U máu

Bệnh u máu là bệnh thường xuất hiện ở trẻ sơ sinh. Có khoảng 30% số bệnh nhân là trẻ trong tháng đầu sau sinh. Còn lại đa phần xuất hiện ở giai đoạn trẻ 1 tuổi. Một phần nhỏ xuất hiện ở tuổi trưởng thành. Bản chất của khối u là sự tăng sinh của mạch

U máu là gì?

Bệnh u máu là bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh. Có khoảng 30% số bệnh nhân là trẻ trong tháng đầu sau sinh. Còn lại đa phần xuất hiện ở giai đoạn trẻ 1 tuổi. Một phần nhỏ xuất hiện ở tuổi trưởng thành.

bệnh u máu
(Ảnh minh họa)

Bản chất của khối u là sự tăng sinh của mạch máu, chính xác là sự tăng sinh của các tế bào nội môi gây nên. Vì là khối u máu nên nếu như khối u máu vỡ, đương nhiên mạch máu sẽ bị tổn thương và máu chảy ra.

Bệnh u máu có đầy đủ các tính chất của một khối u ngoại trừ một tính chất, đó là khối u lành tính và đa phần tự teo đi trong các giai đoạn về sau. Khối u có đặc điểm như một khối u thông thường nhưng chúng có thêm một đặc điểm đặc trưng là chứa đầy mạch máu và máu. Khác với các khối u phần mềm khác, u máu thường to lên và phát triển theo thời gian, đến một giai đoạn nhất định chúng có thể chuyển thành ác tính. U máu đa phần lành tính và tự khỏi, thường xuất hiện ở mặt, đầu, cổ, mông, đùi của trẻ em.
Chỉ một số ít xuất hiện ở gan, hầu họng, tim, cột sống. Những dạng này chiếm tỷ lệ ít và thường gặp ở người trưởng thành. Đa phần u máu nội tạng xuất hiện ở gan.

Phân loại u máu

Về hình thái, u máu được chia làm 3 loại:

  • U máu mao mạch: Xuất hiện như một vết son hay một mảng màu rượu chát trên cùng mặt phẳng với da bình thường, ấn xuống không mất màu.
  • U máu dạng hang: Thường lớn, nhô khỏi mặt da. Trong đa số trường hợp, u lan rộng và xâm lấn mô dưới da, cơ và có thể làm biến dạng cơ thể. Loại u này có thể xuất hiện cả ở các cơ quan nội tạng hay trong não.
  • U hỗn hợp: Thường gồm cả thể hang và mạch bạch huyết, gặp nhiều nhất ở tuyến mang tai, thương tổn nằm cả trong da và dưới da.

U máu thường mọc ở đâu?

Các khối u này thường nằm ở những vị trí sau:

  • Vùng mí mắt và hốc mắt: Bệnh nhân có nguy cơ bị lão thị hay lác. Nếu sang thương sâu hơn thì có thể bị sụp mí và chèn ép thần kinh thị giác.
  • Tuyến mang tai: Biểu hiện là một khối lớn ở mang tai, gặp nhiều nhất ở trẻ gái. U ở vị trí này thường được phát hiện sớm sau sinh, có thể gây biến dạng mặt nhưng dây thần kinh mặt không bị ảnh hưởng...
  • Hàm trên hay dưới: ít gặp nhưng nếu chẩn đoán và điều trị không đúng có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng (chảy máu niêm mạc số lượng lớn quanh một răng, răng liên quan bị sưng phù và đau). Nếu nhổ chiếc răng lung lay này, bệnh nhân có thể bị chảy máu dữ dội và tử vong.
  • Dưới sụn nắp thanh quản: ít gặp nhưng có thể đe dọa tính mạng. Triệu chứng (xuất hiện trong vòng 3 tháng đầu sau sinh) gồm khò khè, khó thở thanh quản. 1/3 số trẻ này có u máu trên da kèm theo.
  • Ở cơ tứ đầu của đùi: Có một khối u trong cơ. Bệnh nhân thường cảm thấy đau, vùng da trên u thay đổi.
  • Nội tạng: ở gan, lách, dạ dày, ruột, não.

