Sơ cứu Vết bỏng da

Vết bỏng nhẹ

Cách điều trị:

  • Làm mát vết bỏng giúp dịu cơn đau: Để vùng da bị bỏng dưới vòi nước mát (không phải nước lạnh) từ 10 đến 15 phút hoặc cho đến khi cơn đau dịu đi. Hoặc làm mát bằng cách đắp gạc lạnh.
  • Tháo nhẫn hoặc các vật siết vào da khác khỏi vùng da bị bỏng. Cố gắng làm điều này một cách nhanh chóng và nhẹ nhàng, trước khi vùng da sưng lên.
  • Không được làm vỡ các vết rộp nhỏ. Nếu bị vỡ, nhẹ nhàng rửa sạch bằng xà phòng nhẹ và nước, bôi thuốc mỡ kháng sinh và băng lại bằng băng gạc không dính.
  • Bôi kem dưỡng ẩm, lô hội hoặc gel, có thể làm giảm đau trong một số trường hợp.
  • Nếu cần, hãy dùng thuốc giảm đau không kê toa như ibuprofen (Advil, Motrin IB,...), naproxen sodium (Aleve) hoặc acetaminophen (Tylenol,...).
  • Chích ngừa uốn ván: Hãy chắc chắn rằng bạn đã cập nhật mũi tiêm uốn ván. Các bác sĩ khuyến cáo cứ 10 năm nên tiêm nhắc lại mũi uốn ván một lần.


Hãy đến gặp bác sĩ nếu các vết rộp da lớn dần. Những vết rộp lớn tốt nhất nên được loại bỏ sớm vì rất khó để giữ chúng được nguyên vẹn. Đến bệnh viện ngay nếu vết bỏng bao phủ một vùng lớn trên cơ thể hoặc bạn thấy có dấu hiệu nhiễm trùng, như rỉ nước từ vết thương, đau nhiều hơn, sưng đỏ và sưng tấy lên.

Vết bỏng nặng

Gọi số 115 hoặc số khẩn cấp tại địa phương nếu bạn bị bỏng nặng. Trong lúc chờ các nhân viên y tế đến, hãy sơ cứu theo các bước sau:

  • Bảo vệ người bị bỏng khỏi các tổn hại thêm: Nếu bạn có thể làm việc này một cách an toàn, hãy đảm bảo rằng người bạn đang giúp đỡ không tiếp xúc với vật liệu đang cháy hoặc tiếp xúc với khói hay nhiệt. Không được để quần áo bị cháy dính vào da.
  • Kiểm tra các dấu hiệu tuần hoàn: Các dấu hiệu bao gồm hơi thở, ho hoặc cử động. Hô hấp nhân tạo nếu cần thiết.
  • Tháo đồ trang sức, thắt lưng và các vật gây cản trở khác, đặc biệt là ở vùng bị bỏng và cổ do vùng bị bỏng sẽ sưng lên nhanh chóng.
  • Không ngâm những vết bỏng nặng trong nước lạnh. Làm như vậy có thể gây ra tổn hại nghiêm trọng về thân nhiệt (hạ thân nhiệt) hoặc giảm huyết áp và làm giảm lưu lượng máu (sốc).
  • Nâng vùng bị bỏng lên cao. Nếu có thể nâng vết thương lên cao hơn tim.
  • Băng vùng bị bỏng bằng băng mát, ẩm, hoặc vải sạch.

Cách để biết mức độ bỏng là nhẹ hay nặng.

Nếu không rõ mức độ chăm sóc cần thiết, hãy thử đánh giá mức độ tổn thương mô, dựa theo các phân loại bỏng sau:

Bỏng độ 1

Bỏng độ 1 là dạng nhẹ nhất, chỉ ảnh hưởng đến lớp ngoài của da. Bỏng độ 1 có thể gây:

  • Sưng đỏ
  • Đau

Bạn có thể áp dụng cách điều trị dành cho vết bỏng nhẹ. Nếu nó ảnh hưởng nhiều đến bàn tay, bàn chân, mặt, bẹn, mông hoặc khớp chính, hãy gọi cho bác sĩ.

Bỏng độ 2

Bỏng độ 2 thì nghiêm trọng hơn. Nó có thể gây:

  • Da đỏ, trắng hoặc tróc da
  • Sưng
  • Đau
  • Phồng rộp da

Nếu vết bỏng có đường kính dưới 7,6cm thì điều trị như bỏng nhẹ. Nếu bỏng rộng hơn hoặc bỏng ở bàn tay, bàn chân, mặt, bẹn, mông hoặc khớp chính thì xem như bỏng nặng và cần đến bệnh viện ngay lập tức.

Bỏng độ 3

Bỏng độ 3 ảnh hưởng đến tất cả các lớp da và các lớp mỡ bên dưới. Các cơ, thậm chí xương có thể bị ảnh hưởng. Khu vực bị bỏng có thể bị cháy đen hoặc trắng. Người bị bỏng có thể:

  • Khó thở
  • Ngộ độc khí CO
  • Triệu chứng nhiễm độc khác có thể xảy ra nếu bỏng kèm hít khói


(Nguồn: Mayo Clinic)

- 13-04-2024 -