Viêm da cơ địa

Bệnh viêm da cơ địa hay còn gọi là bệnh chàm thể tạng, eczema là một dạng viêm da dị ứng mạn tính, bệnh thường xuất hiện ở trẻ em nhưng có thể kéo dài đến tuổi trưởng thành, một số ít trường hợp bệnh có thể xuất hiện ở người lớn. Biểu hiện lâm sàng của

Tổng quan bệnh Viêm da cơ địa

viêm da cơ địa
  • Bệnh viêm da cơ địa hay còn gọi là bệnh chàm thể tạng, eczema là một dạng viêm da dị ứng mạn tính. Bệnh thường xuất hiện ở trẻ em nhưng có thể kéo dài đến tuổi trưởng thành. Một số ít trường hợp bệnh có thể xuất hiện ở người lớn. Biểu hiện lâm sàng của bệnh rất đa dạng, có thể chỉ đơn giản là các đám da khô mất sắc tố, nhưng cũng có thể biểu hiện rất nặng như đỏ da toàn thân.
  • Đây là một bệnh lý có thể biểu hiện dưới dạng cấp tính, bán cấp hoặc mạn tính. Triệu chứng điển hình của bệnh là các thương tổn da khô kèm theo ngứa. Do ngứa gãi nhiều mà da bị dày, bệnh nhân càng ngứa và gãi gây nên vòng bệnh lý “Ngứa-Gãi” làm cho bệnh nặng hơn và có nguy cơ bị bội nhiễm vi trùng.
  • Bệnh có yếu tố di truyền, hay xuất hiện ở những người có bệnh dị ứng khác như hen, viêm mũi dị ứng. Có tới 35% trẻ viêm da cơ địa có biểu hiện hen.

Dịch tễ học:

  • Tuổi phát bệnh: thường vào 2 tháng đầu, có tới 60% trẻ viêm da cơ địa phát bệnh trong năm đầu, 30% trong 5 năm đầu và chỉ có 10% phát bệnh từ 6-20 tuổi. Rất hiếm bệnh nhân phát bệnh khi trưởng thành.
  • Về giới tính: không khác biệt rõ rệt giữa nam và nữ, có một vài báo cáo nam mắc nhiều hơn nữ.
  • Yếu tố di truyền cho thấy 60% người bị bệnh có con cũng bị bệnh này. Nếu cả bố mẹ đều mắc bệnh thì có tới 80% nguy cơ con sẽ bị bệnh.

Triệu chứng, biểu hiện bệnh Viêm da cơ địa

Giai đoạn cấp tính:

  • Tổn thương là đám da đỏ, ranh giới không rõ, có thể là các sẩn và đám sẩn hoặc mụn nước tiết dịch.
  • Da bị phù nề, chảy dịch, đóng vảy tiết. Các vết xước do gãi tạo vết chợt, bội nhiễm tụ cầu tạo các mụn mủ và vẩy tiết vàng. Bệnh thường xuất hiện ở trán, má, cằm, nặng hơn có thể lan ra tay, thân mình.
  • Biểu hiện bán cấp với các triệu chứng nhẹ hơn, da không phù nề, tiết dịch.

Giai đoạn mạn tính:

  • Biểu hiện bằng tình trạng da bị dày lên, thâm, ranh giới rõ là hậu quả của việc bệnh nhân ngứa gãi nhiều.
  • Thương tổn hay gặp ở các nếp gấp lớn, lòng bàn tay, bàn chân, các ngón, cổ, gáy, cổ tay, cẳng chân, trường hợp nặng có thể lan toàn thân.
  • Triệu chứng bệnh: khô da, ban đỏ, ngứa tạo thành vòng xoắn bệnh lý: ngứa-gãi-ban đỏ-ngứa... Ngoài ra người bệnh còn có các triệu chứng khác như viêm mũi dị ứng, viêm kết mạc mắt và viêm ngứa họng, hen.

Nguyên nhân bệnh Viêm da cơ địa

Nguyên nhân gây bệnh chưa được xác định. Bệnh được cho là do sự phối hợp của yếu tố di truyền với các yếu tố môi trường. Những người bị viêm da cơ địa cũng có nguy cơ mắc các bệnh dị ứng khác như hen phế quản, viêm mũi dị ứng…

Yếu tố nguy cơ

Một số yếu tố sau đây gây bệnh hoặc làm nặng lên các triệu chứng của bệnh:

  • Hít phải nấm mốc, phấn hoa, biểu bì và lông súc vật, len dạ, khói thuốc lá…
  • Tiếp xúc với: xà phòng hoặc các chất tẩy rửa; một số loại nước hoa và mỹ phẩm; các hoá chất như chlorine, dầu mỡ, cát, bụi bẩn; tiếp xúc với đồ vật gây ngứa: dây lưng, đồng hồ, các loại trang sức, phụ kiện…
  • Thời tiết hanh khô, độ ẩm thấp
  • Mất độ ẩm trên da sau khi tắm, đặc biệt tắm nước nóng
  • Thay đổi nhiệt độ đột ngột
  • Nhiễm trùng da, đặc biệt do vi khuẩn tụ cầu vàng.

