Sốt thấp khớp

Thấp khớp cấp hay còn gọi là thấp tim hoặc sốt thấp khớp (rheumatic fever) được coi là một trong những bệnh của hệ miễn dịch mô liên kết hay thuộc hệ thống tạo keo. Thấp tim là một bệnh viêm dị ứng xảy ra sau nhiễm liên cầu khuẩn tan huyết β nhóm A (Strep

Tìm hiểu chung

Thấp khớp cấp hay còn gọi là thấp tim hoặc sốt thấp khớp (rheumatic fever) được coi là một trong những bệnh của hệ miễn dịch mô liên kết hay thuộc hệ thống tạo keo.
Thấp tim là một bệnh viêm dị ứng xảy ra sau nhiễm liên cầu khuẩn tan huyết β nhóm A (Streptococcus A) gây tổn thương tại tổ chức liên kết trong cơ thể theo cơ chế miễn dịch dị ứng mà chủ yếu là tim, khớp, thần kinh trung ương và tổ chức dưới da và chỉ để lại di chứng ở tim. Thấp tim gây tổn thương nặng nề tới cơ tim và van tim, do đó việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời là rất quan trọng.
Liên cầu khuẩn nhóm A có thể khu trú ở đường hô hấp trên hoặc trên da, nhiễm liên cầu ngoài da hay gây viêm cầu thận mà thường ít khi gây thấp tim. Thấp tim chiếm 2-3% trong nhiễm liên cầu nhóm A mà không được điều trị triệt để sẽ tiến triển thành thấp tim và có khoảng 50% số bệnh nhân đã bị thấp tim sẽ lại tái phát. Hiện nay thấp tim đã hầu như không còn ở miền Bắc Châu Âu, nhưng vẫn còn rải rác xung quanh Địa Trung Hải và là nguyên nhân hàng đầu của bệnh van tim ở người trẻ tuổi.
Đến nay đã có những bằng chứng rõ rệt về sự liên quan giữa liên cầu khuẩn tan máu β nhóm A gây ra bệnh cảnh thấp tim là thường có những đợt viêm nhiễm đường hô hấp trên, trước đó khoảng 3-4 tuần. Nhưng cũng có nhiều trường hợp khi đã biểu hiện rõ của bệnh thấp tim mà không thấy rõ triệu chứng nhiễm liên cầu khuẩn trước đó. Triệu chứng của bệnh không do vi khuẩn gây ra mà do đáp ứng miễn dịch quá mức của cơ thể đối với kháng nguyên gây bệnh.
Cho tới nay, bệnh vẫn khá thường gặp ở các nước đang phát triển (trong đó có Việt Nam) và là nguyên nhân hàng đầu của bệnh van tim ở người trẻ tuổi. Bệnh thường gặp ở lứa tuổi từ 6-15 tuổi, nhưng không ít trường hợp xảy ra ở lứa tuổi 20 hoặc hơn nữa.

