Suyễn ở trẻ em

Suyễn là tình trạng viêm mạn tính đường hô hấp. Đường hô hấp của những trẻ bị suyễn rất nhạy cảm với các chất mà trẻ bị dị ứng (dị nguyên) và các chất kích thích khác có trong không khí. Trong những trường hợp khác, suyễn trẻ em dễ bùng phát khi trẻ

Suyễn ở trẻ em là gì?

Suyễn ở trẻ em
Ảnh minh họa

Suyễn là tình trạng viêm mạn tính đường hô hấp. Đường hô hấp của những trẻ bị suyễn rất nhạy cảm với các chất mà trẻ bị dị ứng (dị nguyên) và các chất kích thích khác có trong không khí. Trong những trường hợp khác, suyễn trẻ em dễ bùng phát khi trẻ bị cảm lạnh hoặc các bệnh lý nhiễm trùng hô hấp khác. Tình trạng này gây trở ngại cho các hoạt động của trẻ như chơi đùa, thể thao, học tập và giấc ngủ. Ở một số trẻ, suyễn không được quản lý có thể gây ra cơn suyễn nguy kịch.
Suyễn trẻ em là nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ phải nhập khoa cấp cứu và nghỉ học. Thật không may, hen suyễn ở trẻ không thể chữa khỏi, và các triệu chứng có thể tiếp tục vào tuổi trưởng thành. Nhưng nếu điều trị đúng cách, bạn và con của bạn có thể giữ cho các triệu chứng dưới sự kiểm soát và ngăn ngừa thiệt hại tối thiểu cho phổi.

Triệu chứng bệnh suyễn ở trẻ em

Các triệu chứng phổ biến khi trẻ bị suyễn bao gồm:
  • Ho liên tục, thường xuyên
  • Thở rít hoặc khò khè khi thở ra
  • Khó thở
  • Tắc nghẽn hoặc tức ngực
  • Đau ngực, đặc biệt là ở trẻ lớn
Một số triêu chứng khác:
  • Khó ngủ, ho hoặc thở khò khè sau một đợt nhiễm trùng đường hô hấp, cảm lạnh hoặc cúm
  • Viêm phế quản tái đi tái lại nhiều lần
  • Khó thở, hạn chế các hoạt động như chơi đùa, tập thể dục
Dấu hiệu suyễn đầu tiên ở trẻ có thể là thở khò khè tái phát do virus đường hô hấp. Khi trẻ lớn, suyễn do dị ứng đường hô hấp phổ biến hơn.
Các dấu hiệu và triệu chứng hen suyễn thay đổi theo từng trẻ riêng biệt, có thể diễn tiến xấu đi hoặc tốt hơn lên theo thời gian. Cần lưu ý rằng tuy thở khò khè là triệu chứng có liên quan mật thiết với bệnh hen suyễn, nhưng không phải tất cả trẻ bị suyễn đều thở khò khè. Con bạn có thể chỉ có một dấu hiệu hoặc triệu chứng, chẳng hạn như ho kéo dài hoặc tắc nghẽn ngực.

Khi nào cần đưa trẻ đến khám bác sĩ

Hãy đưa trẻ đến bác sĩ càng sớm càng tốt nếu bạn nghi ngờ trẻ bị suyễn. Điều trị sớm sẽ không chỉ giúp kiểm soát triệu chứng của bệnh mà còn có thể giúp ngăn ngừa cơn suyễn.
Hãy đưa trẻ đến bác sĩ nhi nếu bạn nhận thấy:
  • Trẻ ho liên tục, hoặc ho có liên quan đến vận động
  • Thở khò khè hoặc có tiếng thở rít khi trẻ thở ra
  • Khó thở hoặc thở nhanh
  • Tức ngực
  • Viêm phế quản hoặc viêm phổi tái đi tái lại nhiều lần
Suyễn thường lên cơn vào ban đêm, ho trong khi ngủ hoặc ho làm bé thức giấc. Khóc, cười, la hét, hoặc phản ứng cảm xúc mạnh mẽ và căng thẳng cũng có thể khiến trẻ ho và thở khò khè.

