TƯ VẤN HỘI CHỨNG HẬU COVID-19

Hội chứng hậu Covid-19 có nguy hiểm hay không? Có cách nào để khắc phục các di chứng hậu Covid-19 không? Câu trả lời sẽ được bật mí trong bài phỏng vấn sau đây với BS. Nguyễn Trí Đoàn.

Covid-19 và hội chứng hậu Covid-19 là một trong những vấn đề được nhắc đến nhiều nhất hiện nay. Bs. Nguyễn Trí Đoàn - Nguyên Phó Trưởng Khoa Cấp cứu BV Nhi đồng 2, trưởng bộ phận Y học chứng cứ PK Victoria Healthcare, đã chia sẻ nhiều thông tin bổ ích về Covid-19 và hội chứng hậu Covid-19 trong buổi tư vấn nhóm ngày 02/03 được tổ chức bởi Khám từ xa Wellcare, với chủ đề “Hội chứng hậu Covid-19”. Hãy đọc bài viết chăm sóc tốt hơn sức khỏe của bản thân và gia đình trong thời kỳ hậu Covid-19.

hội chứng hậu covid-19
Tư vấn nhóm chủ đề hội chứng hội chứng hậu Covid-19

Kiểm tra phổi sau khi khỏi Covid-19 có cần thiết không?

Hỏi: Thưa bác sĩ, có một số ý kiến cho rằng: “Sau khi khỏi Covid-19, các F0 nên đến bệnh viện để làm các xét nghiệm, chụp X- Quang phổi để kiểm tra các tổn thương trong cơ thể”. Vậy điều này có có đúng hay không? Bên cạnh việc kiểm tra chụp X- Quang phổi thì có cần kiểm tra gì nữa sau khi khỏi Covid-19? Và sau bao lâu thì nên kiểm tra 1 lần?

Trả lời: Theo tôi thì vấn đề chụp X quang phổi sau khi hết Covid-19 không cần thiết với tất cả mọi người. Nó chỉ cần thiết với những người có vấn đề về hô hấp và cần hỗ trợ oxy. Những người này có thể cần chụp hình ảnh phổi. Trong chụp hình ảnh phổi, chụp CT Scan phổi mới có thể đánh giá rõ các tổn thương ở phổi, còn chụp X- Quang ít khả năng chẩn đoán rõ ràng được.

Thật ra thì người bệnh cần kiểm tra gì nữa hay không, còn tùy vào những triệu chứng họ mắc. Chẳng hạn như, sau khi hết Covid-19, một số người cảm thấy mệt mỏi, không đủ sức làm việc có thể là do bị tổn thương tim trong lúc nhiễm Covid-19. Vậy họ có thể cần đi siêu âm tim, làm một số xét nghiệm máu. Nhờ vào đó, bác sĩ có thể chẩn đoán được tình trạng bệnh và có biện pháp giúp họ chữa khỏi.

Covid-19 cũng có thể gây ra tổn thương ở nhiều cơ quan khác ví dụ như gan, hệ thống đông máu... Khi đó người bệnh sẽ cần làm một số xét nghiệm về đông máu, thiếu máu, dinh dưỡng để hồi phục lại.

MIS-C có nguy hiểm hay không?

Hỏi: Khi tìm hiểu về MIS-C, em thường đọc được câu "MIS-C ở trẻ thường nặng và có nguy cơ tử vong". Vậy nguy cơ tử vong là do bị chẩn đoán sai, không kịp thời điều trị đúng bệnh cho bé. Hay là, dù đã chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời nhưng vẫn có nguy cơ tử vong? 

Trả lời: Theo tôi, chỉ có 1 số ít bé mắc hội chứng MIS-C bị tổn thương nặng thì lúc đó mới có nguy cơ tử vong. Câu nói “MIS-C thường nặng và gây tử vong” là không đúng. Câu đúng là “Đa số bé bị MIS-C không nặng, chỉ có 1 số ít bé bị nặng. Nếu chẩn đoán đúng, kịp thời thì có thể ngừa được một số biến chứng.”

Ví dụ: Bé bị MIS-C được bác sĩ chẩn đoán mạch vành của bé bị giãn. Trong trường hợp này, thường thì sẽ phải truyền huyết thanh, sử dụng thuốc chống viêm để bớt viêm.

