Bại não

Các dấu hiệu và triệu chứng xuất hiện sớm trong giai đoạn sơ sinh hoặc trẻ nhỏ chưa đến tuổi đến trường. Nhìn chung, bại não gây tổn thương vận động đi kèm với phản xạ quá mức, mềm rũ hoặc co cứng chi và thân, tư thế bất thường, vận động không tự chủ,

Bại não là bệnh gì?

Bại não là tổn thương não không tiến triển gây nên bởi các yếu tố nguy cơ xảy ra ở giai đoạn trước sinh, trong khi sinh và sau sinh đến 5 tuổi.
Bại não biểu hiện chủ yếu bằng các rối loạn về vận động, và có thể các rối loạn đi kèm khác về trí tuệ, giác quan và hành vi.

Bại não
(Ảnh minh họa)

Triệu chứng của bại não

  • Bại não thể liệt cứng: Các cơ co cứng, cử động khó khăn. Khi cả hai chân đều bị liệt, đứa trẻ có thể gặp khó khăn khi đi bởi vì các cơ bó sát trong hông và chân làm cho hai chân chụm vào nhau và giao nhau tại đầu gối (còn được gọi là cắt kéo). Trong những trường hợp khác, chỉ một bên cơ thể bị liệt, và cánh tay thường bị liệt nghiêm trọng hơn chân. Trường hợp nghiêm trọng nhất là liệt cứng tứ chi, trong đó cả bốn chi và thân người bị liệt và thường thì cả các cơ điều khiển mồm và lưỡi cũng bị liệt. Trẻ em bị liệt cứng tứ chi bị chậm trí và có những vấn đề khác.
  • Bại não thể loạn động: Đây là thể bệnh được đặc trưng bằng sự thay đổi thất thường của trương lực cơ (lúc tăng, lúc giảm) và thỉnh thoảng có những cử động không kiểm soát được (có thể là những cử động chậm và đau hoặc nhanh và giật giật). Trẻ mắc bệnh này thường khó có tư thế ngồi hoặc dáng đi bình thường. Do các cơ điều khiển nét mặt và lưỡi cũng bị ảnh hưởng cho nên người bệnh cũng gặp khó khăn khi bú, nuốt và nói.
  • Bại não thể thất điều: Căn bệnh ảnh hưởng đến khả năng cân bằng tư thế và phối hợp động tác. Người bệnh có thể đi nhưng với một dáng điệu không vững và gặp khó khăn với những cử động cần phải có sự phối hợp chính xác, ví dụ như viết.

Khi nào nên đi khám bác sĩ?

Nếu được chẩn đoán và điều trị sớm, phần lớn trẻ em có thể cải thiện đáng kể được những khả năng của mình. Những khuyết tật liên quan đến bại não có thể giới hạn chủ yếu ở một chi, một bên của cơ thể, hoặc nó có thể ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể. Các tổn thương não bộ gây bại não không mất đi nhưng cũng không tiến triển thêm, do đó, các triệu chứng thường không diễn tiến nặng hơn theo thời gian. Tuy nhiên, tình trạng co rút và cứng cơ có thể xấu đi nếu không điều trị tích cực.
Hãy Gọi thoại - Gọi video với bác sĩ chuyên khoa Nội thần kinh trên hệ thống khám từ xa Wellcare để được tư vấn, chẩn đoán và hướng dẫn phương pháp điều trị, phục hồi chức năng cho trẻ bị bại não.