Triệu chứng, biểu hiện

Triệu chứng, biểu hiện bệnh sốt thấp khớp

Các biểu hiện chính:
1. Viêm tim:
Viêm tim là một biểu hiện bệnh lý nặng của thấp khớp cấp và khá đặc hiệu. Có khoảng 41-83% số bệnh nhân thấp khớp cấp có biểu hiện viêm tim. Các biểu hiện của viêm tim có thể là viêm màng trong tim, viêm màng ngoài tim, viêm cơ tim.
Viêm tim có thể biểu hiện từ thể không có triệu chứng gì đến các dấu hiệu suy tim cấp nặng hoặc tử vong.
Các triệu chứng lâm sàng có thể gặp là: tăng nhịp tim, tiếng thổi tâm thu, tiếng thổi tâm trương, tiếng rung tâm trương, rối loạn nhịp, tiếng cọ màng tim, suy tim…
Suy tim thường ít gặp ở giai đoạn cấp, nhưng nếu gặp thì thường là biểu hiện nặng do viêm cơ tim.
Một trong những biểu hiện phải chú ý và là biến chứng nặng của thấp khớp cấp là viêm van tim. Hở van hai lá là một trong những biểu hiện thường gặp nhất, trong khi hở van động mạch chủ ít gặp hơn và thường kèm theo hở van hai lá.
Viêm màng ngoài tim có thể gây đau ngực, tiếng cọ màng tim, tiếng tim mờ…
2. Viêm khớp:
Viêm khớp là một biểu hiện hay gặp nhất trong thấp khớp cấp (80%) nhưng lại ít đặc hiệu.
Biểu hiện của viêm khớp là sưng, nóng, đỏ, đau khớp, xuất hiện ở các khớp lớn (gối, cổ chân, cổ tay, khuỷu, vai...) và có tính chất di chuyển
Viêm khớp đáp ứng rất tốt với Salycilate hoặc Corticoid trong vòng 48 giờ. Nếu trong trường hợp đã cho Salycilate đầy đủ mà trong vòng 48 giờ viêm khớp không thuyên giảm thì phải nghĩ tới nguyên nhân khác ngoài thấp khớp cấp.
Viêm khớp do thấp khớp cấp thường không bao giờ để lại di chứng ở khớp.
3. Múa giật Sydenham:
Đây là biểu hiện của tổn thương ngoại tháp và khá đặc hiệu cho thấp khớp cấp.
Các biểu hiện là những động tác vận động không mục đích và không tự chủ ở các cơ mặt, chi; giảm trương lực cơ.
Các biểu hiện ban đầu có thể là khó viết, khó nói hoặc đi lại.
Các biểu hiện này thường rõ khi bệnh nhân bị xúc động hoặc thức tỉnh và mất đi khi bệnh nhân ngủ.
Múa giật Sydenham là một trong những biểu hiện muộn của thấp khớp cấp, nó thường xuất hiện sau khoảng 3 tháng sau khi viêm đường hô hấp trên. Múa giật Sydenham thường biểu hiện đơn độc trong thấp khớp cấp và gặp ở khoảng 30%. Triệu chứng này thường mất đi sau 2-3 tháng.
Cần phải chẩn đoán phân biệt với một số bệnh lý khác như động kinh, rối loạn hành vi tác phong...
4. Nốt dưới da:
Đó là những nốt có đường kính khoảng 0,5-2 cm, cứng, không đau, di động và thường xuất hiện ngay trên các khớp lớn hoặc quanh các khớp. Nốt dưới da có thể gặp ở khoảng 20% số bệnh nhân bị thấp khớp cấp và thờng biến mất sau khoảng vài ngày.
Da ở trên nốt này thường vẫn di động bình thường và không có biểu hiện viêm ở trên.
5. Hồng ban vòng:
Đây là một loại ban trên da, có màu hồng và khoảng nhạt màu ở giữa tạo thành ban vòng. thường không hoại tử và có xu hướng mất đi sau vài ngày.
Hồng ban vòng là một dấu hiệu khá đặc hiệu trong thấp khớp cấp và ít gặp (5%), thường chỉ gặp ở những bệnh nhân có da mịn và sáng màu. Hồng ban vòng thường xuất hiện ở thân mình, bụng, mặt trong cánh tay, đùi và không bao giờ ở mặt.
Khi có hồng ban vòng thì thường có kèm theo viêm cơ tim.
Các dấu hiệu phụ:
  • Sốt thường xảy ra trong giai đoạn cấp.
  • Đau khớp được xác định là chỉ đau khớp chứ không có viêm (sưng, nóng, đỏ).
Ngoài ra, có thể gặp các biểu hiện như đau bụng, viêm cầu thận cấp, viêm phổi cấp do thấp khớp cấp, đái máu, hoặc viêm màng não… Đây là những dấu hiệu không có trong tiêu chuẩn chẩn đoán thấp khớp cấp.

Nguyên nhân

Nguyên nhân bệnh sốt thấp khớp

Sốt thấp khớp có thể xảy ra sau một bệnh nhiễm khuẩn vùng họng với loại vi khuẩn có tên Streptococcus pyogenes, hoặc liên cầu nhóm A. Nhiễm khuẩn liên cầu nhóm A họng gây viêm họng, ít khi có ban đỏ. Nhiễm khuẩn liên cầu nhóm A của da hoặc các bộ phận khác của cơ thể ít khi gây sốt thấp khớp.
Vẫn chưa rõ mối liên quan chính xác giữa bệnh thấp khớp và sốt, nhưng có xuất hiện vi khuẩn này trong hệ miễn dịch. Các liên cầu khuẩn có chứa một protein tương tự như tại một số mô của cơ thể. Do đó, hệ miễn dịch tế bào bình thường nhắm tới vi khuẩn có thể tiêu diệt các mô của cơ thể- đặc biệt là mô của tim, khớp, da và hệ thần kinh trung ương. Hệ miễn dịch phản ứng trong tình trạng viêm.
Nếu được điều trị kịp thời và đầy đủ bằng thuốc kháng sinh để loại bỏ vi khuẩn theo chỉ định sẽ ít hoặc không có nguy cơ phát triển sốt thấp khớp. Nếu có một hoặc nhiều đợt viêm họng hoặc sốt phát ban mà không điều trị hoặc không được điều trị hoàn toàn, người đó có thể phát triển sốt thấp khớp.

