12 cách khắc phục tâm trạng lo lắng

Lo kết quả một kì thi. Lo công việc hiện tại chưa hoàn tất. Lo về sức khỏe dạo này không tốt. Lo khi chưa biết rõ con đường tương lai của mình sẽ ra sao… biết bao những mối lo thường trực đó, dù chúng ta đã tự nhủ rằng lo lắng cũng vô ích, nhưng rõ ràng là trong lòng chúng ta vẫn chưa thể gỡ bỏ được mối bận tâm rất dai dẳng.

Vào một ngày tồi tệ - và cũng có thể là ngày này nối tiếp ngày kia - mọi sự việc nhỏ cũng làm chúng ta sao nhãng. Chúng ta cảm thấy bứt rứt, lo âu, vò đầu bứt tai, quá bồn chồn để tĩnh tâm. 

Lần tới khi não bạn trở nên rối tung, hãy thử cân nhắc những giải pháp sau:

1. Đầu tiên, hãy chậm lại

Khi chúng ta lo lắng, mọi thứ đều trở nên nhanh hơn - các suy nghĩ ập đến, tim đập nhanh hơn, hơi thở dồn dập làm chúng ta khó có thể suy nghĩ và đưa ra các quyết định sáng suốt. Ngay ở dấu hiệu ban đầu của việc các thứ đang nhanh hơn, hãy di chuyển chậm lại và suy nghĩ xem bạn cần làm gì để mọi thứ chậm lại.

2. Thức tỉnh với các giác quan

Lo lắng tồn tại trong tâm trí mỗi người và thường phản hồi lại trên cơ thể. Khi lo âu, chúng ta không thể kết nối với thực tại đang diễn ra. Hãy dành một ít thời gian để kết nối với các giác quan của bạn.Việc này sẽ giúp kéo bạn lại với thực tại.

3. Tập trung trí óc với một công việc đơn giản

Cuộc sống ngập tràn những công việc đơn giản: đi dạo, ăn, trả lời emails, làm vườn, uống nước và nấu nướng... Khi lo lắng, chúng ta thường mất kiểm soát. Tập trung trí óc với một công việc đơn giản nhắc nhở chúng ta đang làm chủ những lựa chọn của mình. Chọn một công việc nào đó và tưởng tượng đây là lần đầu tiên bạn thực hiện nó. Hãy lắng mình vào sự sâu sắc nhất trong cuộc sống của bạn.

4. Kiểm tra thực tế

Lo âu thường xuất phát từ nỗi sợ về những sự việc chưa xảy ra. Trí óc của chúng ta rất sáng tạo và thường xây dựng lên những câu chuyện không có thật. Khi bạn có một suy nghĩ đáng sợ, hãy tự hỏi bản thân “Suy nghĩ này có đúng không?” Nhiều khả năng là những nỗi sợ tồi tệ nhất của bạn chỉ là những nỗi sợ, không phải những sự thực, không phải là thực tế đang diễn ra.

5. Giải phóng những lời phê bình

Chẳng những lo lắng đã làm chúng ta đủ đau đớn, chúng ta còn bị tấn công lần thứ hai bởi những suy nghĩ tự phê phán bản thân. Một câu hỏi đơn giản thế này: những đánh giá đó làm bạn thấy lo lắng nhiều hay ít hơn? Câu trả lời hầu như luôn luôn là, nhiều hơn. Khi bạn nhận thấy sự tự phê phán, hãy xem xét mình có thể ngăn cản việc đó bằng cách gõ cửa trái tim mình và nhủ: “Hy vọng tôi có thể đối xử tốt với bản thân mình hơn.”

6. Điều chỉnh năng lượng lo âu của bạn

Không phải tất cả lo âu đều xấu. Giống như hầu hết những sự kiện tâm lý, lo âu nằm trên một phổ (từ nhẹ đến nặng). Nếu vấn đề lo âu không quá nghiêm trọng, bạn có thể điều chỉnh năng lượng đó vào một việc có ích hơn. Nếu như bạn đang lo lắng về một điều gì đó, hãy chủ động làm gì khác như đi bộ nhanh, rửa dọn hoặc làm vườn.

7. Nằm xuống và ngắm nhìn bầu trời

Đây là một mẹo cũ… một trải nghiệm tự nhiên của sự thức tỉnh tâm trí sẽ diễn ra khi chúng ta nằm xuống, ngước lên bầu trời và ngắm nhìn những đám mây. Trải nghiệm bản chất của cách mà mọi thứ tự nhiên đến và đi một cách tự nhiên.

