5 phác đồ điều trị cai nghiện ma túy cơ bản

Việc cai nghiện ma túy không phải đơn giản chỉ là cắt cơn nghiện mà cần có một phác đồ điều trị hoàn chỉnh bởi nếu chỉ cắt cơn nghiện thôi thì khả năng tái nghiện của người nghiện sẽ rất cao. Dưới đây là 5 phác đồ điều trị cai nghiện ma túy cơ bản:

Việc cai nghiện ma túy không phải đơn giản chỉ là cắt cơn nghiện mà cần có một phác đồ điều trị hoàn chỉnh bởi nếu chỉ cắt cơn nghiện thôi thì khả năng tái nghiện của người nghiện sẽ rất cao. Dưới đây là 5 phác đồ điều trị cai nghiện ma túy cơ bản:

1. Tiếp nhận và khám sàng lọc bệnh nhân

Tiêu chuẩn lâm sàng

Theo bảng phân loại bệnh quốc tế lần thứ 10 (ICD10) thì tiêu chuẩn lâm sàng nghiện ma tuý gồm 6 tiêu chuẩn dưới đây. Bệnh nhân có 3/6 tiêu chuẩn thì được chẩn đoán nghiện ma túy qua dấu hiệu lâm sàng:

  • Thèm muốn mãnh liệt dùng chất ma tuý.
  • Có khả năng dung nạp cao đối với ma túy, có khuynh hướng ngày càng tăng liều sử dụng chất ma tuý để thoả mãn nhu cầu.
  • Khó khăn trong việc kiểm soát hành vi sử dụng chất ma túy.
  • Khi ngừng dùng chất ma tuý sẽ xuất hiện hội chứng cai buộc phải dùng trở lại.
  • Sao nhãng các thú vui, thích thú cũ, giành nhiều thời gian để tìm và sử dụng ma túy.
  • Biết rõ tác hại của chất ma túy mà vẫn tiếp tục dùng.

Tiêu chuẩn chẩn đoán hội chứng cai

Hội chứng cai gồm các dấu hiệu như thèm chất ma tuý; ngáp; chảy nước mắt, ngạt mũi hoặc hắt hơi; nổi da gà hoặc ớn lạnh; đau cơ chuột rút; buồn nôn hoặc nôn; tiêu chảy; nhịp tim nhanh hoặc huyết áp tăng; giãn đồng tử; co cứng cơ bụng; ngủ không yên…

Khi bệnh nhân có 3/12 triệu chứng trên thì được chẩn đoán nghiện ma túy qua hội chứng cai

Tiêu chuẩn cận lâm sàng

Là xét nghiệm nước tiểu để tìm Opiats dương tính (NT+). Sau xét nghiệm sẽ không nhận điều trị cai nghiện trong các trường hợp sau:

Theo tiêu chuẩn loại trừ sau xét nghiệm:

  • Những bệnh nhân sau khi xét nghiệm nước tiểu không tìm thấy chất ma tuý
  • Những bệnh nhân xét nghiệm nước tiểu tìm thấy chất ma tuý nhưng không có triệu chứng hội chứng cai.
  • Những bệnh nhân có bệnh cơ thể cấp, mạn tính đã có biểu hiện suy giảm các chức năng nặng như suy tim, suy gan cấp, mãn, suy hô hấp, suy thận…
  • Những bệnh nhân có HIV(+).
  • Những bệnh nhân có tổn thương thực thể não như động kinh, u não, viêm não…
  • Bệnh nhân tâm thần phân liệt, trầm cảm kèm theo nghiện ma túy.

 Tiêu chuẩn loại trừ trong quá trình điều trị:

  • Những trường hợp sau khi vào viện xét nghiệm máu có HIV (+).
  • Những trường hợp có chỉ số chức năng gan (SGOT, SGPT, gGT, Bilirubin) cao gấp 3 lần bình thường.
  • Những trường hợp trong quá trình điều trị phát hiện có bệnh lý cơ thể, tâm thần, não…
  • Những trường hợp phải dừng điều trị khi có lý do chính đáng.

2. Cắt cơn

Cắt cơn là bước đầu tiên và quan trọng nhất để cai nghiện. Để cắt cơn nghiện hiệu quả, trước khi quyết định đi cai nghiện bệnh nhân nên giảm liều sử dụng ma túy theo phương pháp giảm dần, tức là chỉ sử dụng ma túy khi lên cơn nghiện và giảm liều, tức là dùng liều lượng ít dần vừa đủ hết những cảm giác khó chịu, bứt rứt, mệt mỏi.

