Suy dinh dưỡng

Trong ngành dinh dưỡng học, thuật ngữ ‘Suy dinh dưỡng protein - năng lượng (severe protein - energy malnutrition - PEM)’ để chỉ các thể lâm sàng điển hình từ suy dinh dưỡng thể phù (Kwashiorkor) đến thể teo đét (Marasmus). Ngày nay, người ta cho rằng

Tổng quan suy dinh dưỡng

Trong ngành dinh dưỡng học, thuật ngữ ‘Suy dinh dưỡng protein - năng lượng (severe protein - energy malnutrition - PEM)’ để chỉ các thể lâm sàng điển hình từ suy dinh dưỡng thể phù (Kwashiorkor) đến thể teo đét (Marasmus). Ngày nay, người ta cho rằng đây là một tình trạng bệnh lý do thiếu nhiều chất dinh dưỡng hơn là thiếu protein và năng lượng đơn thuần.
Trong cộng đồng suy dinh dưỡng thường gặp dưới 3 thể:

Thể nhẹ cân

Nhẹ cân chỉ là một đặc tính chung của thiếu dinh dưỡng nhưng không cho biết cụ thể đó là loại suy dinh dưỡng vừa mới xảy ra hay đã tích lũy từ lâu. Tuy nhiên, theo dõi cân nặng là việc tương đối dễ thực hiện ở cộng đồng hơn cả, do đó tỷ lệ thiếu cân theo tuổi vẫn được thông dụng như là tỷ lệ chung của thiếu dinh dưỡng. Nhìn chung trên phạm vi toàn cầu, sự dao động của tỷ lệ cân nặng/tuổi thấp và sự phân bố theo lớp tuổi của nó tương tự như ở chiều cao/tuổi.

Thể thấp còi

Chiều cao theo tuổi thấp phản ảnh sự chậm tăng trưởng do điều kiện dinh dưỡng và sức khỏe không hợp lý. Đây là một chỉ tiêu tốt để đánh giá sự cải thiện điều kiện kinh tế xã hội. Thường thường ở các nước đang phát triển, tỷ lệ thấp còi tăng nhanh sau 3 tháng tuổi, đến 3 tuổi tỷ lệ này ổn định sau đó chiều cao trung bình đi song song với chiều cao tương ứng ở quần thể tham khảo.

Thể gầy còm

Cân nặng theo chiều cao thấp thường phản ảnh một tình trạng thiếu ăn gần đây nhưng cũng có thể lâu hơn. Ở các nước nghèo, nếu không có tình trạng khan hiếm thực phẩm thì tỷ lệ này thường dưới 5%, nếu tỷ lệ này ở mức 10-14% là cao và ở trên 15% là rất cao. Tình trạng chung là suy dinh dưỡng cân nặng/chiều cao thường chiếm tỷ lệ cao nhất ở trẻ 2 tuổi.

Triệu chứng, biểu hiện suy dinh dưỡng

Biểu hiện suy dinh dưỡng ở trẻ

Biểu hiện sớm của suy dinh dưỡng là trẻ chậm lớn, tăng cân kém. Theo dõi biểu đồ phát triển cho thấy cân nặng của trẻ suy dinh dưỡng bao giờ cũng giảm hơn so với cân nặng của trẻ bình thường cùng lứa tuổi. Suy dinh dưỡng nhẹ (độ I) cân nặng sụt từ 20-30%, suy dinh dưỡng vừa (độ II) cân nặng sụt từ 30-40%, suy dinh dưỡng nặng: gồm 3 thể.

  • Thể teo đét (Marasmus): Cân nặng giảm trên 40%. Trẻ gầy đét da bọc xương.
  • Thể phù (Kwashiokor): Cân nặng giảm từ 20-40%. Trẻ phù toàn thân, trên da có thể xuất hiện các mảng sắc tố màu nâu và lở loét toàn thân.
  • Thể phối hợp: Cân nặng giảm trên 40%, từ gầy yếu và phù 2 chân. Trẻ suy dinh dưỡng thường bị thiếu máu, thiếu vitamin đặc biệt là thiếu vitamin A gây khô mắt.
Triệu chứng, biểu hiện bệnh suy dinh dưỡng

