Viêm tuyến tiền liệt

Viêm tuyến tiền liệt là thuật ngữ chung chỉ tình trạng viêm của tuyến tiền liệt - một cơ quan nằm ngay dưới bàng quang của nam giới. Chức năng chính của tuyến tiền liệt là sản sinh ra tinh dịch, chất lỏng giúp nuôi dưỡng và vận chuyển tinh trùng. 

Viêm tuyến tiền liệt là gì?

Viêm tuyến tiền liệt là thuật ngữ chung chỉ tình trạng viêm của tuyến tiền liệt - một cơ quan nằm ngay dưới bàng quang của nam giới. Chức năng chính của tuyến tiền liệt là sản sinh ra tinh dịch, chất lỏng giúp nuôi dưỡng và vận chuyển tinh trùng.
Lúc mới đẻ, tuyến tiền liệt của bé trai có kích thước bằng hạt đậu Hà Lan. Nó to lên chút ít trong thời thơ ấu và sau đó lớn vọt lên ở tuổi dậy thì. Khi được 20 tuổi, tuyến tiền liệt có kích thước của người trưởng thành. Sau tuổi 45, tuyến tiền liệt thường bắt đầu to lên một lần nữa khi các tế bào ở phần giữa tuyến bắt đầu sinh sản nhanh hơn bình thường.
Tuyến tiền liệt có vai trò rất quan trọng đối với tiết niệu vì nó bao quanh phần đỉnh của ống dẫn nước tiểu từ bàng quang (niệu đạo). Khi nhiễm trùng hoặc viêm có thể làm tuyến tiền liệt sưng nề, làm hẹp niệu đạo và ảnh hưởng đến khả năng tiểu tiện.
Tuyến tiền liệt viêm có thể gây ra nhiều triệu chứng khác nhau, bao gồm tiểu gấp, tiểu rắt và cảm giác đau hoặc nóng rát khi đi tiểu - thường đi kèm với đau vùng chậu, háng hoặc thắt lưng.
Viêm tuyến tiền liệt biểu hiện ở nhiều thể. Thể cấp tính là ít gặp nhất, nhưng cũng nặng nhất. Triệu chứng thường đột ngột và phải nằm viện. Triệu chứng của viêm tuyến tiền liệt mạn tính có khuynh hướng diễn tiến chậm hơn và không nặng như viêm tuyến tiền liệt cấp tính.
Không phải lúc nào cũng có thể loại trừ hoàn toàn viêm tuyến tiền liệt, nhưng trong nhiều trường hợp có thể kiểm soát được các triệu chứng. Ngoài thuốc, các điều trị như liệu pháp nhiệt, phản hồi sinh học và đôi khi chỉ cần uống nhiều nước hoặc tránh một số loại thức ăn là đã có thể giảm được bệnh.

Triệu chứng của viêm tuyến tiền liệt

Triệu chứng, biểu hiện viêm tuyến tiền liệt
(Ảnh minh họa)

Các dấu hiệu và triệu chứng của viêm tuyến tiền liệt rất khác nhau tuỳ thuộc vào nguyên nhân gây viêm.

1. Viêm tuyến tìền liệt cấp do vi khuẩn

Dấu hiệu và triệu chứng của bệnh thường đột ngột và có thể bao gồm:

  • Sốt và rét run
  • Cảm giác giống như cúm
  • Đau trong tuyến tiền liệt, thắt lưng hoặc vùng sinh dục
  • Các vấn đề về tiết niệu, bao gồm tiểu gấp, tiểu rắt, tiểu khó hoặc tiểu buốt, không tiểu được hết và có máu trong nước tiểu.
  • Đau khi xuất tinh.

Viêm tuyến tiền liệt cấp là một bệnh nghiêm trọng. Hãy đi khám ngay nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu và triệu chứng nào trong số này.