Khi thực hiện phương pháp giảm dần, bạn nên hạn chế lượng thuốc từ từ và không đột ngột quá, nếu không sẽ dễ lên cơn nghiện khiến cơ thể khó chịu. Nên giảm liều hàng ngày và tốt nhất là từ 7 – 10 ngày, sau đó mới đi cai nghiện thì việc cai nghiện sẽ dễ dàng hơn và bệnh nhân cũng nhanh chóng phục hồi sức khỏe. Đặc biệt nếu bệnh nhân nghiện nhẹ thì có thể cai được luôn.

Bản chất của cơn nghiện là một loại phản xạ có điều kiện của hệ thần kinh trung ương, cũng giống như bữa ăn vậy, khi đói thì bạn sẽ muốn ăn. Do vậy nếu biết cách khống chế phản xạ này thì việc cai nghiện sẽ dễ dàng hơn nhiều. Giai đoạn cắt cơn chỉ khó nhất trong giai đoạn 3 - 4 ngày đầu, sau đó triệu chứng cai sẽ nhẹ nhàng hơn và người nghiện sẽ đỡ khổ sở hơn.

Hiện nay tại Việt Nam và trên thế giới có 12 phương pháp cắt cơn nghiện hiệu quả đã được kiểm chứng. Bạn có thể xem thêm thông tin tại đây: 12 phương pháp cai nghiện ma túy hiệu quả bạn nên biết.

Việc điều trị cắt cơn nghiện là khống chế cho giảm từ từ nồng độ ma túy đưa vào cơ thể nhằm nâng đỡ bệnh nhân để tránh vật vã quá mức khi họ đi cai nghiện. Dưới đây là sơ đồ phản ánh rõ nét sự khác biệt giữa được điều trị và không được điều trị của bệnh nhân khi cai nghiện:

3. Giải độc

Giải độc gan

Ma túy là một chất độc rất có hại cho sức khỏe nên sau khi cắt cơn nghiện, việc cho bệnh nhân giải độc là điều rất quan trọng. Việc giải độc tốt cho bệnh nhân khi cai nghiện sẽ giúp bệnh nhân tránh gặp phải các vấn đề về sức khỏe sau này như suy gan, xơ gan, suy nhược cơ thể, suy nhược thần kinh và bệnh tâm thần… đặc biệt đối với bệnh nhân nghiện Heroine vì loại ma túy này đã bị pha trộn rất nhiều hóa chất độc hại.

Hiện nay, những hóa chất được pha trộn với ma túy chủ yếu là các chất có tác dụng giảm đau và an thần: Paracetamol, Acetaminophen, Analgin, Proxyvon và thuốc ngủ nhóm Barbituric hay Benzodiazepine… rất nguy hại cho sức khỏe nên khi điều trị cho bệnh nhân chúng ta cần có thuốc giải độc đặc hiệu và liều lượng phù hợp để trung hòa hết độc tố, giúp bệnh nhân đỡ mệt mỏi do ngộ độc và còn nhanh chóng tỉnh táo, phục hồi sức khỏe.

Nếu trong quá trình điều trị cai nghiện mà không chú ý đến việc giải độc đặc hiệu, giải độc gan và hỗ trợ giải độc về thần kinh cho người nghiện thì sức khỏe bệnh nhân sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng và thời gian cai nghiện cũng sẽ kéo dài.

Các khắc phục

Khi giải độc gan cho bệnh nhân, các bác sĩ có thể dùng các thuốc như: Biphenyl dimethyl dicarboxylats và Carduus – marianus – extra… hoặc các loại thuốc chiết xuất từ thảo dược có tác dụng tốt để giải độc gan và dùng các thực phẩm giúp tăng cường chức năng gan, giải độc gan, tốt cho cơ thể.

Xem thêm: Chế độ ăn uống, sinh hoạt cho người đang cai nghiện ma túy

Giải độc do sốc thuốc

Bệnh nhân sốc thuốc có các dấu hiệu sau:

  • Lơ mơ, mê sảng, hôn mê.
  • Thở yếu, suy hô hấp, rối loạn nhịp thở và đồng tử co nhỏ.
  • Nhịp tim nhanh hoặc ngừng tim hạ thân nhiệt, hạ đường huyết.

