TƯ VẤN HỘI CHỨNG HẬU COVID-19 Ở NGƯỜI LỚN

Hội chứng hậu Covid-19 là vấn đề mà nhiều F0 sau khi khỏi bệnh rất lo lắng. Liệu hội chứng hậu Covid-19 có đáng lo ngại hay không và cần làm gì để khắc phục các triệu chứng hậu Covid-19?

Nhiều F0 sau khi khỏi Covid-19 vẫn đang băn khoăn, lo lắng về vấn đề hội chứng hậu Covid-19. Liệu hội chứng hậu Covid-19 có đáng lo ngại hay không và cần làm gì để khắc phục các triệu chứng hậu Covid-19? Câu trả lời sẽ được tiết lộ trong buổi phỏng vấn được tổ chức bởi Wellcare với BS. Nguyễn Cảnh Nam - chuyên khoa Nội Thần Kinh về chủ đề “Hội chứng hậu Covid-19”. Hãy theo dõi bài viết dưới đây hiểu hơn về hội chứng hậu Covid-19 và cách chăm sóc sức khỏe hậu Covid-19 bạn nhé!

Hội chứng hậu Covid-19

Hỏi: Thưa bác sĩ, có phải tất cả những người nhiễm Covid-19 đều bị Hội chứng hậu Covid-19 hay không? Tỷ lệ bị hậu Covid-19 là bao nhiêu %? Hội chứng Hậu Covid có đáng lo ngại không?

Đáp: Về thuật ngữ, tình trạng bệnh của 1 người nhiễm Covid-19 sẽ được chia làm 3 giai đoạn:

+ Giai đoạn 1: giai đoạn cấp và kéo dài trong vòng 4 tuần

+ Giai đoạn 2: giai đoạn Covid-19 kéo dài. Giai đoạn này bắt đầu sau khi kết thúc giai đoạn cấp và kéo dài trong vòng 2 tháng.

+ Giai đoạn 3: giai đoạn hậu Covid-19. Sau khi khỏi Covid-19 người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng nhưng không kéo dài quá 3 tháng. Nếu sau 3 tháng vẫn còn những triệu chứng kéo dài thì ta gọi là triệu chứng hậu Covid-19.

Đa số người nhiễm Covid-19 cấp tính thì các triệu chứng sẽ khôi phục dần trong khoảng vài tuần đến 2 tháng sau khi khỏi bệnh. Tuy nhiên, nếu triệu chứng kéo dài sau 3 tháng thì được gọi là hội chứng hậu Covid-19.

hội chứng hậu covid-19 ở người lớn
Người nhiễm COVID-19 thể nặng trở lên có nguy cơ bị hội chứng hậu COVID-19 cao hơn

Hội chứng hậu Covid-19 thường gặp ở những người nhiễm Covid-19 thể nặng trở lên và những người đòi hỏi phải nằm viện. Theo thống kê ở Mỹ, hơn 70% bệnh nhân Covid-19 nhập viện điều trị ở phòng hồi sức tích cực thì sau 3 tháng họ vẫn còn các triệu chứng. Trường hợp nhiễm Covid-19 thể nhẹ hoặc trung bình thường rất ít các triệu chứng hậu Covid-19. Và nếu như những người này có bị hội chứng hậu Covid-19 thì cũng sẽ bị nhẹ và thường thoái lui trong vòng dưới 3 tháng.Tóm lại, độ nặng của những bất thường hậu Covid-19 tương đương với những triệu chứng xảy ra trong giai đoạn nhiễm Covid-19.

Virus Covid-19 tác động đến nhiều cơ quan trong cơ thể. Nó có thể ảnh hưởng đến các cơ quan như: não, mạch máu, hệ tiêu hóa… Hiện tại có nhiều nguồn thông tin về tỷ lệ người nhiễm Covid-19 bị Hội chứng hậu Covid-19, tuy nhiên có thể tỷ lệ này không thực sự đúng với những người bị nhiễm Covid-19 thể nhẹ hoặc trung bình.

Phân biệt triệu chứng hậu COVID-19

Hỏi: Thưa bác sĩ, làm thế nào để biết F0 sau khi khỏi bệnh bị các triệu chứng hậu Covid-19 mà không phải mắc các bệnh lý khác?

Đáp: Để phân biệt các triệu chứng do hậu Covid-19 gây nên hay do các bệnh lý khác gây nên, ta cần đánh giá dựa trên tiền sử bệnh nền của người này. Ở những người bị Covid-19, sau khi khỏi bệnh họ thường cảm thấy mệt mỏi kéo dài, khó thở, nặng ngực, ho, mất mùi, chán ăn… Muốn biết đây có phải là triệu chứng hậu Covid-19 hay không thì bác sĩ phải xem xét các vấn đề như: trước đây bệnh nhân có bị các triệu chứng này hay không? Và các triệu chứng này có phải xuất hiện trong lúc nhiễm Covid-19 hay không?

Sau khi xác định được các triệu chứng này không xảy ra trước khi nhiễm Covid-19. Sau giai đoạn cấp, tức là giai đoạn Covid-19 kéo dài, nếu vẫn xuất hiện các triệu chứng này thì nên đi khám. Bác sĩ sẽ dựa theo thông tin người bệnh cung cấp và làm thêm một số xét nghiệm để đánh giá xem các triệu chứng này có phải là hội chứng hậu Covid-19 hay không?

F0 không triệu chứng có thể bị các hội chứng hậu Covid-19 không?

Hỏi: Thưa bác sĩ, liệu F0 không triệu chứng có thể bị các hội chứng hậu Covid-19 không?

