Tổ đỉa

Bệnh tổ đỉa là bệnh viêm da đặc biệt, chủ yếu ở lòng bàn tay, bàn chân và rìa các ngón. Bệnh chưa xác định được nguyên nhân. Một số nghiên cứu cho thấy, người có cơ địa dị ứng, có sang chấn thần kinh dễ nhạy cảm với các dị nguyên: hóa chất, cao su, xà

Bệnh tổ đỉa là gì?

Bệnh tổ đỉa là bệnh viêm da đặc biệt, chủ yếu ở lòng bàn tay, bàn chân và rìa các ngón. Bệnh chưa xác định được nguyên nhân. Một số nghiên cứu cho thấy, người có cơ địa dị ứng, có sang chấn thần kinh dễ nhạy cảm với các dị nguyên: hóa chất, cao su, xà phòng, nước hoa, một số chất trong mỹ phẩm, đồ ăn, thức uống hoặc thay đổi khí hậu...
Bệnh thường thấy ở những người mà nghề nghiệp phải tiếp xúc trực tiếp với dầu mỡ (công nhân cơ khí, thợ sửa xe…), với hóa chất công nghiệp, rác thải (công nhân vệ sinh, phân loại rác, bới rác…), với hóa chất bảo vệ thực vật như người trồng rau vùng ngoại thành các thành phố lớn, đặc biệt là những người trồng rau nước (rau muống, rau cần…) ở gần các vùng mà nước thải thành phố chảy qua.bệnh liên quan đến tình trạng viêm nhiễm của da do điều kiện da tiếp xúc với những bụi bẩn ...

Triệu chứng bệnh tổ đỉa

Triệu chứng bệnh tổ đỉa

Tổn thương là các mụn nước màu trắng, kích thước nhỏ khoảng 1mm, nằm sâu, chắc, khó vỡ, thường tập trung thành từng chùm hơi gồ trên mặt da. Đôi khi nhiều mụn nước kết tụ thành bóng nước lớn. Bệnh thường xảy ra từng đợt, trước khi nổi mụn nước thường có cảm giác ngứa, rát, một số trường hợp kèm tăng tiết mồ hôi.
Các mụn nước thường gây ngứa ngáy rất khó chịu, mụn nước có ở vùng rìa ngón sát với gốc móng tay, móng chân lâu khỏi sẽ loạn dưỡng móng làm hỏng móng. Nếu lấy kim chọc hoặc khêu da mụn tổ đỉa lên sẽ có ít dịch trong, dính rỉ ra, gạt bỏ lớp dịch sẽ thấy lỗ sâu ở dưới lớp thượng bì (gọi là giếng chàm).
Thường thì mụn tổ đỉa không tự giập vỡ, chúng chỉ vỡ khi người bệnh dùng kim/gim chọc, dùng móng tay gãi mạnh, dùng vật dụng thô ráp chà xát hoặc dùng vật dụng có cạnh để cạo da cho đỡ ngứa... Càng gãi nhiều, càng chà xát mạnh vùng tổ đỉa thì triệu chứng ngứa càng tăng, mụn tổ đỉa càng 'mọc' nhiều, đám mụn nước càng dày đặc lan tỏa rộng, da vùng tổ đỉa nổi gồ dày đỏ lên và làm mụn nước dễ vỡ. Khi mụn nước vỡ, dịch trong dính từ các 'giếng chàm' của tổ đỉa chảy ra thường gây bội nhiễm vi trùng gây thành mụn mủ da, lúc này người bệnh sẽ bị đau nhức khó chịu.
Nếu để kéo dài, bệnh có thể tiến triển thành tổ đỉa chàm hoá và như vậy việc chữa trị bệnh sẽ trở nên phức tạp hơn. Tuy nhiên, cũng có trường hợp sau một thời gian mụn tổ đỉa tự xẹp và teo lại có màu vàng rơm hoặc ngà vàng, có viền vẩy xung quanh và khi vảy bong ra, để lại một nền da non màu hồng, hình tròn.
Bệnh thường diễn biến trong vài tuần rồi chuyển sang thể ẩn để rồi lại tái phát bệnh nếu không được chữa trị đúng cách.

Nguyên nhân gây bệnh tổ đỉa

Nguyên nhân gây bệnh tổ đỉa

Căn nguyên bệnh tổ đỉa cho đến nay vẫn chưa rõ ràng.