Cách khắc phục 

Trong trường hợp này, các bác sĩ sẽ điều trị bằng các loại thuốc cấp cứu kháng Opiat như: Naloxone, Naltrexone. Bên cạnh đó, bệnh nhân sẽ được cấp cứu bằng các phương tiện hỗ trợ cấp cứu như máy sốc điện, máy SPO2, bình thở ôxy để xử trí kịp thời.

Tuy nhiên, trong quá trình điều trị, sử dụng thuốc điều trị cấp cứu loại ngộ độc này có thể xảy ra hội chứng cai thuốc rầm rộ, vì vậy khi cấp cứu phải thận trọng, có thể cho liều thấp từ 25mg Naltrexone, nếu thấy bệnh nhân chưa tỉnh hẳn sau 20 phút thì lập lại liều tương tự. Phải theo dõi sát diễn biến cho đến khi bệnh nhân tỉnh táo và nhận biết được thì thôi.

Nếu bệnh nhân không uống được thì xử trí đường tĩnh mạch Naloxone 0,4 – 0,6mg, tùy mức ngộ độc nặng hay nhẹ và duy trì đường truyền để xử trí tiếp liều 0,2mg, cho đến khi bệnh nhân tỉnh hẳn.

Giải độc cho hệ thần kinh

Thuốc lắc và ma túy đá gây độc cho cơ thể nhất là hệ thần kinh, gây nên ảo giác hay hoang tưởng và làm mất ngủ kéo dài.

Cách khắc phục

Trong trường hợp này, ta cần điều trị giải độc thần kinh nhiều hơn như B1, B6, B12 liều cao, Bcomplex – C, bổ sung dưỡng não và chống rối loạn tuần hoàn não như: Citicholine, Piracetam và kèm theo Cinarizine…

Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng cần dùng một số thuốc an thần, thuốc ngủ để ngủ sâu hơn, nhằm phục hồi nhanh não bộ – trung tâm điều khiển mọi hoạt động của con người.

Việc điều trị tâm thần cần được tiến hành ngay sau khi bệnh nhân đến điều trị tại cơ sở cai nghiện, đồng thời với cắt cơn và giải độc cho bệnh nhân. Tùy từng trường hợp mà bác sĩ có thể chỉ định cho bệnh nhân sử dụng các loại thuốc như Haloperidol, Aminazine, Amitriptyline hay Loxapine hoặc Risperdal cho bệnh nhân trầm cảm, loạn thần hoặc bị ảo giác.

Theo phương pháp điều trị này, đa số là bệnh nhân phục hồi rất nhanh trong khoảng 10 ngày. Nếu trường hợp bệnh nặng có biểu hiện rối loạn tâm thần thì từ 1 - 3 tháng hoặc lâu hơn và đặc biệt là các loại ma túy kích thần gây ảo giác liều cao sử dụng dài ngày có thể gây ngộ độc hoặc tổn thương thần kinh nặng dẫn đến điên dại và di chứng xấu.

Giải độc qua hệ bài tiết ngoài da

Trong quá trình cắt cơn, giải độc, các bác sĩ cũng sẽ thực hiện việc bù nước, điện giải và năng lượng rất cần thiết cho bệnh nhân để họ có sức chống lại hội chứng cai. Việc bù nước và khoáng cho cơ thể bệnh nhân cần thực hiện sớm để giúp bệnh nhân nhanh chóng phục hồi cơ thể bởi bệnh nhân nghiện ma túy ăn uống kém, thể trạng suy kiệt nên đã gây sụt giảm năng lượng dự trữ của cơ thể nhiều.

Việc phối hợp các dung dịch cho bệnh nhân không chỉ giúp cơ thể bệnh nhân có đủ nước và bù năng lượng, chống rối loạn nội môi mà còn giải độc nhanh qua con đường nước tiểu và mồ hôi, giúp quá trình phục hồi cơ thể của bệnh nhân được nhanh chóng hơn.

4. Phục hồi sức khỏe

Trong quá trình điều trị cai nghiện, các bác sĩ cần đánh giá tổng trạng sức khỏe bệnh nhân, đồng thời cũng cần kiểm tra chức năng gan, thận, thần kinh và đặc biệt là SGOT, SGPT của bệnh nhân… để chẩn đoán và điều trị ngay trong khi cai nghiện. Việc khám và chẩn đoán bệnh kịp thời là bước quan trọng giúp cơ thể bệnh nhân phục hồi toàn diện và rút ngắn quá trình cai nghiện ma túy.