Vậy, nếu bé bị Covid-19, phụ huynh cần theo dõi tình trạng sức khỏe của bé sau khi khỏi bệnh. Phụ huynh cần theo dõi bé trong khoảng từ 2-6 tuần đến khoảng 2-3 tháng sau khi hết Covid-19. Nếu bé xảy ra tình trạng sốt kéo dài thì cho bé đi khám và làm 1 số xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu để chẩn đoán bé có bị MIS-C không?

Triệu chứng nhận biết MIS-C

Hỏi: Thưa bác sĩ, có dấu hiệu, triệu chứng nào để nhận biết bé bị hội chứng MIS-C không?

Trả lời:

Phụ huynh nên theo dõi bé trong khoảng từ 2-6 tuần đến khoảng 2-3 tháng sau khi hết Covid-19. Nếu thấy bé bị sốt kéo dài khoảng 5 ngày trở lên hoặc bé sốt 1-2 ngày nhưng kèm theo triệu chứng đau bụng dữ dội, nôn ói và mệt nhiều thì nên đưa đi khám. Khi khám, phụ huynh nên cung cấp đầy đủ thông tin như: thời gian bé nhiễm Covid-19, kết quả test, những chẩn đoán bệnh trước đó... để giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác hơn. Hầu hết chẩn đoán của bác sĩ dựa trên những thông tin mà phụ huynh cung cấp.


Tóm lại, các triệu chứng nhận biết hội chứng MIS-C là:

  • Đầu tiên là triệu chứng sốt. Đây là triệu chứng luôn có của trẻ bị MIS-C.
  • Thứ hai là triệu chứng đau bụng dữ dội, nôn ói
  • Thứ ba là nhóm triệu chứng: lưỡi đỏ như lưỡi dâu, môi nứt nẻ, mắt đỏ, nổi ban, sưng hạch ở cổ và sưng hạch sau cổ.

Những triệu chứng đó sẽ gợi ý bé bị MIS-C. Khi đó bố mẹ cần đưa bé đi khám.

Có cách gì để hạn chế nguy cơ mắc MIS-C không?

Hỏi: Thưa bác sĩ, thời điểm hiện nay, các trường đã tổ chức học tập trực tiếp. Do đó, số lượng trẻ bị nhiễm Covid-19 tăng lên. Vậy phụ huynh cần làm gì nếu bé bị nhiễm Covid-19 để hạn chế nguy cơ mắc MIS-C ạ?

Trả lời: Hiện tại, không thể biết được bé nào sẽ dẫn tới hội chứng MIS-C. Việc dẫn tới MIS-C là do hệ miễn dịch điều hòa sai ( Tiếng Anh là Dysregulation). Tức là, thay vì hệ miễn dịch sau khi tiêu diệt siêu vi Covid-19 thì nó sẽ dừng lại và rút lui. Nhưng trong trường hợp này, sau khi tiêu diệt siêu vi Covid-19 rồi, hệ miễn dịch vẫn tiếp tục được huy động để xâm lấn các cơ quan khác. Khi đó hệ miễn dịch của người bệnh sẽ đi tàn phá cơ thể họ. Trường hợp này được gọi là hội chứng viêm toàn thân - MIS-C.

Tuy nhiên, hội chứng MIS-C rất hiếm gặp. Theo ước tính, trong 100.000 bé bị Covid-19, chỉ có khoảng 1-2 bé bị hội chứng MIS-C. Còn những bé còn lại có thể hồi phục hoàn toàn và không có hội chứng này.

Ta không thể biết được bé nào sẽ bị MIS-C và không có yếu tố nào là nguy cơ dẫn tới MIS-C. Tuyệt đại đa số bé sẽ không bị hội chứng này, nên phụ huynh có thể yên tâm. Phụ huynh phải theo dõi bé, nếu sau đó bé có phản ứng sốt kéo dài thì phụ huynh nên đưa bé đi khám để xem có đúng là bị hội chứng MIS-C không?

Ho và nôn dai dẳng ở trẻ sau khi khỏi Covid-19 

Hỏi: Thưa bác sĩ, có một số trẻ sau khi khỏi Covid-19 bị ho và nôn dai dẳng. Điều này có liên quan tới hội chứng hậu Covid-19 hay không?