Chẩn đoán bệnh tổ đỉa

Chẩn đoán bệnh tổ đỉa

Chẩn đoán xác định bệnh

  • Tổn thương cơ bản: Mụn nước sâu, chìm dưới da, như khảm vào da, kích thước 1-2 mm, không tự vỡ. Mụn nước phân bố rải rác hay thành từng đám, từng cụm.
  • Vị trí: Tổ đỉa thường hay xuất hiện và phát triển ở 2 lòng bàn tay, lòng bàn chân (đầu ngón, mặt dưới, mặt dưới ngón, ria ngón, vòm lòng bàn tay, ô mô cái, ô mô út, vòm lòng bàn chân).
  • Ngứa nhiều, nhất là về đêm.
  • Hay tái phát, thường tái phát vào mùa hè.
  • Do ngứa chọc gãi làm xuất hiện mụn mủ, vết chợt, bàn tay chân có khó sưng tấy nhiễm khuẩn thứ phát, hạch nách, bẹn sưng (tổ đỉa nhiễm khuẩn).

Các thể lâm sàng

  • Tổ đỉa thể đơn giản: tổn thương là mụn nước sâu ở vị trí trên.
  • Tổ đỉa nhiễm khuẩn: có mụn mủ, chợt loét, sưng viêm tấy.
  • Tổ đỉa thể khô: lòng bàn tay chân có đảm đỏ tróc vẩy.

Chẩn đoán phân biệt với các bệnh khác

  • Ghẻ
    • Vị trí kẽ ngón tay, ngấn cổ tay.
    • Tổn thương là mụn nước đường hang, nhể khêu bắt được cái ghẻ.
    • Ngứa nhiều về đêm, có tính chất lây lan.
  • Eczema bàn tay, bàn chân
    • Vị trí thường ở mặt lưng (mu) bàn tay, bàn chân.
    • Tổn thương là những đám đỏ có mụn nước nhỏ, nông chi chít, tự vỡ. Đám tổn thương chợt ra sẽ chảy dịch để lâu ngày bị liken hoá dày cộm.

Điều trị bệnh tổ đỉa

Điều trị bệnh tổ đỉa

Bệnh tổ đỉa thường được chữa trị bằng biện pháp tại chỗ và toàn thân như sau:

Điều trị tại chỗ

Cắt cơn ngứa bằng biện pháp ngâm bàn tay hoặc bàn chân bị tổ đỉa vào chậu nước ấm nóng, hoặc ngâm bàn tay, bàn chân bị bệnh vào nước nóng ấm có pha dung dịch thuốc tím để sát trùng. Nếu tổ đỉa bị bội nhiễm gây mủ thì cần bôi/xoa các dung dịch có màu Milian hay Eosine để hút mủ.
Tùy nguyên nhân gây tổ đỉa mà chọn thuốc bôi/xoa thích hợp lên vùng tổn thương do bệnh. Nếu nguyên nhân do nấm thì bôi dung dịch BSI, bôi thuốc chống nấm Nizoral... Nếu căn nguyên lại do dị ứng thì dùng các thuốc có corticoid dạng kem/mỡ để bôi/xoa vào vùng tổ đỉa như Betnovate N, Sicorten, Flucinar,...).

Điều trị toàn thân

Tùy thuộc theo nguyên nhân và tình trạng người bệnh mà sử dụng thuốc uống làm giảm ngứa ngáy khó chịu. Nếu tổ đỉa nguyên nhân do nấm thì uống thuốc chống ngứa là Sporal hay Nizoral.
Nếu nguyên nhân lại do dị ứng thì dùng các thuốc chống ngứa thông thường như: Telfast, Clarityne, Celestamine... Nếu tổ đỉa do vi khuẩn hoặc bị bội nhiễm gây mụn mủ thì dùng một đợt kháng sinh loại Erythromycin (khoảng 5 ngày).
Cần tăng cường sức đề kháng của cơ thể bằng cách bổ xung các vitamin nhóm B, vitamin nhóm C... và ăn uống các loại rau quả chứa nhiều vitamin đặc biệt là vitamin C (như cam, chanh, bưởi...).

