Những ảnh hưởng tâm lý của công việc tại các lò mổ

Công việc tại các lò giết mổ động vật có mối liên hệ với nhiều chứng rối loạn như rối loạn căng thẳng hậu chấn thương tâm lý (PTSD) và căng thẳng do tham gia vào các hành vi bạo lực (PITS).

Nếu một con lợn tiến đến và sục mũi vào bạn như một con chó con, liệu bạn có thể giết nó chỉ trong vài khoảnh khắc sau đó?

Ảnh: Creative Commons/Pixabay

Đây là một trong những điều mà người làm công việc giết mổ động vật phải đối mặt hàng ngày. Họ thấy động vật theo nhiều cách khác nhau, không khác gì với các con vật được chúng ta chào đón như một thành viên trong gia đình. Sau đó họ phải giết chúng. Hàng trăm, đôi khi hàng ngàn con vật một ngày.

Tác động về mặt tâm lý mà một người làm công việc giết mổ động phải trải qua là không hề nhỏ. Công việc tại các lò mổ có mối liên hệ với nhiều chứng rối loạn như tình trạng Rối loạn căng thẳng hậu chấn thương tâm lý (Post Traumatic Stress Disorder – viết tắt là PTSD) và căng thẳng do tham gia vào các hành vi bạo lực (Perpetration-Induced Traumatic Stress – PITS). Công việc này cũng có liên quan đến sự gia tăng tỷ lệ tội phạm, bao gồm bạo hành gia đình và lạm dụng rượu, ma túy.

Và khi nhu cầu về thịt tăng lên, số người giết mổ động vật và số động vật cần bị giết hàng ngày cũng tăng theo.

Tuy nhiên, ít ai biết được cái giá mà những người làm công việc này phải trả để người khác có thể thưởng thức những miếng thịt một cách ngon lành.

Chia sẻ với Metro.co.uk, Tiến sĩ Chi-Chi Obuaya (bác sĩ tư vấn Tâm thần học tại Bệnh viện tâm thần Nightingale ở London) đã nói rằng chúng ta thường nghĩ về PTSD theo chiều hướng rối loạn này xảy ra sau một sự kiện gây chấn thương tâm lý, thường xuất hiện ở những người từng trải nghiệm hoặc chứng kiến sự kiện đó. Tuy nhiên, với tư cách là người gây ra cảnh bạo lực, điều mà những người làm việc tại các lò mổ trải qua lại khá khác biệt.

"Chúng ta thường nghĩ về PTSD và những phản ứng tâm lý của người đã từng là nạn nhân, hoặc phải chứng kiến một điều khủng khiếp nào đó", ông giải thích. "ví dụ như, một số người từng bị tra tấn, bị đe doạ tính mạng hoặc sống tại một khu vực có xung đột, và những chấn thương tâm lý phát sinh từ những tình huống đó. Một nhóm khác là những người đã từng chứng kiến những điều cực kỳ tồi tệ."

Đối với những người làm công việc giết mổ, chấn thương tâm lý xảy ra không chỉ một lần. Bởi mỗi ngày họ phải giết hại hàng trăm con vật vô tội.

Tiến sĩ Obuaya đã so sánh công việc này với những binh lính là trẻ em, bị ép buộc tham gia vào một tình huống xung đột và chúng phải thực hiện các hành vi bạo lực khủng khiếp. Một tình huống tương tự mà ông mô tả là hoàn cảnh của một tài xế lái xe buýt, người phải chứng kiến những người tự tử ngay trước đầu xe của mình - "mặc dù họ không phải là kẻ phạm tội, nhưng họ là người chứng kiến sự việc tồi tệ xảy ra ngay trước mắt mình".

“Rõ ràng, loại công việc tại các lò mổ khá là tàn bạo, cho nên có hai cách nhìn trái chiều về nó”, ông nói. “Chúng ta thường nghĩ về PTSD trong mối liên hệ với những giai đoạn chấn thương tâm lý khác nhau. Theo đó, sẽ có một sự kiện xảy ra và một loạt các triệu chứng như ác mộng và hồi tưởng xuất hiện trong những tuần và những tháng sau đó. Đó là cách chúng ta nhận biết PTSD theo các tài liệu hướng dẫn chẩn đoán.”

