Tình dục - Hãy nói với con trẻ!
Là nhân viên y tế được phân công công tác ở các phòng tư vấn khi tiếp xúc với các trường hợp vị thành niên mang thai ngoài ý muốn chúng tôi luôn chứng kiến
Là nhân viên y tế được phân công công tác ở các phòng tư vấn khi tiếp xúc với các trường hợp vị thành niên mang thai ngoài ý muốn chúng tôi luôn chứng kiến nhiều hoàn cảnh thật đau lòng. Nhìn các cháu khóc, trả lời câu hỏi của chúng tôi một cách chân thành cả với lời sám hối ăn năn muộn màng, ba mẹ của các cháu nghẹn ngào vì thương con, giận con hay giận chính bản thân mình… người tư vấn cũng cố nén đi những giọt đắng nghèn nghẹn trong lòng để lắng nghe và cho các cháu những lời khuyên chân thành nhất. Mỗi trường hợp tư vấn cho các cháu vị thành niên trước khi thực hiện thủ thuật bỏ thai ngoài ý muốn là mỗi lần chúng tôi lại nghe những câu chuyện đau lòng.Nếu như trước kia tuổi bỏ thai của vị thành niên nhiều nhất ở lứa tuổi 18-19 thì thời gian gần đây số tuổi ấy càng nhỏ dần đi có một số cháu chỉ mới 14-15 thậm chí có nhiều cháu chỉ 12-13 tuổi. Số tuần tuổi thai thì lại càng lớn hơn trước đây, đa số không thể thực hiện việc cho phá thai nội khoa hay hút thai thông thường mà phải gấp thai hay nhập viện làm thủ thuật phá thai to. Tư vấn cho các cháu vị thành niên thường chúng tôi phải tiến hành làm hai bước là tư vấn cho các cháu và tư vấn cho gia đình các cháu.Lắng nghe từng câu chuyện kể của các cháu đôi lần lòng quặn thắt, nghẹn ngào, chua xót và không thể chỉ là lắng nghe và giải quyết hậu quả hiện tại. Qua bài viết này xin gửi gấm những thông tin cho các bậc phụ huynh có con em là các cháu gái đang chuẩn bị bước vào giai đoạn dậy thì, tuổi vị thành niên. Hầu góp phần nào giảm bớt đi những đau đớn về thể chất cũng như tinh thần mà đáng lý ra các con chúng ta có thể tránh khỏi.\
Chuẩn bị cho con bước vào giai đoạn dậy thì
Hầu hết các cháu khi đến giải quyết thai tại khoa KHHGĐ đều chưa được bà, mẹ hoặc chị gái chuẩn bị tốt trong giai đoạn này, các cháu rất mù mờ về mọi thứ đang thay đổi trong cơ thể mình về cả thể chất cũng như tinh thần.Bài giảng ở nhà trường về sự thay đổi trong giai đoạn chuyển tiếp này được dạy ở chương trình cấp 1,2 tuy nhiên theo các cháu khi học ở lớp hầu như các cháu không dám hỏi, cô giáo dạy cũng ngượng ngùng thường chỉ nói qua loa, không cặn kẻ, học sinh e ngại khi lớp học có cả nam học sinh nên dù có những điều thắc mắc các cháu cũng không dám hỏi. Cha mẹ thì bận rộn suốt ngày tháng cũng không tiện cho con hỏi những điều mà con còn chưa biết hỏi ai. Về phần phụ huynh khi được hỏi về vấn đề này hầu như họ không giải thích gì thêm cho con ngoại trừ việc nói với con hiện tượng có kinh trong giai đoạn này là bình thường, đó là kinh nguyệt mà con gái thì phải có. Chỉ có thế thôi ! Còn có những vấn đề chúng ta cần phải hướng dẫn và giải thích cho con.\
Theo chúng tôi thời kỳ này là rất quan trọng, chúng ta cần chuẩn bị cho con cần phải nói cho con biết về sự thay đổi của con về thể chất cũng như tinh thần.
\
- Về thể chất
Nói với con về những biến đổi và sự trưởng thành của cơ quan sinh dục như: Sự phát triển của vú, hiện tượng có khí hư và chu kỳ kinh nguyệt .\
Trước khi có kinh sẽ có hiện tương có khí hư, có đau bụng, có hiện tượng nổi mụn trứng cá. Kinh nguyệt là sự chảy máu hàng tháng/lần, có kinh tháng này đến lần có kinh của tháng tới cách nhau từ 28-40 ngày, máu chảy trong 3-7 ngày.
