Những triệu chứng “sởn tóc gáy” bạn sẽ gặp phải khi cai nghiện

Trong lúc đang dùng ma túy cơ thể bạn sẽ dần quen với số lượng ma túy mà bạn dùng mỗi ngày. Vì thế khi bắt đầu cai, cơ thể bạn sẽ bị thay đổi lại và khiến bạn cảm thấy khó chịu. Đó là lúc bạn phải đối mặt với những cơn “vật vã”. Thường thì những người cai ma túy sẽ có những cơn vật vã giống nhau, chỉ là tùy theo mức độ nghiện nặng, nhẹ mà những triệu chứng này sẽ ở mức độ trầm trọng khác nhau.

(Ảnh minh họa)

Triệu chứng thường gặp trong 4 tuần đầu cai nghiện

  • Từ 6 – 12 giờ: Đây là khoảng thời gian bạn mới bắt đầu cai. Lúc này, bạn sẽ phải đối mặt với các triệu chứng như ngáp nhiều, chảy nước mắt, nước mũi, hắt hơi, đổ mồ hôi.
  • Từ 12 – 24 giờ: Những triệu chứng nổi da gà, đổ mồ hôi, cơ thể nóng lạnh thất thường sẽ tăng thêm và khiến bạn cảm thấy khó chịu, dễ bực bội, chán ăn.
  • Sau một ngày: Lúc này cơn thèm thuốc của bạn sẽ kéo đến và khi không sử dụng ma túy, bạn sẽ phải đối mặt với những triệu chứng như bụng đau quặn thắt, tiêu chảy, đau lưng, đau chân và cánh tay, nhức đầu, mất ngủ, cảm thấy yếu ớt và mệt mỏi, bực bội, không tập trung, cơ thể nóng lạnh và đổ mồ hôi nhiều hơn.
  • Từ 2 – 4 ngày: Các triệu chứng bên trên sẽ tiếp tục diễn ra và kéo lên đến tột độ. Đây là khoảng thời gian quan trọng nhất trong quá trình cai nghiện và nếu bạn qua được lúc này thì quá trình cai nghiện sẽ dễ dàng hơn.
  • Từ 5 – 7 ngày: Hầu hết các triệu chứng khó chịu sẽ giảm đi, cơ thể bạn bắt đầu ổn định và cảm giác thèm ăn đã trở lại.
  • Sau 2 tuần: Lúc này cơ thể bạn không còn cảm thấy quá khó chịu nhưng cơn thèm thuốc vẫn còn và bạn sẽ vẫn còn gặp phải một số triệu chứng như mất ngủ, mệt mỏi, dễ cáu gắt.
  • Sau 3 – 4 tuần: Đây là chu kỳ cuối của quá trình cai nghiện. Lúc này, trạng thái cơ thể và tâm lý của bạn đã trở lại bình thường, cơn thèm thuốc của bạn cũng đã giảm xuống và sức khỏe của bạn cũng đã tốt hơn.

9 triệu chứng thường gặp khi cai nghiện và cách khắc phục

1. Chán ăn

Chán ăn là một biểu hiện thường gặp khi bạn bắt đầu cai nghiện ma túy. Lúc này cơ thể bạn sẽ thấy mệt mỏi, không muốn ăn và ăn không ngon miệng. Trong thời gian cai nghiện, sức khỏe là vấn đề rất quan trọng do vậy bạn cần khắc phục ngay chứng chán ăn này để cơ thể được bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, giúp bạn khỏe mạnh để vượt qua cơn vật vã.

Cách khắc phục: Bạn có thể chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ, không ăn vặt hay ăn thức ăn nhiều dầu mỡ, lựa chọn những món bạn thích ăn và ăn nhiều trái cây để cung cấp thêm vitamin. Ngoài ra, bạn không nên uống nước trước khi ăn, nhất là nước ngọt có ga để tránh tình trạng “no giả” và luyện tập thể dục hoặc lao động để tiêu hao năng lượng trong cơ thể, tạo cảm giác đói bụng

2. Tiêu chảy, đau thắt bụng

Tiêu chảy và đau thắt bụng là một bệnh lý thường gặp khi cai nghiện. Do ma túy cũng được xem là một loại chất độc, khi không có thuốc bệnh nhân sẽ bị “độc phát” và tiêu chảy hay đau thắt bụng là những triệu chứng thường gặp trong đó.

