Sơ cứu Trầy xước giác mạc

Trầy xước giác mạc là một vết xước nông trên bề mặt “cửa sổ” bảo vệ trong suốt nằm ở phía trước của mắt (giác mạc). Việc tiếp xúc với bụi bẩn, cát, mùn cưa, các mảnh kim loại nhỏ, kính áp tròng, thậm chí là các cạnh giấy cũng có thể gây xước hoặc rách giác mạc. Trầy xước giác mạc gây ra bởi các loại thực vật (như lá thông) cần được chú ý vì nó có thể gây ra tình trạng viêm kéo dài trong mắt (viêm mống mắt).
Sơ cứu Trầy xước giác mạc
(Hình minh họa)

Triệu chứng

  • Đau
  • Cảm giác cộm mắt
  • Chảy nước mắt
  • Mắt đỏ
  • Nhạy cảm với ánh sáng
  • Đau đầu

Cách xử lý khi bị trầy xước giác mạc

Trong trường hợp bị xước giác mạc, bạn cần phải đi khám bác sĩ kịp thời. Nếu không được điều trị, nó có thể bị nhiễm trùng và dẫn đến loét giác mạc. Các bước bạn nên làm ngay sau khi bị xước giác mạc:
  • Rửa mắt bằng nước sạch hoặc dung dịch nước muối. Dùng cốc rửa mắt hoặc cốc thủy tinh nhỏ, sạch, đặt mép cốc tì vào xương hốc mắt. Nếu chỗ làm việc có nơi rửa mắt, hãy tận dụng nó. Rửa mắt có thể lấy đi các dị vật ra khỏi mắt.
  • Chớp mắt nhiều lần. Động tác này giúp loại bỏ những vật nhỏ như bụi hoặc cát.
  • Kéo mi mắt trên xuống mi mắt dưới. Cách này có thể khiến bạn chảy nước mắt giúp rửa trôi các dị vật. Lông mi của mi mắt dưới có thể chải đi dị vật nằm ở bề mặt trong của mi mắt trên.
Tham khảo các gợi ý sau để tránh làm cho vết thương thêm trầm trọng:
  • Không nên cố lấy dị vật đã cắm vào nhãn cầu. Đồng thời nên tránh cố lấy dị vật lớn gây khó nhắm mắt.
  • Không nên dụi mắt sau khi bị tổn thương.
  • Không chạm vào nhãn cầu bằng gạc bông, nhíp hay bất cứ dụng cụ nào khác.
  • Nếu sử dụng kính áp tròng, đừng đeo nó khi mắt đang lành lại.
Hầu hết tình trạng trầy xước giác mạc thường tự khỏi trong vòng 1 - 2 ngày.


(Nguồn: Mayo Clinic)

- 28-05-2018 -