Trả lời: Ở trẻ em, triệu chứng ho không liên quan đến hậu Covid-19. Những bé bị Covid-19 trong giai đoạn này, tuyệt đại đa số trẻ em gần như ít có các triệu chứng về hô hấp. Các bé thường sốt khoảng 1-2 ngày là hết. Một số ít bé có thể bị nôn khoảng nửa ngày đến 1 ngày là hết. Bé có thể có cảm giác mệt mỏi giống bị cúm. Chẳng hạn như bé bị hơi nhức đầu, đau người, đau ở vùng quanh mắt. Một số bé nếu có thể tự mô tả, bé sẽ tự mô tả bệnh của mình giống như bệnh cúm. Triệu chứng ho, sổ mũi rất là ít và nếu có thì thông thường khoảng vài ngày cho tới một tuần là hết. Tình trạng này còn nhẹ hơn các bé bị lây siêu vi cảm thông thường khác.

Vậy, ta có thể thấy triệu chứng ho, nôn ở trẻ thường rất nhẹ, nên nếu bé bị ho và nôn dai dẳng có thể do bé bị nhiễm thêm các siêu vi khác. Ví dụ: bé đi học, đi chơi, ra ngoài... tiếp xúc với những người khác và bị lây siêu vi gây ra tình trạng ho. Do đó bé ho dai dẳng không phải do Covid-19 và cũng không phải triệu chứng hậu Covid-19.

Triệu chứng sốt do Covid-19

Hỏi: Thưa bác sĩ, khi bé bị sốt do Covid-19 thì có nên để bé tự hạ sốt không?

Trả lời: Khi bé bị sốt dù là do Covid-19 hay bất cứ nguyên nhân gì thì hầu hết không cần hạ sốt. Bởi vì triệu chứng sốt giúp cho bé và cả người lớn chống lại siêu vi, tiêu diệt các siêu vi đó. Sốt là quá trình hệ miễn dịch của bé tăng lên để sản xuất ra kháng thể tiêu diệt siêu vi. Hầu hết các bé không cần uống thuốc giảm sốt. Tốt nhất là, khi bé sốt thì phụ huynh nên khuyến khích bé uống nhiều nước, đặc biệt là nước dừa lạnh. Đây là loại nước giúp bù nước tốt nhất, thành phần nước dừa giống với thành phần của máu, nên khi uống nước dừa sẽ thấm vào máu nhanh, giúp bù nước nhanh chóng. Hầu hết các trường hợp, phụ huynh chỉ cần xử lý vậy là đủ.

Trường hợp bé rất khó chịu vì sốt thì phụ huynh có thể cho bé uống thuốc hạ sốt. Vậy, chỉ cho bé dùng thuốc khi bé quấy vì sốt, để giúp bé bớt khó chịu. Phụ huynh không cần thiết phải cho bé uống thuốc hạ sốt đến khi nhiệt độ của bé trở về bình thường.

Tóm lại, phụ huynh nên để bé tự hạ sốt. Dù không dùng thuốc hạ sốt, tình trạng sốt của bé sẽ giảm rất nhanh. Có thể là khoảng gần 1 ngày thì bé sẽ hết sốt.

Người bị Covid-19 có nên uống nước dừa không?

Hỏi: Thưa bác sĩ, em có nghe nói rằng “Người nhiễm Covid-19 thì không nên uống nước dừa, vì loại nước này có tính hàn sẽ gây cảm lạnh, lạnh bụng”. Điều này có đúng không?

Trả lời: Nếu như bạn nghe nói tính hàn hay tính nhiệt có thể đây là triết lý đông y. Trong hệ thống Đông y người ta sẽ chia ra tính hàn và tính nhiệt. Còn đối với tây y, với khoa học, với bác sĩ thì dựa trên các bằng chứng nghiên cứu để khẳng định nước dừa có gây hại cho cơ thể hay không. Trong nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng trong nước dừa có kali, natri, magie, canxi, đường… Và các thành phần trong nước dừa gần như máu của chúng ta.