Đáp: Với F0 không triệu chứng, những bệnh nhân Covid-19 thể nhẹ và trung bình, tỷ lệ nhóm người này bị Hội chứng hậu covid-19 tỷ lệ rất là thấp. Đa số các triệu chứng mà nhóm người này gặp phải như: đau nặng ngực, ho… đều hồi phục trong vài tuần đến khoảng trước 3 tháng đều chấm dứt. Vậy, với nhóm người nói trên, họ có thể bị hội chứng hậu Covid-19 nhưng các triệu chứng thường sẽ nhẹ.

Chế độ dinh dưỡng, quá trình điều trị COVID-19

Hỏi: Thưa bác sĩ, chế độ dinh dưỡng, quá trình điều trị cho F0 có ảnh hưởng hay liên quan gì với các Hội chứng hậu Covid-19?

Đáp: Theo tôi, chế độ dinh dưỡng, quá trình điều trị CÓ ảnh hưởng. Với những người bị Covid-19 mà họ vẫn duy trì vẫn ăn uống, duy trì chế độ ăn uống, cố gắng ăn uống bằng cách chia thành nhiều bữa nhỏ để cung cấp đủ dinh dưỡng thì quá trình hồi phục bệnh sẽ nhanh hơn.

hội chứng hậu COVID-19 ở người lớn
Chế độ dinh dưỡng có ảnh hưởng đến quá trình hồi phục của F0 sau khi khỏi COVID-19

Quá trình điều trị cũng có thể giúp các bác sĩ tiên lượng bệnh nhân đó có bị Hội chứng hậu Covid-19 hay không? Tôi lấy ví dụ như những trường hợp F0 bị điều trị sai ảnh hưởng đến quá trình hồi phục dẫn tới các triệu chứng kéo dài trên 3 tháng. Chẳng hạn như có trường hợp đơn thuốc điều trị Covid-19 mà bệnh nhân tự mua theo toa thuốc trên mạng hay do bác sĩ kê sai. Trong toa thuốc đó có thêm thuốc chứa Corticoid, thuốc kháng virus mà bệnh nhân này không được khuyến cáo sử dụng. Hay cũng có trường hợp dùng kháng sinh không đúng… Vậy, khi dùng thuốc không đúng thì có thể gây ảnh hưởng đến các cơ quan trong cơ thể người bệnh, làm chậm quá trình hồi phục của người bệnh, dẫn tới tình trạng xuất hiện các triệu chứng kéo dài quá 3 tháng.

Khi điều trị đúng sẽ giúp người bệnh hồi phục nhanh. Như vậy, những triệu chứng xuất hiện sau khi nhiễm Covid-19 có thể thoái lui nhanh và sẽ không kéo qua 3 tháng. Từ đó, tỷ lệ người bệnh bị hội chứng hậu Covid-19 sẽ giảm xuống.

Tóm lại dinh dưỡng đúng và điều trị thích hợp sẽ giúp làm giảm tỷ lệ người nhiễm Covid-19 bị hội chứng hậu covid-19.

Triệu chứng nóng lạnh bất thường  

Hỏi: Thưa bác sĩ, tôi hay bị nóng lạnh bất thường trong quá trình nhiễm Covid-19. Cụ thể, tôi bị đổ mồ hôi đột ngột khi đang trong phòng nhiệt độ bình thường, ngủ đắp chăn ban đêm giúp cơ thể bớt lạnh để bớt ho thì thấy quá nóng, không đắp thì ho nhiều hơn dẫn đến ngủ không đủ, thiếu ngủ. Tình trạng này có biến mất khi hết bệnh hoàn toàn không?

Đáp: Trường hợp của bạn này, tôi có thể lý giải là do rối loạn thần kinh thực vật trong giai đoạn cấp của quá trình nhiễm Covid-19. Tỷ lệ nhiễm triệu chứng này là khoảng 10%. Triệu chứng này thường kéo dài từ vài tuần cho đến dưới 3 tháng.

Theo tôi thấy thì tình trạng của bạn có khả năng hồi phục tốt. Theo những gì bạn mô tả thì tôi nhận thấy triệu chứng của bạn không phải là triệu chứng đánh giá độ nặng của bệnh. Độ nặng của bệnh được đánh giá dựa trên các triệu chứng của hô hấp và triệu chứng sốt. Triệu chứng như trên chỉ thuộc nhóm triệu chứng phụ và nếu không xuất hiện các triệu chứng đánh giá độ nặng thì bệnh nhân có khả năng hồi phục tốt.

Tóm lại, hội chứng Hậu Covid-19 ở những người nhiễm Covid-19 thể nhẹ và trung bình thì triệu chứng Hậu Covid-19 sẽ ít hơn và hoàn toàn có thể hồi phục.

Triệu chứng ho

Hỏi: Thưa bác sĩ, khi nhiễm Covid-19, tôi xuất hiện triệu chứng ho. Khi ho, tôi có cảm giác ho từ lồng ngực (khác với ho từ cổ họng như lúc bệnh cảm). Đờm màu vàng nâu nhạt, đặc và ít, kiểu như ho mà không ra đờm được nhưng vẫn có đờm vướng lại. Đôi lúc ho thì bị nhức đầu (vùng xoang trán). Tình trạng ho này kéo dài bao lâu thì sẽ hết hẳn và tôi có nên đi bệnh viện kiểm tra?

Đáp: Với triệu chứng ho có thể gây nên bởi các bệnh lý như:

  • Viêm mũi xoang, dịch mũi sẽ chảy xuống vùng họng kích thích vùng họng gây ho.
  • Trường hợp bị viêm vùng họng và vùng hô hấp trên thì có thể kích thích vùng họng gây ho.