Những trẻ suy dinh dưỡng nhất là ở trẻ nhỏ, nếu bị suy dinh dưỡng nặng sẽ ảnh hưởng nhiều đến phát triển thể chất, tinh thần và vận động. Trẻ chậm biết lẫy, bò, ngồi, đứng, đi. Khi trẻ lớn lên cân nặng và chiều cao đều giảm hơn so với người cùng tuổi, trẻ gái thì đẻ khó và khi làm mẹ dễ sinh ra những bé còi cọc. Một số công trình nghiên cứu đã chứng tỏ các tế bào thần kinh ở não không phát triển đầy đủ sẽ ảnh hưởng đến trí tuệ, giảm trí nhớ và kém thông minh.
Trẻ suy dinh dưỡng dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn và nhiễm khuẩn có thể làm cho suy dinh dưỡng nặng hơn. Suy dinh dưỡng bị mù do thiếu vitamin A thì tỷ lệ tử vong cao.

Biểu hiện của suy dinh dưỡng ở người cao tuổi

Hầu hết người bị suy dinh dưỡng có thể tự phát hiện thấy mình bị gầy đi như: sụt cân, quần áo thấy tự nhiên rộng ra, các bắp thịt thấy mềm, nhũn không được rắn chắc như trước đây.
Tuy vậy, đối với một số người cao tuổi do bị suy dinh dưỡng lâu ngày nên đã có ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương, trong khi tự bản thân người đó không thể hoặc không biết mình đang mắc bệnh gì. Trong trường hợp này thì những thành viên trong gia đình cũng có thể nhận biết từ người cao tuổi là: ông, bà, bố, mẹ kém dần sự minh mẫn, hay quên hay kêu mệt mỏi, chán ăn, ăn không ngon miệng hay cáu gắt vô cớ.
Người cao tuổi bị suy dinh dưỡng thường ăn khó tiêu, dễ táo bón, phân lúc lỏng lúc rắn, hay đau bụng lặt vặt. Nếu người cao tuổi mà đang mắc bệnh mạn tính khác như: hen suyễn, bệnh tim, viêm gan, bệnh về xương khớp thì các bệnh này tăng lên nhanh chóng hơn và toàn trạng trở nên dễ bị suy sụp và đặc biệt khi có tác nhân nhiễm trùng xâm nhập thì rất khó tránh khỏi mắc bệnh.

Nguyên nhân gây suy dinh dưỡng

Nguyên nhân gây bệnh suy dinh dưỡng
Ảnh minh họa

Nguyên nhân suy dinh dưỡng ở trẻ

  • Do sai lầm về nuôi dưỡng: Chế độ ăn của trẻ thiếu cả về số lượng lẫn chất lượng như nuôi nhân tạo bằng nước cháo đường, ăn bổ sung sớm bằng bột mắm, muối, mì chính. Một số trẻ sau khi cai sữa, khẩu phần ăn chủ yếu là gạo, ít thức ăn động vật, dầu, mỡ, vitamin và chất khoáng.
  • Do nhiễm khuẩn: Hậu quả của các bệnh nhiễm khuẩn như sởi, tiêu chảy, viêm phổi, lao, giun sán... làm cho trẻ kém ăn chậm lớn.

Nguyên nhân sâu xa cũng cần phải kể đến dịch vụ y tế, môi trường, an ninh thực phẩm cho các hộ gia đình chưa đầy đủ.
Thực tế lâm sàng và dịch tễ học cho thấy những trẻ 6-18 tháng tuổi bắt đầu ăn bổ sung và giảm dần bú sữa mẹ; trẻ sinh ra có cân nặng thấp dưới 1.500g; trẻ không được bú sữa mẹ trong năm đầu; trẻ thường xuyên bị mắc các bệnh nhiễm khuẩn như tiêu chảy, viêm đường hô hấp; trẻ bị dị tật bẩm sinh như sứt môi hở hàm ếch, tim bẩm sinh, di chứng thần kinh; gia đình đông con, kinh tế eo hẹp... có nguy cơ bị suy dinh dưỡng.