Những rối loạn cơ thể thường gặp khi cai nghiện

* Thân nhiệt giảm

Trong quá trình cai nghiện bệnh nhân có thể gặp phải tình trạng thân nhiệt giảm, có khi chỉ còn 35,5 – 36,5 độ C khiến bệnh nhân rất sợ gió và sợ nước.

Cách khắc phục

Nên bố trí phòng thoáng, kín gió và ủ ấm cho bệnh nhân. Có thể chỉ định Calci Gluconat 1g hay Calci Sandoz 0,5g  và pha với dịch truyền đường tĩnh mạch, kết hợp giải độc liên tục. Cách này sẽ giúp bệnh nhân đổ mồ hôi, và mồ hôi này có khi mùi rất nặng do tích tụ chất thải lâu ngày không bài tiết được.

Bên cạnh đó bệnh nhân cũng cần bổ sung năng lượng, cho ăn uống chất giàu dinh dưỡng, vitamine, nhiều khoáng chất sẽ giúp cơ thể họ tăng chuyển hóa và nóng lên, thân nhiệt sẽ trở về bình thường, sau 3 – 4 ngày điều trị.

* Rối loạn thần kinh thực vật 

Rối loạn thần kinh thực vật với các biểu hiện như sốt cao, thở nhanh hoặc rối loạn vận mạch, gây đỏ da hay vã mồ hôi…

Cách khắc phục: Cần khám lại cho bệnh nhân để xác định nguyên nhân gây bệnh, có thể do nhiễm trùng, cúm…đôi khi do phản ứng của cơ thể để phục hồi, thoát ức chế, và hiện tượng này chỉ diễn biến chỉ 1 – 2 ngày là tự khỏi!

* Rối loạn về tâm thần

Đó là các biểu hiện trầm cảm, hoang tưởng hoặc ám ảnh, ảo giác hay tăng động…

Cách khắc phục: Điều trị về tâm thần khoảng 2 – 3 tuần, đa số sẽ phục hồi hoàn toàn.

* Hạ đường huyết hoặc thiểu niệu hay vô niệu

Đây là do tác động của các chất độc trong ma túy.

Cách khắc phục: Xử trí Glucose 5 – 10% và dung dịch nước muối sinh lý, có thể kèm theo Furosemit 40mg tiêm theo đường tĩnh mạch. Tùy theo tình trạng bệnh nhân, sẽ giúp họ đỡ mệt mỏi và nhanh chóng bình phục sức khỏe.

* Suy giảm chức năng gan nặng hay là suy thận

Bệnh nhân nghiện ma túy lâu dài có khả năng bị ngộ độc nặng gây ảnh hưởng đến gan, thận hoặc rối loạn máu đông, giảm testosterone gây liệt dương.

Cách khắc phục: Điều trị phục hồi chức năng gan, thận duy trì kéo dài. Bệnh nhân sẽ bình phục dần dần sau khi đã được giải độc tốt.

* Rối loạn điện giải, mất nước nghiêm trọng

Bệnh nhân có biểu hiện sút cân nhanh, có khi giảm từ 5 – 10% trọng lượng cơ thể, da nhăn nheo, vẻ mặt hốc hác và mắt trũng sâu, tiểu ít… nguyên nhân là do kém ăn, mất ngủ kéo dài.

Cách khắc phục: Trong trường hợp này các bác sĩ cần truyền dịch bổ sung kịp thời cho bệnh nhân ngay trong 4 – 5 giờ đầu sau khi vào cơ sở cai nghiện. Lúc này lượng nước truyền phải đạt tối thiểu là 50% số lượng nước đã mất, có thể từ 2 – 3 lít, cả Glucose đẳng trương và Lactat Ringer kèm theo nước muối 0,9%.

Ngày thứ hai bệnh nhân cần bổ sung thêm 20 – 30% so với lượng nước mà họ đã mất và còn lại bổ sung đầy đủ. Kể từ ngày thứ 4 trở đi, có thể bổ sung thêm chất điện giải như: Na, Calci, Mg và các vitamine cần thiết.