Vậy, ho có thể do nhiều nguyên nhân gây ra. Nếu bạn có tiền sử viêm amidan mãn tính, viêm mũi họng, viêm đường hô hấp trên thì có thể đây là nguyên nhân gây ho chứ không phải triệu chứng hậu Covid-19. Thông thường, nếu do nhiễm Covid-19 vẫn có triệu chứng ho nhưng đa số là ho khan và ngứa cổ. Vậy nên, trong trường hợp này tôi không thể xác định đây có phải triệu chứng hậu Covid-19 hay không. Do đó, sau 1 tháng sau khi khỏi Covid-19 bạn nên đi khám để bác sĩ chẩn đoán triệu chứng ho này là do nguyên nhân gì gây nên.

hội chứng hậu COVID-19 ở người lớn
Khi nhiễm COVID-19 một số người xuất hiện triệu chứng ho

Trong thời gian chờ đợi, bạn có thể làm các điều trị hỗ trợ như:

  • Rửa mũi họng để loại trừ nguyên nhân ho do mũi xoang chảy xuống
  • Súc miệng bằng nước muối loãng hoặc Betadine để làm sạch vùng họng
  • Ngoài ra bạn cũng có thể dùng 1 số thuốc giảm ho như strepsils để làm giảm triệu chứng.

Trong thời gian đó, nếu thấy các triệu chứng không giảm xuống mà tăng dần thì nên đi khám để kiểm tra.

Hỏi: Thưa bác sĩ, nếu tôi chỉ bị tình trạng ho như mô tả ở trên thì có nên nhanh chóng đi khám không ?

Đáp: Trong những trường hợp nhiễm Covid-19 thể không triệu chứng và thể nhẹ, bạn có thể đi khám sau 12 tuần. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể đi khám sớm nếu:

  • Xuất hiện các triệu chứng mới, tức là các triệu chứng này không xuất hiện trước khi nhiễm Covid-19
  • Các triệu chứng này kéo dài và ngày càng nặng thêm

Khi đó, bạn có thể đi khám để tầm soát bệnh nếu thấy các triệu chứng này ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày của bạn.

Triệu chứng rối loạn giấc ngủ

Hỏi: Thưa bác sĩ, sau khi bị Covid-19 tôi thường bị rối loạn giấc ngủ (ngủ không thẳng giấc, tới 2-3h sáng là thức, tới 5h mới ngủ lại được). Bên cạnh đó khi leo cầu thang tôi hay bị hoa mắt. Tôi cần làm gì để khắc phục tình trạng này?

Đáp:

Nguyên nhân

Khi nhiễm Covid-19, người bệnh có thể bị ảnh hưởng đến giấc ngủ. Covid-19 ảnh hưởng đến giấc ngủ thông qua các cơ chế:

  • Sự căng thẳng
  • Siêu vi thông qua con đường khứu giác tác động lên não ảnh hưởng đến chu kỳ ngủ của người bệnh.
  • Do những bệnh nền khác làm người bệnh khó thở, mệt mỏi..

Những yếu tố này có thể ảnh đến giấc ngủ, khiến bệnh nhân thức dậy sớm, khó ngủ, ngủ chập chờn.

hội chứng hậu COVID-19 ở người lớn
Triệu chứng rối loạn giấc ngủ khi nhiễm COVID-19

Cách khắc phục

Bạn có thể làm các loại vệ sinh giấc ngủ. Vệ sinh giấc ngủ nghĩa là bạn có thể duy trì nhịp ngủ, tạo nhịp sinh lý giấc ngủ tốt nhất bằng cách chọn đúng giờ để đi ngủ, ngủ sớm và thức dậy đúng giờ. Khi đã lên giường ngủ thì chỉ nên thư giãn không nên suy nghĩ vẩn vơ. Đặc biệt, khi đi ngủ tuyệt đối nên tắt đèn. Việc tắt đèn giúp bạn ngủ tốt hơn. Hạn chế dùng các chất kích thích như cà phê từ buổi trưa trở đi, tránh dùng các chất có cồn khoảng 5-6 giờ trước khi đi ngủ. Bạn nên ăn nhẹ vào buổi tối để tránh quá no, cũng không nên để mình quá đói. Nếu đói bạn có thể ăn thêm 1 vài cái bánh quy hoặc uống thêm 1 ly sữa. Buổi sáng thức dậy đúng giờ, tắm nắng và tập thể dục. Một điều cuối cùng nữa, bạn tuyệt đối không nên xem đồng hồ. Đôi khi, việc xem đồng hồ có thể tạo thành stress tác động đến não khiến bạn dễ thức giấc.

Thông thường, trong giai đoạn cấp thì có nhiều người bị mất ngủ, nếu triệu chứng mất ngủ kéo dài trên 3 tháng, tức là sau giai đoạn cấp thì người bệnh có thể đi khám. Vì mất ngủ có thể ảnh hưởng đến sự hồi phục của cơ thể, làm giảm chất lượng công việc, vậy nên tình trạng này cần được can thiệp sớm để hồi phục sức lực cũng như năng suất làm việc.

Khả năng lây nhiễm của F0 đã khỏi triệu chứng nhưng test nhanh dương tính 

Hỏi: Thưa bác sĩ, nếu sau 2 tuần bị Covid-19, tôi đã khỏi triệu chứng nhưng test nhanh vẫn ra dương tính, thì tôi có còn khả năng lây nhiễm cho người khác không?

Đáp: Nếu test nhanh dương tính thì đương nhiên vẫn còn khả năng lây bệnh. Nếu test PCR chỉ số CT cao thì không lây. Nhưng thực tế thì số người nhiễm Covid-19 mà sau 2 tuần vẫn chưa khỏi rất hiếm, thường thì nhiễm Covid-19 khoảng 10 ngày đã âm tính.

