Polyp đại trực tràng

Polyp đại trực tràng là một khối u ở thành ruột hoặc trực tràng. Khối u này có thể lành tính hoặc ác tính. Polyp có nhiều kích thước khác nhau, polyp càng lớn thì nguy cơ ung thư hoặc tiền ung thư càng cao.

Tìm hiểu chung

Bệnh Polyp đại trực tràng

Bệnh polyp đại trực tràng là bệnh gì?
Polyp đại trực tràng là một khối u ở thành ruột hoặc trực tràng. Khối u này có thể lành tính hoặc ác tính. Polyp có nhiều kích thước khác nhau, polyp càng lớn thì nguy cơ ung thư hoặc tiền ung thư càng cao.
Polyp có thể có hoặc không có cuống. Những polyp không có cuống có khả năng gây ung thư nhiều hơn những polyp có cuống. Polyp tuyến chủ yếu là tế bào tuyến lót bên trong ruột già, có nhiều khả năng sẽ phát triển thành ung thư (nghĩa là đang ở trạng thái tiền ung thư). Polyp tuyến răng cưa là một dạng tiến triển đặc biệt của polyp tuyến.;

Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh polyp đại trực tràng là gì?

Hầu hết polyp không gây triệu chứng. Dấu hiệu thường thấy nhất ở bệnh nhân mắc phải bệnh này là chảy máu từ trực tràng hoặc có máu lẫn trong phân.
Polyp lớn có thể gây đau quặn bụng hoặc gây tắc ruột. Polyp lớn nếu có những chồi nhỏ xíu, dạng ngón tay (nhung mao) có thể tiết muối và nước, gây tiêu chảy phân nước ồ ạt dẫn đến hạ kali máu. Trường hợp hiếm gặp hơn là polyp trực tràng dài có thể sa xuống và thòng qua lỗ hậu môn.
Trong bệnh đa polyp gia đình, có ít nhất 100 polyp tiền ung thư tăng sinh trong toàn bộ ruột già và trực tràng ở giai đoạn thơ ấu hay tuổi vị thành niên. Đối với hầu hết những người không được chữa trị, polyp phát triển thành ung thư ruột già hay trực tràng (ung thư đại trực tràng) trước tuổi 40. Những người mắc bệnh đa polyp gia đình có thể có những biến chứng khác (trước đây gọi là hội chứng Gardner), đặc biệt là với các loại u không phải ung thư. Những khối u này phát triển ở những nơi khác trong cơ thể (ví dụ như trên da, xương sọ hoặc xương hàm). Đối với hội chứng Peutz-Jeghers, người bệnh có nhiều polyp nhỏ ở dạ dày, ruột non, ruột già và trực tràng. Họ cũng có nhiều đốm đen hơi xanh trên mặt, bên trong miệng và trên bàn tay hoặc bàn chân. Các đốm này có xu hướng mờ đi khi đến tuổi dậy thì, ngoại trừ những đốm nằm trong miệng. Người mắc phải hội chứng Peutz-Jeghers có nguy cơ cao mắc phải ung thư đa cơ quan, đặc biệt là tụy, ruột non, đại tràng, vú, phổi, buồng trứng và tử cung.
Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Polyp đại trực tràng thường vô hại và không có triệu chứng gì rõ rệt. Tuy nhiên, nếu bạn thấy có máu trong phân, đột ngột bị tiêu chảy hoặc táo bón và kéo dài trong nhiều ngày bạn nên đi khám hoặc nhập viện càng sớm càng tốt vì có khả năng polyp đã chuyển sang ung thư.;

Nguyên nhân

Nguyên nhân nào gây ra bệnh polyp đại trực tràng?
Đột biến ở một số gen có thể làm cho tế bào tiếp tục phân chia kể cả khi cơ thể không cần thêm tế bào mới. Ở đại trực tràng, sự phát triển bất thường này sẽ tạo nên polyp.

Nguy cơ mắc phải Bệnh Polyp đại trực tràng

Những ai thường mắc phải bệnh polyp đại trực tràng?

Bệnh nhân polyp đại trực tràng phần lớn là trung niên trên 50 tuổi và bị béo phì trong thời gian dài. Bạn có thể hạn chế khả năng mắc bệnh bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thêm thông tin.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh polyp đại trực tràng?

Các yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc polyp đại trực tràng là:
  • Béo phì và ít vận động;
  • Hút thuốc lá và nghiện rượu;
  • Từng bị viêm ruột: như viêm loét đại tràng và bệnh Crohn;
  • Bị bệnh di truyền như bệnh đa polip gia đình và hội chứng Peutz-Jeghers;
  • Bị tiểu đường tuýp 2 và kiểm soát bệnh không tốt.;

Điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh polyp đại trực tràng?