Nguyên nhân gây bại não

Có nhiều sự kiện xảy ra trong thời kỳ mang thai và gần thời điểm sinh có thể gây gián đoạn quá trình phát triển bình thường của bộ não và gây bại não sau này. Những yếu tố có thể dẫn đến các bất thường phát triển não bộ gồm có:

  • Đột biến ngẫu nhiên ở những gen kiểm soát sự phát triển của não bộ.
  • Nhiễm khuẩn ở mẹ trong thai kỳ có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển thai nhi.
  • Tai biến mạch máu bào thai (fetal stroke – là tình trạng thiếu máu cục bộ, huyết khối, hoặc xuất huyết xảy ra trong khoảng 14 tuần tuổi thai đến lúc sinh) dẫn đến nguồn máu cung cấp cho bộ não đang phát triển của thai nhi bị gián đoạn.
  • Thiếu oxy tới não (ngạt) xảy ra trong quá trình chuyển dạ và sinh khó. Điều này hiếm khi là nguyên nhân.
  • Nhiễm trùng sơ sinh gây viêm não hoặc cấu trúc quanh não.
  • Chấn thương đầu xảy ra ở giai đoạn sơ sinh do tai nạn xe cộ hoặc trẻ bị rơi, ngã.

Yếu tố nguy cơ mắc bệnh bại não

Một số yếu tố có liên quan làm tăng nguy cơ mắc bệnh bại não gồm:

  • Mẹ bị nhiễm trùng hoặc mắc một số bệnh trong thời gian mang thai có thể làm tăng đáng kể nguy cơ sinh con bị bại não. Những bệnh được đặc biệt quan tâm bao gồm:
    • Sởi Đức (bệnh Rubella): Rubella là bệnh xảy ra do nhiễm virus, có thể gây ra các dị tật bẩm sinh nghiêm trọng. Tuy nhiên, bệnh có thể được phòng ngừa bằng vắc-xin.
    • Bệnh thủy đậu (varicella): Thủy đậu xảy ra do nhiễm virus, dễ lây, gây ngứa và phát ban, và có thể gây biến chứng thai kỳ. Bệnh có thể được phòng ngừa bằng vắc-xin.
    • Cytomegalovirus (virus cự bào): Là một virus thường gây các triệu chứng tương tự cúm và có thể dẫn đến dị tật bẩm sinh nếu đây là lần nhiễm đầu tiên của sản phụ.
    • Toxoplasmosis: Đây là một bệnh nhiễm ký sinh trùng, mắc phải do ăn thực phẩm hoặc tiếp xúc với đất có chứa ký sinh trùng gây bệnh, hoặc do tiếp xúc phân mèo bị nhiễm bệnh.
    • Bệnh giang mai: Là bệnh nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục.
    • Tiếp xúc với các chất độc như methyl thủy ngân… có thể làm tăng nguy cơ mắc các dị tật bẩm sinh.
    • Bệnh về tuyến giáp, thiểu năng trí tuệ hoặc co giật.
  • Trẻ mắc những bệnh sau trong thời kỳ sơ sinh:
    • Viêm màng não do vi khuẩn. Đây là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra, dẫn đến viêm màng bao quanh não. 
    • Viêm não do virus. Bệnh do nhiễm virus, gây ra tình trạng viêm ở nhu mô não.
    • Vàng da nặng hoặc vàng da không được điều trị. Vàng da là một tình trạng dễ nhận biết nếu chú ý. Vàng da xảy ra do các sản phẩm chuyển hóa của hồng cầu không được lọc ra khỏi máu.
  • Các yếu tố khác trong thời kỳ mang thai hoặc quá trình sinh nở làm tăng nguy cơ bị bại não bao gồm:
    • Sinh non.
    • Cân nặng khi sinh thấp. Trẻ có cân nặng dưới 2,5kg có nguy cơ cao bị bại não. Cân nặng khi sinh càng thấp nguy cơ càng cao.
    • Đa thai. Nguy cơ bại não tăng lên cùng với số lượng thai nhi trong tử cung. Nếu có một hoặc hơn một thai nhi bị chết trong tử cung thì thai sống sẽ tăng nguy cơ bị bại não.

