Cách xử trí hội chứng hưng cảm

Hưng cảm là một dạng rối loạn tâm lý đặc trưng với trạng thái hứng khởi, phấn khích cao độ, dễ bị kích thích, cáu kỉnh, nóng giận và cảm thấy bản thân tràn đầy năng lượng. Chứng hưng cảm có thể xuất hiện ở mức độ nhẹ cho tới nặng hơn là phát triển các triệu chứng của rối loạn tâm thần như ảo giác, hoang tưởng, đa nghi, gây hấn, bạo lực… cần điều trị kịp thời.

Trầm cảm là một trạng thái thường được nói đến nhiều trong cuộc sống hàng ngày nhưng hưng cảm là một hội chứng đối nghịch, gây nên trạng thái hưng phấn của cơ thể, ít được quan tâm để phát hiện và phòng ngừa.

Cách xử trí hội chứng hưng cảm

Người bị hội chứng hưng cảm có khí sắc tăng, thường có biểu hiện vui vẻ, phấn chấn, yêu đời. (Ảnh minh họa)

Có thể nói hội chứng hưng cảm là một trường hợp bệnh lý đối nghịch lại với trạng thái trầm cảm thường gặp trong cuộc sống hàng ngày. Trầm cảm là tình trạng bệnh lý rối loạn cảm xúc biểu hiện bằng dấu hiệu giảm khí sắc, buồn rầu, giảm thích thú, thường xuyên mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ, giảm tập trung chú ý, có cảm nghĩ là người không xứng đáng, tự ti, mặc cảm, bi quan kèm theo một số triệu chứng cơ thể thực vật. Trái lại hội chứng hưng cảm như trên đã nêu là trạng thái hưng phấn của cơ thể với dấu hiệu cảm xúc hưng phấn, tăng khí sắc, tăng hoạt động, có tư duy hưng phấn và kèm theo các biểu hiện rối loạn cơ thể như thèm ăn, tăng hoạt động tình dục, sụt cân... Đây cũng được xem là trường hợp bệnh lý cần được phát hiện và xử trí phù hợp.

Biểu hiện lâm sàng của hưng cảm

Trên lâm sàng, cơn hưng cảm có đặc điểm là khởi phát nhanh và đột ngột, có thể kéo dài trong vài giờ hoặc vài ngày, nhất là khi có một số stress tác động ảnh hưởng. Tuy vậy trong thực tế, đôi khi, cơn hưng cảm có thể phát triển qua một giai đoạn từ vài ngày đến vài tuần. Một giai đoạn của hội chứng hưng cảm thường được biểu hiện qua những thay đổi hưng phấn về khí sắc, tư duy, hoạt động và một số các rối loạn cơ thể.

Khí sắc hưng phấn

Người bị hội chứng hưng cảm có khí sắc tăng, thường có biểu hiện vui vẻ, phấn chấn, yêu đời, lạc quan về mọi vấn đề của cả quá khứ, hiện tại và tương lai, cảm thấy tràn trề hạnh phúc, hồ hởi, phấn khởi làm cho những người khác ở chung quanh cũng bị ảnh hưởng và vui lây. Người có hội chứng này thường hay cười, nói, hát hò nhưng bỗng chốc có thể trở nên cáu gắt, kích động, không tự kiềm chế được. Nếu trường hợp bị hưng cảm mạn tính thì sẽ có khuynh hướng tấn công, hay bực bội, chửi rủa, lăng nhục người khác... Một đặc điểm cũng được ghi nhận là người hưng cảm thường có cái tôi, hay khẳng định bản thân mình, thích khoe khoang, hống hách, ưa thích kiện tụng những vấn đề vụn vặt...

Tư duy hưng phấn

Người có hội chứng hưng cảm trong quá trình hoạt động tâm thần thường có biểu hiện tăng tốc, trí não đầy ắp những suy nghĩ dồn dập, những suy nghĩ này chưa xong thì đã tuôn trào ra những suy nghĩ khác. Đồng thời những người này thường có đặc điểm nói chuyện rất nhanh để cố gắng diễn đạt tất cả những ý nghĩ trong một thời gian rất ngắn. Hay nói to, nói nhiều và nói liên tục với những câu nói không cưỡng lại được; lời nói có vần điệu hay chơi chữ và theo phong cách nói hơi quá, phóng đại, tô màu trong nội dung diễn đạt. Nhiều người có hội chứng hưng cảm bị hoang tưởng tự cao, tin rằng mình là người giàu sang, có địa vị xã hội và chính trị cao... như tin mình là thiên sứ của chúa, là thứ trưởng, là tổng thống, là tỷ phú...