2. Viêm tuyến tiền liệt mạn tính do vi khuẩn

Các dấu hiệu và triệu chứng của dạng viêm tuyến tiền liệt này diễn biến chậm hơn và thường không nặng như viêm tuyến tiền liệt cấp.
Thêm vào đó, thời gian triệu chứng tốt lên thường xen kẽ với thời gian triệu chứng xấu đi. Các dấu hiệu và triệu chứng của viêm tuyến tiền liệt mạn do vi khuẩn bao gồm:

  • Tiểu gấp và tiểu rắt
  • Đau hoặc cảm giác nóng rát khi đi tiểu
  • Đau trong tuyến tiền liệt
  • Đi tiểu nhiều vào ban đêm (chứng tiểu đêm)
  • Đau thắt lưng và vùng sinh dục
  • Khó bắt đầu hoặc tiếp tục tiểu tiện, hoặc nước tiểu chảy chậm
  • Đôi khi có máu trong tinh dịch hoặc nước tiểu
  • Đau khi xuất tinh
  • Sốt nhẹ
  • Nhiễm trùng bàng quang tái diễn.

3. Viêm tuyến tiền liệt mạn tính không do vi khuẩn

Viêm tuyến tiền liệt mạn tính không do vi khuẩn là thể hay gặp nhất, và cũng ít được hiểu rõ nhất. Thậm chí, các nhà nghiên cứu còn chưa chắc chắn về nguyên nhân.
Nói chung, dấu hiệu và triệu chứng của viêm tuyến tiên liệt mạn tính không do vi khuẩn tương tự như viêm tuyến tiền liệt mạn tính do vi khuẩn, mặc dù bạn không bị sốt. Tuy nhiên, khác biệt chính là xét nghiệm không phát hiện thấy vi khuẩn trong nước tiểu và tinh dịch.
Nhưng bạn có thể có bạch cầu trong nước tiểu và tinh dịch, tuỳ thuộc vào dạng viêm tuyến tiền liệt mạn tính không do vi khuẩn. Týp IIIA là viêm tuyến tiền liệt mạn tính có viêm không do vi khuẩn. Týp IIIB là viêm tuyến tiền liệt mạn tính không có viêm không do vi khuẩn. Không có bạch cầu trong nước tiểu hoặc tinh dịch của bệnh nhân týp IIIB.
Một dạng viêm tuyến tiền liệt khác là viêm tuyến tiền liệt có viêm không triệu chứng – không cần điều trị.
Lưu ý:
Viêm tuyến tiền liệt có thể rất khó chẩn đoán, một phần vì các dấu hiệu và triệu chứng của nó thường giống với nhiều bệnh khác. Ví dụ, nhiễm trùng bàng quang hoặc niệu đạo - có thể gây cảm giác mót tiểu, nóng rát hoặc đôi khi có máu trong nước tiểu, tương tự như dấu hiệu và triệu chứng của viêm tuyến tiền liệt.
Hơn nữa, viêm tuyến tiền liệt không do vi khuẩn có viêm hoặc không có viêm có thể xuất hiện những dấu hiệu và triệu chứng y hệt và chỉ phân biệt được bằng cách xét nghiệm.

Nguyên nhân gây viêm tuyến tiền liệt

1. Viêm tuyến tiền liệt cấp do vi khuẩn

Vi khuẩn có trong đường tiết niệu hoặc đại tràng gây nên kiểu viêm tuyến tiền liệt này. Hay gặp nhất, viêm tuyến tiền liệt cấp bắt nguồn từ tuyến tiền liệt, nhưng đôi khi nhiễm trùng có thể lan từ nhiễm trùng bàng quang hoặc niệu đạo.

2. Viêm tuyến tiền liệt mạn tính do vi khuẩn

Chưa hoàn toàn rõ nguyên nhân gây nên nhiễm trùng mạn tính do vi khuẩn. Đôi khi, vi khuẩn vẫn ở trong tuyến tiền liệt sau khi viêm tuyến tiền liệt cấp tính. Ống thông dùng để dẫn lưu nước tiểu trong bàng quang, chấn thương hệ tiết niệu hoặc nhiễm trùng ở những vùng khác của cơ thể đôi khi có thể là nguồn vi khuẩn.