Khả năng tái nhiễm COVID-19

Hỏi: Thưa bác sĩ, những trường hợp người đã nhiễm Covid-19 và khỏi bệnh thì trong vòng 2 tháng có khả năng bị nhiễm lại không?

Đáp: Trường hợp này có thể xảy ra khi một người nhiễm chủng Delta sau khi khỏi lại bị lây nhiễm bởi chủng Omicron. Khi nhiễm 1 chủng virus Covid-19 ví dụ như chủng Delta thì cơ thể sẽ tạo ra một lượng kháng thể đủ để chống lại virus. Vì lượng kháng thể được tạo ra khi nhiễm Covid-19 rất lớn, nên khi chủng Delta xâm nhập vào cơ thể 1 lần nữa, thì kháng thể sẽ ngăn chặn sự phát triển của virus, vậy nên khả năng tái nhiễm rất ít.

Tuy nhiên, có 1 số trường hợp những người có sức đề kháng kém như người lớn tuổi có bệnh nền, những người bệnh nặng không thể sinh hoạt, ăn uống tốt. Với những người có hệ miễn dịch không tốt như vậy thì việc tái nhiễm cùng 1 chủng có thể xảy ra nhưng đó chỉ là những trường hợp đặc biệt thôi. Hiện nay, đa số những người bình thường khỏe mạnh thì sự tái nhiễm có thể xảy ra nhưng chỉ với 1 chủng khác.

Nguyên nhân gây nên hội chứng hậu Covid-19

Hỏi: Thưa bác sĩ, nguyên nhân gây nên hội chứng hậu Covid-19 có phải là do những bệnh tiềm ẩn bản thân người bệnh đã có sẵn, do nhiễm Covid-19, cơ thể yếu nên những bệnh tiềm ẩn mới phát lên không?

Đáp: Tôi sẽ chia vấn đề này làm 2 trường hợp:

Trường hợp 1

Những người không có bệnh nền nhưng lại bị hội chứng hậu Covid-19. Ví dụ: có trường hợp bệnh nhân không bệnh nền nhưng lại bị Covid-19 nặng gây ảnh hưởng nhiều đến hệ hô hấp hay ảnh hưởng nhiều lên hệ tim mạch. Cụ thể như trường hợp phi công người Anh, người bệnh này trước đó rất khỏe mạnh, nhưng khi nhiễm Covid-19, người bệnh này bị bão Cytokine ảnh hưởng đến rất nhiều hệ cơ quan. Sau khi khỏi bệnh 3 tháng, bệnh nhân này vẫn còn nhiều triệu chứng. Do đó, ta có thể thấy rằng, hội chứng hậu Covid-19 có thể gặp ở những bệnh nhân thể nặng trở lên.

Trường hợp 2

Những người có bệnh nền thì có khả năng bị hội chứng hậu Covid-19. Khi bệnh nhân có bệnh nền như: tiểu đường, tăng huyết áp, bệnh phổi, bệnh tim… nhiễm Covid-19, siêu vi này sẽ tác động đến nhiều cơ quan và làm tình trạng bệnh nặng hơn. Ví dụ như bệnh nhân có bệnh nền xơ vữa mạch máu thì khi nhiễm Covid-19, siêu vi này có thể làm tổn thương mạch máu nhiều hơn, làm nặng tình trạng bệnh hơn. Hay 1 số trường hợp bị thiếu máu cơ tim, khi bị Covid-19 thì có thể xảy ra tình trạng nhồi máu cơ tim hay viêm cơ tim, viêm màng tim, trong trường hợp họ có bệnh nền về tim. Bệnh nền sẽ thúc đẩy làm cho tình trạng nhiễm Covid-19 nặng thêm. Do việc nhiễm Covid-19 nặng hơn nên nguy cơ nhóm người này vẫn còn các triệu chứng kéo dài sau 3 tháng có thể xảy ra. Điều này dẫn tới nguy cơ họ bị hội chứng hậu Covid-19 sẽ cao hơn và có thể di chứng họ gặp phải sẽ nặng nề hơn.

hội chứng hậu COVID-19 ở người lớn
COVID-19 có thể làm nặng thêm các tổn thương với người có bệnh lý nền

Vậy, nhóm người có bệnh nền sẽ có các di chứng nặng hơn so với người không có bệnh nền. Tuy nhiên, những người không bệnh nền cũng không nên chủ quan, những người không bệnh nền vẫn có thể bị Covid-19 nặng, nhất là những người không chích ngừa. Tuy nhiên, hiện nay đa số mọi người đã chích ngừa nên nguy cơ bị hội chứng hậu Covid-19 sẽ giảm.

Hỏi: Thưa bác sĩ, phụ huynh bị nhiễm Covid-19 đang điều trị ngày thứ 5 có thể chăm sóc con cũng nhiễm Covid-19 không? Test nhanh phụ huynh vẫn dương tính.

Đáp: Người nhiễm Covid-19 chăm sóc cho người nhiễm Covid-19 cũng không có vấn đề gì.

Sử dụng Molnupiravir điều trị COVID-19

Hỏi: Thưa bác sĩ, F0 có nên dùng Molnupiravir ngay khi test nhanh dương tính không?

Đáp: Hiện tại Bộ y tế đã có chỉ định dùng thuốc kháng siêu vi cho F0. Một trong các loại thuốc kháng siêu vi thông dụng hiện nay là Molnupiravir. Loại thuốc này được khuyến cáo sử dụng với những bệnh nhân F0 nào có nguy cơ nhập viện như người trên 60 tuổi, người có bệnh nền không ổn định (như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi, bệnh thận…) Tuy nhiên, với những người trẻ hơn và được chích ngừa đầy đủ thì không bắt buộc dùng. Hiện nay, ở các nước khác như Pháp thì không khuyến khích dùng Molnupiravir cho người nhiễm Covid-19. Chỉ những người có yếu tố nguy cơ cao phải nằm viện thì nên dùng để giảm nhanh tải lượng siêu vi.