Hoạt động hưng phấn

Người có hội chứng hưng cảm cũng tin rằng mình chưa từng bao giờ khỏe mạnh và có nhiều năng lực như thế, họ cảm thấy không hề mệt mỏi nhưng không thể hoàn thành bất cứ một công việc nào. Thường thì những người hưng cảm có đặc điểm làm hết việc này sang việc khác nhưng lại không có việc nào xong xuôi. Đồng thời, họ rất ít khi ngủ, chỉ ngủ được vài giờ trong ngày hoặc ít hơn, đôi khi có các giấc ngủ ngắn trong ngày. Ngoài ra, họ còn có các hoạt động thể lực quá mức hoặc khủng khiếp, gây phiền hà cho những người xung quanh. Một số trường hợp có thái độ và hành vi thiếu lịch sự, khiếm nhã, quá khích, sỗ sàng, sàm sỡ... khiến mọi người rất khó chịu.

Một số rối loạn cơ thể khác

Ngoài những thay đổi hưng phấn về khí sắc, tư duy và hoạt động đã nêu trên, những người có hội chứng hưng cảm còn có biểu hiện một số rối loạn cơ thể khác như: thèm ăn, ăn nhiều, ăn nhanh, ăn một cách ngấu nghiến vì cho rằng không có đủ thời gian dành cho việc ăn uống. Có khả năng tình dục tăng, trở nên suồng sã, thường hay tán tỉnh thô bạo, không biết xấu hổ, thậm chí có hành vi khiêu dâm và quấy rối tình dục...

Cách xử trí hội chứng hưng cảm

Người có hội chứng hưng cảm cần được nhanh chóng làm dịu bớt cơn hưng cảm bằng cách tiếp xúc, nói chuyện một cách nhẹ nhàng, khéo léo, tế nhị; tránh những lời nói có thể làm kích thích tăng thêm trạng thái hưng cảm. Cần nhanh chóng đưa người có hội chứng hưng cảm đến các cơ sở y tế hoặc Gọi thoại - Gọi video với bác sĩ chuyên khoa Tâm lý hoặc Tâm thần học để được khám, chẩn đoán, tư vấn và hướng dẫn điều trị phù hợp. Trong những trường hợp nặng, người có hội chứng hưng cảm phải được điều trị, chăm sóc tại các bệnh viện chuyên khoa.

Theo Sức khỏe và đời sống

- 31-10-2018 -

Bài viết liên quan

  • Chữa lành vết thương tâm lý cũng quan trọng như vết thương trên thân thể vậy. Đừng coi thường bất kỳ vết thương nào, vết thương tâm lý cũng có thể để lại những hậu quả nghiêm trọng.

  • Những hành vi ban đầu thoạt có vẻ vô hại và ngây thơ (muốn người kia dành hết thời gian cho mình bởi vì quá yêu) sẽ chuyển biến thành khống chế và đàn áp một cách thái quá (ví dụ đe dọa tuyệt đối không cho người kia đi chơi hay nói chuyện với gia đình bạn bè). Tất nhiên bạo hành có nhiều cấp độ, không phải mọi mối quan hệ bạo hành đều kết thúc với việc nạn nhân bị giết hại, dù trường hợp này có xảy ra.

  • Rối loạn phổ tự kỷ (ASD) là một khuyết tật về phát triển có thể gây ra những trở ngại đáng kể về mặt xã hội, giao tiếp và hành vi. Thường thì hình thức bề ngoài của những người rối loạn phổ tự kỷ không có gì khác với những người khác, nhưng cách họ giao tiếp, tương tác, hành xử và học tập thì khác với hầu hết những người khác. Khả năng học tập, suy nghĩ và giải quyết vấn đề của những người rối loạn phổ tự kỷ có thể dao động từ rất có tài năng đến khó khăn nghiêm trọng. 

  • Cuộc sống hiện đại gấp gáp đem đến quá nhiều nỗi phiền muộn. Căng thẳng, cô đơn, lo lắng, xung đột… tất cả đang gặm nhấm nguồn năng lượng sống của mỗi người. Có khi nào bạn thấy mình buồn bã, chán nản, không còn nghị lực để tiếp tục?  Đừng quá lo lắng!  Ưu tư, buồn phiền nào rồi sẽ qua, điều quan trọng là hãy đối xử tốt với bản thân mình. Bài viết này là món quà tặng gửi đến bạn đọc – nhất là những người đang trải qua những bất công, đau khổ đến mức nhiều khi chỉ muốn buông xuôi chấm dứt mọi thứ.

  • Phần lớn các kiến thức bạn có được về các rối loạn tâm lý đến từ những tờ báo bạn đọc, những chương trình truyền hình bạn theo dõi và những bộ phim bạn xem. Nghiên cứu chỉ ra rằng các phương tiện truyền thông đại chúng là nguồn thông tin chủ yếu của công chúng về các dạng rối loạn như rối loạn lưỡng cực, tâm thần phân liệt và trầm cảm. 

  • Lảng tránh cảm xúc tiêu cực có vẻ như là một ý hay, đúng không? Thật ra không phải vậy. Theo một nghiên cứu tâm lý gần đây (bởi David Barlow, Steven Hayes và những người khác), một trong những nguyên nhân gây ra các vấn đề tâm lý là thói quen lảng tránh cảm…