3. Viêm tuyến tiền liệt mạn tính không do vi khuẩn

Các nhà nghiên cứu chưa biết chính xác nguyên nhân gây ra 2 týp viêm tuyến tiền liệt mạn tính không do vi khuẩn, mặc dù có nhiều giả thuyết về các tác nhân gây bệnh, gồm:
Các tác nhân nhiễm trùng khác. Một số chuyên gia tin rằng viêm tuyến tiền liệt không do vi khuẩn là do một tác nhân nhiễm trùng nào đó không phát hiện được bằng các xét nghiệm chuẩn.
Mang vác nặng. Việc mang vác vật nặng khi bàng quang đầy có thể khiến nước tiểu tràn vào tuyến tiền liệt.
Một số nghề nghiệp. Những nghề khiến tuyến tiền liệt của bạn bị rung mạnh, như lái xe tải hoặc điều khiển máy hạng nặng cũng có vai trò.
Hoạt động thể lực. Mặc dù tập luyện thường xuyên, nhất là chạy bộ hoặc đi xe đạp, là rất tốt cho cơ thể, song nó có thể kích thích tuyến tiền liệt.
Co thắt cơ vùng chậu. Đi tiểu khi cơ vòng không giãn có thể gây áp lực cao trong tuyến tiền liệt và các triệu chứng.
Bất thường cấu trúc đường tiết niệu. Hẹp niệu đạo có thể làm tăng áp lực khi đi tiểu và gây ra các triệu chứng.

Các yếu tố nguy cơ gây viêm tuyến tiền liệt

Bạn dễ bị viêm tuyến tiền liệt hơn nếu bạn là nam giới ở trong độ tuổi 25 - 45. Bạn cũng có khả năng bị viêm tuyến tiền liệt nếu:

  • Gần đây có bị nhiễm trùng bàng quang hoặc nhiễm trùng niệu đạo.
  • Gần đây có đặt ống thông tiểu trong khi làm thủ thuật y khoa.
  • Giao hợp đường hậu môn không áp dụng biện pháp bảo vệ hoặc mắc bệnh lây qua đường tình dục như chlamydia hoặc lậu.
  • Việc đi tiểu bị gián đoạn.
  • Làm công việc khiến bạn bị rung mạnh, như lái xe tải hoặc vận hành thiết bị nặng.
  • Thường xuyên chạy bộ hoặc đi xe đạp.

Điều trị viêm tuyến tiền liệt

Điều trị viêm tuyến tiền liệt
Viêm tuyến tiền liệt. (Ảnh minh họa)

Khi bác sĩ đã xác định được thể viêm tuyến tiền liệt, bạn và bác sỹ sẽ cùng nhau vạch ra kế hoạch điều trị bệnh. Kế hoạch điều trị có thể bao gồm thuốc, lý liệu pháp và trong một số ít trường hợp bao gồm cả phẫu thuật. Nếu bạn bị viêm tuyến tiền liệt cấp, bạn có thể phải viện một vài ngày để tiêm kháng sinh vào tĩnh mạch.

1. Sử dụng thuốc

Tuỳ theo týp viêm tuyến tiền liệt, một số thuốc có thể giúp giải quyết hoặc kiểm soát triệu chứng. Những thuốc này bao gồm:
Kháng sinh. Nói chung, kháng sinh là điều trị đầu bảng cho tất cả các thể viêm tuyến tiền liệt do vi khuẩn. Bác sĩ sẽ bắt đầu bằng kháng sinh phổ rộng nhưng cũng có thể chuyển sang thuốc khác khi đã xác định được týp vi khuẩn gây bệnh. Thời gian dùng thuốc tuỳ thuộc vào đáp ứng của bạn với thuốc. Nếu bạn bị viêm tuyến tiền liệt cấp, bạn có thể chỉ cần dùng thuốc trong một vài tuần. Còn viêm tuyến tiền liệt mạn tính do vi khuẩn thường kháng thuốc kháng sinh hơn và cần điều trị lâu hơn.
Bạn có thể phải tiếp tục dùng thuốc trong khoảng 6-12 tuần. Ở một số trường hợp nhiễm không bao giờ hết hẳn, và một số khác bị tái phát sớm sau khi ngừng thuốc. Nếu điều này xảy ra, bạn có thể cần dùng kháng sinh liều thấp vô thời hạn để chống lại nhiễm trùng hoặc thử phương pháp khác. Mặc dù nguyên nhân viêm tuyến tiền liệt không do vi khuẩn không phải là một nhiễm trùng, một số bác sĩ có thể kê đơn kháng sinh trong một vài tuần để xem triệu chứng có được cải thiện không. Vì những lý do còn chưa rõ, một số bệnh nhân bị viêm tuyến tiền liệt không do vi khuẩn có vẻ được lợi từ việc dùng liên tục kháng sinh liều thấp.
Thuốc chẹn alpha. Nếu bạn bị tiểu khó, bác sĩ có thể kê thuốc chẹn alpha - một loại thuốc uống giúp làm giãn cổ bàng quang và các sợi cơ nơi tuyến tiền liệt nối với bàng quang. Thuốc giúp bạn đi tiểu dễ dàng hơn và đi hết lượng nước tiểu có trong bàng quang.
Thuốc giảm đau. Đôi khi các thuốc giảm đau không kê đơn, như aspirin hoặc ibuprofen (Motrin, Advil, các thuốc khác) có thể làm bạn dễ chịu hơn. Tuy nhiên, cần nhớ rằng uống quá nhiều những thuốc này có thể gây ra những tác dụng phụ như đau bụng, chảy máu tiêu hóa hoặc loét.

