Sơ cứu Vết côn trùng cắn và vết đốt

Hầu hết các phản ứng khi bị côn trùng cắn và đốt đều nhẹ, gây đỏ, ngứa, đau nhức hoặc sưng nhẹ. Hiếm khi, vết côn trùng cắn và đốt, chẳng hạn do ong, ong vò vẽ, ong bắp cày, kiến lửa hoặc bọ cạp, có thể dẫn đến các phản ứng nghiêm trọng. Một vài loại côn trùng cũng có thể mang bệnh, ví dụ vi rút West Nile.
Sơ cứu Vết côn trùng cắn và vết đốt
(Hình minh họa)

Đối với các phản ứng nhẹ

Cách chăm sóc vết côn trùng đốt hoặc cắn gây các phản ứng nhẹ:
  • Di chuyển đến một khu vực an toàn để tránh bị đốt hoặc cắn nhiều hơn.
  • Nếu cần, lấy ngòi côn trùng chích ra.
  • Rửa vùng đó với xà phòng và nước.
  • Chườm gạc lạnh. Sử dụng một miếng vải được làm ướt bằng nước lạnh hoặc bọc đá bên trong. Cách này giúp giảm đau và sưng. Nếu bị thương ở chân hoặc tay, hãy nâng vùng bị thương lên.
  • Bôi kem, chất gel hoặc kem dưỡng da vào vùng bị thương. Sử dụng các sản phẩm có chứa các thành phần như hydrocortisone, pramoxine hoặc lidocaine để kiểm soát cơn đau. Sử dụng các loại kem chẳng hạn như calamine lotion (thuốc trị dị ứng, rôm sảy) hoặc những loại có chứa chất keo bột yến mạch hay baking soda giúp làm dịu vùng da bị ngứa.
  • Sử dụng thuốc không kê toa. Thử dùng thuốc giảm đau chẳng hạn như acetaminophen (Tylenol,...) hoặc ibuprofen (Advil, Motrin IB,...), hoặc antihistamine (Benadryl, Chlor-Trimeton,...).
Các dấu hiệu và triệu chứng của vết cắn (đốt) do côn trùng thường tự biến mất trong vòng 1 đến 2 ngày. Nếu bạn quan tâm, thậm chí khi bạn chỉ có phản ứng nhẹ, hãy gọi cho bác sĩ.

Khi nào cần đến bệnh viện

Gọi 115 hoặc số cấp cứu địa phương nếu người bị côn trùng đốt có dấu hiệu sau:
  • Khó thở
  • Sưng môi, mí mắt hoặc họng
  • Choáng váng, ngất xỉu hoặc lú lẫn
  • Nhịp tim nhanh
  • Nổi mề đay
  • Buồn nôn, chuột rút hoặc ói mửa
  • Trẻ bị bọ cạp đốt
Thực hiện các hành động này ngay lập tức trong khi chờ hỗ trợ y tế:
  • Hỏi người đó xem có mang theo dụng cụ tiêm thuốc epinephrine tự động (EpiPen, Auvi-Q,...) để trị cơn dị ứng hay không.
  • Nếu người đó cần sử dụng dụng cụ tiêm tự động, hãy hỏi người đó có cần bạn giúp tiêm thuốc không. Tiêm thuốc bằng cách nhấn nút tự động tiêm vào đùi và giữ nó tại chỗ trong vài giây.
  • Nới lỏng quần áo và đắp chăn. Không cho uống bất cứ thứ gì.
  • Để người đó nằm nghiêng một bên để tránh bị nghẹt thở nếu có nôn mửa hoặc chảy máu từ miệng.
  • Thực hiện hồi sức tim phổi nếu không thấy có dấu hiệu tuần hoàn, chẳng hạn như thở, ho hoặc cử động.


(Nguồn: Mayo Clinic)

- 28-05-2018 -