Còn một nguồn thông tin nữa cho rằng dùng Molnupiravir cho những người trẻ đã được chích ngừa và đang trong độ tuổi sinh sản thì không được khuyến khích. Vì sử dụng thuốc này có nguy cơ gây quái thai. Vậy nên, việc sử dụng Molnupiravir cho người trẻ trong độ tuổi sinh con thì không bắt buộc.

Hỏi: Thưa bác sĩ, tôi đang nhiễm Covid-19 và không được điều trị Molnupiravir từ ngày đầu. Tuy nhiên, đến ngày thứ 6 tôi thấy không khỏe, vậy tôi có nên uống Molnupiravir vào ngày thứ 6 không?

Đáp: Nếu bạn thuộc nhóm người được khuyến khích dùng Molnupiravir thì nên dùng càng sớm càng tốt. Nếu đã qua đến ngày thứ năm thì theo tôi nghĩ là không nên dùng. Nếu bạn bị nặng lên thì phải vào viện, vì Molnupiravir chỉ dùng trong điều trị sớm. Khi vào viện thì trong bệnh viện và các bệnh viện dã chiến có những thuốc kháng virus tốt hơn, hiệu quả hơn như Remdesivir thì bạn sẽ được điều trị hiệu quả hơn.

hội chứng hậu COVID-19 ở người lớn
Molnupiravir chỉ nên dùng trong điều trị sớm COVID-19 ở những F0 có nguy cơ nhập

Tức ngực, khó thở, ho có phải triệu chứng hậu COVID-19

Hỏi: Thưa bác sĩ, tôi đã khỏi Covid-19 cách đây 1 tuần. Tuy nhiên, cách đây 3 ngày tôi bị tức ngực, khó thở, ho, triệu chứng chỉ xuất hiện khi nằm rồi ngồi dậy. Vậy có phải tôi bị triệu chứng hậu Covid-19 không?

Đáp: Sau giai đoạn cấp, tức là 4 tuần sau khi nhiễm Covid-19, nếu xuất hiện các triệu chứng mới. Nghĩa là những triệu chứng này xảy ra sau giai đoạn nhiễm Covid-19 thì nên đi kiểm tra. Nếu có triệu chứng về hô hấp như vậy và sau khi chụp X quang phổi kết quả bình thường mà vẫn có triệu chứng khó thở, nặng ngực thì theo kinh nghiệm cá nhân của tôi thì không thể loại trừ trường hợp này có huyết khối hay không? Khi đó tôi sẽ cần đánh giá kỹ lại và làm thêm các xét nghiệm, chụp CT để xác định xem người bệnh này có huyết khối hay không? Vì có một số trường hợp huyết khối xuất hiện muộn, tuy tỷ lệ này rất thấp, nhưng bác sĩ sẽ cần kiểm tra kỹ hơn cho những người này để xác định đúng tình trạng bệnh.

Chụp CT phổi

Hỏi: Thưa bác sĩ, khi nào thì người nhiễm Covid-19 cần nhanh chóng đi chụp CT phổi?

Đáp: Theo tôi, khi bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng mới, tức là những triệu chứng xuất hiện sau khi nhiễm Covid-19 và các triệu chứng đó gây khó chịu nhiều cho bệnh nhân thì nên đi khám để bác sĩ quyết định có nên chụp CT scan phổi không?

Cũng có 1 số trường hợp các triệu chứng mà người bệnh gặp phải do một bệnh lý khác gây nên và không cần thiết chụp CT phổi. Chẳng hạn như, khi khám có thể bác sĩ sẽ phát hiện ra bệnh nhân này bị các vấn đề khác như trào ngược dạ dày thực quản thì khi nằm xuống cũng có thể gây tức ngực chứ không phải tức ngực do phổi có vấn đề. Vậy nên, khi thấy xuất hiện các triệu chứng gây khó chịu nhiều thì nên đi khám để bác sĩ đánh giá tình trạng bệnh.

Thuốc kháng virus

Hỏi: Thưa bác sĩ, thuốc kháng virus có thể dùng được nhiều lần được không?

Đáp: Hiện tại, tôi vẫn chưa đọc được tài liệu nào đề cập đến việc dùng thuốc kháng siêu vi lần 2. Hiện nay, Molnupiravir chỉ mới được sử dụng nhiều ở Việt Nam trong giai đoạn cuối của chủng Delta và giai đoạn hiện tại, nên do đó hiện tại tôi vẫn chưa thấy các báo cáo về sử dụng thuốc kháng virus lần 2.

Thêm vào đó, khi đã nhiễm Covid-19 thì cơ thể đã có một lượng kháng thể, tựa như một lần chích vắc xin xịn nhất, nếu nhiễm Covid-19 lần 2 thì cũng như tiêm vắc xin lần 2. Nên việc dùng thuốc kháng siêu vi là không cần thiết. Thông thường, nhiễm Covid-19 lần 2 sẽ nhẹ hơn lần 1.

Tiêm vắc xin

Hỏi: Thưa bác sĩ, nếu tôi đã tiêm 3 mũi thì có cần tiêm thêm mũi 4, 5, 6 hay không? Việc tiêm nhiều mũi có ưu điểm gì không?