2. Lý liệu pháp

Một số bài tập và kỹ thuật thư giãn đặc biệt có thể ngăn ngừa được triệu trứng viêm tuyến tiền liệt ở một số nam giới, có lẽ bởi vì bắp thịt bị kích thích hoặc cử động có thể góp phần tăng cường sức khoẻ. Các kỹ thuật sử dụng thông thường bao gồm:

  • Thể dục: Căng và giãn cơ đáy chậu – đôi khi cùng với chườm nóng để cơ mềm dẻo hơn – có thể giúp làm giảm triệu chứng. Bác sỹ chuyên khoa lý liệu pháp sẽ chỉ cho bạn thấy những bài tập nào có lợi nhất cho bạn và thực hiện chúng như thế nào. Sau đó bạn có thể tự tập ở nhà.
  • Phản hồi sinh học. Kỹ thuật này dạy cho bạn cách kiểm soát một số đáp ứng của cơ thể, bao gồm giãn cơ. Trong buổi tập phản hồi sinh học, bác sĩ sẽ đặt những điện cực và bộ cảm biến lên những phần khác nhau trên cơ thể bạn. Các điện cực được gắn với với màn hình hiển thị nhịp tim, huyết áp và độ căng cơ. Bạn sẽ thấy những thay đổi trên màn hình và học cách kiểm soát những thay đổi này.
  • Tắm ngồi. Ngâm nửa dưới cơ thể trong bồn nước ấm. Tắm nước ấm có thể làm dịu đau và làm giãn cơ vùng bụng dưới. Có rất ít cách điều trị dễ dàng hơn hoặc có tác dụng thư giãn như vậy.
  • Xoa bóp tuyến tiền liệt. Một số bệnh nhân nhận thấy xoa bóp tuyến tiền liệt giúp làm giảm sung huyết nhờ làm thông những ống tuyến nhỏ bị tắc bởi viêm. Việc xoa bóp được thực hiện bằng một ngón tay đi găng, tương tự như trong thăm trực tràng. Tuy nhiên, thủ thuật này hiện nay ít được thực hiện.

3. Các thủ thuật ngoại khoa

Phần lớn các bác sĩ không thích điều trị viêm tuyến tiền liệt bằng phẫu thuật. Nhưng bác sĩ của bạn có thể khuyên phẫu thuật để làm thông các ống tuyến bị tắc nếu bạn bị viêm do vi khuẩn và thuốc kháng sinh không cải thiện được triệu chứng hoặc khả năng sinh sản bị ảnh hưởng nặng nề. Phẫu thuật phải là cách điều trị viêm tuyến tiền liệt không do vi khuẩn.

4. Các điều trị khác

Finasterid (Propecia, Proscar), một thuốc làm giảm nồng độ hormon trong tuyến tiền liệt, và liệu pháp nhiệt vi sóng đã thành công trong điều trị một số bệnh nhân, nhưng chưa có bằng chứng khoa học xác minh các biện pháp điều trị này.