Triệu chứng của bệnh u máu

  • U máu là một vùng nổi gờ có màu sắc đỏ nhạt, nằm phía dưới của vùng da bình thường hay da xanh nhợt. U máu thể hỗn hợp, trong da và dưới da, là loại u hay gặp nhất và chiếm tỉ lệ 75% các loại u máu.
  • U được biểu hiện bởi một vùng đỏ nổi gờ trên một vùng da lành, sau đó vùng dưới da dần phát triển rộng xung quanh vùng u máu trong da.
  • Các thể u máu hỗn hợp thường chỉ xuất hiện ở một vài vùng tổn thương, vị trí hay gặp là ở vùng đầu, mặt, cổ.
  • Tiến triển của bệnh u máu bao giờ cũng trải qua 3 giai đoạn và chắc chắn sẽ tự khỏi khi đứa trẻ lớn. U máu thường xuất hiện vào tuần đầu tiên sau khi đứa trẻ ra đời, hình thái lâm sàng rất luôn thay đổi, có thể là một đám giãn mạch màu xanh xám, có khi là sẩn đỏ hay dát màu xanh.
  • Tổn thương ban đầu có thể dễ lẫn với các u sắc tố và thường được bỏ qua trong tuần lễ đầu tiên. Nhưng sau đó u máu diễn biến nhanh chóng và biểu hiện rõ nét trên lâm sàng. Giai đoạn tiến triển của u máu kéo dài từ 6 – 8 tháng tùy theo thể lâm sàng.
  • Với thể u máu trong da, thời gian phát triển có thể kéo dài từ 3 – 6 tháng, riêng thể u máu dưới da, thời gian này dài hơn, từ 8 – 10 tháng. Trong giai đoạn này, u máu tăng cả về thể tích và diện tích của khối u. Khối u trở nên đỏ và to dần theo thời gian, ảnh hưởng nhiều đến vấn đề thẩm mỹ.
  • Nếu khối u nằm ở các vị trí như mi mắt, môi, mũi thì ngoài vấn đề thẩm mỹ còn có những rối loạn về chức năng của đứa trẻ. Nếu không điều trị đúng, các rối loạn do khối u gây ra có thể dẫn tới những rối loạn về chức năng khó phục hồi về sau này. Từ tháng thứ 8 trở đi, u máu sẽ không thay đổi về thể tích và màu sắc, khối u sẽ ổn định như vậy cho tới tháng thứ 18 - 20.

Đây là giai đoạn ổn định của u máu, giai đoạn này hầu như không ảnh hưởng dưới tác dụng của điều trị nội khoa. Sang giai đoạn thoái triển, khối u nhỏ dần, màu sắc trở nên nhạt màu. Kích thước của khối u máu càng nhỏ khi trẻ lớn, đến 6 – 8 tuổi, ảnh hưởng duy nhất của u máu chỉ là vấn đề thẩm mỹ và không có những rối loạn chức năng đáng kể nào.

Khi nào cần đi khám bác sĩ?

Đi khám bác sĩ hoặc Gọi thoại - Gọi video với bác sĩ chuyên khoa Ung bướu trên hệ thống khám từ xa Wellcare khi xuất hiện các triệu chứng nêu trên để được tư vấn, chẩn đoán và điều trị.

Nguyên nhân gây u máu

Có một số giả thuyết về nguyên nhân gây bệnh u máu được đưa ra:

  • Di truyền: Từ cha mẹ truyền sang con cái có nguy cơ chiếm 50/50 số lần mang thai. Bố hoặc mẹ có u máu đã thoái triển nhưng đứa con bị u máu nặng hơn.
  • Rối loạn hormon.
  • Rối loạn miễn dịch.
  • Bất thường về mạch máu.
  • Ảnh hưởng của hoá chất hay các chất độc hại khác.
  • Cha mẹ bị nhiễm khuẩn hay nhiễm virút trong thời kỳ mang thai.
  • Sau chấn thương.

Biến chứng của u máu

Các biến chứng của bệnh u máu:

  • Loét, nhiễm trùng, hoại tử u.
  • Chảy máu.
  • Suy tim.
  • Tắc nghẽn đường thở.
  • Ảnh hưởng thẩm mỹ.
  • Tác động tâm lý.

Điều trị u máu

Điều trị tuỳ thuộc vào từng bệnh nhân cụ thể, ở từng vị trí khác nhau do vậy bác sĩ cần có những sự lựa chọn phương pháp điều trị sao cho đạt được các yêu cầu:

  • Khỏi bệnh.
  • Không gây tác hại tới sự phát triển của cơ thể.
  • Thẩm mỹ.

Các phương pháp điều trị u máu tế bào nội mạc mạch máu

* Steroid đường uống

Liều lượng 2mg/kg/ngày, dùng liên tục trong 4 tuần (giảm liều sau từng tuần). Uống 1 tháng, nghỉ 15 ngày lại uống tiếp 1 tháng. Cần theo dõi diễn biến toàn thân của trẻ vì khi dùng Steroid kéo dài vì có thể gây các biến chứng: bộ mặt Cushing, thay đổi tính cách, nấm miệng, chậm phát triển tinh thần, đái tháo đường, tăng huyết áp.