Biến chứng của bại não

Tình trạng yếu cơ, co cứng cơ và rối loạn phối hợp vận động có thể dẫn đến các biến chứng ở trẻ nhỏ hoặc muộn hơn khi trẻ trưởng thành, bao gồm:

  • Co rút cơ. Sự rút ngắn của mô cơ do tình trạng cứng cơ nặng. Co rút cơ kìm hãm sự phát triển của xương, làm xương bị cong, dẫn đến biến dạng khớp, trật khớp bán phần hoặc trật khớp toàn phần.
  • Suy dinh dưỡng. Trẻ bại não thường gặp khó khăn khi ăn, nuốt, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh, dẫn đến trẻ bị thiếu chất dinh dưỡng. Hậu quả là trẻ chậm phát triển, xương yếu. Nếu cần, có thể cho trẻ ăn qua sonde để đảm bảo đủ chất dinh dưỡng cho trẻ.
  • Vấn đề sức khỏe tâm thần. Những người bị bại não có thể có các vấn đề về sức khỏe tâm thần như trầm cảm. Sự cô lập của xã hội và những thách thức đối phó với khuyết tật có thể dẫn đến trầm cảm.
  • Bệnh đường hô hấp. Người bị bại não có thể mắc bệnh về phổi và các rối loạn về hô hấp.
  • Các rối loạn liên quan thần kinh. Mặc dù các tổn thương não bộ gây bại não không tăng thêm theo thời gian, rối loạn vận động và các triệu chứng về thần kinh ở trẻ bại não vẫn có thể nặng dần thêm.
  • Viêm xương khớp. Tình trạng chèn ép lên khớp hoặc bất thường mô liên kết của khớp do co cứng cơ có thể dẫn đến sự phát triển sớm của bệnh thoái hóa xương khớp (viêm xương khớp).

Điều trị phục hồi chức năng cho trẻ bại não

Trẻ em và người lớn bị bại não cần được chăm sóc lâu dài với một đội ngũ chăm sóc y tế bao gồm: bác sĩ chuyên khoa thần kinh và các bác sĩ vật lý trị liệu...

Điều trị bằng thuốc

Những thuốc có thể làm giảm độ cứng của cơ có thể được sử dụng để cải thiện khả năng hoạt động chức năng, giảm đau và kiểm soát các biến chứng liên quan đến tình trạng co cứng cơ hoặc các triệu chứng bại não khác.
Việc thảo luận với bác sĩ về những nguy cơ có thể gặp phải khi điều trị thuốc và liệu điều trị y tế đó có thích hợp với nhu cầu của con bạn hay không là rất quan trọng. Việc lựa chọn thuốc phụ thuộc vào việc con bạn chỉ bị ảnh hưởng đến một nhóm cơ nhất định (khu trú) hay ảnh hưởng lên toàn bộ cơ thể.

Thuốc điều trị bao gồm những loại sau:

Co cứng khu trú

  • Khi co cứng cơ xảy ra khu trú ở một nhóm cơ, bác sĩ có thể kê đơn tiêm thuốc onabotulinumtoxin A (Botox) trực tiếp vào cơ, thần kinh hoặc cả hai. Tiêm Botox có thể giúp cải thiện tình trạng chảy nước dãi. Con bạn sẽ cần tiêm mỗi ba tháng. 
  • Tác dụng phụ có thể bao gồm đau, bầm tím hoặc mệt mỏi nghiêm trọng. Những tác dụng phụ khác nghiêm trọng hơn gồm khó thở và khó nuốt.

Co cứng toàn thân

  • Nếu toàn bộ cơ thể bị ảnh hưởng, thuốc giãn cơ dạng uống có thể giúp giảm tình trạng co cứng cơ. Những loại thuốc này bao gồm diazepam (Valium), Dantrolene (Dantrium) và baclofen (Gablofen).
  • Dùng diazepam sẽ có nguy cơ bị lệ thuộc thuốc, vì vậy thuốc này không được khuyến cáo sử dụng kéo dài. Tác dụng phụ của thuốc bao gồm buồn ngủ, suy nhược và chảy nước dãi.
  • Tác dụng phụ của Dantrolene bao gồm buồn ngủ, buồn nôn và tiêu chảy.
  • Tác dụng phụ của baclofen bao gồm buồn ngủ, lú lẫn và buồn nôn. Baclofen cũng có thể được bơm trực tiếp vào tủy sống qua một ống nhỏ. Máy bơm được phẫu thuật cấy dưới da ở bụng.