Khi nào cần đưa trẻ đi cấp cứu

Trong những trường hợp bệnh nặng, bạn có thể nhìn thấy ngực của trẻ co kéo liên tục. Bé đổ mồ hôi, không nói được và đau ngực tăng lên. Hãy cho trẻ đến đơn vị cấp cứu gần nhất ngay nếu trẻ:
  • Thở gắng sức
  • Đang sử dụng cơ bụng để thở
  • Thở phập phồng cánh mũi
Ngay cả khi trẻ chưa được chẩn đoán suyễn trước đó, bạn vẫn nên đưa trẻ đến bác sĩ ngay lập tức nếu trẻ có biểu hiện khó thở. Mặc dù mức độ nặng của những đợt suyễn khá thay đổi, một cơn suyễn thường bắt đầu với triệu chứng ho, sau đó tiến triển đến thở khò khè và khó thở.

Nguyên nhân gây bệnh suyễn ở trẻ em

Các nguyên nhân của bệnh suyễn ở trẻ em hiện vẫn chưa được hiểu đầy đủ. Có thể do hệ thống miễn dịch quá nhạy cảm. Một số yếu tố được cho là có liên quan bao gồm:
  • Di truyền
  • Nhiễm trùng đường hô hấp nhiều lần ở trẻ nhỏ
  • Môi trường sống ô nhiễm, nhất là khói thuốc lá
  • Nhiễm virus
  • Dị ứng với ve bụi (mạt nhà), vật nuôi, lông thú, phấn hoa hoặc mốc
  • Hoạt động thể chất
  • Thời tiết thay đổi hoặc không khí lạnh
Đôi khi, các triệu chứng hen suyễn xuất hiện nhưng không rõ nguyên nhân.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh suyễn ở trẻ em

Yếu tố có thể làm tăng khả năng mắc bệnh của trẻ bao gồm:
  • Tiếp xúc với khói thuốc lá
  • Dị ứng: bao gồm cả phản ứng da, dị ứng thực phẩm hoặc viêm mũi dị ứng
  • Tiền sử gia đình có người bị: hen suyễn, viêm mũi dị ứng, phát ban hoặc chàm da
  • Sống trong một khu vực đô thị ô nhiễm không khí
  • Cân nặng lúc sinh thấp
  • Béo phì
  • Chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi mạn tính (viêm mũi)
  • Viêm xoang (viêm xoang)
  • Trào ngược dạ dày thực quản
  • Trẻ nam

Biến chứng của bệnh suyễn ở trẻ em

Hen suyễn có thể gây ra một số biến chứng, bao gồm:
  • Cơn suyễn nặng cần điều trị khẩn cấp hoặc phải nhập khoa hồi sức cấp cứu
  • Phải nghỉ học
  • Giấc ngủ kém và mệt mỏi
  • Cản trở các hoạt động của trẻ như chơi đùa, thể thao…

