Nguy hiểm nhiễm cytomegalovirus khi mang thai

Cytomegalovirus (CMV) là một loại virus thuộc nhóm virus herpes. Có nhiều chủng thuộc nhóm virus herpes: Một số gây ra các bệnh truyền qua đường tình dục, một số có thể gây ra mụn rộp, và số khác lại gây các bệnh nhiễm trùng như chủng CMV. Nhiều người bị nhiễm CMV ở một thời điểm nào đó trong cuộc đời, chủ yếu trong giai đoạn ấu thơ.

Nếu bạn bị nhiễm CMV trong thai kỳ, có 1/3 khả năng thai nhi cũng sẽ bị nhiễm virus. CMV là loại virus phổ biến nhất có thể lây truyền từ mẹ sang con trong quá trình mang thai. Cứ 4 phụ nữ thì có 1 người bị nhiễm CMV trong khi mang thai.

Hầu hết trẻ bị nhiễm virus khi sinh ra không gặp phải một vấn đề gì về sức khỏe. Tuy nhiên, trong một số trường hợp CMV có thể gây một số dị tật cho trẻ, bao gồm bệnh đầu nhỏ. Đây là một dị tật bẩm sinh khi trẻ sinh ra có kích thước đầu nhỏ hơn bình thường khi so với trẻ ở cùng giới tính và độ tuổi.

Phụ nữ mang thai có thể truyền virus CMV cho thai nhi trong bất cứ thời điểm nào của thai kỳ. Thời điểm nhiễm CMV càng sớm thì trẻ càng dễ bị dị tật hoặc gặp phải một số vấn đề sức khỏe nào đó. Bạn cũng có thể lây virus CMV cho trẻ trong lúc chuyển dạ hoặc khi cho con bú. Tuy nhiên nhiễm virus vào giai đoạn này thường ít gây ra nguy cơ nào về sức khỏe hơn so với trong khi mang thai.

Khoảng một nửa số phụ nữ mang thai đều đã bị nhiễm CMV trong quá khứ. Nếu bạn là đối tượng đã từng bị nhiễm, bạn thường sẽ không bị nhiễm lại lần hai. Các virus CMV sau khi xâm nhập vào cơ thể sẽ tồn tại trong cơ thể suốt đời. Bạn vẫn có nguy cơ lây nhiễm virus cho đứa trẻ mặc dù không bị mắc bệnh, tuy nhiên khả năng này rất hiếm và thường không gây hại gì.

Nguy hiểm nhiễm cytomegalovirus khi mang thai

Triệu chứng nhiễm CMV

Phần lớn những người nhiễm CMV đều không biểu hiện triệu chứng gì. Tuy nhiên, một số có thể xuất hiện:

  • Đau họng
  • Sốt trong một vài ngày
  • Sưng hạch
  • Mệt mỏi cả ngày

Nếu nghi ngờ mình bị nhiễm CMV, hãy đi khám bác sỹ và xét nghiệm máu để kiểm tra.

Đối với những người có hệ miễn dịch yếu (ví dụ như đối tượng nhiễm HIV), CMV thường gây ra các vấn đề về sức khỏe nghiêm trọng như viêm phổi hay nhiễm trùng mắt.

Điều trị nhiễm CMV trong thai kỳ

Trường hợp xét nghiệm máu của người mẹ dương tính với virus CMV, bác sỹ sẽ kiểm tra xem thai nhi có bị nhiễm CMV không thông qua thủ thuật chọc dò dịch ối và lấy mẫu nước ối để xét nghiệm tìm virus.

Phương pháp siêu âm cũng có thể được thực hiện để kiểm tra các dấu hiệu thực cho thấy trẻ bị nhiễm trùng.

Hiện nay các nhà khoa học đang nghiên cứu tìm ra vaccine phòng virus CMV. Họ cũng đang nỗ lực tìm kiếm các phương pháp ngăn lây truyền virus CMV từ mẹ sang con.

Nguy hiểm nhiễm cytomegalovirus khi mang thai

Các đường lây nhiễm virus CMV

Bạn có thể bị nhiễm virus CMV khi tiếp xúc trực tiếp với dịch thể của người mang virus như nước bọt, sữa mẹ, tinh dịch, chất nhầy niêm mạc, nước tiểu và máu.

Phụ nữ thường vi nhiễm virus khi quan hệ với người bị nhiễm CMV hoặc khi tiếp xúc với trẻ nhỏ đã bị nhiễm virus CMV. Cứ 10 trẻ từ 1 – 3 tuổi thì có 7 trẻ có thể bị nhiễm CMV và có thể lây cho toàn bộ các thành viên trong gia đình, người chăm sóc hoặc trẻ em khác.

Những đối tượng có nguy cơ cao bị nhiễm CMV bao gồm:

  • Những người hay phải tiếp xúc với trẻ nhỏ như người trông trẻ, giáo viên…
  • Nhân viên y tế hay phải tiếp xúc với bệnh nhân.

Các biện pháp phòng nhiễm CMV

  • Rửa tay sau khi đã tiếp xúc với dịch thể của người khác. Ví dụ như sau khi thay tã cho trẻ, lau dịch mũi hoặc dọn dẹp đồ chơi của trẻ…
  • Gói cẩn thận và vứt bỏ các miếng tã bẩn và khăn giấy sau khi sử dụng.
  • Hạn chế hôn trẻ vào miệng vào má.
  • Không nên dùng chung các đồ dùng cá nhân như cốc, chén, thìa, đũa hoặc thực phẩm với trẻ nhỏ hoặc những người đã bị nhiễm CMV.
  • Nên sử dụng bao cao su khi quan hệ với người bị nhiễm CMV.

- 28-05-2018 -

Bài viết liên quan