hội chứng hậu covid-19
Nước dừa rất tốt cho sức khỏe

Trong chiến tranh Việt - Mỹ, vào khoảng thập niên 60, thế kỷ 20, khi lính Mỹ bị thương, mất nhiều máu, các bác sĩ Mỹ nhận ra thành phần của nước dừa giống thành phần của máu nên họ đã truyền nước dừa vào thẳng trong máu, để bồi hoàn thể tích máu, trong trường hợp không có máu để truyền, để kịp thời cứu mạng bệnh nhân. Các thành phần nước dừa vừa thấm vào máu nhanh giúp bồi hoàn lại nước lại rất dễ uống. Hiện nay, trong bệnh viện có các loại dịch truyền như Lactate ringer, Lactated ringer có công thức giống như nước dừa. Đây là công thức được tìm thấy từ chiến tranh Việt - Mỹ.

Thông thường để giúp bù nước, bác sĩ sẽ khuyên bệnh nhân uống Orezon. Loại nước này cũng có chất điện giải giống như trong máu. Tuy nhiên loại nước này khó uống hơn nước dừa.

Thuốc hạ sốt

Hỏi: Thưa bác sĩ, vì sao nói thuốc hạ sốt không giúp bé hết sốt?

Trả lời: Tôi xin nhắc lại, mục đích sử dụng thuốc hạ sốt là giúp bé giảm khó chịu vì sốt. Tôi không nói thuốc hạ sốt không hạ được sốt. Nghĩa là, thuốc hạ sốt giúp bé hạ sốt đến mức dễ chịu.

Vậy, chỉ uống thuốc hạ sốt khi thấy bé sốt cao và cảm thấy khó chịu. Khi cho bé uống thuốc, chỉ cần uống đến khi nhiệt độ của bé vừa giảm và bớt khó chịu thì dừng. Phụ huynh không cần phải cho bé uống thuốc để kéo từ nhiệt độ sốt trở về nhiệt độ bình thường. Mục đích dùng thuốc hạ sốt là giúp bé bớt khó chịu chứ không phải để bé hết sốt.

Bên cạnh đó, việc lau mát chỉ có thể hạ nhiệt độ ngoài da chứ không hạ sốt. Chỉ có thuốc hạ sốt mới có thể hạ được sốt.

Triệu chứng co giật do sốt

Hỏi: Thưa bác sĩ, có trường hợp bé sốt cao khi bị Covid-19 dẫn đến co giật hay không?

Trả lời: Nguyên nhân gây nên tình trạng co giật do sốt ở trẻ em là do cơ địa của những trẻ đó dễ bị co giật khi sốt. Điều này có nghĩa là: khi những bé có cơ địa như vậy bị sốt thì có thể sẽ dẫn đến co giật, dù những bé này sốt nhẹ hay sốt cao thì cũng có thể bị co giật. Em bé nào không có cơ địa co giật vì sốt thì sốt 42 độ cũng không co giật. Vậy nếu có người nói “Bé sốt cao sẽ dẫn đến co giật” đây là một sự hiểu lầm.

hội chứng hậu covid-19
Trẻ bị co giật do sốt

Trong 100 bé bị sốt dưới 5 tuổi thì chỉ có khoảng 2 - 4 bé bị co giật, số bé còn lại thì không. Những bé có cơ địa co giật vì sốt khi sốt sẽ co giật. Bất kể bé sốt do siêu vi Covid-19 hay bất kỳ siêu vi nào, miễn là bé sốt thì có thể bị co giật. Tức là, khi các bé này bị nhiễm siêu vi và siêu vi này khiến bé bị sốt thì lúc sốt bé có thể bị co giật. Bên cạnh đó, do nguyên nhân khác, siêu vi khác như: cúm, sốt xuất huyết… gây nên tình trạng sốt thì lúc sốt bé cũng có thể bị co giật.

Mẹ ăn thức ăn của bé nhiễm Covid-19 thì có dễ bị lây không?

Hỏi: Thưa bác sĩ, có một số bà mẹ có bé bị nhiễm Covid-19. Trong quá trình sinh hoạt cùng bé, mẹ lỡ ăn thức ăn thừa mà bé bỏ lại vào nồi. Nếu thức ăn đã được đun sôi kỹ, thì mẹ có thể bị lây nhiễm không?

