Sơ cứu Sốc do điện giật

Mức độ nguy hiểm do điện giật tùy thuộc vào loại dòng điện, cường độ điện thế, vị trí dòng điện đi vào và ra khỏi cơ thể, tình trạng sức khỏe của người bị điện giật và thời gian được cấp cứu sớm hay muộn.
Sơ cứu Sốc do điện giật
(Hình minh họa)

Sốc điện có thể gây bỏng, hoặc không để lại dấu vết rõ ràng trên da. Trong cả hai trường hợp, dòng điện đi qua cơ thể có thể gây tổn thương bên trong, ngừng tim hoặc các tổn thương khác. Trong một số trường hợp, lượng điện nhỏ cũng có thể gây tử vong.
Người bị thương do tiếp xúc với nguồn điện cần được bác sĩ khám và theo dõi.

Chú ý

  • Không được chạm vào nạn nhân nếu người đó vẫn còn tiếp xúc với dòng điện.
  • Gọi 115 hoặc số khẩn cấp của bệnh viện địa phương nếu nguồn điện là dây cao áp hoặc sét đánh. Không được đến gần dây điện cao áp cho đến khi nguồn điện được ngắt do đường dây điện trên cao thường không được cách điện. Tránh xa ít nhất 6 mét, xa hơn nếu dây điện đang phát lửa.
  • Không được di chuyển người bị bỏng điện, trừ khi người ấy đang trong tình trạng nguy hiểm khẩn cấp.

Khi nào cần đi cấp cứu?

  • Bỏng nặng
  • Đầu óc không minh mẩn
  • Khó thở
  • Các vấn đề về nhịp tim (rối loạn nhịp tim)
  • Tim ngừng đập
  • Đau cơ và co thắt
  • Động kinh
  • Mất ý thức
Thực hiện các bước sơ cứu dưới đây trong khi chờ nhân viên y tế đến:
  • Tắt nguồn điện nếu có thể. Nếu không, bạn hãy dùng một vật khô không dẫn điện làm từ bìa cứng, nhựa hay gỗ để tách nguồn điện ra khỏi nạn nhân.
  • Tiến hành hồi sức tim phổi ngay lập tức nếu nạn nhân không có dấu hiệu tuần hoàn (thở, ho hay cử động).
  • Tránh để nạn nhân bị lạnh.
  • Che khu vực bị thương bằng băng gạc vô trùng (nếu có) hoặc vải sạch. Không sử dụng chăn hoặc khăn tắm, vì các sợi lông có thể dính vào vết bỏng.


(Nguồn: Mayo Clinic)

- 28-05-2018 -