Chẩn đoán biến chứng

Bệnh viêm da cơ địa có thể gây ra các hậu quả, biến chứng sau:
1/  Ảnh hưởng chất lượng cuộc sống
Bệnh gây ảnh hưởng rõ rệt đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Ngứa làm bệnh nhân mất ngủ. Tổn thương dày da, lichen hóa, thâm đen…làm bệnh nhân ngại giao tiếp và tham gia các hoạt động thể dục thể thao. Trẻ em, người lớn có thể phải nghỉ học, nghỉ làm do các đợt bùng phát của bệnh.
2/ Trẻ em bị bệnh có thể chậm lớn.
3/  Nhiễm khuẩn da do liên cầu, tụ cầu, dẫn đến dễ mắc các bệnh như nhọt, viêm nang lông, nếu nặng có thể nhiễm trùng huyết.
4/  Nhiễm virus ngoài da như nhiễm herpes simplex gây eczema herpesticum, hoặc nhiễm virus gây u mềm ở da.
5/  Đỏ da toàn thân do viêm da cơ địa.
6/  Bất thường về mắt liên quan đến bệnh: Viêm kết mạc, Đục thủy tinh thể.
 

Điều trị

  • Tránh chà xát, gãi.
  • Sử dụng thuốc bôi, thuốc uống chống ngứa.
  • Sử dụng thuốc kháng sinh đề phòng bội nhiễm vi khuẩn.
Điều trị viêm da cơ địa
  • Bôi kem dưỡng ẩm rất cần thiết vừa có tác dụng chống khô da vừa có tác dụng tránh ngứa, hạn chế tái phát. Kem dưỡng ẩm phải được sử dụng hàng ngày và dùng lâu dài sau khi triệu chứng đã được cải thiện.
  • Loại trừ và tránh các chất gây dị ứng đã đề cập ở trên.
  • Điều trị bệnh cần rất cẩn trọng nên có sự hợp tác rất chặt chẽ giữa bác sĩ và người bệnh.
  • Tuỳ theo giai đoạn bệnh là cấp tính, bán cấp hay mạn tính mà sử dụng thuốc cho phù hợp.

Lưu ý: Việc điều trị cho người viêm da dị ứng nên theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa da liễu. Tuyệt đối không tự mua thuốc để tự điều trị khi không có kiến thức chuyên môn về y học.

Phòng ngừa bệnh Viêm da cơ địa

  • Tránh ăn các loại thực phẩm có nguy cơ gây bệnh như tôm, cua, cá, ốc, trứng, sữa. Tránh sử dụng các thực phẩm có tính cay, nóng.
  • Tránh tiếp xúc với các đồ vật, hóa chất nghi ngờ gây bệnh.
  • Vệ sinh môi trường sống nhằm loại bỏ các tác nhân gây bệnh.
  • Không nên nuôi động vật trong nhà, nhất là mèo, chó.
  • Luôn luôn giữ cho da sạch sẽ, bấm móng tay và mang găng tay để không bị trầy xước da gây nhiễm khuẩn khi gãi.
  • Nên mặc các loại quần áo vải mỏng, mềm, tránh các loại áo lông thú.
  • Hàng ngày nên tắm bằng nước ấm.
  • Thường xuyên sử dụng kem dưỡng ẩm cho da.
  • Tăng cường sức đề kháng bằng chế độ dinh dưỡng hợp lý đặc biệt lưu ý uống đủ nước mỗi ngày.

(nguồn Sức khỏe đời sống và Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe Trung ương)

- 04-07-2018 -

Bài viết liên quan

  • 17-10-2018

    Ho gà là một trong các bệnh rất hay lây, làm chết nhiều người nhất trong các loại bệnh có thể phòng ngừa được bằng vắc-xin. Mỗi năm có khoảng 30 - 50 triệu bệnh nhân ho gà và 300.000 ca tử vong (theo thống kê của WHO). Đa số tử vong ở trẻ dưới 1 tuổi.

  • 17-10-2018

    Co giật nửa mặt là tình trạng bệnh biểu hiện trên một nửa khuôn mặt của bạn. Nó thường bắt đầu bằng co giật xung quanh mắt một bên. Dần dần có thể co giật đến miệng của bạn. Có nhiều cách điều trị khác nhau. Mặc dù tình trạng này không gây tử vong nhưng

  • 28-05-2018
    Viêm phổi do Mycoplasma là một bệnh nhiễm trùng ở phổi khá phổ biến. Bệnh này do vi khuẩn Mycoplasma pneumoniae gây ra. Đây là bệnh viêm phổi không điển hình do nó có những triệu chứng khác với những bệnh viêm phổi do nhiễm virus thông thường khác.
  • 18-04-2022
    Ống động mạch (DA) là một mạch máu bình thường trong cơ thể, có nhiệm vụ kết nối hai động mạch chính – động mạch chủ và động mạch phổi – giúp đưa máu từ tim ra nuôi cơ thể bào thai. Ống động mạch đưa máu ra khỏi phổi, trực tiếp nuôi cơ thể.
  • 17-10-2018

    Viêm thanh khí phế quản là một tình trạng gây ra phù nề của thanh quản và khí quản, dẫn đến đường dẫn khí dưới dây thanh âm (vùng hạ thanh môn) trở nên hẹp và tiếng thở ồn ào và khó thở. Đây là tình trạng thường gặp vì là một bệnh lây nhiễm.

  • 01-06-2018

    Hội chứng buồng trứng đa nang hay còn gọi là hội trứng Stein-Leventhal do Irvine F.Stein và Michael leventhal mô tả đầu tiên năm 1937