Nguyên nhân suy dinh dưỡng ở người cao tuổi

Ăn uống không điều độ, ăn qua loa, đại khái, ăn ít. Nhất là ăn một mình, đơn độc gây cho việc ăn uống chán chường hoặc thiếu quan tâm đến chất lượng trong mỗi bữa ăn rất có thể gây nên suy dinh dưỡng ở người cao tuổi. Điều quan trọng nhất đưa đến suy dinh dưỡng ở người cao tuổi là ăn uống kém chất lượng, thậm chí không đủ bữa, bữa no, bữa đói. Một số suy dinh dưỡng thiếu thốn kinh tế hoặc có khả năng về kinh tế nhưng không có người lo cho từng bữa ăn hàng ngày, sự việc cứ kéo dài dẫn đến suy dinh dưỡng.
Ngoài ra, còn có một số người cao tuổi suy dinh dưỡng do bệnh tật mạn tính kéo dài như: hệ thống răng kém (răng lung lay hoặc đã rụng nhiều) gây khó khăn trong việc nhai thức ăn. Tuyến nước bọt bị xơ hóa làm giảm khả năng bài tiết nước bọt (trong nước bọt có một số men rất cần cho việc làm nhuyễn thức ăn). Do chức năng sinh lý của người cao tuổi bị suy giảm, đặc biệt là các giác quan, nhất là vị giác và khứu giác cho nên không kích thích sự thèm ăn ở người cao tuổi.
Suy dinh dưỡng ở người cao tuổi còn có thể gặp trong một số trường hợp dễ bị dị ứng với thức ăn, cho nên người cao tuổi ‘sợ ăn’ vì lo sau khi ăn vào sẽ bị rối loạn tiêu hóa như: buồn nôn, nôn hoặc tiêu chảy, đau bụng. Một số bệnh về đường tiêu hóa (nhất là bệnh về dạ dày). Bệnh về tâm thần như: bệnh trầm cảm mạn tính, sa sút trí tuệ cũng ảnh hưởng rất lớn đến tiêu hóa và vì vậy rất dễ dẫn đến suy dinh dưỡng. Nghiện rượu cũng là một nguyên nhân đáng kể, người nghiện rượu rất chán ăn, thậm chí không muốn ăn bất kỳ loại thực phẩm nào ngoài rượu. Một số trường hợp người cao tuổi bị suy dinh dưỡng do kiêng khem quá mức cần thiết.

Phương pháp phòng chống suy dinh dưỡng

Phòng suy dinh dưỡng ở trẻ

Để phòng suy dinh dưỡng, cần làm tốt các việc sau đây:

  • Chăm sóc trẻ từ trong bụng mẹ: Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy cân nặng của trẻ sơ sinh phụ thuộc nhiều vào dinh dưỡng của bà mẹ. Ở những bà mẹ ăn uống kém thì thai nhi có thể bị suy dinh dưỡng từ trong bụng mẹ. Vì vậy, trong thời gian mang thai người mẹ cần ăn uống bồi dưỡng hơn bình thường đồng thời theo dõi tăng cân từng quý; khám thai định kỳ ít nhất 3 lần. Thực hiện tiêm phòng uốn ván, nghỉ ngơi trước đẻ và sinh đẻ tại cơ sở y tế để mẹ tròn con vuông.
  • Nuôi con bằng sữa mẹ và ăn bổ sung hợp lý: Cho trẻ bú sớm ngay sau đẻ, bú càng sớm càng tốt, cho bú hoàn toàn trong 4 tháng đầu và kéo dài 18-24 tháng.

Trong trường hợp mẹ không có sữa hoặc ít sữa thì cho trẻ ăn thêm sữa bò hoặc sữa đậu nành, tuyệt đối không dùng nước cháo đơn thuần để nuôi trẻ.
Từ 5 tháng tuổi ngoài bú mẹ cần cho trẻ ăn thêm thức ăn bổ sung, tùy theo lứa tuổi có thể cho trẻ ăn bột, cháo nhưng phải quấy lẫn với thịt, trứng, đậu đỗ, dầu, mỡ và các loại rau.

Phương pháp phòng chống bệnh suy dinh dưỡng

Khi trẻ ốm không được kiêng khem quá mức, cho trẻ ăn nhiều bữa trong ngày thức ăn dễ tiêu hóa và đủ các chất dinh dưỡng.

  • Tiêm chủng: Để phòng chống các bệnh nhiễm khuẩn cần thực hiện tiêm chủng cho trẻ đầy đủ và đúng kỳ hạn.
  • Theo dõi cân nặng: Trong năm đầu mỗi tháng cân trẻ 1 lần, trẻ từ 2-5 tuổi thì 2-3 tháng cân 1 lần, nếu thấy cân của trẻ bắt đầu đứng hoặc sụt cân là dấu hiệu sớm để phát hiện suy dinh dưỡng.
  • Sinh đẻ kế hoạch: Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng tăng cao gặp ở những bà mẹ đẻ dày và đông con cho nên cần sinh đẻ có kế hoạch.