Hướng dẫn cho con cách giữ gìn vệ sinh kinh nguyệt bằng cách chuẩn bị băng vệ sinh cho con, hướng dẫn con cách thay băng để vi trùng không có điều kiện sinh sôi gây viêm nhiễm vì điều đó có thể ảnh hưởng đến chức năng sinh sản sau này của con.Nói với con về hiện tượng kinh nguyệt có liên quan nhiều đến sức khỏe của người phụ nữ và con đang bước vào giai đoạn này, con đủ trưởng thành và có khả năng thụ thai.\
- Về tinh thần
\
Nói cho con biết về con trai và con gái có thể có những cảm xúc giới tính trong thời kỳ này nhưng đó chỉ là biểu hiện của sự thay đổi về sinh lý tạm thời chưa phải tình yêu thực sự, giúp con tránh những cảm xúc mạnh mẽ rồi yêu đương quá sớm làm ảnh hưởng đến chuyện học tập. Cần có thời gian thăm hỏi chuyện sinh hoạt, học tập và bạn bè của con dù chỉ một lần trong ngày.
\
Cần rèn luyện cho con có những kỹ năng sống giúp con xây dựng được các mối quan hệ bạn bè biết cách giải quyết mâu thuẫn, biết cách cùng hợp tác với người khác trong nhóm, hình thành lòng tự trọng cũng như biết kìm chế trước sức ép từ bạn bè cùng lứa và biết nói lên tiếng nói của mình với người lớn để không tham gia vào những hành vi nguy cơ có hại cho sức khoẻ và bảo vệ cho bản thân mình và cho người khác.
*Nói với con *về sự thay đổi trên là điển hình của trẻ vị thành niên, nhưng chúng chỉ tạm thời và sẽ qua đi theo sự trưởng thành dần lên của con. Tuy nhiên, một số hành vi và sự chọn lựa của tuổi vị thành niên không đúng có thể gây hậu quả suốt đời .\
Hãy dạy cho con biết lên tiếng!
Câu chuyên của cháu bé 12 tuổi :Cháu đến khoa KHHGĐ cùng với mẹ của mình, người mẹ phát hiện ra con có thai ở tuần thứ 16 khi thấy bé thích ăn me và bụng ngày càng to ra, mẹ không nghĩ con mình có thai dù kinh nguyệt có lộn xộn vì đơn giản chị nghĩ rằng kinh nguyệt con không đều vì con chỉ mới có kinh 1 -2 chu kỳ đầu tiên.\
Con kể rằng mình bị hãm hiếp trên đường đi học về, đường đi từ nhà đến trường xa lại vắng vẻ do hoảng sợ trước lời đe dọa của kẻ xâm hại và sợ nhất là những giọt nước mắt của mẹ nên con không dám nói ra, con cũng không biết là như thế là có thai nên sự việc xảy ra con cứ tưởng mình mập ra do ăn nhiều hơn trước. Con sợ mẹ buồn mẹ khóc vì mẹ con hay khóc lắm! Câu nói của con làm cho người tư vấn thật ngậm ngùi … Phải chi con nói sớm hơn! … Nếu như con nói sớm hơn cho mẹ hoặc cho cô giáo hay một người thân nào đó, kể cả nhân viên y tế hay tổng đài tư vấn để có thể cho lời khuyên tốt nhất ở thời điểm đó chắc chắn con không phải nhập viện, con không phải bỏ học, con không phải đau đớn nhiều và cũng không phải chịu hậu quả nếu như tai biến có thể xảy ra cho con trong quá trình bỏ thai. Kẻ xâm hại con sẽ bị đưa ra ánh sáng và pháp luật sẽ trừng trị chúng một cách đích đáng. Nếu con nói ra thì kẻ đồi bại đó sẽ không có cơ hội làm tổn thương thêm một ai khác nữa.
Vâng! Qua câu chuyên thứ nhất này chúng ta hãy giúp con mạnh mẽ hơn, phải biết lên tiếng khi điều đó thật cần thiết!\
Dạy cho con Phải biết tự bảo vệ mình !
