Sơ cứu Nghẹt thở

Nghẹt thở xảy ra khi có dị vật kẹt trong cổ họng hay khí quản, làm nghẽn đường lưu thông của không khí. Ở người lớn, nguyên nhân gây nghẹt thở thường là do thức ăn. Ở trẻ em thì thường do nuốt các vật nhỏ. Vì nghẹt thở gây ra tình trạng thiếu oxy não nên cần được cấp cứu càng nhanh càng tốt.
Dấu hiệu phổ biến nhất cho thấy một người đang bị nghẹt thở đó là họ sẽ dùng hai tay bóp chặt vào cổ mình. Nếu người đó không có dấu hiệu trên thì hãy chú ý đến các dấu hiệu sau:
  • Không nói được
  • Khó thở hoặc thở rít, khò khè
  • Không thể ho mạnh ra
  • Da, môi và ngón tay chuyển sang màu xanh tái hoặc tím
  • Mất ý thức
Đối với trường hợp nghẹt thở, Hội Chữ Thập Đỏ khuyến nghị sơ cứu theo cách “Năm-Năm”:
  • Vỗ lưng 5 lần: Đầu tiên, thực hiện vỗ lưng giữa 2 bả vai nạn nhân bằng phần đệm thịt nằm phía trên cổ tay.
  • Ép bụng 5 lần: Thực hiện 5 lần ép bụng, còn gọi là thủ thuật Heimlich.
  • Lặp lại các động tác trên, 5 lần vỗ lưng và 5 lần ép bụng cho đến khi vật gây tắc nghẽn văng ra.
Sơ cứu Nghẹt thở
(Nguồn: Wikihow)

Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ không dạy các kỹ thuật vỗ lưng, chỉ dạy thủ thuật ép bụng. Nếu không biết kỹ thuật vỗ lưng, bạn có thể không cần thực hiện. Cả hai cách trên đều được chấp nhận.

Cách thực hiện ép bụng (thủ thuật Heimlich) cho người khác:

  • Đứng phía sau người đó: Vòng cánh tay quanh thắt lưng. Đẩy nhẹ người về phía trước một chút.
  • Nắm chặt một bàn tay và đặt ở vị trí hơi phía trên rốn người đó.
  • Dùng bàn tay còn lại nắm chặt vào nắm tay đó. Nhấn nhanh và mạnh vào bụng theo hướng lên trên, như thể đang cố gắng nâng người đó lên.
  • Thực hiện ép bụng 5 lần nếu cần. Nếu vật gây tắc nghẽn vẫn không bị văng ra, lặp lại chu kỳ “Năm-Năm”.
Sơ cứu Nghẹt thở
(Nguồn: Wikihow)

Nếu chỉ có một mình, hãy thực hiện vỗ lưng và ép bụng trước khi gọi cấp cứu 115 hoặc gọi cho bác sĩ để được giúp đỡ. Nếu có người khác ở đó, hãy nhờ họ gọi cấp cứu trong khi bạn sơ cứu.
Nếu nạn nhân bất tỉnh, hãy thực hiện hồi sức tim phổi (ấn ngực và hà hơi thổi ngạt).

Cách thực hiện ép bụng (thủ thuật Heimilich) cho chính bạn:

Nếu bạn bị nghẹt thở và chỉ có một mình, đầu tiên hãy gọi cho bác sĩ hoặc cấp cứu 115. Sau đó mặc dù không thể tự vỗ lưng, bạn vẫn có thể thực hiện ép bụng để vật gây nghẹt thở văng ra.
  • Đặt một nắm tay ở vị trí hơi phía trên rốn.
  • Dùng bàn tay còn lại nắm chặt nắm tay ấy và gập người lên một bề mặt cứng như cạnh bàn hoặc ghế.
  • Ép mạnh nắm tay vào trong và đẩy lên trên.

Làm thông đường thở cho phụ nữ mang thai hoặc người béo phì:

  • Đặt tay ở vị trí cao hơn một chút so với thủ thuật Heimlich thông thường, để tay tại phần đáy xương ức, ngay phía trên nơi tiếp giáp với phần xương sườn thấp nhất.
  • Tiến hành như thủ thuật Heimlich, nhấn nhanh và mạnh vào ngực.
  • Lặp lại cho đến khi thức ăn hoặc vật bị tắc nghẽn khác văng ra hoặc cho đến khi người đó có ý thức trở lại.

Thông đường hô hấp cho người đã bất tỉnh:

  • Đặt nạn nhân nằm ngửa trên sàn nhà.
  • Thông đường hô hấp: Nếu nhìn thấy dị vật trong họng, đưa ngón tay vào miệng và móc dị vật ra. Bạn hãy cẩn thận để không đẩy thức ăn hoặc vật lạ vào sâu trong đường hô hấp, điều này rất dễ xảy ra ở trẻ nhỏ.
  • Bắt đầu hồi sức tim phổi (CPR) nếu vật lạ vẫn tắc nghẽn và nạn nhân không phản ứng lại sau khi bạn thực hiện các biện pháp trên. Cách ấn mạnh ngực dùng trong hồi sức tim phổi có thể làm các dị vật rơi ra. Nhớ kiểm tra miệng nạn nhân sau lần thực hiện xong một chu kì CPR.

Thông đường hô hấp cho trẻ sơ sinh dưới một tuổi bị ngạt thở:

  • Giữ bé nằm sấp trên cánh tay.
  • Vỗ 5 lần nhẹ nhàng nhưng dứt khoát vào giữa lưng trẻ bằng phần đệm thịt nằm phía trên cổ tay. Sự kết hợp giữa trọng lực và việc vỗ lưng có thể làm dị vật văng ra.
  • Giữ bé nằm ngửa trên cánh tay và đầu thấp hơn thân nếu như cách trên không hiệu quả. Sử dụng hai ngón tay đặt ở giữa xương ức của trẻ và ấn ngực 5 lần.
  • Lặp lại việc vỗ lưng và ấn ngực nếu vẫn chưa hô hấp trở lại. Gọi cho bác sĩ để được giúp đỡ.
  • Bắt đầu hồi sức tim phổi (CPR) cho trẻ nếu những kỹ thuật trên đã làm thông đường hô hấp nhưng bé vẫn không thở lại.
Đối với bé lớn hơn 1 tuổi, chỉ cần thực hiện ép bụng.
Để sẵn sàng cho tình huống nghẹt thở có thể xảy ra bất kì lúc nào với chính bạn hay những người xung quanh, hãy học thủ thuật Heimlich và hồi sức tim phổi (CPR) trong khóa đào tạo sơ cứu.


(Nguồn: Mayo Clinic)

- 28-05-2018 -