Nứt kẽ hậu môn

Nứt hậu môn là bệnh được đặc trưng bởi một vết loét nông giống như một vết rách nằm ở ống và rìa ống hậu môn. Bệnh được Edouard Quesnu mô tả từ năm 1895. 

Nứt kẽ hậu môn là gì ?

Nứt hậu môn là bệnh được đặc trưng bởi một vết loét nông giống như một vết rách nằm ở ống và rìa ống hậu môn. Bệnh được Edouard Quesnu mô tả từ năm 1895. Nhưng cho tới nay, bệnh sinh chưa được hiểu biết một cách tường tận và hiện nay còn có những giả thuyết được nêu ra.
Bệnh gặp khá nhiều, đứng hàng thứ 3 sau bệnh trĩ và các bệnh nhiễm trùng vùng hậu môn-trực tràng.
Bệnh không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng làm cho bệnh nhân rất đau đớn khi đi đại tiện.

Triệu chứng nứt kẽ hậu môn

Triệu chứng nứt kẽ hậu môn

Ở những người nứt kẽ hậu môn, cơ thắt luôn tăng co thắt, đo áp lực hậu môn luôn luôn cao làm hạn chế tuần hoàn dinh dưỡng tại chỗ càng tạo cho nứt kẽ khó liền trở thành mạn tính. Nếu không được điều trị, ổ loét dễ thành áp-xe hoặc bị rò hậu môn.

Triệu chứng gồm:

  • Đau hậu môn khi đại tiện.
  • Đại tiện khó, táo bón: Phân khô - rắn, người bệnh cố rặn gây tổn thương thêm vết nứt kẽ, dẫn tới đau dữ dội làm cho người bệnh sợ đi ngoài.
  • Chảy máu tươi: Máu đỏ tươi bám theo phân hoặc nhỏ giọt, số lượng có thể nhiều, có thể ít tùy theo vết nứt kẽ sâu hay nông.
  • Mẩn ướt: Vết nứt kẽ có phản ứng viêm xuất tiết, kích thích vùng da xung quanh, xuất hiện vạt da tăng sinh, mẩn ướt, ngứa khó chịu.

Nguyên nhân gây nứt kẽ hậu môn

Nguyên nhân gây nứt kẽ hậu môn

Táo bón

Táo bón cũng có thể là nguyên nhân gây nứt kẽ hậu môn. Các tài liệu liên quan cho thấy nguyên nhân nứt kẽ hậu môn do táo bón gây ra chiếm 14-24% là do tâm lý người bệnh sợ đại tiện, lâu dần gây táo bón và hình thành nứt kẽ. Ngoài ra, sau khi sinh con cũng có thể bị nứt kẽ, chiếm khoảng 3-9%.

Vết thương ngoài

Phân khô rắn hoặc có dị vật dễ gây nên những tổn thương cho lớp da ống hậu môn, đó cũng là nguyên nhân chủ yếu gây nứt kẽ hậu môn.

Nhiễm khuẩn

Chủ yếu là nhiễm khuẩn bộ phận phía sau hậu môn, chứng viêm lan sang phía dưới da ống hậu môn, làm cho áp-xe dưới da vỡ ra và dẫn đến nứt kẽ.

Co thắt cơ vòng

Do tổn thương ống hậu môn hoặc kích thích của chứng viêm làm cho cơ vòng hậu môn ở trong trạng thái co thắt khiến ống hậu môn căng ra dễ gây tổn thương và nứt kẽ.

Biến chứng nứt kẽ hậu môn

Biến chứng nứt kẽ hậu môn cấp tính

Nứt kẽ hậu môn gây đau và chảy máu, hơn 90% trường hợp nứt hậu môn tự lành và bệnh nhân có thể dùng kem thoa tại chỗ hoặc thuốc nhét hậu môn để giảm đau. Nứt hậu môn một khi không lành có thể trở thành mãn tính.
Khi một vết nứt không tự lành, trở thành mãn tính, vết nứt sẽ xâm nhập đến cơ vòng hậu môn trong, cơ vòng này có tác dụng giữ cho hậu môn đóng kín, trừ lúc đang đi tiêu. Vết rách ở cơ vòng này sẽ khiến cơ co thắt, làm cho vết rách rộng hơn và khó lành. Vết nứt không lành gây khó chịu, cần phải làm tiểu phẫu để giảm đau và sửa chữa lại hoặc cắt bỏ vết nứt.

Biến chứng nứt kẽ hậu môn
Ảnh minh họa

Biến chứng của nứt hậu môn mạn tính

Nứt hậu môn cấp tính thường sẽ lành sau đợt điều trị nội khoa, nhưng đôi khi tổn thương không lành hẳn. Nếu nứt hậu môn cấp tính không lành sau điều trị nội khoa sẽ xuất hiện tổn thương thứ phát. Đầu tiên là sự viêm nề của phần đầu dưới của vết nứt hình thành một tổn thương viêm nề được gọi là khối da thừa. Khối viêm nề đầu dưới của vết nứt hình thành do nhiễm trùng làm phù nề bạch mạch gây triệu chứng đau và viêm nề khối này.
Sau đó, khối viêm nề này sẽ xơ hóa và hình thành mảnh da thừa xơ hóa. Sau nhiều tháng, vết nứt không lành sẽ tạo ra vết loét sâu đến lớp cơ thắt trong, xơ hóa, dẫn đến hậu quả kích thích co thắt của cơ thắt trong và xơ hóa phần cơ bị kích thích này. Dù ở thời kỳ nào cũng có thể gây ra tình trạng tạo mủ ở vết loét, dẫn đến áp xe giữa hai cơ thắt hay áp xe quanh hậu môn và gây ra rò hậu môn thấp với lỗ rò ngoài được mở ra ở đường giữa sau của hậu môn.