Ngoài ra, trẻ cũng có thể được kê đơn một số loại thuốc nhằm làm giảm tình trạng chảy nước dãi như: trihexyphenidyl, scopolamine (Scopace) hoặc glycopyrrolate (Robinul, Robinul Forte).

Phục hồi chức năng

Có nhiều phương pháp phục hồi chức năng khác nhau có thể giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của người bị bại não mà không cần dùng thuốc, bao gồm:

Vật lý trị liệu

Những bài tập luyện cơ bắp sẽ giúp con bạn tăng sức co cơ, độ linh hoạt, sự cân bằng cũng như vận động và di chuyển tốt hơn. Bạn cũng sẽ học cách chăm sóc trẻ ở nhà hằng ngày, như tắm rửa và cho ăn, một cách an toàn.
Các dụng cụ hỗ trợ như máng, nẹp có thể được đề nghị dùng cho con bạn nhằm hỗ trợ các hoạt động chức năng của trẻ như cải thiện đi lại. Một số khác giúp kéo duỗi các cơ bị co cứng nhằm ngăn chặn tình trạng co rút cơ.

Hoạt động (thao tác) trị liệu

Chuyên viên trị liệu sẽ giúp trẻ bại não cải thiện khả năng thao tác hay tiến hành những động tác để có thể tự lập hơn trong các hoạt động sinh hoạt hàng ngày và thường quy ở nhà, ở trường và ngoài xã hội.
Thiết bị thích ứng có thể bao gồm khung tập đi, gậy chống bốn chân, hệ thống ghế ngồi hoặc xe lăn điện.

Ngôn ngữ trị liệu

Chuyên viên về ngôn ngữ trị liệu có thể giúp cải thiện khả năng ngôn ngữ của con bạn, giúp bé nói rõ ràng hơn hoặc giao tiếp bằng ngôn ngữ ký hiệu.
Họ cũng có thể dạy trẻ sử dụng các thiết bị giao tiếp như máy tính và máy tổng hợp giọng nói khi con bạn giao tiếp khó khăn.
Một loại thiết bị giao tiếp khác có thể là một bảng gồm những hình ảnh về những đồ dùng và hoạt động mà con bạn có thể nhìn thấy trong cuộc sống hàng ngày. Từ đó có thể đặt câu bằng cách chỉ vào hình ảnh.
Những chuyên gia vật lý trị liệu cũng sẽ nhắm đến những khó khăn tại những nhóm cơ có liên quan đến vấn đề ăn uống và nuốt.

Giải trí trị liệu

Phương pháp giải trí trị liệu như chơi trò cưỡi ngựa có thể giúp ích cho một số trẻ. Đây là loại trị liệu có thể giúp cải thiện kỹ năng vận động, ngôn ngữ và biểu cảm của con bạn.

Phẫu thuật

Phẫu thuật có thể cần thiết để làm giảm sự căng cứng cơ hoặc điều chỉnh những bất thường ở xương do tình trạng liệt cứng. Những loại này bao gồm:

Phẫu thuật chỉnh hình

Trẻ em bị co cứng nặng hoặc biến dạng có thể cần phải phẫu thuật xương hoặc khớp nhằm đặt lại cánh tay, hông và chân về các vị trí đúng.
Phẫu thuật cũng có thể giúp kéo dài các cơ và phần dây chằng bị rút quá ngắn do tình trạng co rút nghiêm trọng gây ra. Những điều chỉnh này có thể làm giảm đau và cải thiện di chuyển, đồng thời cũng có thể giúp trẻ sử dụng dễ dàng hơn khung tập đi, giá đỡ hoặc nạng.

Phẫu thuật cắt bỏ dây thần kinh

Trong một số trường hợp nặng, khi những phương pháp điều trị khác không hiệu quả, bác sĩ phẫu thuật có thể cắt bỏ các dây thần kinh chi phối các cơ bị co cứng. Phương pháp này gọi là phẫu thuật cắt bỏ chọn lọc dây thần kinh lưng. Điều này giúp thư giãn các cơ bắp và giảm đau, nhưng cũng có thể gây tê.