8. Lắng nghe

Hãy làm một thí nghiệm, dành ra một ngày và chủ động thực hiện việc lắng nghe. Lắng nghe âm thanh của những chiếc lá trong gió, của đám trẻ con vui đùa, hay của ai đó nói chuyện với bạn. Khi dừng lại và lắng nghe, chúng ta có thể tìm lại được sự đơn giản của cuộc sống, và những suy nghĩ lo lắng bắt đầu lắng xuống.

goldsteins_mindfullife_apr16

(Ảnh minh họa)

9. Bài tập 5×5

Khi lo lắng ở vào mức vừa phải đến nghiêm trọng, việc luyện bài tập 5×5 có thể có ích. Sử dụng từng giác quan và liệt kê ra năm điều bạn nhận thấy qua chúng. Nói cách khác, liệt kê ra năm điều bạn nhìn thấy, ngửi thấy, nếm được, cảm nhận được và nghe được. Điều này có thể làm gián đoạn những suy nghĩ khủng hoảng tự phát, nguồn năng lượng cho sự lo âu.

10. Hiểu về nguyên nhân gây lo lắng cho bạn

Điều gì làm bạn lo lắng? Sự chậm trễ? Biểu diễn trước một đám đông? Những tình huống xã hội? Nếu như biết được những nguyên nhân gây lo lắng, bạn có thế chuẩn bị luyện tập trước. Khi tâm trí cảm thấy có sự chuẩn bị, nó sẽ nhẹ nhàng hơn.

11. Nuôi dưỡng sự kiên nhẫn

Mối quan hệ của sự thiếu kiên nhẫn đối với lo âu tương tự như sự kiên nhẫn đối với sự bình tĩnh và nhẹ nhõm. Nếu muốn làm chủ sự kiên nhẫn, bạn cần coi chừng sự mất kiên nhẫn và tỏ ra tò mò về nó. Nó biểu hiện thế nào trên cơ thể? Bạn có thể mặc kệ nó không? Kiên nhẫn không chỉ là một đức tính. Đó là con đường dẫn đến sự tự do về cảm xúc.

12. Khám phá sự cân bằng tự nhiên của bản thân

oil_painting___mountains_by_fairlyodd1217

Ảnh: Wispy Chipmunk

Bài thiền “ngọn núi” là một cách tuyệt vời tạo cho bạn trải nghiệm về cân bằng ở ngay giữa sự thay đổi tự nhiên trong tâm trí.

  1. Ngồi trong tư thế thoải mái, nhắm mắt lại, và hít thở một vài hơi thật sâu. Để hơi thở của bạn hoà với khoảnh khoắc này.
  2. Tưởng tượng mình là một ngọn núi, với cánh rừng phủ kín ngọn núi và tất cả những tán lá xanh. Cố gắng hết sức với sự hình dung này.
  3. Trải nghiệm những mùa khác nhau: mùa hạ, mùa thu, mùa đông, mùa xuân lần lượt mở ra. Mùa thu mang lại những màu sắc đẹp đẽ, mùa đông ngập đầy tuyết, băng và những cơn bão, mùa xuân mang lại những bông hoa mới, và mùa hè đem lại sự nóng bức và tiềm tàng cả những đám cháy.
  4. Bây giờ, hãy thử tự hỏi bản thân: “Ngọn núi có thực sự thay đổi không?” Ngọn núi vẫn giữ nguyên: rắn chắc, ổn định, và bám chắc vào lòng đất.
  5. Ngay giữa cơn lo âu, hãy tự nhủ bản thân rằng: hít vào - tôi tưởng tượng mình là một ngọn núi, thở ra - tôi rắn rỏi và bám chắc. Hãy cảm nhận sự cân bằng tự nhiên đang ở đó.

Link bài viết gốchttps://beautifulmindvn.com/20...

*** Lo lắng không phải là một chứng bệnh, nhưng nó là dấu hiệu của chứng rối loạn thần kinh nếu không điều trị kịp thời. Hãy khám ngay với bác sĩ trực tuyến chuyên khoa Tâm thần họcTâm lý trên hệ thống Khám Từ Xa của Wellcare để được tư vấn, chẩn đoán và điều trị.

Biên dịch: Thanh Hà

Theo beautifulmindvn.com

- 16-10-2018 -

Bài viết liên quan