Bác sĩ có thể chẩn đoán polyp đại trực tràng bằng cách kiểm tra trực tràng. Thông thường, các polyp được phát hiện trong quá trình nội soi đại tràng sigma (phần dưới của ruột già).
Nếu nội soi đại tràng sigma phát hiện được polyp, bác sĩ sẽ thực hiện nội soi đại tràng để kiểm tra toàn bộ ruột già. Đây là cách kiểm tra hoàn chỉnh và đáng tin cậy vì người bệnh thường có nhiều hơn một polyp và bất kì polyp nào cũng có thể là ung thư.
Nội soi đại tràng cũng cho phép bác sĩ thực hiện sinh thiết tìm tế bào ung thư (lấy một mẫu mô để quan sát dưới kinh hiển vi) nếu nghi ngờ người bệnh bị ung thư đại trực tràng.

Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh polyp đại trực tràng?

Bác sĩ thường khuyến cáo cắt bỏ tất cả polyp từ ruột già và trực tràng vì những khối u này có thể dẫn đến ung thư. Polyp được cắt bỏ trong quá trình nội soi đại tràng bằng cách sử dụng dao cắt hoặc dao đốt điện. Bác sĩ sẽ phẫu thuật bụng nếu như polyp không có cuống hoặc không thể cắt bỏ khi nội soi.
Nếu polyp phát triển thành ung thư, việc điều trị phụ thuộc khả năng lan rộng của ung thư. Nguy cơ lan rộng được xác định bằng quan sát polyp dưới kính hiển vi. Nếu nguy cơ bị ung thư thấp thì không cần điều trị thêm. Nếu nếu ung thư đã xâm lấn vào cuống polyp, các đoạn của ruột già bị ảnh hưởng thì cần phải phẫu thuật cắt bỏ chúng
Một phương pháp phẫu thuật thay thế khác đó là phần ruột già được cắt bỏ và trực tràng được ghép với ruột non. Phương pháp này cũng khá phổ biến do có thể cắt bỏ được bớt polyp trực tràng.
Khi trực tràng được cắt bỏ, bạn cần được phẫu thuật tạo lỗ mở ruột non ra ngoài thành bụng, hay còn gọi là mở thông hồi tràng hay tạo hậu môn nhân tạo. Chất thải cơ thể được đưa ra thông qua lỗ mở thông hồi tràng vào túi dùng một lần.
Một số loại thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) đang được nghiên cứu về khả năng tiêu diệt khối u do đa polyp gia đình. Tuy nhiên, tác động của thuốc chỉ là tạm thời. Polyp sẽ bắt đầu phát triển trở lại nếu bạn ngưng dùng thuốc.;

Chế độ sinh hoạt

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh polyp đại trực tràng?
Diễn tiến của bệnh polyp đại trực tràng có thể kiểm soát nếu bạn lưu ý vài điều sau:
  • Ăn nhiều chất xơ như rau, trái cây và ngũ cốc nguyên hạt;
  • Giảm ăn chất béo;
  • Cai rượu và thuốc lá;
  • Vận động thường xuyên và duy trì cân nặng phù hợp.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

(nguồn Hello Bác sĩ)

- 28-05-2018 -

Bài viết liên quan

  • 28-05-2018
    Ung thư biểu mô tế bào đáy (BCC) là một dạng phổ biến của ung thư da. Ung thư biểu mô tế bào đáy phát triển rất chậm và thường phát triển ở phần đầu và cổ (nơi tiếp xúc ánh sáng mặt trời nhiều nhất). Bệnh này hầu như không bao giờ lan ra bộ phận khác
  • 17-10-2018

    Hội chứng ống cổ chân là một bệnh hiếm gặp, ảnh hưởng đến dây thần kinh giữa của ống cổ chân. Dây thần kinh này đóng vai trò tiếp thu cảm giác và kiểm soát vận động ở cổ chân và bàn chân. Bệnh gây ra cơn đau rát dọc bên trong mắt cá chân và xuống

  • 13-04-2024

    Viêm gan B là một trong những bệnh mãn tính nguy hiểm. Theo thống kê của WHO, hiện nay trên toàn thế giới có hơn 300 triệu người mắc Viêm gan B và con số này không ngừng tăng lên theo từng năm. Trong bài viết này, Wellcare sẽ cung cấp những thông tin y khoa mới nhất về căn bệnh này.

  • 28-05-2018
    Thiếu máu do thiếu sắt, hay còn gọi là thiếu máu thiếu sắt, là một dạng phổ biến của bệnh thiếu máu. Bệnh xảy ra khi cơ thể không có đủ chất sắt lượng cung cấp hồng cầu cần thiết cho cơ thể. Hồng cầu là các tế bào trong máu giúp mang oxy đến các mô của
  • 04-10-2018

    Viêm họng do liên cầu khuẩn là tình trạng cổ họng đau rát do vi khuẩn Streptococcus gây ra. Các triệu chứng thường nghiêm trọng hơn so với nhiễm trùng cổ họng do virus. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh sẽ gây ra các biến chứng như viêm thận hoặc sốt thấp khớp.

  • 17-10-2018

    Chửa trứng là tình trạng bệnh lý của rau thai. Bình thường, rau thai có nhiệm vụ nuôi dưỡng bào thai trong thời kỳ thai nghén. Trong trường hợp chửa trứng, rau thai phát triển bất thường thành những túi nhỏ giống như chùm nho chứa đầy nước lấn át sự