Đáp: Theo tôi, bạn đã tiêm 3 mũi rồi thì tiêm thêm 1 mũi nữa là cần thiết. Theo nghiên cứu thì dần dần, lượng kháng thể trung hòa sẽ giảm nên khi tiêm mũi 3 sẽ giúp tăng lượng kháng thể trung hòa, tăng trí nhớ miễn dịch của tế bào. Vì hoạt động của hệ miễn dịch liên quan đến: lượng kháng thể được tạo ra sau khi tiêm ngừa và những tế bào miễn dịch gọi đúng hơn là tế bào lympho nhớ (như Lympho B, Lympho T). Khi tiêm vắc xin sẽ tăng lượng kháng thể được tạo ra và giúp các tế bào Lympho nhớ tốt hơn từ đó tăng cường miễn dịch cho cơ thể.

hội chứng hậu COVID-19 ở người lớn
Tiêm vắc xin giúp tăng cường hệ miễn dịch

Ví dụ: Một số người nhiễm Delta vẫn nhiễm chủng Omicron, ta thấy rằng Omicron có đột biến ở protein gai và làm cho các kháng thể trung hòa không thể nhận ra được nhưng tế bào miễn dịch vẫn nhận ra được để chống lại virus. Vậy nên, với những người đã tiêm 3 mũi vắc xin và những người nhiễm Delta sau đó nhiễm Omicron, thì trí nhớ miễn dịch tức là các tế bào miễn dịch sẽ bảo vệ cơ thể không cho virus phát triển nhiều thêm.

Theo kinh nghiệm của tôi và các tài liệu y văn mà tôi đọc thì vẫn có thể tiêm mũi 4, mũi 5. Hoặc cũng có thể tương lai các nhà khoa học bào chế được 1 loại thuốc tốt hơn để thay thế vắc xin hiện nay.

Ảnh hưởng của COVID-19

Hỏi: Thưa bác sĩ, sau khi mắc Covid-19, cơ thể có thể phục hồi hoàn toàn hay không? Chức năng sinh sản có bị ảnh hưởng không?

Đáp: Khi nhiễm Covid-19 hoàn toàn có thể phục hồi. Việc hồi phục phụ thuộc vào người này nhiễm Covid-19 thể nặng hay thể trung bình hay thể nhẹ. Đa số trường hợp nhiễm Covid-19 thể nhẹ và trung bình thì hồi phục rất tốt. Đa số các triệu chứng kéo dài nhiều nhất là 3 tháng và cũng có một số triệu chứng có thể kéo dài 6 tháng sau đó đa số đều hồi phục tốt. Những trường hợp nặng và những trường hợp nằm ở phòng ICU ( phòng chăm sóc đặc biệt) thì sẽ hồi phục lâu hơn và có thể có di chứng. Trong số người nhiễm Covid-19 thì chỉ có 4% bị nặng còn lại là thể nhẹ hoặc trung bình. Với nhóm người nhiễm Covid-19 thể nhẹ và trung bình thì tiên lượng hồi phục tốt.

Còn về vấn đề ảnh hưởng đến sinh sản, theo những tài liệu y văn mà tôi đọc thì không thấy đề cập nhiều, nhưng nó vẫn có ảnh hưởng ở một yếu tố khác là stress. Sự căng thẳng khi nhiễm Covid-19 có thể ảnh hưởng đến chức năng sinh sản của nam và nữ. Theo nghiên cứu, căng thẳng có thể làm giảm tỷ lệ đậu thai, tăng nguy cơ vô sinh kéo dài. Do đó, cần quản lý các yếu tố stress để không ảnh hưởng đến sinh sản.

Triệu chứng về mắt khi nhiễm COVID-19

Hỏi: Thưa bác sĩ, tôi đang nhiễm Covid-19 và gặp tình trạng khó chịu ở mắt, phần tròng trắng ngả màu vàng nhạt, đôi lúc ngả xanh hơi tím, thị lực bình thường nhưng mắt khô nhiều. Triệu chứng khô mắt này có thể cải thiện bằng cách nào và có hết hẳn khi khỏi bệnh không?

Đáp: Triệu chứng về mắt không thường gặp ở người nhiễm Covid-19. Những triệu chứng thông thường vẫn là: mệt mỏi, đau nhức người, ho, nặng ngực. Triệu chứng về mắt rất ít gặp và tôi thấy rằng những người nhiễm Covid-19 bị viêm kết mạc đều tiên lượng tốt và hồi phục như các trường hợp viêm kết mạc thông thường.

Tóm lại, theo tôi thì trường hợp này sẽ hồi phục tốt, người bệnh không cần phải lo lắng.

Biện pháp giảm tình trạng như chóng mặt và hụt hơi?

Hỏi: Xin bác sĩ chia sẻ các biện pháp để phục hồi thể lực sau Covid-19 để giảm tình trạng như chóng mặt và hụt hơi?

Đáp: Tôi xin chia sẻ những biện pháp giúp hồi phục thể lực sau Covid-19.

Những người nhiễm Covid-19 nên tiếp tục tham gia các hoạt động thể thao và họ cần tăng dần về khối lượng, thời gian cũng như cường độ dần dần. Lúc đầu, bạn có thể tập với khối lượng, thời gian và cường độ bằng một nửa trước đây và tăng thêm 10% mỗi tuần cho đến khi đạt được mức trước khi nhiễm Covid-19.

hội chứng hậu COVID-19 ở người lớn
Để khôi phục tốt hơn sau khi khỏi COVID-19, các F0 nên tập thở

Thêm nữa, những người nhiễm Covid-19 rất nên tập thở. Về cách tập thở, ta sẽ tập cách thở 4 thì như dưỡng sinh, hay còn gọi là thở cơ hoành. Khi tập bạn sẽ tập thở bụng, người tập có thể nằm hoặc ngồi. Các bước thực hiện ngưng thở 4 thì như sau:

  • Thì 1 hít vào làm bụng phình lên
  • Thì 2 ngưng thở khoảng 1-2 giây
  • Thì 3 thở ra xẹp bụng xuống
  • Thì 4 ngưng thở 1-2 giây rồi thở lại

Đây là 1 bài tập thở rất tốt cho người bị Covid-19 để cải thiện vấn đề về hô hấp. Còn đối với những người bị Covid-19 nặng và không thể tập được bài tập này thì họ có thể tập hít khí vào bằng mũi và thở ra bằng miệng. Do đó, với những trường hợp nặng thì tập bài tập thở hít mũi - thở miệng, những trường hợp nhiễm Covid-19 thể nhẹ và trung bình thì tập bài tập thở 4 thì.

