Hội chứng tự hủy hoại bản thân

Tự hủy hoại bản thân là gì?

Hội chứng tự hủy hoại bản thân xảy ra ở những người tự làm tổn thương bản thân bằng cách cố ý gây hại cho bản thân về mặt thể chất (cắt, đập đầu vào một thứ gì đó, tự đốt bản thân, đấm vào tường), tham gia vào hành động nguy hiểm (bài bạc, quan hệ tình dục không an toàn, lạm dụng chất kích thích), sở hữu mối quan hệ tình cảm lệch lạc, bỏ bê sức khỏe của bản thân. Tuy nhiên, họ là những người không muốn chết.

Theo một số nghiên cứu, thói quen tự hành xác bản thân sẽ khiến phát sinh các chất gây tê tự nhiên trong cơ thể, có khả năng tự mình xoa dịu những nỗi đau về mặt tinh thần, tìm thấy sự dễ chịu về cảm xúc. Do đó, việc này có thể gây nghiện, dẫn đến tình trạng bị lệ thuộc hoàn toàn hoặc một phần vào việc tự hành hạ bản thân.

(Ảnh minh họa)

Hành vi tự hủy hoại bản thân. (Ảnh minh họa)

Triệu chứng của hội chứng tự hủy hoại bản thân

Dấu hiệu cảnh báo một người nào đó có thể tự làm tổn thương bản thân như: thường xuyên có các vết thương mà không rõ nguyên nhân, giảm lòng tự trọng, dễ căng thẳng, cô đơn, có mâu thuẫn trong các mối quan hệ với bạn bè và người thân, khả năng lao động và học tập kém.

Dấu hiệu của hội chứng này xuất hiện từ tuổi dậy thì và tồn tại dai dẳng. Sau khi tự làm đau bản thân, người bệnh vẫn có thể tiếp tục gây tổn thương tiếp theo.

Những người tự làm hại có thể cố gắng che giấu các vết thương của họ, chẳng hạn họ luôn mặc quần áo dài tay dù trời nóng. Nếu bị phát hiện, người tự làm bị thương thường có thể bịa ra một lý do nào đó như “tôi bị té xe” hoặc “tôi bị mèo cào”.

Những người tự hủy hoại bản thân thường cho biết họ cảm thấy trống rỗng bên trong, căng thẳng quá mức, không thể bày tỏ cảm xúc của mình, cô đơn, không hiểu người khác, sợ hãi đối mặt các mối quan hệ trong gia đình và xã hội.

Tự hành hạ bản thân sẽ giúp họ cảm nhận rõ hơn về trạng thái cảm xúc đang trải qua của bản thân. Một số trường hợp, họ tự hành xác bản thân để tự trấn an những khủng hoảng tinh thần.

Sau khi tự gây thương tích cho bản thân, người bệnh cố gắng đạt các mục đích như mong có được sự quan tâm, giúp đỡ của người khác, giải quyết các bất đồng, làm giảm sự nhàm chán trong quan hệ với mọi người...

Một số nghiên cứu tại Hoa Kỳ chỉ ra rằng hành vi tự gây thương tích có tỉ lệ khoảng 4% người lớn, tỉ lệ này ở thanh niên là 15%, còn ở sinh viên lên đến 17-35%. Tự hủy hoại cơ thể được tìm thấy trong khoảng 30% người nghiện rượu và 10% người nghiện ma túy đường tiêm tĩnh.

Nguyên nhân gây ra hội chứng tự hủy hoại bản thân

Theo ThS. BS Nguyễn Ngọc Quang, (Giám đốc Trung tâm Pháp y tâm thần Khu vực TP.HCM), các hành động tự làm đau đớn, tổn thương bản thân như rạch tay chân, đập đầu, cào cấu, dùng thuốc lá dí vào người, dùng hóa chất gây bỏng rộp… có thể gọi chung là hành động tự hủy hoại. Hành động tự hủy hoại có thể gặp ở nhiều bệnh tâm thần như: tâm thần phân liệt; loạn thần do sử dụng chất kích thích, nhất là ma túy tổng hợp; rối loạn stress tuổi thanh thiếu niên; trầm cảm và có ý tưởng tự sát…
Lý do một người bệnh đi tìm cơn đau có thể rất khác nhau. Có thể vì một cảm giác cuồng loạn, không thể kiểm soát khi dùng ma túy tổng hợp kết hợp với không gian, tiếng nhạc kích thích, rượu. Có thể đơn giản là trẻ muốn thu hút sự chú ý của cha mẹ, phản ứng với cha mẹ trong rối loạn stress thanh thiếu niên. Hay nguy hiểm hơn là người có ý định tự sát đang thử cảm giác đau đớn! Vì vậy, khi phát hiện và nghi ngờ điều này, người thân cần đưa người bệnh đến chuyên khoa tâm thần để điều trị sớm vì không thể biết trước khi nào họ sẽ tái diễn hành động sai lầm.

