Sơ cứu khi bị bỏng lạnh (frostbite)

Khi tiếp xúc với thời tiết quá lạnh, da và các mô bên dưới có thể bị tê cứng, dẫn đến bỏng lạnh. Tay, ngón chân, mũi, tai, má và cằm là những vùng dễ bị bỏng lạnh nhất.
Nếu da xanh xao hoặc ửng đỏ và lạnh buốt, có cảm giác khô ráp và khó chịu, có thể da bạn đã bị bỏng lạnh. Bạn cũng có thể có cảm giác kim châm hoặc tê cóng. Với tổn thương nặng do lạnh, bạn có thể bị phồng rộp và đau đớn.
Sơ cứu khi bị bỏng lạnh (frostbite)
(Nguồn: Wikihow)

Có thể xử lý bỏng lạnh ở mức độ nhẹ (frostnip) bằng các biện pháp sơ cứu. Tất cả các trường hợp bỏng lạnh khác đều cần chăm sóc y tế. Các bước sơ cứu bỏng lạnh gồm:
  • Kiểm tra thân nhiệt: Gọi ngay cho bác sĩ nếu bạn nghi ngờ có dấu hiệu bị hạ thân nhiệt. Dấu hiệu và triệu chứng hạ thân nhiệt gồm có rùng mình liên tục, nói lắp, thờ thẫn và mất khả năng phối hợp.
  • Bảo vệ da bằng cách tránh tiếp xúc với thời tiết lạnh. Nếu bạn đang ở bên ngoài, hãy làm ấm bàn tay bị tê cóng bằng cách kẹp chúng vào nách. Giữ ấm mặt, mũi hoặc tai bằng cách áp bàn tay có đeo găng tay ấm và khô lên. Không chà xát vùng da bị tổn thương cũng như chà xát tuyết lên vùng da đang bị tê cóng.
  • Tránh để bị lạnh. Khi về đến nhà, hãy thay ngay quần áo.
  • Làm ấm lại vùng da bị tê cóng. Ngâm tay hoặc chân bị tê cóng vào nước ấm (khoảng 37-42 độ C) trong 15 đến 30 phút. Nếu không có nhiệt kế, hãy kiểm tra nước bằng cách đặt tay không bị thương hoặc cùi chỏ vào nước, nên dùng nước ấm thay vì nước nóng.
Không nên sưởi ấm trực tiếp như dùng bếp lò, đèn sưởi, lò sưởi, đệm nhiệt vì việc này có thể làm da bị bỏng.
  • Nếu vùng da bị tê cóng có dấu hiệu đông cứng lại, không nên làm tan ra ngay. Trong trường hợp đã hết tê cóng, hãy bọc hoặc quấn vùng bị tổn thương để tránh bị đông cứng lại.
  • Dùng thuốc giảm đau. Nếu bạn bị đau, dùng thuốc ibuprofen không kê toa (Advil, Motrin IB,...) để làm giảm đau và viêm.
  • Nếu có thể, không nên tiếp tục đi bộ khi chân hoặc các đầu ngón chân bị tê cóng. Điều này làm các mô tổn thương thêm.
  • Biết cách dự đoán khi nào cơ thể ổn định (da không còn tê cứng). Nếu da chuyển sang màu đỏ và bạn cảm thấy ngứa ran và nóng lên khi thời tiết ấm, điều đó nghĩa là máu đang lưu thông bình thường trở lại. Đến bệnh viện nếu vẫn cảm thấy tê hoặc đau trong suốt quá trình làm ấm hoặc vết phồng trên da nặng hơn.


(Nguồn: Mayo Clinic)

- 28-05-2018 -