5 loại thuốc nên thủ sẵn trong nhà ngày Tết
Ngày tết, bạn đảo lộn lịch sinh hoạt, ăn uống nhiều hơn, nên rắc rối sức khỏe nhiều hơn, trong khi phòng mạch, hiệu thuốc đóng cửa. Mà tình hình thì không đến nỗi đến bệnh viện.
Ngày tết, bạn đảo lộn lịch sinh hoạt, ăn uống nhiều hơn, nên rắc rối sức khỏe nhiều hơn, trong khi phòng mạch, hiệu thuốc đóng cửa. Mà tình hình thì không đến nỗi đến bệnh viện.
(Ảnh minh họa)
Bạn cần chuẩn bị một ít thuốc không kê toa cho những tình huống thông thường nhưng khẩn cấp. Sau đây là tư vấn của BS Phan Quốc Bảo:
Em bé thò lò mũi
"Xui" là năm nay thời tiết lạnh bất thường từ vài tuần nay, nhiều em bé (và cả người lớn) phơi sương gió một đêm xem pháo hoa hay đi chợ đêm, nếu sáng mùng 1 có triệu chứng hắt hơi liên tục và chảy mũi ròng ròng, thậm chí gây gây sốt nhẹ, dùng: các loại thuốc cảm như DECOLGEN, TIFFY, ANDOL FORT. Các loại này vừa có hạ sốt vừa giảm nghẹt và sổ mũi.
Xử lý vết thương nhẹ để đi chơi tiếp
Mấy em nhỏ xúng xính mùng 1 thăm và chúc Tết ông bà nội ngoại, có thể té ngã trầy xước nhiều chỗ. Chúng cần được dùng Oxy già rửa sạch các vết thương, sau đó bôi POVIDINE hoặc BÉTADINE để sát trùng và giúp vết thương mau lành, dùng băng cá nhân để băng lại để chúng có thể vui chơi tiếp.
Sau bữa tiệc hoành tráng
Tiệc nhà, tiệc bạn, tiệc "chiến hữu"… thường rất hoành tráng, đầu năm mà! Có ai bị đầy bụng sình hơi thì có viên sủi PEFFIZ, NORMOGASTRYL, cốm XITRINA hoặc viên than hoạt tính CARBOGAST.
Nặng hơn, có ai bị tào tháo rượt, tiêu chảy thì có BERBERAL hoặc IMODIUM. Tuy vậy, cần phân biệt với ngộ độc thực phẩm, bệnh tiêu hóa cấp (đau lâu, uống mấy thứ trên không ăn thua, nôn mửa…) thì cần đến bệnh viện (vẫn làm việc ngày tết).
Trong ba lô đi chơi xa
Sau vài ngày tiệc tùng, mùng 3 mùng 4 cả nhà làm 1 chuyến du lịch xa đầu năm nhưng có 1 vấn đề nhỏ là bà chủ nhà bị chứng say xe, hễ đi xe đường xa là thế nào cũng nôn thốc nôn tháo suốt đoạn đường. Nguy cơ cả nhà mất vui.
Có thể dùng miếng dán chống say xe KIMITE, trước khi khởi hành nửa tiếng uống thêm viên STUGERON hay NAUTAMIN là ổn.
Hoặc theo cách dân gian tiện dụng hơn: nhấm nháp vài miếng mứt gừng trong suốt chuyến đi, đồng thời cũng phải nhớ khi lên xe đừng để bụng quá no hoặc quá đói!
"Căng thẳng" trên xứ người
Nhiều người cứ đi chơi xa, nơi có thời tiết lạ, là táo bón hoặc rối loạn tiêu hóa. Tình hình "căng thẳng" này là do "cơm đường cháo chợ" thiếu rau xanh, do không để ý uống đủ lượng nước cần thiết, do "nín" đi vệ sinh nhiều lần vì ngại bẩn, ngại chỗ lạ hoặc vì lịch trình di chuyển không thuận tiện...
Lưu ý: chuyện táo bón lâu ngày, ngoài cảm giác "ê chề" đầu năm ra nó còn gây tác động xấu đến "nhan sắc": mặt mày nhăn nhó vì khó chịu, da dẻ không được tươi sáng, bụng thì tất nhiên sẽ trướng to hơn bình thường...
Hãy giải quyết những thứ bực bội này bằng cách đem theo vài gói SORBITOL hòa nước uống vài lần trong ngày. Nếu vẫn "không xuôi" trên đường vạn lý đầu năm thì còn có gói FORLAX hòa nước uống, rất hiệu quả!
BS Phan Quốc Bảo
Bệnh viện Y Dược TP.HCM