Sơ cứu Khi có vật lạ trong tai

Dị vật trong tai có thể gây đau và mất thính giác. Thông thường nếu có dị vật trong tai, bạn sẽ biết ngay, nhưng với trẻ nhỏ chúng có thể không nhận thức được nó.
Sơ cứu Khi có vật lạ trong tai
(Nguồn: WikiHow)

Nếu có dị vật mắc kẹt trong tai, hãy làm theo các bước sau:
  • Không đưa bất cứ dụng cụ gì vào trong tai để kiểm tra. Không cố gắng thăm dò hay chọc tăm bông, que diêm và bất cứ dụng cụ nào khác vào tai để lấy dị vật. Làm như vậy có nguy cơ đẩy vật vào sâu trong tai hơn và làm tổn thương cấu trúc mỏng manh của tai giữa.
  • Lấy dị vật ra nếu có thể. Nếu có thể nhìn thấy dị vật một cách rõ ràng, dị vật mềm, dễ uốn và có thể được gắp ra dễ dàng bằng nhíp, hãy nhẹ nhàng lấy nó ra.
  • Thử dùng trọng lực. Nghiêng đầu về bên tai có dị vật để nó tự văng ra ngoài.
  • Thử dùng dầu (không phải các loại dầu gió) nếu dị vật là côn trùng. Nếu dị vật là côn trùng, hãy nghiêng đầu về một bên sao cho tai có côn trùng bị mắc kẹt hướng lên trên. Cố gắng làm con côn trùng đó nổi lên bằng cách đổ dầu khoáng, dầu ô liu hay tinh dầu mát xa em bé vào tai. Dầu cần được giữ ấm, nhưng không để nóng. Khi rót dầu vào, bạn có thể kéo thẳng ống tai để dầu chảy vào dễ dàng hơn. Với người lớn, kéo nhẹ vành tai ra sau và lên trên; với trẻ em kéo nhẹ vành tai ra sau và xuống dưới. Côn trùng sẽ bị ngạt và nổi lên trong dầu. Không dùng dầu để lấy bỏ dị vật nào khác ngoài côn trùng. Không dùng phương pháp này cho trẻ đang được đặt ống tai hoặc bạn nghĩ rằng màng nhĩ có thể bị thủng. Dấu hiệu thủng màng nhĩ gồm đau, chảy máu hoặc chảy dịch từ tai.
  • Thử rửa trôi dị vật. Dùng một bầu bóp tai (bulb ear syringe) và nước ấm bơm vào tai để rửa trôi dị vật ra khỏi ống tai. Phương pháp này cũng không áp dụng đối với các trường hợp đang được đặt ống tai hoặc nghi ngờ thủng màng nhĩ.
Nếu thất bại với các phương pháp trên, hoặc tiếp tục cảm thấy đau tai, giảm thính lực hoặc còn cảm giác có vật kẹt trong tai, hãy đến bệnh viện.


(Nguồn: Mayo Clinic)

- 28-05-2018 -