Xây dựng hệ sinh thái vườn-ao-chuồng tại gia đình để tạo thêm nguồn thực phẩm nhằm cải thiện bữa ăn cho bà mẹ và trẻ em.
Suy dinh dưỡng là một vấn đề có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng, ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình, tương lai của nòi giống. Do đó đòi hỏi những biện pháp cơ bản của nhà nước và sự kết hợp của nhiều ngành, gia đình và xã hội. Bản thân các bà mẹ là những người trực tiếp nuôi trẻ, cần được trang bị những kiến thức về nuôi con theo khoa học.

Phòng suy dinh dưỡng ở người cao tuổi

  • Rõ ràng là ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng và đủ số lượng là nguồn năng lượng cần thiết cho một người không riêng gì đối với người cao tuổi (tức là phải đủ chất và đủ lượng).
  • Ngoài ra, cần có sự động viên, nhắc nhở để người cao tuổi chịu khó ăn và ăn đủ số lượng tránh hiện tượng chán ăn, lười ăn, bỏ bữa. Sự quan tâm, động viên của các thành viên khác trong gia đình là hết sức quan trọng, đặc biệt là tìm hiểu các lý do làm cho người cao tuổi bị suy dinh dưỡng, trên cơ sở đó tìm cách khắc phục dần.
  • Nếu các bữa chính, người cao tuổi ăn chưa đủ số lượng thì có thể tạo điều kiện cho họ ăn thêm các bữa phụ. Nên ăn thêm các loại quả như: cam, quýt, chuối, bưởi… và nên ăn nhiều rau.
  • Trọng tâm của việc phòng suy dinh dưỡng là làm sao người cao tuổi ăn được, tiêu hóa được vì vậy thức ăn phải mềm dễ nhai, dễ nuốt nhưng không nên xay nhuyễn vì sẽ làm giảm mùi vị thường có của thức ăn.
  • Tuy vậy, người cao tuổi cũng nên hạn chế ăn mỡ động vật, lòng đỏ trứng hoặc các loại phủ tạng và rất nên ăn cá thay cho ăn thịt. Các loại đạm thức vật cũng nên ăn xen vào trong các bữa ăn chính như đậu phụ và các loại đậu khác.

Ngoài các vấn đề vừa nêu trên thì việc vận động cơ thể hàng ngày để máu lưu thông, các cơ quan trong cơ thể hoạt động nhịp nhàng từ đó sẽ ăn uống ngon miệng, hấp thu tốt.

Phương pháp chăm sóc trẻ suy dinh dưỡng

Phương pháp chăm sóc trẻ bị bệnh suy dinh dưỡng

Có nhiều nguyên nhân gây suy dinh dưỡng cho trẻ. Nhưng dù nguyên nhân nào thì hậu quả cũng là trẻ bị thiếu năng lượng và chất dinh dưỡng làm trẻ không tăng cân, chiều cao và giảm trí thông minh. Do đó, chế độ ăn của trẻ suy dinh dưỡng có nguyên tắc chung là làm tăng năng lượng và tăng chất dinh dưỡng.

  • Tăng dầu mỡ: Vì dầu mỡ cung cấp năng lượng gấp đôi chất bột và chất đạm. Mỗi bát bột, cháo hoặc cơm của trẻ cần có một muỗng canh dầu hoặc mỡ.
  • Nấu đặc: Vì nếu nấu loãng, nhiều nước thì năng lượng sẽ thấp. Nhưng trẻ sẽ khó ăn do đó ta dùng men amylase (có trong bột mộng bắp) hoặc neopeptin theo chỉ định của bác sĩ nhỏ vào chén bột đặc sẽ làm bột lỏng ra và trẻ sẽ dễ ăn hơn.
  • Tăng bữa ăn: Ngày ăn 5-6 bữa thay vì chỉ ăn 3 bữa. Cho trẻ ăn thêm bữa tối trước khi ngủ. Nên ăn thêm bữa phụ, ví dụ như sau khi ăn bữa chính nếu trẻ ăn ít hơn nửa chén thì cho trẻ uống nửa ly sữa, nửa cốc sữa chua, nửa quả chuối..., vì làm như vậy trẻ đỡ chán ăn.