Bài thuốc dân gian chữa tổ đỉa

Bài thuốc dân gian chữa tổ đỉa
Để chữa bệnh, ta có thể áp dụng các phương pháp sau:

  1. Dùng một nắm nhỏ lá đào tươi (50g) rửa sạch, giã nhỏ đắp vào tổn thương, sau 30 phút tháo ra để thoáng, ngày đắp 2 lần.
  2. Khoảng 100g lá móng tay rửa sạch, sắc trong 1 lít nước, ngâm tay chân bị bệnh trong 15-20 phút, ngày ngâm 2 lần.
  3. 3Nếu ngứa nhiều nhưng không có hiện tượng nhiễm trùng, dùng bột đại hoàng (khoảng 15g gói trong vải mỏng, sạch) tẩm với rượu trắng, xoa lên nơi ngứa.
  4. Xông khói thương truật: Cho vài miếng thương truật lên bếp than hoa đang cháy nỏ, khi khói thuốc bốc lên, hơ vùng tổn thương trên khói thuốc.
  5. Ké đầu ngựa 20g, hy thiêm thảo 20g sao khô, sắc nước uống hàng ngày.
  6. Thang thanh nhiệt tiêu viêm: Huyền sâm 30g, liên kiều, thiên hoa phấn đều 16g; Đơn bì, xích thược, mạch môn, ngưu tất, núc nác, hoàng đằng, chi tử, mộc thông đều 12g, cam thảo dây hay cỏ ngọt 8g. Sắc uống ngày 1 thang.

Thực tế có thể kết hợp các phương pháp trên trong cùng thời gian điều trị.

Phòng ngừa bệnh tổ đỉa

Phòng ngừa bệnh tổ đỉa

  • Cần tránh ăn uống các thực phẩm có nguy cơ gây dị ứng với cơ thể, hạn chế ăn uống các chất cay, nóng, kích thích (ớt, hạt tiêu, bia, rượu...).
  • Tránh tiếp xúc với các đồ dùng, vật dụng dễ gây dị ứng.
  • Thường xuyên vệ sinh cá nhân giữ cho bàn tay, bàn chân sạch sẽ, khô ráo không để ẩm ướt.
  • Đặc biệt lưu ý khi bị tổ đỉa gây ngứa, người bệnh không nên gãi, chà xát hoặc dùng kim chọc vỡ mụn nước vì tổ đỉa rất dễ bị bội nhiễm vi trùng gây viêm mủ da đồng thời hạn chế để vùng tổn thương tiếp xúc với xà phòng, xi măng...
Nếu phát hiện thấy có các triệu chứng bệnh tổ đỉa như đã nêu ở phần đặc điểm bệnh tổ đỉa, bạn nên đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa da liễu để được khám và hướng dẫn chữa trị. Hiệu quả chữa bệnh tuỳ thuộc vào việc bạn được điều trị sớm và đúng cách theo tình trạng bệnh lý cụ thể.

(nguồn Sức khỏe đời sống và Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe Trung ương)

- 28-05-2018 -

Bài viết liên quan

  • 28-05-2018
    Nhiễm trùng do sự lây nhiễm virus hoặc vi khuẩn là nguyên nhân chủ yếu gây viêm họng
  • 28-05-2018
    Viêm sung huyết hang vị dạ dày là tình trạng niêm mạc vùng hang vị dạ dày viêm, các mạch máu vùng viêm dãn nở do ứ máu nhiều. Bệnh không nguy hiểm nếu như phát hiện sớm nên có các biện pháp điều trị bệnh sớm, nhất là cháu nên tới bệnh viện có chuyên
  • 05-10-2018

    1. Định nghĩa Lao là tình trạng nhiễm vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis, thường gặp nhất ở phổi nhưng cũng có thể lao màng não, hệ bạch huyết, hệ tuần hoàn (lao kê), hệ niệu dục, xương và khớp. Hiện nay, lao là bệnh nhiễm khuẩn chính và thường gặp

  • 28-05-2018
    Cao huyết áp là bệnh lí ngày càng phổ biến và gây ra nhiều vấn đề khác nhau, trong đó có bệnh lí võng mạc, gây ảnh hưởng đến thị lực nếu huyết áp không được kiểm soát tốt. Võng mạc là lớp mô nằm ở mặt sau của mặt. Lớp này biến đổi ánh sáng
  • 28-05-2018
    Không có kinh nguyệt hay còn gọi là vô kinh. Đây là hiện tượng không xuất hiện kinh nguyệt. Chu kỳ kinh nguyệt của mỗi phụ nữ đều khác nhau vì nó phụ thuộc vào cơ địa, cấu trúc buồng trứng và tử cung.