Yếu tố, nguy cơ gây bệnh

Yếu tố nguy cơ gây bệnh sốt thấp khớp

Những yếu tố thuận lợi cho nhiễm liên cầu khuẩn thường gặp là điều kiện sống khó khăn (khí hậu, sinh hoạt, sức đề kháng). Vì vậy, người ta cho đây là bệnh của các nước kém phát triển.
  • Tuổi: thường gặp ở tuổi trẻ 5-15 tuổi, ít gặp ở người dưới 5 tuổi, cũng ít gặp ở người trên 25 tuổi.
  • Giới: nữ gặp tổn thương van hai lá nhiều hơn nam giới. Ngược lại, nam giới tổn thương van động mạch chủ do thấp khớp cấp lại cao hơn nữ.
Có ý kiến đề cập tới vấn đề di truyền vì có gia đình có nhiều người cùng bị thấp khớp cấp, nhưng điều này chưa được chứng minh đầy đủ. Có thể do các thành viên trong gia đình sống trong cùng một môi trường thuận lợi cho nhiễm liên cầu khuẩn.D49

Biến chứng

Biến chứng bệnh sốt thấp khớp

Viêm thấp khớp gây ra bởi cơn sốt có thể kéo dài vài tuần đến vài tháng. Trong một số trường hợp, viêm nhiễm có thể gây ra các biến chứng lâu dài.
Thấp tim thường gây tổn hại cho tim, do sự viêm nhiễm của bệnh sốt thấp khớp. Các tổn thương phổ biến nhất là các van giữa hai buồng trái của tim (van hai lá), nhưng các van khác có thể bị ảnh hưởng. Các tổn thương có thể dẫn đến một trong các tình trạng sau:
  • Hẹp van tim
  • Hở van tim
  • Tổn thương cơ tim
  • Tổn thương các van hai lá, van tim khác hoặc mô tim khác có thể gây ra bệnh tim sau này. Các bệnh có thể bao gồm:
    • Rung tâm nhĩ, nhịp đập không đều của tâm nhĩ.
    • Suy tim, một sự suy yếu của tim dẫn tới không bơm đủ máu cho cơ thể.

Điều trị

Điều trị bệnh sốt thấp khớp

Điều trị đợt cấp. Một khi đã có chẩn đoán xác định thấp khớp cấp thì các biện pháp sau là cần thiết:
  • Loại bỏ ngay sự nhiễm liên cầu: bằng thuốc thuốc kháng sinh thích hợp theo chỉ dẫn của bác sĩ.
  • Chế độ phòng bệnh cho thấp khớp cấp: Bệnh nhân cần được bác sĩ khám và chỉ định các biện pháp phòng thấp theo hai cấp độ:
    • PHÒNG THẤP CẤP I.
    • PHÒNG THẤP TIM CẤP II.

Bài thuốc dân gian chữa bệnh sốt thấp khớp

Bài thuốc dân gian chữa bệnh sốt thấp khớp
Bệnh nhân có thể tham khảo bài thuốc đông y sau nhưng phải đến khám bác sĩ để được kê đơn và hướng dẫn dùng thuốc cẩn thận.
Dùng một trong hai bài thuốc sau để sắc uống phòng bệnh:
Bài 1: Sài đất 30g, bạc hà 12g, lá hẹ 12g, lá lốt 20g, húng chanh 20g, giã nát, thêm 10ml nước chín, vắt nước cốt, pha ít đường, chia 4-5 lần uống trong ngày.
Bài 2: Bồ công anh 20g, bồ bồ 20g, hương nhu 20g, ngải cứu 20g, sen cạn 20g. Đổ nước ngập thuốc sắc còn 1/3, chia uống 3 lần trong ngày.