Đặc biệt, trong thời gian này bệnh nhân có thể xuất hiện hội chứng cai rầm rộ do cơ thể tăng đào thải ma túy vì việc truyền dịch. Do vậy, lợi ích của việc bù nước, điện giải, năng lượng, kèm theo Vitamin C liều cao và B – Complex…trong thời điểm này không chỉ giúp cơ thể thải độc nhanh qua nước tiểu, qua tuyến mồ hôi mà còn giúp bệnh nhân tỉnh táo, khỏe mạnh, kích thích ăn được, ngủ được và nhanh chóng phục hồi sức khỏe.

* Rối loạn cảm giác

Tình trạng này diễn ra ở một số vùng da với các dấu hiệu tê bì, mất cảm giác, kiến bò hay nóng rát một vùng da.

Cách khắc phục: Trong trường hợp này các bác sĩ cần xem xét điều trị viêm thần kinh ngoại biên hay co thắt mạch máu ngoại vi để điều trị phù hợp cho bệnh nhân, kèm theo một số thuốc cắt cơn vì đôi khi bệnh nhân khi lên cơn nghiện cũng có biểu hiện tương tự.

* Các bệnh về huyết áp

Đó là các triệu chứng chóng mặt, ù tai, mờ mắt hay là đau đầu, huyết áp thấp, gây thiếu máu não và rối loạn tuần hoàn não.

Cách khắc phục: Có thể sử dụng Heptaminol Hydrochlorid, Cavinton hay Cinarizine để điều trị. Nếu những triệu chứng này xuất hiện vào ngày thứ 3 – 4 ở trong giai đoạn cắt cơn của bệnh nhân thì kết hợp với thuốc cắt cơn dạng chích sẽ hết ngay.

* Rối loạn vận cơ

Là rối loạn cơ vùng vai gáy, cơ ức đòn chũm hoặc đờ lưỡi, cứng hàm.

Cách khắc phục: Dùng thuốc giãn cơ, giảm đau và kết hợp thuốc cắt cơn, điều trị sẽ đạt hiệu quả tốt cho bệnh nhân.

* Rối loạn giấc ngủ hoặc mất ngủ nặng

Vào ngày thứ 4 trở đi bệnh nhân có thể bị mất ngủ do tác dụng của ma túy. Một số trường hợp nặng có thể bị trơ với thuốc ngủ và sử dụng thuốc ngủ liều cao có thể bị mê sảng và nói nhảm, đi lại loạng choạng hay bị té, có khi hôn mê và đi vệ sinh không tự chủ…

Cách khắc phục: Đối với trường hợp nhẹ có thể sử dụng thuốc ngủ để bệnh nhân ngủ được nhưng không sử dụng thuốc ngủ kéo dài quá 1 tuần. Đối với trường hợp nặng thì cần điều trị lâu dài bằng thuốc ngủ liều cao.

* Các bệnh cơ hội

Khi nghiện ma túy sức khỏe con người sẽ bị suy giảm và các bộ phận trong cơ thể cũng sẽ bị suy giảm. Bệnh nhân dễ mắc phải các bệnh như Viêm loét dạ dày, viêm phổi thùy, viêm thanh quản, phế quản hoặc là lao phổi, suy gan mãn tính hay viêm gan vi rút B, C và đặc biệt là các bệnh tâm thần.

Khi sử dụng ma túy, ma túy vốn là loại thuốc giảm đau cực mạnh nên bệnh nhân sẽ không cảm giác được tình trạng của bệnh nhân. Tuy nhiên khi ngừng thuốc, các loại bệnh này sẽ thi nhau kéo đến. Nhiều bệnh nhân nghiện nặng có khả năng bị ngộ độc nặng gây trụy mạch, suy hô hấp và mắc bệnh hiểm nghèo kèm theo, có thể đe dọa tính mạng…

Cách khắc phục: Cần làm các xét nghiệm kiểm tra tình trạng bệnh của bệnh nhân và nhanh chóng thông báo cho gia đình bệnh nhân để có biện pháp giải quyết phù hợp và điều trị kịp thời cho họ.

Xem thêm: 6 bộ phận trong cơ thể sẽ bị HỦY HOẠI khi bạn nghiện ma túy

5. Chống tái nghiện

Xem thêm: Làm thế nào để tránh tái nghiện khi đang cai nghiện ma túy?