Cách xử trí 

Với những người bệnh này, người nhà cần tìm ra nguyên nhân tự gây tổn thương để điều trị triệt để, không để tái diễn hành vi tự hủy hoại, tạo ra mối liên kết giữa cảm xúc và hành vi. Cảm xúc tiêu cực mạnh mẽ có thể khiến người bệnh có biểu hiện rối loạn hành vi, gây hại cho bản thân.

Khi phát hiện người thân đang tìm đến cảm giác đau đớn qua các hành động tự hủy hoại, tốt nhất nên bình tĩnh, đừng phản ứng quá mạnh như la mắng, trách móc. Hãy xem lại mối quan hệ gia đình, cách cư xử của những người thân thiết nhất… Liệu có điều gì đó đã ảnh hưởng đến họ? Sau đó, nên tìm cách nói chuyện nhẹ nhàng, xem thử họ có điều gì cần chia sẻ hay muốn giúp đỡ?

Tình huống người tự hủy hoại là trẻ em thì càng đáng được lưu tâm. Người lớn không nên nhìn vào tâm lý của một đứa trẻ bằng góc nhìn của mình. Đôi khi, có những chuyện mà người lớn cho là “vặt vãnh” như bị bạn trai, bạn gái chia tay cũng có thể khiến trẻ bị stress, trầm cảm và biểu lộ bằng những thay đổi tính nết, hành vi.

Khi phát hiện một người tự hủy hoại bản thân, hãy đưa họ đến bệnh viện hoặc gọi bác sĩ Tâm lý - Thần kinh trực tuyến để được khám, chẩn đoán và tư vấn phương pháp điều trị phù hợp.

Wellcare tổng hợp

Nguồn: Tuổi trẻ và Người lao động

- 23-07-2018 -

Bài viết liên quan

  • Rối loạn nhân cách ái kỷ (hay còn gọi là bệnh ái kỷ hoặc chứng yêu bản thân thái quá) là bệnh lý tâm thần hiếm gặp. Người bệnh chỉ quan tâm đến bản thân, tầm quan trọng của mình bị thổi phồng lên, muốn người khác ngưỡng mộ và tôn trọng mình nhưng lại thiếu đồng cảm với người khác. Bệnh có thể ảnh hưởng đến cuộc sống nếu không được điều trị kịp thời. 

  • Rối loạn căng thẳng hậu chấn thương tâm lý không phải là một nỗi buồn vu vơ nào đó mà chúng ta thi thoảng gặp, không phải là những áp lực mệt mỏi hằng ngày, chỉ cần sự sẻ chia yêu thương là tan biến. Mà nó là một nỗi đau, một bệnh tâm lý cần được chữa trị từng bước một trong một khoảng thời gian dài với một đội ngũ bác sĩ chuyên gia tâm lý được đào tạo lâu năm. Bởi vì nếu chỉ tính riêng quân nhân giải ngũ thì cứ mỗi ngày lại có 22 người tự sát, cứ mỗi 65 phút thì lại có một người tự kết thúc mạng sống của mình.

  • Tâm bệnh hoặc bệnh tâm lý là các rối loạn về chức năng của não bộ, gây ra những thay đổi về suy nghĩ, nhận biết, tâm trạng, tính tình hoặc hành vi của người bệnh. 

  • “Rối loạn dạng cơ thể” là một dạng bệnh được chẩn đoán là do nguyên nhân tâm lý. Nhưng hầu hết bệnh nhân cho rằng do thầy thuốc chưa đủ giỏi hoặc y học chưa đủ tiến bộ để tìm ra nguyên nhân cụ thể.

  • Rối loạn lo âu chia ly (Seperation Anxiety Disorder) là một rối loạn lo âu mà bạn phải trải qua cảm giác lo âu quá mức về việc bị chia cách với gia đình bạn hoặc giữa bạn với người thân thiết của bạn (ba mẹ, người chăm sóc). Hầu hết xảy ra ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, giữa độ tuổi 6-7 tháng tuổi đến 3 tuổi, mặc dù có thể bệnh biểu hiện rõ ở trẻ lớn hơn, trẻ vị thành niên 13-17 tuổi và người trưởng thành. 

  • Rối loạn mất điều chỉnh tâm trạng muốn gây rối (Disruptive Mood Dysregulation Disorder) là một chẩn đoán tương đối mới trong lĩnh vực sức khoẻ tâm thần. Trẻ bị DMDD thường xuyên bộc lộ những cơn cáu giận dữ dội, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của trẻ khi ở nhà, ở trường hoặc khi ở cùng với bạn bè.