Chữa bệnh khi ở thời kỳ đầu, thấp khớp chưa có tổn thương tim

Bài 1: Actisô 50g, lá lốt 50g, lá bông trang 120g, kim ngân 100g, sài đất 100g. Ngày một thang sắc 2 lần, chia uống 4 lần còn bã đắp nơi sưng tấy sẽ mau khỏi.
Bài 2: Hy thiêm 20g, thổ phục linh 20g, ké đầu ngựa 12g, đan sâm 12g, ý dĩ 12g, tỳ giải 16g, kê huyết đằng 16g, cam thảo đất 12g, sắc như trên chia 4 lần uống trong ngày. Tác dụng: chữa sốt cao sợ lạnh, các khớp sưng, nóng, đỏ, đau, miệng khát môi khô, nước tiểu đỏ
Bài 3: Rau sam 200g (rửa sạch), cám 100g, nước 0,5 lít, nấu kỹ lấy nước uống chữa thấp khớp cấp ngừa biến chứng tim.
Bài 4: Tri mẫu, hoàng bá, tang chi mỗi vị 12g, thạch cao 20g, ngạnh mễ 20g, quế chi 8g, thương truật 8g, sắc uống 1-2 thang trong ngày.
Bài 5: Ma hoàng 8g, quế chi 8g, bạch truật 12g; bạch thược, tri mẫu, phòng phong, liên kiều mỗi vị 12g; kim ngân hoa 16g, cam thảo 6g. Nước đổ ngập thuốc sắc còn 1/3 uống.
Phối hợp xoa bóp các khớp bị sưng bằng rượu xoa bóp gồm: khiếm thực 20g, ngũ trảo 20g, phòng kỷ 20g, tam thất 8g, huyết giác 20g, đinh hương 10g, tô mộc 20g, một dược 20g. Đổ nước ngập thuốc sắc còn 1/3, sắc 3 nước, bỏ xác, cô còn 200ml, thêm 200ml cồn 70o, cho vào lọ kín dùng dần. Mỗi lần rót 20ml, pha thêm 5ml giấm thanh xoa bóp vào chỗ sưng đau. Đơn thuốc này còn dùng xoa bóp trị ứ máu do bị đánh, ngã, bong gân, trật, trẹo, đau nhức...

Khi thấp khớp cấp chuyển sang thấp tim có tổn thương tim, viêm cơ tim, viêm nội tâm mạc

Bài 1: Kim ngân hoa 20g, ké đầu ngựa 12g, thổ phục linh 20g, đẳng sâm 20g, bạch truật 16g, kê huyết đằng 16g, ý dĩ 12g, tỳ giải 10g. Nước 600ml, sắc còn 200ml, uống 2 lần trong ngày. Tác dụng: chữa sốt cao, các khớp xương sưng đau, đỏ, nóng, khát nước, hồi hộp, đánh trống ngực, thở gấp.
Bài 2: Đẳng sâm, hoàng kỳ, bạch truật mỗi vị đều 16g; mộc hương, viễn chí, táo nhân, phục linh mỗi vị đều 8g; kim ngân 20g, đan sâm 20g; liên kiều, đương quy, hoàng cầm, hoàng bá, mỗi vị đều 12g. Sắc uống ngày một thang.
Bài 3: Mạch môn, liên kiều, đại táo, chích thảo, a giao, đều 12g; đẳng sâm 16g, đan sâm 16g, sinh địa 20g, kim ngân 20g, quế chi 6g. A giao để riêng, sắc xong rót nước thuốc, cho a giao đun sôi để tan a giao, uống ngày một thang.

Thấp tim có hiện tượng suy tim :