Ngoài ra, để khôi phục chức năng tim mạch thì có thể tập các bài tập để tăng nhịp tim như bài tập thể dục tăng dần cường độ mà tôi đã hướng dẫn ở trên.

Tình trạng tái nhiễm Covid-19

Hỏi: Thưa bác sĩ, nguyên nhân nào dẫn tới tình trạng tái nhiễm Covid-19? Liệu có phải những người sức khỏe yếu thì sẽ dễ bị tái nhiễm hơn không? Làm thế nào để khắc phục tình trạng này?

Đáp: Những trường hợp tái nhiễm thì đa phần tái nhiễm ở một chủng virus Covid-19 khác. Còn một trường hợp nữa là những người có hệ miễn dịch kém. Ví dụ: những người bệnh nền không ổn định như phổi tắc nghẽn mãn tính, suy tim, ung thư… chưa được kiểm soát tốt. Những người có hệ miễn dịch kém lần đầu tiên nhiễm Covid-19 họ vượt qua nhưng cơ thể không tạo đủ kháng thể, tế bào miễn dịch hoạt động không tốt có thể dẫn tới việc tái nhiễm cùng một chủng. Vậy với những người này cần tìm cách ổn định bệnh nền, củng cố về mặt tinh thần cho họ. Vì hiện nay thì cũng có 1 số trường hợp bị ảnh hưởng về tinh thần như phải nằm viện, nằm phòng săn sóc đặc biệt thì sau đó có thể tạo nên sang chấn tâm lý cho họ, làm suy giảm sức đề kháng của cơ thể. Vậy để giúp những này không bị tái nhiễm thì: cần nâng đỡ tinh thần cho họ, duy trì chế độ dinh dưỡng và điều trị hợp lý, chích ngừa vắc xin đầy đủ, thực hiện đầy đủ biện pháp 5K đó là cách phòng ngừa sự tái nhiễm cho nhóm nguy cơ cao.

Những di chứng có thể gặp ở những người từng bị nhiễm Covid-19

Hỏi: Thưa bác sĩ, xin bác hãy chia sẻ những di chứng có thể gặp ở những người từng bị nhiễm Covid-19 dù triệu chứng nhẹ ở cả người lớn và trẻ em. Di chứng nghiêm trọng nhất là gì và cách điều trị?

Đáp: Đối với những trường nhiễm Covid-19, việc nhiễm Covid-19 có thể sẽ tạo nên những triệu chứng kéo dài và tạo thành di chứng. Ví dụ như Covid-19 tác động lên tim gây viêm cơ tim dẫn đến suy tim hoặc 1 số trường hợp tác động đến mạch máu như mạch máu não gây tai biến hay mạch vành gây nhồi máu cơ tim và có một số trường hợp gây nhồi máu cơ tim cấp tạo thành di chứng nặng nề, kéo dài. Ở trẻ em thì có thể xảy ra tình trạng viêm đa hệ thống tạo thành các tổn thương kéo dài. Tuy nhiên, hiện nay đa số mọi người đều đã chích ngừa đầy đủ thì thể bệnh vẫn đa số là nhẹ hoặc trung bình.

Nguy cơ tái nhiễm nhanh sau khi khỏi COVID-19

Hỏi: Thưa bác sĩ, sau khi test nhanh âm tính thì có khả năng dương tính lại trong thời gian ngắn ( khoảng 7-10 ngày sau lần test nhanh âm tính đầu tiên) không? Nếu có trường hợp này, thì người đó có thể bị nặng lại không và dễ lây cho người khác không?

Đáp: Khi test âm tính vẫn có trường hợp âm tính giả. Chẳng hạn như test nhanh ngay trong thời điểm siêu vi chưa phát triển nhiều trong mũi, họng vậy nên kết quả test sẽ âm tính. Nhưng sau đó vài ngày khi lượng virus đủ nhiều thì khi test sẽ dương tính. Khi đã dương tính thì tỷ lệ lây lan sẽ tăng.

Có 1 khái niệm gọi là Vùng trũng trong sự phát triển của siêu vi. Vậy khi test vào những vùng trũng này siêu vi chưa phát triển nhiều thì kết quả test sẽ âm tính.

Khi nào F0 đã khỏi COVID-19 nên tiêm mũi 3?

Hỏi: Thưa bác sĩ, có những trường hợp đã tiêm 2 mũi vắc xin, sau đó lại bị nhiễm Covid-19. Vậy sau bao lâu thì người đó nên tiêm mũi 3?

Đáp: Khi đã tiêm 2 mũi và nhiễm Covid-19 thì ta có thể xem lần nhiễm Covid-19 này như mũi vắc xin thứ 3 và là mũi xịn nhất. Về thời điểm tiêm mũi 3, hiện nay vẫn chưa có sự đồng thuận về thời điểm tiêm lại. Có 1 số trường hợp tiêm mũi 3 sau khi khỏi Covid-19 quá sớm có thể sẽ làm giảm phản ứng tạo thêm miễn dịch. Thời điểm tiêm mũi 3 sau khi khỏi Covid-19 vẫn chưa xác định rõ. Thời gian trước, theo các thông tin mà tôi đã đọc thì sau 3 tháng khỏi Covid-19 người bệnh có thể tiêm mũi 3. Gần đây thì lại có thông tin là sau 1 tháng khỏi Covid-19 đã có thể tiêm mũi 3.