Phương pháp điều trị và thuốc đối với bệnh suyễn ở trẻ em

Mục tiêu điều trị suyễn là giữ cho bé không lên cơn suyễn. Bệnh được kiểm soát tốt nghĩa là con của bạn có:
  • Triệu chứng rất ít hoặc không
  • Rất ít hoặc không có cơn hen suyễn bùng phát
  • Không hạn chế về hoạt động thể chất, thể dục
  • Sử dụng tối thiểu các thuốc cắt cơn nhanh như salbutamol dạng hít
  • Rất ít hoặc không có tác dụng phụ của thuốc
Thuốc kiểm soát dài hạn
Trong hầu hết các trường hợp, các loại thuốc này cần phải được sử dụng mỗi ngày. Các loại thuốc kiểm soát dài hạn bao gồm:
  • Corticosteroid dạng hít: Các loại thuốc này bao gồm fluticasone, budesonide (Pulmicort ® ), Corticosteroid dạng hít là loại phổ biến nhất được kê trong quá trình điều trị. Con bạn có thể cần phải sử dụng các loại thuốc này trong vài ngày đến vài tuần trước khi đạt được hiệu quả tối đa. Sử dụng lâu dài các loại thuốc này có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng ở trẻ, nhưng rất ít. Trong hầu hết các trường hợp, lợi ích đạt được từ việc kiểm soát hen suyễn có ý nghĩa lớn hơn rất nhiều so với bất kỳ tác dụng phụ nào của thuốc.
  • Thuốc điều biến leukotriene (leukotriene modifier): ví dụ như montelukast (Singulair ® ), giúp ngăn ngừa các triệu chứng suyễn do siêu vi. Trong một số ít các trường hợp, các loại thuốc này có liên quan đến các phản ứng tâm lý, chẳng hạn như kích động, gây hấn, ảo giác, trầm cảm và suy nghĩ tự tử. Hãy cho trẻ đến các cơ sở tư vấn y tế ngay nếu con bạn có bất kỳ phản ứng bất thường nào.
  • Theophylline. Theophylline làm giãn các cơ phế quản. Loại này không được sử dụng thường xuyên trong những năm qua vì có nhiều tác dụng phụ.
Thuốc cắt cơn nhanh
Còn được gọi là thuốc cấp cứu, sử dụng để cắt cơn suyễn nhanh chóng khi suyễn lên cơn- hoặc trước khi tập thể dục nếu bác sĩ đề nghị. Loại thuốc này bao gồm:
  • Các thuốc giãn phế quản dạng hít: thuốc có thể nhanh chóng giảm các triệu chứng cơn suyễn. Chúng bao gồm salbuterol, levalbuterol và pirbuterol. Các loại thuốc này bắt đầu tác dụng sau vài phút, và thời gian tác động nhiều giờ.
  • Ipratropium (Atrovent ): Như thuốc giãn phế quản khác, nó làm giãn đường hô hấp. Ipratropium được dùng chủ yếu cho bệnh khí thủng và viêm phế quản mạn tính, nhưng đôi khi cũng được dùng để điều trị cơn suyễn.
  • Corticosteroid dạng uống và tiêm tĩnh mạch: Các loại thuốc này làm giảm viêm đường hô hấp gây ra bởi bệnh suyễn nặng, ví dụ như prednisone và methylprednisolone. Lưu ý rằng thuốc có thể gây tác dụng phụ nghiêm trọng khi sử dụng lâu dài, vì vậy chỉ được sử dụng để điều trị các triệu chứng hen suyễn nặng trong thời gian ngắn.
Không chỉ dựa vào thuốc cắt cơn
Thuốc kiểm soát hen suyễn dài hạn như corticosteroid dạng hít là nền tảng của điều trị hen suyễn. Các loại thuốc này được sử dụng để kiểm soát ngăn ngừa bệnh suyễn và làm giảm tối đa nguy cơ lên cơn suyễn.
Thiết bị dành cho các thuốc dạng hít
Trẻ lớn có thể sử dụng thiết bị nhỏ, cầm tay như đồng hồ đo áp lực hít liều hoặc ống hít.
Trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi cần phải sử dụng một mặt nạ gắn vào một ống hít liều có đồng hồ đo hoặc máy phun sương để có được số lượng chính xác của thuốc.
Trẻ cần phải sử dụng một thiết bị gọi là máy phun sương. Bé đeo mặt nạ mặt và thở bình thường. Các máy phun sương sẽ cung cấp liều lượng thuốc chính xác.
Kế hoạch theo dõi hen suyễn
Trao đổi với bác sĩ lên kế hoạch theo dõi suyễn bằng lịch theo dõi. Việc này đóng một phần quan trọng trong điều trị, đặc biệt nếu trẻ bị suyễn nặng.
Ghi nhận khi bạn cần điều chỉnh thuốc kiểm soát dài hạn.
Xác định các dấu hiệu của một cơn suyễn và biết phải làm gì khi suyễn lên cơn.
Biết khi nào gọi bác sĩ hoặc tìm sự giúp đỡ khẩn cấp.
Nếu các triệu chứng bệnh của trẻ được kiểm soát tốt trong một khoảng thời gian, bác sĩ có thể đề nghị giảm liều thuốc. Nếu bệnh suyễn của con bạn không được kiểm soát tốt, bác sĩ có thể đề nghị tăng, thay đổi hoặc thêm loại thuốc ( đẩy mạnh điều trị).

Phòng chống bệnh suyễn ở trẻ em

Hạn chế tiếp xúc với tác nhân gây suyễn: chủ động trong việc giúp bé tránh các chất gây dị ứng và các chất kích thích gây nên các triệu chứng hen suyễn.
Không cho phép hút thuốc xung quanh trẻ: tiếp xúc với khói thuốc lá trong giai đoạn phôi thai là một yếu tố nguy cơ mạnh đối với bệnh hen suyễn ở trẻ em, cũng như kích hoạt cơn suyễn.
Khuyến khích con bạn hoạt động: song song với việc luôn đảm bảo tình trạng suyễn của trẻ được kiểm soát tốt, hoạt động thể chất thường xuyên có thể giúp phổi làm việc hiệu quả hơn.
Đến bác sĩ ngay khi cần thiết: tái khám thường xuyên. Đừng bỏ qua bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy bệnh suyễn của con bạn có thể không được kiểm soát, chẳng hạn như trẻ cần phải sử dụng thuốc dạng hít quá thường xuyên. Lưu ý rằng tình trạng suyễn sẽ không hằng định mà luôn thay đổi theo thời gian. Tham khảo ý kiến ​​bác sĩ của trẻ có thể giúp bạn có những điều chỉnh đúng và kịp thời nhằm kiểm soát tốt bệnh suyễn cho trẻ.