Đặc biệt, nghiên cứu của Dans de Angelis (2001) cho thấy tỉ lệ u máu điều trị liệu pháp steroid chỉ đáp ứng khoảng 30%.

* Tiêm xơ

Phương pháp này rất có hiệu quả đối với loại u máu tế bào nội mạc mạch máu.

Thuốc sử dụng: Scleremo hoặc Trombovard 1%, 3% (thuốc của Pháp).

Việc tiến hành tiêm xơ phải bác sĩ có kinh nghiệm thực hiện, đặc biệt vùng đầu, mặt, cổ.

* Sử dụng interferon 2b (Heberon)

Theo nghiên cứu của Juan Manuel Marquer - Bệnh viện Nhi Trường Đại học Lahabana (Cu Ba), điều trị u máu cho trẻ em từ 1,5 tháng đến 14 tuổi thì tỷ lệ thoái triển của trẻ 1 - 5 tuổi đạt tỉ lệ cao.

Cách sử dụng: liều 3 triệu đơn vị mỗi ngày (pha thuốc với 1ml nước cất), tiêm dưới da hàng ngày, liên tục trong 6 tháng.

Thời gian sử dụng: ít nhất 6 tháng.

Tác dụng phụ: chủ yếu là sốt trong 1 - 2 ngày đầu dùng thuốc. Theo dõi diễn biến tiếp theo, cần phải kịp thời xử trí các triệu chứng như nôn, sốt, biếng ăn… trao đổi với các đồng nghiệp có kinh nghiệm trong quá trình sử dụng thuốc.

* Điều trị bằng phẫu thuật

Tuỳ theo từng thể bệnh, vị trí hay mức độ khu trú của khối u.

* Các phương pháp khác

Có thể dùng phương pháp nút mạch và laser.

Các phương pháp điều trị u dị dạng mạch máu

 Có thể lựa chọn phương pháp laser, nút mạch (nếu dị dạng động mạch lớn cần tiến hành nút mạch kết hợp phẫu thuật ngay): phẫu thuật đối với các trường hợp u dị dạng bạch mạch, u dị dạng tĩnh mạch.

Theo Sức khỏe & đời sống 

- 18-09-2018 -

Bài viết liên quan

  • 22-08-2018
    Ung thư âm hộ là loại ung thư thường gặp ở lứa tuổi 65-75 nhưng đôi khi cũng xuất hiện ở người trẻ tuổi. Nguyên nhân gây ra ung thư âm hộ hiện chưa rõ ràng nhưng có một số yếu tố nguy cơ gây bệnh đặc biệt là nhiễm vi-rút gây u nhú ở người (HPV). Ung
  • 28-05-2018
    Nếu mất ngủ thoáng qua sẽ gây trạng thái buồn ngủ, vẻ mặt kém linh hoạt. Mất ngủ kéo dài sẽ gây mệt mỏi, trầm cảm, dễ cáu gắt, giảm tập trung chú ý. Mất ngủ thoáng qua hay kéo dài cũng đểu ảnh hưởng đến khả năng làm việc/ học tập, dễ gây tai nạn khi
  • 28-05-2018
    Vỡ tử cung là một trong 5 tai biến sản khoa đe doạ đến tính mạng cả mẹ lẫn thai nhi. Thông thường, khi đã tử cung đã vỡ, thai nhi sẽ chết và nếu không được sử trí kịp thời thai phụ có khi cũng bị tử vong. Trước khi vỡ tử cung có một giai đoạn doạ vỡ
  • 28-05-2018
    Viêm tai ngoài ác tính có thể là do nhiễm trùng, bệnh da (chàm hay tăng tiết bã nhờn), nấm, sự kích thích thường xuyên (ngoáy tai), dị ứng, chảy mủ mạn từ tai giữa, u (hiếm), hay có thể đơn thuần sau một thói quen như thường xuyên cào gãi tai. Hiện tượng
  • 28-05-2018
    Cơn ngủ kịch phát là một bệnh mãn tính, trong đó người bệnh có thể buồn ngủ ở bất kỳ thời điểm nào và bất kỳ nơi nào mà không thể kiểm soát được, bất kể họ đã ngủ bao nhiêu lâu trong ngày. Người bệnh sẽ cảm thấy khoẻ lên sau khi ngủ khoảng 10 đến 15
  • 28-05-2018
    Suy giảm thính lực bẩm sinh thường được gọi là điếc bẩm sinh xảy ra do tổn thương cơ quan thính giác ngay từ thời kỳ bào thai, nên ngay sau khi sinh ra trẻ đã bị giảm thính lực.