Cách khắc phục: Nếu bị tiêu chảy kéo dài trong khi đang cai nghiện ma túy, bạn có thể sử dụng thuốc Loperamid theo đơn của bác sĩ để trị tiêu chảy. Còn nếu bị đau thắt bụng bạn có thể sử dụng thuốc Nospa để giảm đau. Lưu ý tuyệt đối không nên tiêm truyền nước, muối khoáng cho bệnh nhân đang cai nghiện.

3. Nôn ói

Nôn ói cũng là một trong những triệu chứng thường gặp nhất khi cai nghiện. Trong khoảng từ 2 - 4 ngày sau khi ngưng sử dụng ma túy, chất độc tích lũy trong cơ thể sẽ gây tác động đến thành dạ dày khiến bạn có cảm giác buồn nôn và nôn.

Cách khắc phục: Để tránh bị nôn ói, bạn không nên ăn quá nhiều trong 1 bữa, tránh ăn những món ăn nhiều dầu, chất béo hay nhiều đạm. Bạn có thể đổi bữa bằng một số món ăn khác như bánh mỳ, rau sống, canh, rau cải và trái cây. Bạn cũng có thể thay đổi bữa cơm hằng ngày bằng cháo để dễ tiêu hóa.

Để tránh bị nôn ói, bạn hãy cố gắng uống nhiều nước, ít nhất 2 lít nước mỗi ngày vì uống nhiều nước cũng giúp đẩy các chất độc do ma túy tích lỹ lâu ngày ra ngoài cơ thể. Tránh uống các loại nước ngọt có ga, rượu bia và các chất kích thích vì lúc này dại dày của bạn rất yếu, sử dụng chúng sẽ khiến bạn khó tiêu hóa và đẽ bị nôn, ói hơn.

Nếu bạn đã thay đổi thực đơn mà triệu chứng nôn ói vẫn không giảm, bạn có thể sử dụng thuốc Buscopan theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

4. Cơ thể đau nhức

Trong tuần đầu cai nghiện, bạn thường cảm thấy đau nhức nghiêm trọng ở lưng, tay và chân. Những ngày sau đó cơn đau này sẽ giảm từ từ. Những cơn đau nhức này khiến cả người bạn khó chịu, không muốn hoạt động và làm việc.

Cách khắc phục: Để làm giảm đi những cơn đau này, bạn có thể đi tắm nước ấm hay xông hơi bằng muối và dầu thơm. Bạn cũng có thể nhờ người thân đấm bóp nhẹ vào những chỗ đau nhức để xoa dịu cơn đau.

Ngoài ra, bạn cũng nên hoạt động nhẹ nhàng với những môn thể thao nhẹ như đi bộ, bơi lội, đạp xe, đánh cầu lông, bóng chuyền… và không nên tập quá độ, tránh tập những động tác đòi hỏi nhiều sức lực vì nó sẽ khiến bạn dễ dàng bị đau cơ.

5. Mất ngủ

Mất ngủ, khó ngủ, ngủ hay mơ màng, đổ mồ hôi trộm, thức giấc vào lúc nửa đêm hay giật mình trong khi ngủ là những triệu chứng thường gặp trong thời gian cai nghiện. Triệu chứng này có thể kéo dài vài tuần cho đến vài tháng tùy thuộc vào mức độ nghiện nặng, nhẹ của bạn.

Cách khắc phục: Để khắc phục chứng mất ngủ, bạn chỉ nên nằm xuống giường khi bạn cảm thấy thật buồn ngủ và chỉ nên ngủ trên giường, không nằm võng, ghế hay sofa bởi những không gian nhỏ hẹp này có thể khiến bạn dễ bị giật mình khi ngủ.

Nếu nằm khoảng 30 phút mà bạn vẫn không ngủ được thì hãy dứt khoát đứng lên đi lại, làm một số việc khác như đọc sách, xem phim, xem tivi, nghe nhạc hay nói chuyện với những người trong nhà… cho đến khi buồn ngủ và trở lại phòng, lên giường ngủ.