Những thay đổi trong cách sống đối với bệnh suyễn ở trẻ em

Giảm tối đa các yếu tố kích thích lên cơn suyễn.
Dưới đây là một số điều có thể giúp bạn trong điều chỉnh cách sống phù hợp cho trẻ:
  • Duy trì độ ẩm trong nhà: nếu bạn đang sống ở nơi có độ ẩm cao, hãy trao đổi với bác sĩ của trẻ về việc sử dụng máy hút ẩm.
  • Giữ cho nhà cửa thoáng mát sạch sẽ: tùy thuộc vào khí hậu nơi bạn sống, có thể cần một hệ thống sưởi và điều hòa không khí, cần kiểm tra hệ thống điều hòa không khí này mỗi năm. Thay đổi các bộ lọc trong máy sưởi và điều hòa không khí theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
  • Tránh tiếp xúc với lông vật nuôi: nếu con bạn bị dị ứng với lông thú, tốt nhất là không nên nuôi các loại vật nuôi có lông trong nhà, tránh tối đa cho bé tiếp xúc với lông thú.
  • Sử dụng máy điều hòa không khí: máy điều hòa không khí giúp làm giảm lượng phấn hoa trong không khí từ cây và cỏ dại. Điều hòa không khí cũng làm giảm độ ẩm trong nhà và có thể giảm sự phơi nhiễm của bé với mạt nhà. Nếu bạn không có máy điều hòa không khí, cố gắng đóng kín cửa sổ trong mùa phấn hoa.
  • Giữ bụi ở mức tối thiểu: thường xuyên vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, giặt bao gối, mền, ra giường,… Xem xét loại bỏ thảm và lắp đặt sàn cứng, đặc biệt là trong phòng ngủ của bé. Sử dụng rèm cửa loại có thể giặt. Làm sạch nhà của bạn ít nhất một lần một tuần để loại bỏ bụi và chất gây dị ứng.
  • Giảm tiếp xúc không khí lạnh. Nếu bệnh suyễn của bé trở nặng bởi không khí lạnh và khô, bạn nên cho bé đeo khẩu trang khi ra ngoài.
Giúp con bạn khỏe mạnh
  • Hãy cho trẻ tập thể dục. Tập thể dục thường xuyên làm giảm các triệu chứng và quan trọng đối với sức khỏe tổng thể của trẻ. Khi bệnh hen suyễn được kiểm soát, không có giới hạn mức độ hoạt động thể chất của trẻ.
  • Giúp con bạn duy trì trọng lượng khỏe mạnh. Thừa cân có thể làm nặng thêm các triệu chứng hen suyễn, bênh cạnh đó còn đưa đến nguy cơ mắc một số vấn đề sức khỏe khác liên quan béo phì.
  • Kiểm soát tình trạng trào ngược dạ dày-thực quản: axit trào ngược có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng hen suyễn của bé.
Phương pháp thay thế thuốc đối với bệnh suyễn ở trẻ em
  • Thở kỹ thuật: các bài tập thở yoga.
  • Châm cứu: kỹ thuật này có nguồn gốc từ y học cổ truyền Trung Quốc. Nó bao gồm việc đặt kim rất mỏng tại một số điểm trên cơ thể của trẻ. Tuy nhiên kỹ thuật này khó áp dụng ở trẻ nhỏ.
  • Kỹ thuật thư giãn: Các kỹ thuật như thiền định, thôi miên và thư giãn cơ bắp có thể giúp giảm căng thẳng và stress, từ đó gián tiếp có tác động tốt đến bệnh suyễn.
  • Thảo dược bổ trợ: một số thảo dược đã được thử nghiệm cho bệnh hen suyễn, chẳng hạn như bạch quả và khô thường xuân. Mặt khác, vẫn chưa có kết quả rõ ràng về lợi ích của các loại thảo dược khác đối với suyễn. Thảo dược bổ sung có thể có tác dụng phụ và ngoài ra còn có thể tương tác với các loại thuốc đang sử dụng điều trị cho trẻ. Hãy gọi bác sĩ trước khi thử bất kỳ thảo dược bổ sung nào.