Kinh nghiệm dân gian chữa viêm tuyến tiền liệt

Biện chứng luận trị:
+ Thấp nhiệt hạ chú: tiểu nhiều lần, tiểu gấp, tiểu đau, đường tiểu có cảm giác nóng bỏng, nước tiểu vàng đục, đau vùng hội âm, chất lưỡi đỏ, rêu vàng, mạch Hoạt Sác hoặc Nhu Sác. Thường gặp trong viêm tuyến tiền liệt cấp hoặc mạn tính cấp diễn.
Điều trị: Thanh nhiệt, lợi thấp, giải độc. Dùng bài Long Đởm Tả Can Thang, Tỳ Giải Phân Thanh Ẩm gia giảm.
+ Khí huyết ứ trệ: đau âm ỉ vùng hội âm, bụng dưới, tuyến tiền liệt sờ thấy nhỏ cứng, cảm giác đau trụy tinh hoàn hoặc tiểu ra máu, nước tiểu có lẫn tinh dịch, lưỡi tím, mạch Trầm Sáp.
Điều trị: Hoạt huyết, hóa ứ, lý khí, đạo trệ. Dùng bài Tiền Liệt Tuyến Viêm Thang. (Đơn sâm, Nhũ hương, Một dược, Bạch chỉ, Trạch tả, Xích thược, Vương bất lưu hành, Bồ công anh, Đào nhân, Hồng hoa, Thanh bì, Xuyên luyện tử, Tiểu hồi).
+ Âm hư hỏa vượng: lưng gối nhức mỏi, hoa mắt, chóng mặt, mất ngủ, di tinh, liệt dương, người gầy, miệng khô, họng khô, lười đỏ, ít rêu, mạch Tế Sác.
Điều trị: tư dưỡng thận âm, thanh dư nhiệt. Dùng bài Tri Bá Địa Hoàng Thang.
+ Thận dương hư: sắc mặt tái nhợt, lưng gối lạnh, liệt dương, tảo tinh, tiết tinh.
Điều trị: ôn bổ thận dương. Dùng bài Quế Phụ Bát Vị Hoàn.
Ngoại khoa
Thuốc ngâm: dùng nước sắc thứ 3 của thang thuốc cho thêm vào 1 nắm lá thuốc thanh nhiệt giải độc như Bồ công anh, Lá diếp cá, Kim ngân hoa... sắc nước vừa đủ để ngâm. Trước lúc ngâm nên chuẩn bị 1 phích nước sôi 2,5 lít để lúc nước ngâm nguội cho thêm nước sôi vào vừa đủ ấm để ngâm được đúng 10 phút đến 20 phút; mỗi ngày có thể ngâm 1-2 lần, đối với thể cấp có tác dụng tiêu viêm, giảm đau, đối với thể mạn tính có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, hoạt huyết, hóa ứ; Hoặc dùng nước nóng chườm vùng hội âm 30 phút mỗi tối trước lúc ngủ, mỗi liệu trình 20 ngày.
Thuốc nhét: dùng hoa cúc dại giã nát, vo viên, nhét hậu môn, mỗi ngày 1-3 lần. Có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu viêm.
Đối với viêm mạn tính: dùng phương pháp xoa bóp tiền liệt tuyến có thể làm gia tăng tuần hoàn tại chỗ, giúp tiết viêm, chống xơ cứng. Không dùng trong trường hợp cấp tính.
Một số bài thuốc kinh nghiệm:
+ Long Bế Tán (Trung Y Tạp chí 1982: 7): Xuyên sơn giáp (sao) 60g, Nhục quế 40g. Tán bột. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 10g, uống với nước pha mật ong. 20 ngày là một liệu trình.
Tác dụng: Ôn dương, thông lạc, tán kết. Trị tiền liệt tuyến sưng to. Đã trị 45 ca, bình quân uống 44 ngày. Khỏi hoàn toàn 23 ca, có chuyển biến 13 ca, không hiệu quả 3 ca. Tỉ lệ khỏi 93,3%.
+ Trương chính đại báo cáo dùng phương pháp hoạt huyết hóa ứ hợp với thanh nhiệt, giải độc trị 108 ca tiền liệt tuyến viêm mạn. Dùng Vương bất lưu hành25g, Xích thược 15g, Nguyên hồ sách 15g, Mộc thông 10g, Cam thảo 5-10g, Hoàng bá 25g, Bại tương thảo 25g, Bồ công anh 25g, Đan sâm 15g, Xuyên sơn giáp 15g, Tạo giác thích 15g. Nếu thuộc dạng âm hư thêm Quy bản, Câu kỷ tử, Nữ trinh tử để bổ Thận âm. Nếu dương hư thêm Bổ cốt chỉ, Nhục thung dung, Ba kích thiên để giúp cho thận dương. Kết quả đạt 90% (Trương Chính Đại, Tân Trung Y 1981 (1): 32).
+ Ngô tuệ mẫn dùng dịch chiết Tỏi chích để trị viêm tiền liệt tuyến mạn. Dùng dịch chiết Tỏi 5 ‰ (gồm 15‰ dầu Tỏi) chích vào vùng hội âm. Mỗi lần 2ml, cách ngày chích một lần, tổng cộng 20 lần. Trị 79 ca, khỏi 9, kết quả ít 30, có tiến bộ 34, không kết quả 6 (Ngô Tuệ Mẫn, Trung Hoa Lý liệu Ung Chí 1982, 5 (1): 61).
+ Từ phúc thái dùng phép hoạt huyết hóa ứ, nhuyễn kiên tán kết, dùng bài thuốc kinh nghiệm Vương Bất Lưu Hành Thang trị viêm tiền liệt tuyến mạn thể huyết ứ có hiệu quả cao. Bài thuốc gồm: Vương bất lưu hành, Xích thược, Nguyên hồ, Đan sâm, Xuyên sơn giáp, Tạo giác thích, Đào nhân, Hồng hoa, Tam lăng, Nga truật, Xuyên khung, Ngưu tất, Đơn bì) (Từ Phúc Thán, Thượng Hải Trung Y Dược Ung Chí 1987, (1): 12).