Chống tái nghiện bằng thuốc

Điều kiện để sử dụng thuốc chống tái nghiện:

  • Xác nhận bệnh nhân không sử dụng ma túy nữa, test ma túy kết quả âm tính
  • Bệnh nhân vừa cai nghiện ma túy xong, các chức năng của cơ thể như gan, thận đã phục hồi bình thường.
  • Khám tổng quát không có bệnh nặng kèm theo như: Viêm phổi, hen phế quản hoặc là mắc các bệnh về tim mạch…

Thuốc chống tái nghiện ma túy hiện nay thường sử dụng là Naltrexone 50mg (Revia, Albernin), là một loại thuốc đối kháng với nhóm ma túy Heroin, thuốc phiện cho nên ta chỉ có thể điều trị chống tái nghiện cho người sử dụng ma túy nhóm này.

Việc sử dụng thuốc chống tái nghiện liều đầu tiên cần thực hiện tại cơ sở y tế và có sự hướng dẫn của nhân viên y tế. Khởi đầu ta nên sử dụng liều thấp cho bệnh nhân là 25mg Naltrexone và có thể kết hợp với 1 viên Clopromazine 100mg hoặc 2 viên Seduxen 5 mg, nhằm làm êm dịu, phòng ngừa hội chứng cai nhẹ xuất hiện sẽ gây khó chịu cho bệnh nhân.

Sau khi theo dõi bệnh nhân sau sử dụng thuốc khoảng 2 giờ, nếu bệnh nhân không có dị ứng với loại thuốc chống tái, không cảm thấy khó chịu, các chỉ số sinh tồn ổn định thì bệnh nhân có thể được về nhà và điều trị ngoại trú thuốc chống tái nghiện.

Ngày thứ hai tăng liều Naltrexone lên 50mg (1viên) duy trì 5 – 7 ngày và có thể tăng liều lên 100mg ở ngày tiếp theo nếu bệnh nhân nguy cơ tái nghiện cao như có thái độ chống đối, đi chơi ngay khi vừa cai nghiện về, giao du với bạn nghiện. Tuy nhiên nếu cố tình sử dụng quá nhiều ma túy khi sử dụng thuốc chống tái nghiện thì có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhân.

Đối với các trường hợp thông thường thì chỉ cần liều hàng ngày Naltrexone 1 viên (50 mg) đã đáp ứng yêu cầu về liều lượng cần và đủ để chống tái nghiện vì thời gian bán hủy loại này chậm mà lại giảm chi phí, ít gây độc hại hơn cho bệnh nhân với điều kiện bệnh nhân uống thuốc hằng ngày.

Không dùng thuốc chống tái nghiện lâu dài vì có thể gây ngộ độc thuốc dẫn đến các tình trạng như vàng da, vàng mắt, mệt mỏi, đầy bụng, nôn (ói) hay đau đầu. Khi đó bệnh nhân cần phải ngừng uống thuốc ngay rồi đưa bệnh nhân đi khám và điều trị.

Khi đang sử dụng thuốc chống tái nghiện tuyệt đối không được uống rượu bia, tránh lao động quá sức hoặc tập những môn thể thao nặng vì nếu kiệt sức bạn dễ bị ngộ độc thuốc, nhất là đối với những người bị bệnh về gan.

Chống tái nghiện bằng tâm lý trị liệu

Nguyên nhân chính dẫn đến tái nghiện là khi người nghiện đã nghiện ma túy thì hầu hết họ đều có ám ảnh cảm giác do ma túy đem lại và luôn tồn tại mong muốn về việc sử dụng ma túy… dù cảm giác đó có thể không mạnh sau khi bạn đã cắt cơn xong nhưng dù qua thời gian bao lâu, khi nhìn thấy ma túy, cơn khát vọng đó sẽ lại bùng lên.

Việc thực hiện chống tái nghiện bằng liệu pháp tâm lý trị liệu được thực hiện từ sau 10 - 30 ngày kể từ khi cai nghiện và chỉ áp dụng cho những bệnh nhân có quyết tâm cai nghiện cao. Biện pháp này sẽ có tác dụng giải quyết sự lệ thuộc tâm lý vào ma túy ở người nghiện.