Phòng ngừa bệnh bại não

Hầu hết các trường hợp bại não là không thể phòng ngừa, nhưng bạn có thể giảm nguy cơ. Nếu bạn đang mang thai hoặc dự định có thai, bạn có thể thực hiện các bước sau để giữ sức khỏe và giảm thiểu tối đa các biến chứng khi mang thai:

  • Hãy chắc chắn rằng bạn đã được tiêm phòng đầy đủ. Tiêm chủng ngừa rubella trước khi dự định có thai giúp bạn giảm phần lớn nguy cơ mắc một bệnh vốn có thể gây bại não cho trẻ.
  • Giữ gìn sức khỏe. Khi bước vào thời kỳ mang thai, bạn càng khỏe mạnh thì càng có ít khả năng mắc các bệnh nhiễm trùng có thể dẫn đến bại não.
  • Đi khám thai sớm và đều đặn. Khám thai định kỳ đầy đủ trong suốt quá trình mang thai là cách tốt để giảm thiểu các nguy cơ gây hại cho sức khỏe của bạn và thai nhi. Ngoài ra, khám thai đều đặn có thể giúp ngăn ngừa sinh non, sinh thiếu cân và nhiễm trùng.
  • Thực hành các biện pháp đảm bảo an toàn cho trẻ. Ngăn ngừa chấn thương đầu bằng cách đảm bảo an toàn tối đa cho trẻ như cho trẻ đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp, sử dụng giường trẻ có thanh chắn an toàn, và giám sát trẻ thích hợp.

- 17-10-2018 -

Bài viết liên quan

  • 28-05-2018
    Có 3 dạng nhiễm trùng khác nhau: thể không điển hình, thể không liệt và thể liệt. Bệnh bại liệt có thể là một dạng bệnh nhẹ, như dạng bại liệt không liên quan đến hệ thần kinh trung ương, nhưng cũng có thể là dạng bệnh rất nghiêm trọng, như thể liệt.
  • 28-05-2018
    Hạ thân nhiệt là tình trạng nhiệt độ cơ thể giảm bất thường. Bình thường, nhiệt độ cơ thể chúng ta vào khoảng 37°C. Khi bị chứng hạ thân nhiệt, nhiệt độ cơ thể bạn giảm xuống dưới 35°C và cần phải được cấp cứu ngay lập tức.
  • 28-05-2018
    Rối loạn cảm xúc lưỡng cực là một rối loạn cảm xúc mạn tính, đặc trưng bởi các giai đoạn hưng cảm hoặc hưng cảm nhẹ xen kẽ hay đi kèm với các giai đoạn trầm cảm. Rối loạn cảm xúc lưỡng cực gặp với tỷ lệ 1,5-2,5% dân số, thường khởi phát ở
  • 28-05-2018
    Viêm mào tinh hoàn là tình trang sưng viêm ở ống cuộn kết nối tinh hoàn với ống dẫn tinh, cung cấp không gian và môi trường cho tinh trùng trưởng thành. Ống cuộn này gọi là mào tinh hoàn.
  • 28-05-2018
    Nhiễm khuẩn Clostridium difficile (còn gọi là C-Difficile hay C.diff) gây ra nhiều bệnh đường ruột với mức độ nghiêm trọng từ tiêu chảy nhẹ đến viêm ruột gây tử vong. Nhiễm trùng ruột thường xảy ra sau khi sử dụng kháng sinh và là một trong các bệnh
  • 28-05-2018
    Viêm khớp nhiễm khuẩn là tình trạng nhiễm trùng bên trong khớp, nghĩa là vi khuẩn xâm nhập vào khớp khiến khớp sưng tấy và đau. Viêm khớp nhiễm khuẩn hiếm khi xuất hiện ở nhiều khớp cùng lúc.nNhững khớp dễ bị nhiễm trùng bao gồm: khớp gối, khớp hông,