Phòng ngừa viêm tuyến tiền liệt

  • Kịp thời điều trị các bệnh về nhiễm khuẩn (cả có mủ) trong các cơ quan nội tạng khác nhau.
  • Ngăn ngừa và điều trị dứt điểm sự viêm nhiễm tại khu vực này.
  • Sinh hoạt tình dục an toàn;
  • Chế độ ăn uống hợp lý, dinh dưỡng và đa dạng, không ăn nhiều đồ cay nóng.
  • Thường xuyên tập thể dục, có thể vận động tại chỗ (nếu thường xuyên ngồi làm việc) và chú trọng tập vùng quanh (đứng lên, ngồi xuống, vung tay, đạp xe, căng cơ bắp bằng cách đi giật lùi…).

Nguồn Sức khỏe đời sống và Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe Trung ương

- 08-06-2018 -

Bài viết liên quan

  • 28-05-2018
    Nếu bé bị hít sặc, hãy gọi số điện thoại cấp cứu y tế 115 ngay lập tức hoặc nhờ người khác gọi. Nếu bạn đã được huấn luyện làm thủ thuật ấn bụng (còn được gọi là thủ thuật Heimlich ) , hãy thực hiện nó ngay lập tức. Tuy nhiên, nếu không thực
  • 28-05-2018
    Phình động mạch chủ là tình trạng động mạch chủ, một động mạch chính cung cấp máu cho cơ thể, bị yếu và phình ra ở một khu vực nào đó. Động mạch chủ, có độ dày bằng vòi tưới cây, xuất phát từ tim rồi chạy ra xuyên suốt trung tâm của ngực và bụng. Do
  • 28-05-2018
    Zona tai (hay còn được gọi là bệnh giời leo) là một nhóm các triệu chứng xuất hiện khi bạn nhiễm virus zona và virus này tấn công các dây thần kinh ở gần tai của bạn. Bệnh giời leo gây những mảng phát ban bóng nước, liệt cơ mặt và giảm thính giác. Khi
  • 28-05-2018
    Cholesterol là một chất béo quan trọng, được dùng vào việc bảo vệ các dây thần kinh, tạo nên màng tế bào và là nguyên liệu để sản xuất nhiều hormone trong cơ thể. Gan tạo ra phần lớn cholesterol mà cơ thể cần. Cơ thể cũng lấy cholesterol trực tiếp từ
  • 28-05-2018
    Bệnh suy thận mạn tính là khi thận bị suy thoái từ từ và thường vĩnh viễn mất chức năng thận qua thời gian. Điều này xảy ra dần dần theo thời gian, thông thường từ nhiều tháng đến nhiều năm. Bệnh suy thận mạn tính được chia thành 5 giai đoạn theo mức
  • 28-05-2018
    Ung thư amidan khẩu cái là một trong những loại ung thư vùng tai mũi họng thường gặp ở Việt Nam. Bao gồm các khối u thành hố amidan, cũng như trụ trước, trụ sau. Trong nhiều trường hợp rất khó xác định điểm xuất phát,