Theo tài liệu y văn đã đọc, tôi thấy rằng tiêm vắc xin rất tốt. Dù chưa chắc chắn được thời gian tiêm mũi 3 sau khi khỏi Covid-19, tôi thấy rằng mọi người rất nên tiêm mũi tiếp theo sau khi khỏi Covid-19. Tiêm vắc xin sẽ giúp điều hòa hệ miễn dịch làm thuyên giảm các triệu chứng kéo dài.

Test COVID-19

Hỏi: Thưa bác sĩ, khi test Covid-19 thì độ đậm nhạt ở vạch T thì có thể hiện nồng độ virus nhiều không ?

Đáp: Độ đậm nhạt của vạch T có thể phản ánh được nồng độ virus. Vạch đậm chứng tỏ tải lượng virus nhiều hơn.

hội chứng hậu COVID-19 ở người lớn
Độ đậm nhạt của vạch T phản ánh nồng độ virus trong cơ thể

Có thể bị tái nhiễm nhanh sau 1 tháng khỏi COVID-19 không?

Hỏi: Thưa bác sĩ, có người sau khi nhiễm Covid-19, 3 lần test gần nhất đều cho kết quả âm tính thì sau bao lâu người này có nguy cơ tái nhiễm? Có thông tin cho rằng sau khi khỏi Covid-19, 1 tháng sau vẫn có nguy cơ tái nhiễm. Điều này có đúng không thưa bác sĩ?

Đáp: Việc tái nhiễm liên quan đến việc có nhiễm thêm 1 biến chủng nào khác không. Còn tái nhiễm cùng một chủng chỉ xuất hiện với những người bị suy giảm miễn dịch. Những người đủ khỏe mạnh thì khả năng tái nhiễm sẽ thấp hơn và sẽ tái nhiễm với 1 chủng khác. Việc tái nhiễm không phụ thuộc vào thời gian, chỉ phụ thuộc vào chủng virus.

Nhiễm COVID-19 lần 2 nặng hơn lần 1

Hỏi: Thưa bác sĩ, có 1 số trường hợp khi nhiễm Covid-19 lần 2 bị nặng hơn lần đầu. Vậy là do nguyên nhân gì?

Đáp: Hiện nay tôi vẫn chưa có câu trả lời xác đáng. Vì vấn đề lần 2 nặng hơn lần 1 phải kết hợp với việc người đó có bệnh nền gì khác không. Đến hiện tại, theo tôi đọc trên y văn thì vẫn chỉ có một số ca lẻ tẻ, tôi vẫn chưa thấy được nhiều nên không thể trả lời chính xác được.

Tiêm vắc xin mũi 4

Hỏi: Thưa bác sĩ, những người đã tiêm 3 mũi và đã nhiễm Covid-19 rồi thì có cần thiết phải tiêm mũi 4 không? Sau khi khỏi Covid-19 bao lâu thì nên tiêm mũi 4?

Đáp: Nhiễm Covid-19 có thể xem như lần tiêm vắc xin xịn nhất. Bao lâu cần tiêm mũi 4 thì theo những thông tin cơ bản mà tôi biết thì từ mũi 2 đến mũi 3 là 6 tháng, từ mũi 3 tới mũi 4 là 1 năm. Hiện nay, vẫn có thể tiêm mũi tiếp theo vào 1 tháng sau đó. Hiện tại, từ mũi 3 đến mũi 4 thì bao lâu mới tiêm thì tôi vẫn chưa có câu trả lời chính xác.

Bé dưới 11 tuổi đã nhiễm Covid-19 có nên tiêm vắc xin không?

Hỏi: Thưa bác sĩ, những bé dưới 11 tuổi đã nhiễm Covid-19. Sau khi khỏi bệnh có nên đưa bé đi tiêm vắc xin không?

Đáp: Tôi xin trả lời là NÊN. Thời điểm bao lâu sau khi khỏi Covid-19 nên đưa trẻ đi tiêm vắc xin thì tôi vẫn chưa rõ. Nhưng tôi vẫn khuyến khích đưa trẻ đi tiêm. Việc tiêm vắc xin giúp điều hòa hoạt động miễn dịch, làm giảm các triệu chứng xuất hiện về sau.

Vì sao những người sống ở vùng dịch lại chưa nhiễm COVID-19?

Hỏi: Thưa bác sĩ, có những trường hợp người sống ở vùng dịch đã tiếp xúc với nhiều F0 mà vẫn không bị nhiễm là do nguyên nhân gì?

Đáp: Theo tôi, trong trường hợp này có thể những người này đã thực hiện tốt các biện pháp 5K hoặc cũng có thể họ đã chích ngừa và khi nhiễm không có triệu chứng nên cứ nghĩ là không bị nhiễm. Và còn 1 trường hợp nữa là hệ miễn dịch quá tốt nên dù tiếp xúc với nhiều F0 nhưng vẫn không nhiễm bệnh.

Mong rằng phần trả lời của Bs. Nam đã giải đáp được những băn khoăn của bạn về hội chứng hậu Covid-19. Nếu bạn vẫn còn những thắc mắc về đề tài này cũng như có nhu cầu khám sức khỏe hậu Covid-19 từ xa. Hãy Gọi thoại- gọi video với BS. Nguyễn Cảnh Nam trên hệ thống Khám từ xa Wellcare.

- 30-03-2022 -

Bài viết liên quan