Một trong những điều ít được biết đến hơn - và đây là tình trạng mà nhóm các công nhân làm nghề giết mổ động vật rơi vào – đó là tổn thương tâm lý lặp đi lặp lại. Hiểu biết của chúng ta về tâm thần học vẫn còn khá hạn chế, bởi chúng ta có xu hướng khái quát hóa nó theo các dạng tổn thương tâm lý riêng biệt.

“Vì vậy, tôi xem xét các nhóm khác để so sánh - nếu một người bị mắc kẹt và bị giam giữ, có thể hoặc không trải qua những sự kiện mang tính chất đe dọa tới mạng sống, nhưng phải trải qua nó trong một khoảng thời gian thì đó là một chấn thương lặp đi lặp lại. Tôi không muốn sử dụng cụm từ "cấp độ thấp" - không nổi bật nhưng lại rất phổ biến. Công việc giết mổ rơi vào dạng đó.”

Mặc dù còn hạn chế, nhưng các nghiên cứu đã tìm ra mối liên hệ rất rõ ràng giữa công việc tại các cơ sở giết mổ và các rối loạn chấn thương - bao gồm cả tình trạng PITS vốn còn ít được biết đến.

Trong nghiên cứu “Tình trạng căng thẳng do tham gia vào các hành vi bạo lực: Hậu quả tâm lý của việc giết chóc” được công bố năm 2002 của Rachel M. Macnair, một nhà xã hội học và tâm lý học, bà đã mô tả sự rối loạn này là một dạng PTSD xuất hiện “từ những tình huống có thể gây ra sang chấn mà người mắc rối loạn vừa là nạn nhân, vừa là người tham gia tạo ra tình huống đó ”- nghĩa là người này xuất hiện những triệu chứng do chính sự kiện sang chấn mà họ đã gây ra. Theo Macnair, PITS có thể dẫn đến các trạng thái lo lắng, hoảng sợ, trầm cảm, lạm dụng ma túy và rượu, chứng hoang tưởng gia tăng, sự cô lập, mất tập trung và mất trí nhớ. Những triệu chứng này là một trong các “hậu quả tâm lý" của việc giết chóc.

Macnair chủ yếu nói về hội chứng PITS liên quan tới những đao phủ, cựu chiến binh và các thành viên quốc xã trong Thế chiến II - mặc dù vậy, bà nói rằng các công nhân giết mổ cũng là một bộ phận khác của xã hội dễ bị tổn thương.

Tiến sĩ Obuaya chia sẻ thêm: "Gần như có một biến thể của PTSD mà chúng ta đề cập đến như một dạng PTSD phức tạp và nó được mô tả chi tiết hơn ở những người từng bị ngược đãi về thể chất, tinh thần và tình cảm khi gặp phải một chấn thương lặp đi lặp lại ở thời thơ ấu. Nó có một chút khác biệt so với PTSD. Với PTSD, bạn có một loạt các triệu chứng như: sống lại với (ký ức về) sự kiện, tránh những gì gợi nhớ tới sự kiện, và siêu cảnh giác (hyper-vigilance) - cảm giác một người cần phải luôn đề phòng, và hệ thống thần kinh tự hoạt động quá mức, do đó nó gây ra trạng thái bị kích thích quá mức.

Trong khi đó, với PTSD phức tạp, có thể có hoặc không có những trải nghiệm “sống lại ký ức” đó, và có một dạng cảm xúc thù ghét bản thân - một sự chán ghét tột độ và đánh mất chính mình. Đó là những gì mà người ta có thể thấy ở nhóm đặc thù này, những người tiếp xúc nhiều lần, lặp đi lặp lại với chấn thương tâm lý dưới vai trò là thủ phạm gây ra chấn thương đó dẫn đến sự đổ vỡ trong bản sắc của cá nhân. Hiện tại, tình trạng này không được công nhận đầy đủ trong hướng dẫn chẩn đoán, nhưng được đề cập đến trong thực hành lâm sàng, và có những phương pháp điều trị theo các hướng chẩn đoán đó.