Quá trình xóa bỏ sự lệ thuộc vào ma túy theo yếu tố tâm lý được thực hiện qua các bước như sau:

  • Hướng dẫn người nghiện luyện tập kĩ thuật đặc biệt về chống tái nghiện ma túy
  • Thực hiện liệu pháp tâm lý nhằm làm giảm sức hút của ma túy qua việc hướng dẫn người nghiện luyện tập để vượt qua các yếu tố gợi cơn thèm nhớ ma túy như các đồ vật, dụng cụ họ thường dùng khi sử dụng ma túy trước đây như bơm kim tiêm, dao lam, gói bọc ma túy… hay những hình ảnh gắn liền với quá trình sử dụng ma túy như bạn bè rủ đi mua ma túy, hình ảnh hút ma túy…
  • Phát hiện và phân tích cảm xúc tiêu cực dẫn đến người nghiện sử dụng ma túy thông qua trao đổi giữ chuyên gia trị liệu và học viên.
  • Hướng dẫn, giúp đỡ người cai nghiện vượt qua tình huống nguy cơ dẫn đến kích hoạt động cơ tái sử dụng ma túy. Đó là những tình huống mâu thuẫn hoặc xung đột dẫn đến người nghiện thường tìm cách giải quyết bằng sử dụng ma túy.

Yếu tố gia đình và xã hội

Nguyên nhân chính dẫn đến tái nghiện là do người nghiện không tự chủ, thiếu quyết tâm trước những cám dỗ của ma tuý. Tuy nhiên, cũng có nhiều lý do khác nữa khiến người nghiện dễ tái nghiện như sự mặc cảm tự ti, sự kỳ thị của những người xung quanh; thái độ thờ ơ, lãnh đạm của chính gia đình, thiếu việc làm hoặc thất nghiệp là những nguy cơ khiến những người vừa đi cai nghiện về vốn đang trong trạng thái chán chường trở lại con đường cũ.

Do đó, để tránh tái nghiện khi người nghiện trở về cộng đồng thì bên cạnh việc đảm bảo môi trường sạch về ma túy thì việc tạo công ăn việc làm ổn định, có thu nhập đảm bảo cuộc sống cho người sau cai nghiện là việc làm hết sức cần thiết. Đây là vấn đề quan trọng hàng đầu để giúp người cai nghiện hoàn toàn đoạn tuyệt với ma túy và làm lại cuộc đời.

Dựa vào tình trạng của từng người bệnh mà có những phương pháp điều trị khác nhau, nên gia đình cần lưu ý tìm hiểu kỹ các phương pháp, tránh sử dụng cái không phù hợp làm ảnh hưởng đến quá trình cai của người bệnh.

Trên đây là 5 phác đồ cai nghiện ma túy cơ bản, nếu còn bất kỳ thắc mắc nào, hãy Gọi thoại - Gọi video với bác sĩ chuyên khoa Cai nghiện trên hệ thống khám từ xa Wellcare để được tư vấn thêm. 

Theo Nhà thuốc Bông Sen

- 27-11-2018 -

Bài viết liên quan

  • 28-11-2018

    Sự lặp đi của quá trình nghiện – cai nghiện – tái nghiện hiện nay vẫn đang là vấn đề nhức nhối của xã hội mà chưa có biện pháp triệt để. Cai nghiện có nhiều phương pháp nhưng không phải cứ dựa theo phương pháp thì đã cai nghiện thành công, nó còn phụ thuộc vào 3 yếu tố vô cùng quan trọng nữa.

  • 28-11-2018

    Ma túy, nghiện ma túy là những khái niệm quen thuộc và được sử dụng khá rộng rãi ở Việt Nam. Đa phần người dân đều hiểu và gắn ma túy với một số chất gây nghiện nguy hiểm như: thuốc phiện, cần sa và đặc biệt là heroine.

  • 28-11-2018

    Thuốc gây nghiện không chỉ bao gồm những chất ma túy mà một số loại thuốc chữa bệnh khác cũng có khả năng khiến bạn bị nghiện. Các loại thuốc gây nghiện bao gồm: Các thuốc an thần nhóm barbiturat, Benzodiazepin,  thuốc ngủ, Codein và morphin, OxyCotin, Percocet...

  • 28-11-2018

    Do các chất ma túy thường tạo nên khoái cảm, sảng khoái giả tạo nên người nghiện thường bị giảm hứng thú với cuộc sống bên ngoài, nhân cách bị thu hẹp, cách cư xử cũng trở nên thô lỗ hơn. Bằng chứng là đa số người nghiện thường ít chú ý đến người thân, thờ ở với công việc, với những vui buồn trong cuộc sống. Hậu quả của điều đó là rất nhiều gia đình đã tan nát, của cải vật chất thiếu thốn, suy tồi về tinh thần, đạo đức dẫn đến các hành vi phạm pháp…