Các thuốc có tác dụng phụ gây tăng cân
Khi bị bệnh, việc dùng thuốc điều trị là điều hiển nhiên. Tuy nhiên, ngoài tác dụng chính của thuốc để chữa bệnh, nhiều … Gọi bác sĩ trực tuyến 24/7
Khi bị bệnh, việc dùng thuốc điều trị là điều hiển nhiên. Tuy nhiên, ngoài tác dụng chính của thuốc để chữa bệnh, nhiều loại thuốc còn gây những tác dụng không mong muốn như tăng cân. Vậy những loại thuốc nào gây tăng cân khi sử dụng và cần lưu ý gì khi gặp phải tác dụng phụ này?
Thuốc chống viêm corticoid: Thuốc này thuộc nhóm glucocorticoid gồm nhiều biệt dược khác nhau, trong đó có một số biệt dược thường hay bị lạm dụng nhất, đó là prednisolon, solu - medrol, dexamethason... Bởi vì, chúng có tác dụng tốt trong chống viêm, giảm đau nhất là trong các bệnh về xương khớp.
Ngoài ra, corticoid còn được sử dụng trong điều trị các bệnh dị ứng, chống sốc (depersolon, solu- medrol...), bệnh tự miễn, bệnh về hô hấp, nhất là bệnh hen suyễn, bệnh suy tuyến thượng thận...
Ngoài tác dụng chữa bệnh, corticoid còn có tác dụng giữ nước, giữ muối natri làm rối loạn chuyển hóa lipit và làm đọng mỡ ở mặt, cổ và lưng, gây nên hiện tượng béo phì (trông mặt tròn trịa), gây rối loạn nội tiết (mọc nhiều lông).
Không những thế, corticoid còn gây một số tác dụng phụ nguy hiểm cho cơ thể người sử dụng (loãng xương, tăng huyết áp, làm giảm sự đề kháng của cơ thể dẫn đến dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn...). Corticoid còn có tác dụng kích thích tăng tiết dịch vị, từ đó gây cảm giác đói, thèm ăn và ăn ngon miệng nhưng có thể làm viêm, loét dạ dày - tá tràng.
Nếu dùng quá nhiều corticoid hoặc dùng kéo dài có thể gây nên hội chứng Cushing, bao gồm béo, mệt mỏi, cơ yếu, khuôn mặt đỏ và tròn, màu tím trên da bụng, da mỏng, chậm lành vết thương (nếu có), trầm cảm, hay cáu gắt, mọc nhiều lông tóc, kinh nguyệt không đều (nữ giới), liệt dương (nam giới).
Lưu ý, hội chứng Cushing cũng có thể dẫn đến tăng huyết áp, loãng xương, sỏi thận, nhiễm khuẩn thường xuyên hoặc bất thường, giảm khối lượng cơ, mệt mỏi, yếu và có thể gây bệnh tiểu đường.
Khi dùng thuốc cần chú ý tác dụng phụ gây tăng cân.
Thuốc durabolin: (đây là biệt dược của nandrolon phenylpropionat) là một dẫn chất tổng hợp tương tự hormon sinh dục nam testosteron. Tác dụng chủ yếu của durabolin là đồng hóa protein, nghĩa là giúp cơ thể hấp thu, chuyển hóa tốt protein và vận chuyển các axit amin của protein vào bên trong các mô tổ chức, làm cho cơ thể phát triển cơ bắp, tăng cân, tăng sức.
Vì vậy, thuốc này có thể bị lạm dụng trong thể dục, thể thao (gọi là sử dụng doping). Tuy nhiên, khi dùng durabolin liều cao, kéo dài có thể gây ra hiện tượng nam tính hóa. Phụ nữ nhạy cảm có thể bị khàn giọng, đây là triệu chứng đầu tiên của sự thay đổi thanh quản làm trầm giọng và đôi khi khó phục hồi lại, kèm theo nổi mụn trứng cá, mọc râu hay tình dục gia tăng.
Bé trai trước tuổi dậy thì, dương vật tăng thể tích và thường cương cứng. Bé gái, lông mu mọc nhiều lên và âm vật to hơn... hoặc làm sụn tiếp hợp ở đầu xương hóa cốt sớm và giữ nước gây tăng cân.
Thuốc cyproheptadin: là thuốc kháng histamin chữa dị ứng. Loại thuốc này không làm giữ nước, natri lại trong cơ thể gây phù như corticoid, chúng có tác dụng kích thích làm cho người dùng ăn nhiều thức ăn bổ dưỡng hơn gây tăng cân.
Tuy vậy, nếu ngưng, sự chán ăn sẽ quay trở lại. Thuốc còn có nhiều tác dụng phụ như gây buồn ngủ, trẻ em dưới 2 tuổi có thể bị co giật. Vì vậy, thuốc chống chỉ định đối với trẻ em, phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú và người cao tuổi suy dinh dưỡng, người bị tăng nhãn áp, tăng sinh tiền liệt tuyến lành tính hoặc loét dạ dày - tá tràng. Do có nhiều tác dụng phụ nguy hiểm nên nhiều nước đã không dùng các loại thuốc này trong việc tăng trọng.
Ngoài ba loại kể trên, nhiều thuốc khác cũng có tác dụng làm tăng cân, tuy nhiên sự tăng cân của các thuốc này không thật rõ ràng như thuốc chống trầm cảm (amitriptylin...) hoặc thuốc chống loạn thần (olanzapin...), thuốc trị động kinh (axit valproic, lithium...), thuốc trị đái tháo đường typ 2 (glyburid, glipizid...), thông dụng hơn là thuốc điều trị tăng huyết áp, trong đó đáng chú ý là nhóm thuốc chẹn bêta (atenolol, metoprolol...).
Vì vậy, để phòng tránh bất lợi này, người bệnh không tự động mua thuốc để điều trị hoặc để nhằm làm tăng cân sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Khi đang dùng thuốc để điều trị bệnh do bác sĩ chỉ định, nếu thấy bất thường, tăng cân, cần báo ngay cho bác sĩ khám bệnh cho mình biết để có hướng xử trí thích hợp.
BS. Bùi Bảo Linh - Theo Sức khỏe đời sống