Ông nói thêm: “Tôi đoán rằng bất cứ ai đang trải qua những khó khăn về sức khoẻ tinh thần sẽ có khuynh hướng nhìn vào tính cách của họ theo hướng bệnh lý, ví dụ, khi một người trở nên chán nản, người ta thường phân biệt giữa giai đoạn khi họ rất cởi mở và thích giao lưu, và sau đó họ trở nên không chan hòa và thu mình. Về mặt chủ quan là có sự thay đổi về tính cách do chính họ hoặc những người thường xuyên tiếp xúc với họ mô tả. Ngoài ra cũng có sự thay đổi một cách khách quan như dễ nổi cáu, không tin tưởng, tức giận bản thân và cả những người khác. Do vậy, có sự thay đổi về nhân cách đôi khi rất khó diễn đạt rõ ràng. Nhưng có một sự hiểu biết rõ ràng rằng một cái gì đó đã thay đổi.”

Những người từng làm nghề giết mổ, khi nói về thời gian của họ trong ngành công nghiệp chế biến đã mô tả cảm giác thay đổi này trong họ, và họ đã phải trải qua các triệu chứng PTSD trong nhiều năm sau đó.

Ed Van Winkle - một người làm nghề chọc tiết lợn, được  trong Biên bản cuộc họp của Đại hội cổ đông Tyson Foods năm 2006, mô tả rằng những công nhân làm công việc xẻ thịt đã phải tự bắt buộc bản thân làm việc. Ông làm việc tại lò mổ Morrell ở Sioux City, Hoa Kỳ.

“Điều tồi tệ nhất, tồi tệ hơn cả mối nguy hiểm thể chất (tai nạn trong công việc) là những mất mát về mặt cảm xúc”, Winkle nói. “Tại khu vực giết mổ, những con lợn tiến tới và sục mũi vào tôi gần gũi như một con chó con. Hai phút sau, tôi phải giết chúng – đập chúng tới chết bằng cái tuýp sắt.”

Một người đàn ông khác tên Virgil Butler, từng làm việc tại một nhà máy giết mổ gia cầm ở Mỹ, do công ty Tyson điều hành, từ năm 1997 đến năm 2002. Sau khi nghỉ việc, ông đã trở thành người cổ vũ chống lại việc giết mổ động vật, đã cùng với vợ là Laura Alexander lập trung tâm cứu hộ động vật.

“Những hình ảnh giết chóc và máu có thể sẽ còn ám ảnh bạn trong một thời gian dài”, ông viết trên blog với tiêu đề “The Cyberactivist” vào năm 2003.‘Đặc biệt nếu bạn không thể dập tắt mọi cảm xúc và biến thành robot hay zombie. Bạn sẽ cảm thấy mình như một phần của một cỗ máy giết chóc khổng lồ. Và [chính bạn] cũng bị đối xử như thế.

“Đôi khi những suy nghĩ kỳ cục sẽ xuất hiện trong đầu bạn. Chỉ có bạn và những con gà đang hấp hối. Những cảm xúc siêu thực sẽ tiến triển thành nỗi kinh hoàng về hành động dã man của bạn. Bạn đang giết hàng ngàn con gà vô tội (từ 75.000 - 90.000 con mỗi đêm). Bạn là một kẻ giết người.”

Để mô tả về sự cô lập mà ông và các đồng nghiệp phải đối mặt, Butler đã viết về “một người bạn đã phải tới bệnh viện tâm thần vì có những cơn ác mộng rằng những con gà đang đuổi theo anh ta”, ông chia sẻ thêm: “Tôi cũng đã có những cơn ác mộng đó.”

Nhưng bi kịch là, có những người bị mắc kẹt trong dòng công việc này. Butler đã mô tả trong một bài phát viết có tên là “Bên trong Địa ngục Tyson” về việc hầu hết những đồng nghiệp của ông là người không biết chữ, thậm chí họ còn không thể viết đơn xin việc. Cơ hội tìm kiếm một công việc khác đối với họ là rất khó.

Bị mắc kẹt trong một cuộc sống như thế, nó sẽ làm cho họ “dễ trở nên bạo lực hơn” “có thể dễ dàng tấn công bất cứ thứ gì hoặc bất cứ ai khiến họ điên tiết” – và ông mô tả chi tiết một số “trò chơi” mà những công nhân ở đây thường chơi với những xác động vật.