Tại sao lại một nửa mà không phải là một? Vì chỉ cần cho trẻ ăn thêm vừa sức của trẻ, không nên ép ăn hết khi trẻ đã chán. Vì làm thế, trẻ sẽ nôn thức ăn ra và sẽ rất ‘sợ ăn’ dẫn tới biếng ăn sau này. Đặc biệt trẻ suy dinh dưỡng nên cho ăn thêm một bữa tối trước khi đi ngủ.

  • Tăng cường chất dinh dưỡng: Thức ăn nên đủ chất dinh dưỡng nhưng trẻ phải ăn cả xác thực phẩm. Do đó, khi chế biến phải chú ý băm nhỏ, nấu mềm và nêm phù hợp với khẩu vị của trẻ. Trẻ thường ăn nhạt và không thích có nhiều mùi gia vị. Những thực phẩm thích hợp với trẻ nhỏ là trứng, thịt băm, cá băm, rau cũng nên xắt nhỏ.

Lưu ý, không nên cho trẻ uống nước trái cây trước khi ăn hoặc coi nước trái cây là một bữa phụ vì nước trái cây rất ít năng lượng, ít chất xơ, chỉ có vitamin tan trong trong nước và có đường nên sẽ làm trẻ ‘ngang dạ’ không muốn ăn bữa chính.
Ngoài ra khi trẻ đã bị suy dinh dưỡng thì trẻ cần bổ sung một số vi chất dinh dưỡng (vitamin và muối khoáng), nên trẻ cần được các bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng khám và theo dõi sức khỏe để cho thuốc thích hợp. Các bà mẹ không nên tự ý mua thuốc cho con vì tuy là ‘thuốc bổ’ nhưng nếu dùng không đúng cũng sẽ gây ra hậu quả không tốt cho sức khỏe của trẻ. 

(nguồn Sức khỏe đời sống và Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe Trung ương)

- 28-05-2018 -

Bài viết liên quan

  • 28-05-2018
    Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD), hay còn gọi là viêm thực quản trào ngược, xảy ra khi axit dạ dày trào ngược lên theo đường thực quản (ống nối giữa miệng với dạ dày), điều này có thể gây ra chứng ợ nóng hoặc các triệu chứng khác. Những cơn trào
  • 17-10-2018

    Là tình trạng viêm nhiễm của các cơ quan, bộ phận thuộc đường hô hấp trên bao gồm: Mũi, hầu, họng, xoang và thanh quản. Hệ thống hô hấp trên có chức năng chủ yếu là lấy không khí bên ngoài cơ thể, làm ẩm, sưởi ấm và lọc không khí trước khi đưa vào phổi.

  • 28-05-2018
    Tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn làm cho hệ miễn dịch hoạt hoá các tế bào bạch cầu và các chất hoá học để đề kháng. Trong “cuộc chiến” đó nhiều tế bào vi khuẩn và bạch cầu bị chết tạo thành một chất lỏng đặc còn gọi là mủ. Một số vi khuẩn như vi khuẩn
  • 27-08-2018

    Thiếu oxy là tình trạng mà mô của bạn bị thiếu hụt oxy. Nguyên nhân là do thiếu oxy máu, nghĩa là lượng oxy trong máu của bạn thấp hơn mức bình thường. Đôi khi, tình trạng thiếu oxy được sử dụng để chỉ cả hai tình trạng (thiếu oxy và thiếu oxy máu).

  • 28-05-2018
    Tăng nhãn áp, hay còn gọi là cườm nước, là bệnh lý ở mắt xảy ra khi dịch thủy trong nhãn cầu tăng cao tạo áp lực lên mắt. Bệnh sẽ làm tổn hại đến các dây thần kinh mắt và gây mù lòa. Có bốn loại tăng nhãn áp chính: tăng nhãn áp góc mở, tăng nhãn áp góc
  • 28-05-2018
    Aspergillosis là nhóm các bệnh nhiễm trùng gây ra bởi loài nấm có tên là aspergillus. Các loài như aspergillus fumigatus, aspergillus flavus và aspergillus niger sống trong đất, thực vật, bụi, vật liệu xây dựng và lá khô. Bào tử (bộ phận sinh sản của