Điều trị nứt kẽ hậu môn

Điều trị nội khoa

  • Điều chỉnh lưu thông ruột để không có những cơn đau quặn bụng, mót rặn.
  • Dùng các thuốc có tác dụng làm mềm phân.
  • Chống táo bón bằng thuốc và bằng chế độ ăn uống: ăn nhiều rau, nhiều trái cây, chuối và đu đủ rất có hiệu quả, uống thêm nhiều nước.
  • Giảm đau bằng thuốc và ngâm hậu môn bằng nước ấm.
  • Dùng các thuốc mỡ giảm đau, chống phù nề.
  • Thuốc bôi có gốc nitrit có tác dụng với hiện tượng co thắt.
  • Thuốc giãn cơ.
  • Thuốc giúp lành sẹo.

Tiêm thuốc vào dưới thương tổn

Gây tê tại chỗ bằng tiêm Lidocaine ở phía sau thương tổn nứt kẽ, vào hệ thống cơ thắt rồi sau đó chích vài giọt chlohydrat quinine-urea 5% vào đáy thương tổn. Tiêm thuốc được coi như cắt cơ thắt bằng hóa chất. Tai biến của chích là áp xe dưới thương tổn hoặc nhiễm trùng hay hoại tử vô trùng. Có thể dùng hydrocortisone.

Điều trị nứt kẽ hậu môn
Ảnh minh họa

Nong hậu môn

Thủ thuật nong hậu môn được thực hiện lần đầu bởi Recamier, năm 1838.
Mục đích của thủ thuật nong hậu môn là làm dãn cơ thắt hậu môn vì trong nứt hậu môn bao giờ cũng có tình trạng co thắt liên tục của cơ thắt hậu môn. Nong hậu môn được thực hiện bằng tay hay bằng dụng cụ.
Vùng hậu môn rất nhạy cảm nên trước khi tiến hành thủ thuật nong, bệnh nhân cần được chuẩn bị chu đáo. Cho thuốc tiền mê. Vô cảm bằng mê tĩnh mạch hay mê nội khí quản, thường dùng là gây tê ống cùng.

Mở cơ thắt bằng hóa chất

Các loại hóa chất được dùng là:

  • Glucagon: Neostigmine, Cisagmine, Phentilamine.
  • Alpha 1 Adrenergic: Indoramine, Alfuzosine.
  • Ức chế canxi: Nifedipine, Diltiazem, Nicardipine.
  • Dẫn xuất của Nitro.
  • Độc tố thần kinh Botulinum

Phẫu thuật

Có ba loại phẫu thuật:

  • Cắt bỏ thương tổn
  • Cắt cơ thắt trong
  • Cắt cơ thắt trong và tạo hình hậu môn

Theo Sức khỏe & Đời sống

- 07-01-2019 -

Bài viết liên quan

  • 28-05-2018
    Nang hoạt dịch vùng khoeo chân hay u nang baker là sự tích tụ của dịch khớp (hoạt dịch), từ đó hình thành khối u lành tính phía sau đầu gối. Khối u này làm đầu gối người bệnh phình lên và đau thắt.nNhững ai thường mắc phải nang hoạt dịch vùng khoeo chân
  • 28-05-2018
    Là bệnh lây do các xoắn khuẩn Borellia được truyền bởi chấy rận hay bọ tùy theo vùng, có các cơn sốt lặp đi lặp lại xen kẽ với các đợt thuyên giảm có vẻ như đã khỏi bệnh.
  • 18-09-2018

    Nhiễm trùng vết mổ, trước đây gọi là nhiễm trùng vết thương phẫu thuật, chiếm khoảng 17% các ca nhiễm trùng của các bệnh nhân nhập viện. Nhiễm trùng vết mổ được chia làm nhiễm trùng nông một phần, nhiễm trùng sâu một phần và nhiễm trùng sâu vào nội tạng.

  • 27-08-2018

    Rộp da, hay phồng rộp, là những vết phồng trên da chứa chất lỏng có kích cỡ rất đa dạng, từ bé như đầu kim cho đến các vết có đường kính hơn 1,3 cm. Các vết rộp thường hình thành ở gót chân, lòng bàn chân, tuy nhiên chúng cũng có thể hình thành ở tay

  • 28-05-2018
    Nữ giới ở độ tuổi hơn 60 dễ mắc bệnh, và tiên lượng không tốt, tỉ lệ sống 5 năm đạt 3%. So với ung thư phổi, ung thư dạ dày, thì tỉ lệ phát cúa bệnh ung thư túi mật có xu hướng tăng cao. Ung thư túi mật là một bệnh lý tương đối hiếm gặp và có tiên lượng
  • 28-05-2018
    Suy thận cấp tính, hay còn gọi là suy thận cấp, là tình trạng thận đột ngột suy giảm chức năng loại bỏ chất thải ra khỏi cơ thể, không thể cân bằng nước và điện giải. Thông thường, thận loại bỏ chất thải ra khỏi cơ thể bằng cách tạo ra nước tiểu. Khi