Cụ thể, họ sẽ vặt đầu những con gà còn sống, sau đó kẹp những cái đầu gà đó vào ngón tay và sử dụng chúng như những con rối. Ở một trò chơi khác, họ sẽ chơi trò đấu phân”, họ sẽ bóp chặt một con gà còn sống, mạnh đến mức khiến phân của nó phọt vào một người khác.

Nhiều người làm công việc giết mổ động vật có những hành vi bạo lực”, ông viết. “Họ phạm tội. Những người đã từng là tội phạm có khuynh hướng theo các công việc này. Bạn không thể có lương tâm và làm cái việc là giết hại những sinh vật sống hết đêm này tới đêm khác.”

“Bạn cảm thấy bị cô lập khỏi xã hội. Cô độc. Bạn biết bạn khác biệt so với hầu hết mọi người. Họ không có ảo giác về những cái chết khủng khiếp. Họ không phải tận mắt chứng kiến những gì bạn đã thấy. Và chắn chắn họ cũng sẽ không muốn thấy, thậm chí không muốn nghe về nó.”

Butler qua đời một cách bi thảm trong khi ngủ, chỉ vài năm sau đó, vào tháng 12 năm 2006.

| Nguồn tài liệu tham khảo: https://metro.co.uk/2017/12/31...

|Tác giả: Ashitha Nagesh 

Theo Vietnam Animals Eyes

- 02-11-2018 -

Bài viết liên quan

  • Tự kỉ là một biểu hiện của sự rối loạn tâm thần. Theo số liệu từ khoa phục hồi chức năng thuộc Bệnh viện Nhi Trung Ương cho biết năm 2007 có tới 268% số trẻ em mắc bệnh tự kỉ và số liệu này vẫn không ngừng tăng lên, nhưng việc nhận biết triệu chứng bệnh tự kỉ ở trẻ để phát hiện sớm và chăm sóc trẻ còn chưa được quan tâm nhiều, các bà mẹ còn thiếu nhiều kiến thức về bệnh tự kỉ. Vì thế, các bà mẹ nên đọc và tìm hiểu về triệu chứng bệnh tự kỉ ở trẻ và cách điều trị.

  • Lo kết quả một kì thi. Lo công việc hiện tại chưa hoàn tất. Lo về sức khỏe dạo này không tốt. Lo khi chưa biết rõ con đường tương lai của mình sẽ ra sao… biết bao những mối lo thường trực đó, dù chúng ta đã tự nhủ rằng lo lắng cũng vô ích, nhưng rõ ràng là trong lòng chúng ta vẫn chưa thể gỡ bỏ được mối bận tâm rất dai dẳng.

  • Thuật ngữ ám ảnh khoảng trống là để mô tả một cụm những ám ảnh sợ liên hệ qua lại và thường gối lên nhau bao gồm các nỗi sợ hãi khi đi ra khỏi nhà như: sợ đi vào của hàng, sợ đám đông, sợ những nơi công cộng, sợ đi một mình trong tàu hỏa, xe ô tô hoặc máy bay. Tùy mức độ trầm trọng của lo âu mà phạm vi của tác phong tránh né các tình huống gây hoảng sợ có khác nhau.

  • Mặc dù những nguyên nhân chính xác của tự kỷ chúng ta vẫn chưa biết, tuy nhiên hiểu biết của chúng ta về những cơ chế có thể gây ra rối loạn này ngày càng rõ ràng hơn. Những tiến bộ này là bằng chứng giúp chúng ta xem xét lại quy kết trước đây người ta cho rằng tự kỷ là do cha mẹ lạnh lùng, không yêu thương.

  • Hưng cảm là một dạng rối loạn tâm lý đặc trưng với trạng thái hứng khởi, phấn khích cao độ, dễ bị kích thích, cáu kỉnh, nóng giận và cảm thấy bản thân tràn đầy năng lượng. Chứng hưng cảm có thể xuất hiện ở mức độ nhẹ cho tới nặng hơn là phát triển các triệu chứng của rối loạn tâm thần như ảo giác, hoang tưởng, đa nghi, gây hấn, bạo lực… cần điều trị kịp thời.