Bài 1: Bạch truật, đẳng sâm, phục linh, ý dĩ đều 16g; trạch tả 8g, kim ngân 20g, xuyên khung 12g, ngưu tất 6g, mộc hương 6g, sắc uống. Tác dụng: chữa sốt, đau khớp, hồi hộp, trống ngực, môi tím, thở ngắn gấp, thở khó, gan to, chân phù, lưỡi tím xám, hoặc có điểm tím ứ huyết, đái ít, loạn nhịp tim.
Bài 2: Bạch truật 10g, thổ phục linh 20g; xuyên khung, bạch thược, thục địa, ngưu tất mỗi vị đều 12g; đẳng sâm 16g, huyền hồ sách 8g, cam thảo 4g. Sắc uống ngày một thang.
Bài 3: Đương quy, phòng phong, bạch truật, khương hoạt, độc hoạt mỗi vị đều 12g; sâm đại hành 8g, viễn chí 8g, uy linh tiên 12g, phụ tử chế 6g, hoàng bá 12g, kim ngân 16g, thục địa 16g, sinh khương 6g, quế chi 6g. Sắc 600ml nước còn 200ml, hòa bột tam thất 8g; chia 2 lần uống trong ngày.
Phối hợp tiêm penicillin G 1,2 triệu đơn vị/ngày để chống viêm cơ tim. Tác dụng chữa trẻ em và người lớn tổn thương cơ tim, ngực hồi hộp, thở dốc, hẹp van 2 lá, khạc ra máu, váng đầu, vã mồ hôi, ngồi thở, khó nằm, rối loạn kinh nguyệt. Uống sẽ làm giảm dần các triệu chứng, phục hồi sức lực và khả năng hoạt động.
Bài 4: Nhân sâm 20g tán bột, ngâm trong 100ml cồn 70o, trong 15 ngày. Mỗi lần dùng 20 giọt pha với ít nước chín, uống 2 lần trong ngày. Uống 1 tháng là 1 đợt, nghỉ 1 tuần lại uống tiếp đợt 2.
Tác dụng: chữa đau thắt tim, rối loạn thần kinh tim, xơ vữa động mạch, hở van tim, làm dễ chịu, bớt khò khè, giảm dần các triệu chứng...
Ngoài ra phối hợp day bấm các huyệt sau tùy triệu chứng:
  • Hạ sốt: Trung cực, thạch môn, toàn cơ, túc tam lý, lậu cốc, lệ doài.
  • Đau nhức xương khớp: Dương phụ, huyền chung, dương lăng tuyền, huyết hải, âm lăng tuyền, tam âm giao.
  • Chữa bệnh tim, suy tim: Dương khê, hợp cốc, khúc trì, quyết âm du, tâm du, thận du.

(nguồn Sức khỏe đời sống và Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe Trung ương)

- 28-05-2018 -

Bài viết liên quan

  • 28-05-2018
    Thoát vị đùi là túi phình gồm ruột hoặc mô mỡ bị đẩy qua vùng cơ yếu ở đùi. Bệnh xảy ra ở gần đùi, thường là bên phải. Thoát vị đùi đôi khi gây ra một chỗ sưng u lên ở phần trên bên trong đùi hoặc bẹn. Các chỗ sưng u này thường có thể biến mất khi bạn
  • 28-05-2018
    Viêm tủy xương là bệnh nhiễm khuẩn xương, tủy xương và mô mềm xung quanh xương. Vi khuẩn xâm nhập vào xương từ máu trong cơ thể sau khi xương bị gãy, nhọt, vết cắt trên da, nhiễm trùng tai giữa, viêm phổi hoặc các bệnh nhiễm trùng khác. Viêm tủy xương
  • 28-05-2018
    Căng cơ thắt lưng là bệnh phổ biến nhất trong những chấn thương ở thắt lưng, trong đó cơ hoặc gân ở thắt lưng bị kéo căng hoặc rách. Một loạt các cơ bắp và dây chằng ở lưng giữ xương cột sống. Khi các cơ căng ra quá mức dẫn đến các cơ bắp suy yếu dần,
  • 04-10-2018

    Ung thư phổi không lây nhiễm qua đường hô hấp. Virus gây ung thư chỉ cư trú và phát triển trong cơ thể bệnh nhân và hình thành những khối u có thể di căn gây tổn hại hệ hô hấp, phá vỡ hệ miễn dịch.

  • 28-08-2018

    Các gai lưỡi (hay nhú lưỡi) là những chỗ hình nấm, lồi lên ở đầu và hai bên lưỡi. Chúng có màu giống với phần còn lại của lưỡi và trong những trường hợp bình thường, chúng thường không được để ý đến.

  • 28-05-2018
    Trước đây bệnh quai bị khá phổ biến ở Hoa Kỳ. Nhưng sau khi vacxin quai bị được đưa vào chủng ngừa thường quy, số trường hợp bệnh quai bị đã giảm đi đáng kể. Tại Việt Nam, hiện nay vacxin quai bị chưa được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng quốc