám thứ hai cách lần trước hơn 6 tiếng, chẩn đoán tiền sản giật mới được khẳng định. Bạn cũng có thể cần phải đo huyết áp thêm vài lần và đo lượng protein trong nước tiểu.

Xét nghiệm bổ sung tiền sản giật

Nếu bạn được chẩn đoán tiền sản giật, bác sĩ có thể khuyên bạn nên làm thêm các xét nghiệm bổ sung, bao gồm:

  • Xét nghiệm máu. Xét nghiệm máu có thể đánh giá chức năng gan và thận cũng như số lượng tiểu cầu – các tế bào giúp quá trình đông máu.
  • Xét nghiệm nước tiểu đã được lưu trữ. Mẫu nước tiểu được thu thập ít nhất qua 12 giờ và cho đến 24 giờ có thể xác định chính xác lượng protein bị thoát ra ngoài qua nước tiểu. Đây là một chỉ số đánh giá mức độ nghiêm trọng của tiền sản giật.
  • Siêu âm thai nhi. Bác sĩ cũng có thể đề nghị giám sát chặt chẽ sự phát triển của em bé, thường là thông qua siêu âm. Khảo sát này hướng sóng âm thanh có tần số cao (siêu âm) vào các mô trong vùng bụng. Các sóng âm thanh dội lại từ các đường cong và các cơ quan, vật thể trong cơ thể, bao gồm cả thai nhi. Các sóng âm thanh dội lại này được chuyển thành hình ảnh của em bé trên màn hình và chúng có thể được lưu lại.
  • Kiểm tra không kích thích (Nonstress test) hoặc trắc đồ sinh lý (Biophysical profile). Những khảo sát này giúp chắc chắn rằng thai nhi đang nhận được đủ oxy và chất dinh dưỡng. Nonstress test là kiểm tra đơn giản để dựa trên việc đếm cử động của thai nhi và nghe tim thai. Em bé có tình trạng tốt nếu trong 20 phút có hơn 2 lần tăng nhịp tim mà mỗi lần tăng ít nhất 15 nhịp/phút trong ít nhất 15 giây. Trắc đồ sinh lý kết hợp siêu âm với nonstress test để cung cấp thêm thông tin về cách thở, nhịp điệu, chuyển động của thai nhi và thể tích nước ối trong tử cung.

Điều trị tiền sản giật

Cách chữa trị hoàn toàn duy nhất cho tiền sản giật là sinh em bé ngay. Nếu không bạn có nguy cơ bị co giật, bong nhau sớm, đột quỵ và có thể xuất huyết (chảy máu) nặng đến mức tụt huyết áp. Tất nhiên, nếu thai vẫn còn quá nhỏ, việc sinh ngay có thể không phải là điều tốt nhất cho em bé.
Nếu bạn đã bị tiền sản giật trong một hoặc nhiều lần mang thai trước, một số chuyên gia khuyên bạn nên thăm khám thai thường xuyên hơn. Bác sĩ có thể yêu cầu bạn đi khám hai tuần một lần, bắt đầu từ tuần thứ 20 đến tuần 32 của thai kỳ, và sau đó là mỗi tuần một lần cho đến khi sinh.

Thuốc men

Bác sĩ có thể đề nghị những thuốc sau đây:

  • Thuốc để hạ huyết áp. Thuốc hạ huyết áp được sử dụng để giảm huyết áp cho đến sau khi sinh.
  • Corticosteroid. Nếu bạn bị tiền sản giật nặng hoặc hội chứng HELLP, thuốc corticosteroid có thể tạm thời cải thiện chức năng gan và tiểu cầu để giúp kéo dài thời gian mang thai. Corticosteroid cũng có thể giúp phổi thai nhi trưởng thành hơn trong ít nhất là 48 giờ – một bước quan trọng trong việc giúp thai sinh non chuẩn bị cho cuộc sống ngoài tử cung.
  • Thuốc chống co giật. Nếu tình trạng tiền sản giật là nghiêm trọng, bác sĩ có thể đề nghị dùng thuốc chống co giật, chẳng hạn như magnesium sulfate, để ngăn chặn những cơn động kinh đầu tiên.