Chẩn đoán bệnh suyễn ở trẻ em

Hen suyễn có thể khó chẩn đoán. Bác sĩ sẽ xem xét bản chất và tần số của các triệu chứng và có thể kết hợp với các xét nghiệm để xác định nguyên nhân có khả năng nhất.
Bé cũng có thể cần xét ​​nghiệm.
Ở trẻ trên 6 tuổi: Xét nghiệm chức năng phổi ( phế dung ký ) đo thể tích khí con bạn có thể thở ra, sau khi tập thể dục và sau khi phun thuốc hen suyễn. Trẻ cũng có thể được làm xét nghiệm phát hiện các yếu tố gây dị ứng da (test lẩy da).
Ở trẻ dưới 6 tuổi: chẩn đoán khá khó khăn vì xét nghiệm chức năng phổi không cho kết quả chính xác ở độ tuổi này. Bác sĩ sẽ dựa vào các thông tin chi tiết mà bạn cung cấp. Đôi khi chẩn đoán không được xác lập trong một khoảng thời gian, sau nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm quan sát các triệu chứng.
Nếu bạn nghi ngờ con bạn bị suyễn, điều quan trọng là gặp bác sĩ càng sớm càng tốt. Chẩn đoán sớm và điều trị thích hợp có thể ngăn ngừa những ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày như ngủ, chơi, thể thao và đi học, nhất là ngăn ngừa cơn suyễn nặng hoặc đe dọa tính mạng.
Nếu cơn suyễn bị kích hoạt bởi dị ứng, bác sĩ có thể làm xét nghiệm tìm dị ứng trên da. Trong xét nghiệm này, chiết xuất của các chất thường gây dị ứng sẽ được tiêm với lượng rất nhỏ trên da và sau đó quan sát các dấu hiệu của phản ứng dị ứng. Xét nghiệm này có thể giúp xác định xem trẻ có bị dị ứng với lông động vật, nấm mốc, ve bụi hoặc chất gây dị ứng khác hay không. Thông tin này có thể hữu ích trong quá trình điều trị cho trẻ.

Biên dịch - Hiệu đính: Nguồn: Y học cộng đồng

- 28-05-2018 -

Bài viết liên quan

  • 18-09-2018

    Bệnh u máu là bệnh thường xuất hiện ở trẻ sơ sinh. Có khoảng 30% số bệnh nhân là trẻ trong tháng đầu sau sinh. Còn lại đa phần xuất hiện ở giai đoạn trẻ 1 tuổi. Một phần nhỏ xuất hiện ở tuổi trưởng thành. Bản chất của khối u là sự tăng sinh của mạch

  • 28-05-2018
    Hội chứng Tourette (hay còn gọi là hội chứng Gilles de la Tourette) là một bệnh lý hệ thần kinh khiến bạn bị co giật. Co giật là triệu chứng ở một phần hoặc toàn cơ thể, xuất hiện các cử động nhanh lặp đi lặp lại, đột ngột và không thể kiểm soát
  • 28-05-2018
    Tật nghiến răng là dạng rối loạn giấc ngủ thường gặp, đứng hàng thứ 3 sau nói mơ và ngáy. Người ta tin rằng những người bị tật nghiến răng lúc ngủ có nguy cơ ngáy và ngưng thở lúc ngủ cao hơn bình thường. Nghiến răng là hiện tượng nghiến hay siết chặt
  • 28-05-2018
    Viêm phế quản mạn tính (viêm phế quản mạn) là tình trạng viêm (hoặc dễ bị kích thích) của đường thở trong phổi. Đường thở là những đường dẫn khí vào bên trong phổi, còn được gọi là cây phế quản. Khi đường thở bị kích thích sẽ gây tăng tiết đàm nhầy.
  • 28-05-2018
    Bệnh viêm da mụn mủ truyền nhiễm (bệnh chốc) là bệnh da thường gặp do nhiễm vi khuẩn liên cầu (liên cầu khuẩn). Bệnh có tính lây lan, nhất là đối với trẻ em, có thể lây lan thành dịch ở trong gia đình hoặc trong trường học. Bệnh chốc có thể xảy ra quanh
  • 28-05-2018
    Bệnh rậm lông liên quan đến sự tăng trưởng quá nhiều của lông trên mặt và cơ thể ở phụ nữ. Lông dày và đen phát triển ở những khu vực mà nam giới thường có lông như: môi trên, cằm, ngực và lưng.