Câu chuyện của cháu 14 tuổi :Nhà cháu khá giả, mỗi người có phòng riêng và đều được trang bị máy tính nối mạng Internet, đêm nào cháu cũng ngồi chat với một người bạn trai quen trên mạng. Sau đó hẹn hò gặp nhau. Cháu không biết nhiều về anh ta, ngay cả một cái tên thật đầy đủ, tuổi và nhà cửa. Nhiều lần hẹn hò nhau ở trước cửa siêu thị Co-op mart và đi đến nhà trọ … chuyện đó đã xảy ra, khi phát hiện con có thai anh ta không liên lạc nữa số điện thoại cũng đã thay đổi. Con sợ nên có nói với mẹ, lúc này thì đã tắt kinh hơn 4 tháng...Phải biết tự bảo vệ mình!Đó là lời khuyên của chúng tôi khi tư vấn cho các cháu\
Vâng! Chỉ có con mới bảo vệ cho chính con là tốt nhất. Là phụ huynh khi đưa con đến bệnh viện thực hiện thủ thuật dù ba, mẹ có nhiều tiền của, cố nài nỉ để xin cho con thực hiện thủ thuật với hình thức nào cao nhất, đắt tiền nhất, an toàn nhất … nhưng cũng không thể mang hộ cái thai ấy dùm con, không thể chịu đựng mọi thứ thay cho con. Ba mẹ có thể cho con tất cả tiền bạc và gia sản nhưng nếu như hậu quả của việc quan hệ sớm, việc mang thai ngoài ý muốn có tai biến muộn như vô sinh, hoặc bệnh lý lây truyền qua đường tình dục và nếu như chẳng may con mang phải căn bệnh AIDS thì sao? Lúc đó tiền bạc, gia sản con thừa hưởng có còn ý nghĩa gì hay không? Hạnh phúc của con có trọn vẹn không?
Học tập và rèn luyện tri đức, chăm sóc sức khỏe đó là con đường tốt nhất để con có hạnh phúc cho con và cho mái ấm của con sau này vì vốn dĩ vai trò là phụ nữ trong gia đình thì vô cùng quan trọng. Đừng để những cơ hội như thế xảy ra nữa. Hãy biết nói không! Hãy biết dừng lại! Và điều đó chỉ có con mới làm được và chỉ có con là người bảo vệ cho chính con là tốt nhất!\
Hãy xem đó là vết thương lòng! Và biết vượt qua chính mình!******
Câu chuyện của cháu bé 15 tuổi: Tâm sự của con trẻ khi vào khoa KHHGĐ“Con cảm nhận được những điều tai hại của mình gây ra, con đã nhiều lần muốn bỏ nhà ra đi và muốn quyên sinh. Con thương ba mẹ nhiều lắm, con cũng rất thương em bé trong bụng của con, con không muốn giết đứa bé, con cũng không thể chết được vì làm điều đó ba mẹ con chết mất ba mẹ chỉ có mỗi mình con. Con ân hận về tất cả những điều con đã làm. Nếu như có điều ước thì con ước gì không có chuyện này xảy ra, con sẽ cố học tập, con sẽ không mê chơi, con cũng không cần có người yêu, ước gì con có thể … con có thể …. 'Đó là lời ăn năn sám hối của con trẻ khi nhận thức về hậu quả của việc mình làm.\
Khi tư vấn, ngoài những điều cần hướng dẫn và chỉ dạy các cháu chúng tôi cũng phải trình bày những hậu quả có thể xảy ra trong khi tiến hành làm thủ thuật bỏ thai nhất là những trường hợp các cháu quá nhỏ tuổi mà mang thai to. Tuy nhiên với mô hình Phá thai an toàn của bệnh viện và kỹ thuật cao thì các tai biến chỉ xảy ra ở một tỉ lệ thấp trừ khi việc phá thai ấy cứ lập đi lập lại quá nhiều lần .
Vì tương lai của con còn ở phía trước, việc phải bỏ đi một cái thai to đang phát triển là một quyết định đôi khi rất khó khăn vì nhiều thứ như về tình cảm, về nhận thức, về đời sống tâm linh … Việc bỏ thai của con lúc này chỉ vì hoàn cảnh bởi vì đó chỉ là một vấp ngã đầu đời hay đó là một rủi ro bị tai nạn khi một ai đó bị tai nạn họ có thể vĩnh viễn mất đi một phần thân thể của mình, họ có thể không bao giờ trở về chính con người thật của mình như trước đây thì dù không mong muốn dù biết rằng tai nạn ấy là do con lỡ lầm chủ động gây ra nhưng vết thương rồi sẽ lành chúng ta không nên khơi lại vết thương đau lòng ấy nơi con trẻ. Hãy yêu thương chúng nhiều hơn để bù đắp những gì mà con đã mất, nâng bước cho con giúp con đứng lên giúp con chữa lành vết thương, giúp con vượt lên chính bản thân mình mà tiếp tục học tập vì tương lai con còn ở phía trước.\
(Theo NHS. Huỳnh Thị Thu Hà - Khoa KHGD, BV Từ Dũ
\
Nguồn: tudu.com.vn)