Bạn nên tập luyện đi ngủ và thức dậy đúng giờ để tạo thói quen cho cơ thể và không ngủ trưa bởi ngủ trưa sẽ khiến buổi tối khó ngủ hơn. Ngoài ra, trước khi ngủ bạn không nên suy nghĩ vẩn vơ bởi nó sẽ kích thích thần kinh khiến bạn khó ngủ.

Để có giấc ngủ sâu, bạn hãy chăm chỉ tập thể dục mỗi ngày và tránh dùng những chất kích thích như rượu bia, cà phê hay thuốc lá vì chúng tuy có thể làm bạn buồn ngủ nhưng dễ bị giật mình lúc nửa đêm. Nên dùng một ly sữa nóng hay trà thảo dược (valerian tea) để an thần khi ngủ.

Nếu đã sử dụng những cách trên mà vẫn mất ngủ, bạn có thể sử dụng một số thuốc ngủ như Valium, Temesta, theralene… theo chỉ dẫn của bác sĩ. Tuy nhiên, tất cả các loại thuốc này chỉ giúp bạn trong một thời gian ngắn chứ không phải lâu dài và chúng cũng chỉ giúp bạn ngủ trong thời gian cai ma túy và sau khi cai bạn vẫn có thể bị mất ngủ.

Hơn nữa, những loại thuốc ngủ này có nhiều tác dụng phụ như chóng mặt, mờ mắt hay khô môi… và cũng có thể khiến bạn bị phụ thuộc do vậy bạn không nên sử dụng những loại thuốc ngủ này quá 1 tuần.

6. Căng thẳng

Khác với những khoái cảm đạt được dùng thuốc, khi bạn cai nghiện, chất độc từ ma túy sẽ tác dụng đến hệ thần kinh làm tinh thần của bạn mệt mỏi, căng thẳng. Sự căng thẳng về thần kinh có thể khiến con người sinh ra hoảng loạn, lo sợ bất an, đôi khi là điên cuồng.

Cách khắc phục: Hít thở là phương pháp hay nhất để giúp bạn cảm thấy đỡ mệt hay tinh thần bớt căng thẳng. Để tập hít thở, đầu tiên bạn hãy ngồi thiền hoặc nằm trong tư thế nằm thẳng và nằm ngửa trên giường, sau đó nhắm mắt lại, hít một hơi vào (hơi dài khoảng 3 giây, để cho dễ bạn vừa hít hô và vừa đến trong đầu 1, 2, 3). Kế tiếp, bạn nín thở một giây (đếm số 4).

Sau đó bạn thở nhẹ ra (hơi này cũng kéo dải 3 giây, đếm trong đầu số 5, 6, 7). Sau khi bạn tập hít thở như vậy trong vòng 5 đến 10 phút, nhịp thở của bạn sẽ bắt đầu ổn định và bạn hãy tưởng tượng đến một thắng cảnh đẹp, một con sông dài yên tĩnh hay một hòn núi xanh đẹp. Tưởng tượng đến những thứ tốt đẹp nãy sẽ giúp bạn ném cơn căng thẳng ra sau đầu ngay thôi.

7. Dễ nổi nóng và giận dữ

Những cơn vật vã, khó chịu trong khi cai nghiện thuốc sẽ khiến bạn dễ nổi nóng và giận dữ. Vì thế điều quan trọng là bạn làm sao tập cho mình có tinh thần thoải mái và dễ chịu để quên đi những cảm xúc tiêu cực này.

Cách khắc phục: Khi cảm thấy dễ xúc động, nổi cáu và giận dữ, bạn hãy lái đi những cảm xúc này bằng việc tự tìm niềm vui cho mình như đi xem phim, nghe nhạc nhẹ, đi tắm hay xông hơi, tập thể dục, đi dạo phố, đi bơi, đọc sách… miễn là những việc đó giúp cho tinh thần của bạn được thoải mái.

Ngoài ra, bạn cũng có thể tập những môn thể thao giúp tĩnh tâm như thái cực quyền, ngồi thiền, tập yoga. Những môn thể thao này rất tốt để ổn định tâm thần và bạn nên áp dụng chúng mỗi khi bạn cảm thấy khó chịu.