Nghỉ ngơi

Nếu bạn không ở giai đoạn gần cuối của thai kỳ và chỉ bị tiền sản giật nhẹ, bác sĩ có thể khuyên bạn nên nghỉ ngơi để giảm huyết áp và tăng lượng máu đến nhau thai, cho bé có thời gian để trưởng thành. Bạn có thể cần phải nằm trên giường và chỉ ngồi hoặc đứng khi cần thiết. Bạn cũng có thể ngồi trên ghế hoặc trên giường và hạn chế hoạt động tối đa. Bác sĩ có thể đề nghị gặp bạn vài lần một tuần để kiểm tra huyết áp, nồng độ protein trong nước tiểu và đánh giá sức khỏe thai nhi.
Nếu bạn bị tiền sản giật nặng hơn, bạn có thể cần nghỉ ngơi tại bệnh viện. Trong bệnh viện, bạn có thể làm nonstress test hoặc trắc đồ sinh lý thường xuyên để theo dõi sức khỏe của thai nhi cũng như theo dõi lượng nước ối. Thiếu nước ối là dấu hiệu của việc thiếu máu cung cấp cho thai nhi.

Sinh chủ động

Nếu bạn được chẩn đoán tiền sản giật ở gần cuối thai kỳ, bác sĩ có thể đề nghị khởi phát chuyển dạ ngay. Sự sẵn sàng của cổ tử cung – cho dù nó chỉ mới bắt đầu mở (giãn), mỏng và mềm – cũng có thể là một yếu tố trong việc xác định có nên và khi nào nên khởi phát chuyển dạ.
Trong những trường hợp nghiêm trọng hơn, tuổi thai hoặc độ mở của cổ tử cung không còn được ưu tiên xem xét nữa. Nếu không thể chờ đợi, bác sĩ có thể khởi phát quá trình chuyển dạ hoặc lên lịch mổ sớm. Trong thời gian này, bạn có thể được truyền magnesium sulphate qua đường tĩnh mạch để tăng lượng máu vào tử cung và ngăn chặn động kinh.
Sau khi hạ sinh, huyết áp thường trở lại bình thường trong vòng một vài tuần.

Phòng chống tiền sản giật

Hiện tại người ta vẫn chưa biết phương pháp hiệu quả nào để ngăn chặn tiền sản giật. Việc ăn ít muối hoặc thay đổi hoạt động trong khi mang thai không làm giảm bớt nguy cơ. Cách tốt nhất để chăm sóc bản thân và em bé là đi khám thai sớm và thường xuyên. Nếu tiền sản giật được phát hiện sớm, bạn và bác sĩ có thể làm việc cùng nhau để ngăn chặn các biến chứng.
Có một số bằng chứng cho thấy việc dùng một số vitamin nhất định, chẳng hạn như vitamin D, có thể làm giảm nguy cơ tiền sản giật. Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ xem có cho thêm đề nghị gì không. Đừng dùng bất cứ thuốc gì trong thời gian mang thai mà không có ý kiến của bác sĩ.

Biên dịch - Hiệu đính:

Theo Y học cộng đồng

- 17-10-2018 -

Bài viết liên quan

  • 28-05-2018
    Thống kinh (còn gọi là đau bụng kinh) là khi cơn đau xuất hiện cùng với chu kỳ kinh nguyệt.
  • 28-05-2018
    Suy thận mạn tính hay còn gọi là bệnh thận mạn, là quá trình suy giảm chức năng thận dưới mức bình thường. Khi mắc bệnh suy thận mạn tính, thận không thể loại bỏ các chất thải cũng như mất chức năng kiểm soát lượng nước của cơ thể, lượng muối trong máu
  • 28-05-2018
    Mãn kinh nam được cho là tùy thuộc vào tình trạng giảm hormone testosterone ở nam giới cao tuổi. Mãn kinh nam là một hiện tượng y khoa, tương tự như mãn kinh nữ, có thể ảnh hưởng đến nam giới độ tuổi từ 40-55. Không như phụ nữ, nam giới không có các
  • 18-09-2018

    Bạch hầu là một bệnh truyền nhiễm – cấp tính do vi khuẩn bạch hầu có tên khoa học Corynebacterium diphtheriae gây nên. Bệnh có thể lây truyền qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với người bệnh.. Vi khuẩn Bạch hầu thường xâm nhiễm vào mũi và vùng hầu

  • 28-05-2018
    Đau khi giao hợp là hiện tượng thường thấy – khoảng 3 trong 4 phụ nữ bị đau khi giao hợp trong suốt quãng đời của họ. Với vài người, sự đau đớn chỉ là nhất thời nhưng những người khác thì lại là vấn đề dai dẳng.
  • 19-03-2019

    Bệnh chốc là một bệnh nhiễm trùng ở da khá phổ biến ở trẻ em. Bệnh rất dễ lây lan, bắt đầu là một nốt mụn đỏ trên mặt, thường quanh mũi và miệng, sau đó vỡ ra nhanh chóng, chảy dịch hoặc mủ và đóng vảy màu nâu.