Sơ cứu Đau tim

Người bị đau tim có thể gặp bất kỳ hoặc tất cả các triệu chứng sau:
  • Áp lực, đầy hơi hoặc đau thắt ở giữa ngực
  • Khó chịu hoặc đau, lan rộng từ ngực xuống vai, cổ, hàm, răng, hay một hoặc cả hai cánh tay, hoặc đôi khi lan xuống vùng bụng trên
  • Hụt hơi
  • Lâng lâng, chóng mặt, ngất xỉu
  • Chảy mồ hôi
  • Buồn nôn
Cơn đau tim thường gây đau ngực khoảng hơn 15 phút, nhưng cũng có thể không có bất kỳ triệu chứng nào. Các dấu hiệu cảnh báo cơn đau tim có thể xuất hiện trước vài giờ, vài ngày hoặc vài tuần.
Sơ cứu Đau tim
(Hình minh họa)

Nên làm gì khi bạn hoặc người khác bị đau tim

  • Gọi 115 hoặc số khẩn cấp của bệnh viện địa phương. Đừng phớt lờ hoặc cố gắng khắc phục những triệu chứng của cơn đau tim trong hơn 5 phút. Nếu bạn không thể gọi cho bác sĩ, hãy nhờ hàng xóm hoặc bạn bè đưa đến bệnh viện gần nhất. Trong trường hợp xấu nhất hãy tự lái xe đến bệnh viện nhưng nên biết rằng việc này có thể gây nguy hiểm cho bạn và người khác trong trường hợp bạn lên cơn đau tim.
  • Nhai và nuốt một viên aspirin, trừ khi bị dị ứng với aspirin hoặc bác sĩ không cho phép dùng aspirin. Nhưng trước hết hãy tìm sự trợ giúp y tế khẩn cấp, có thể gọi số 115.
  • Dùng nitroglycerin, nếu được kê toa. Nếu bạn nghĩ bạn đang lên cơn đau tim và bác sĩ trước đó đã kê toa nitroglycerin cho bạn, hãy trực tiếp dùng nó. Không dùng nitroglycerin của bất kỳ người nào khác, vì điều đó có thể gây nguy hiểm cho bạn.
  • Bắt đầu hồi sức tim phổi nếu nạn nhân bị đau tim bất tỉnh. Nếu bạn ở với một người có thể bị đau tim và họ bất tỉnh, hãy nói với điều phối viên 115 hoặc gọi cho bác sĩ. Bạn có thể tiến hành hồi sức tim phổi (CPR). Nếu chưa được đào tạo về CPR, bác sĩ đề nghị nên bỏ qua bước thổi ngạt và chỉ thực hiện việc ép ngực (khoảng 100 lần mỗi phút). Điều phối viên có thể hướng dẫn các bước thích hợp cho đến khi người hỗ trợ đến.


(Nguồn: Mayo Clinic)

- 28-05-2018 -