8. Dị cảm

Đây là một loại ảo giác mà  những người nghiện thường gặp phải khi cai nghiện, đó là “hội chứng kiến bò”, nghĩa là liên tục thấy ngứa ngáy như có côn trùng bò dưới da hay “giòi bò trong xương” đó là cảm giác ngứa ngáy, khó chịu từ trong xương.

Cách khắc phục: Triệu chứng này khiến người nghiện rất khó chịu và cách tốt nhất để chống lại chúng đó là sử dụng một số loại thuốc hỗ trợ điều trị cai nghiện.

9. Thèm ma túy

Thèm ma túy là triệu chứng mà người cai nghiện nào cũng gặp phải. Đó là sự khát khao trong lòng muốn dùng ma túy trở lại. Bạn sẽ càng thèm ma túy hơn nếu bạn có chuyện phiền muộn, bực bội hay bị rủ rê. Tuy nhiên, bạn hãy nhớ cơn thèm thuốc này thường nổi lên trong một thời gian nhất định và rất ngắn mà thôi, sau đó nó sẽ giảm dần và sẽ dễ đương đầu với nó hơn. Do vậy, nếu đã đi được một chặng đường, bạn hãy quyết tâm bỏ suy nghĩ dùng thuốc trở lại, đừng để những công sức cai nghiện trước đó đổ “xuống sông xuống biển”.

Sau khi cai nghiện ma túy xong, có thể bạn vẫn sẽ phải đối mặt với cơn thèm ma túy nhưng lúc này bạn không cần lo nhiều bởi cái bạn phải lo bây giờ là vấn đề tâm lý chứ không phải đối phó với những cơn vật vã của thể xác.

Cách khắc phục: Cơn thèm thuốc chỉ xảy ra trong thời gian ngắn, khoảng 1 tiếng đồng hồ mà thôi và vượt qua nó bạn sẽ cai được ma túy. Để đối phó với cơn nghiện, bạn hãy làm theo 3 điều chỉ dẫn dưới đây:

  • Thứ nhất, cố gắng trì hoãn quyết định dùng lại ma túy trong một tiếng đồng hồ. Trong 1 tiếng này, bạn phải quyết tâm không nghĩ đến ma túy. Nếu không chịu được, bạn hãy nghĩ là đã bỏ được mấy bữa rồi, bây giờ dùng lại là những chịu đựng trước đó phải bỏ đi.
  • Thứ hai, bạn nên tập trung tư tưởng vào việc khác trong thời gian 1 tiếng đồng hồ này bằng những trò giải trí nhẹ nhàng như xem phim, nghe những bản nhạc nhẹ nhàng giúp thư giãn đầu óc, làn những công việc nhẹ nhàng như tưới cây, làm vườn, đi dạo, kiếm bạn nói chuyện phiếm nhưng không được nói về ma túy.
  • Thứ ba, nếu bạn ngăn được cơn nghiền trong 1 tiếng đồng hồ, bạn hãy tự nhắc nhở chính bạn đã thành công trong mấy ngày qua để cảm thấy tự tin và quyết tâm hơn. Đến lúc này cơn nghiện đã giảm xuống nhưng vẫn còn. Bạn hãy tự đối đáp với chính bản thân mình bằng cách phân tích những điều lợi nếu bạn cai được ma túy và những điều hại nếu bạn tái nghiện.

Trong thời gian cai nghiện, bệnh nhân cần sử dụng các loại thuốc hỗ trợ cắt cơn để có thể để vượt qua cơn vật vã. Không nên cai khô bởi nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và tinh thần của người bệnh. Nếu vẫn còn bất kỳ thắc mắc, hãy Gọi thoại - Gọi video với bác sĩ chuyên khoa Cai nghiện trên kênh Khám từ xa Wellcare để được tư vấn cai nghiện.

Xem thêm: Cách nào bạn nhận biết được một người nghiện ma túy?

                 12 phương pháp cai nghiện ma túy hiệu quả bạn nên biết

                 Danh sách bác sĩ chuyên khoa Cai nghiện giỏi tại TP.HCM

Theo Nhà thuốc Bông Sen

- 27-11-2018 -

Bài viết liên quan