Trả lời: Khi bé bị lây siêu vi, cụ thể là Covid-19, thì ở vùng mũi, miệng, mặt của bé có siêu vi. Con đường lây nhiễm siêu vi hầu hết do tiếp xúc trực tiếp (ôm, hôn, đụng tay vào).

Trong trường hợp này, mẹ không tiếp xúc trực tiếp với bé. Mẹ chỉ chạm vào đồ ăn thừa của bé. Trước khi ăn đồ ăn thừa thì mẹ đã đun sôi. Và nếu mẹ đã rửa tay cẩn thận thì mẹ sẽ không bị lây nhiễm.

Siêu vi Covid-19 rất dễ bị tiêu diệt. Về bản chất, nó chỉ là một màng mỏng chất béo. Nếu gặp các chất sát khuẩn hay nhiệt độ cao, thì chắc chắn siêu vi sẽ tan rã.

Biểu hiện hội chứng hậu Covid-19 ở người lớn

Hỏi: Thưa bác sĩ, có phải tất cả người nhiễm Covid-19 đều bị hội chứng hậu Covid-19 không? Bác sĩ có thể chia sẻ các biểu hiện hội chứng hậu Covid-19 ở người lớn được không ạ?

Trả lời: Khoảng tháng 7, 8 năm ngoái khi chủng Delta chiếm ưu thế, trong 100 người nhiễm Covid-19 có thể có:

  • 80% khôi phục hoàn toàn không để lại di chứng liên quan đến phổi, hô hấp
  • 20% có thể bị tổn thương phổi và có thể không khôi phục hoàn toàn. Trong số những người không khôi phục hoàn toàn đó:
  • Một số người có thể bị mệt, có thể không có sức như cũ, thường xuyên bị hụt hơi, mệt nhiều khi đi cầu thang. Nguyên nhân gây nên tình trạng này có thể do phổi của họ bị xơ hóa và bị tổn thương trong lúc nhiễm Covid-19.
  • Một số người bị mất mùi tương đối kéo dài hoặc thay đổi mùi. Ví dụ: có người khi ăn cơm lại ngửi thấy mùi cồn, vậy để khắc phục tình trạng này thì họ nên tập vật lý trị liệu mùi. Triệu chứng mất mùi có thể kéo dài khoảng 10-11 tháng thì sẽ hết.
  • Một số người bị nhức đầu tái đi tái lại. Với những người bị tình trạng nhức đầu này khoảng 5-6 tháng cho tới 1 năm họ cũng sẽ hết.

Tóm lại, một số biểu hiện hội chứng hậu Covid-19 ở người lớn có thể gặp là:

  • Mệt mỏi, hụt hơi, mất sức
  • Thay đổi mùi
  • Nhức đầu tái đi tái lại.

Triệu chứng đau đầu và ho dai dẳng do Covid-19

Hỏi: Thưa bác sĩ, những người bị Covid-19 sau khi test âm tính vẫn bị đau đầu. Có người còn bị ho dai dẳng là do nguyên nhân gì? Bác sĩ có thể chia sẻ cách khắc phục tình trạng này không ạ?

Trả lời:

Về triệu chứng ho dai dẳng 

Những người nào mà khi khỏi Covid-19 vẫn còn ho dai dẳng thì phải xem lại lúc họ nhiễm Covid-19 có bị tổn thương ở phổi hay không? Vì khi nhiễm Covid-19 có thể có một số người bị biến chứng tổn thương ở phổi. Thông thường, ở người lớn tuổi và có bệnh lý nền thì dễ bị biến chứng về phổi hơn. 

Sau khi khỏi Covid-19, có một số người vẫn bị ho dai dẳng, nguyên nhân có thể là do họ bị tổn thương ở phổi. Vì thực tế thì có một số người bị biến chứng tổn thương ở phổi trong lúc nhiễm Covid-19, đặc biệt là những người lớn tuổi và có bệnh lý nền. Khi bị tổn thương ở phổi, người bệnh sẽ hít thở và hoạt động không tốt, họ cũng có thể bị ứ đọng đàm nhớt gây ra ho kéo dài tới 1 vài tháng sau đó.

Cách khắc phục trường hợp này là tập vật lý trị liệu phổi, tập thở, đi bơi, tránh khói thuốc lá.

Tuy nhiên nếu họ vẫn tiếp tục ho kéo dài nữa thì nên đi chụp phim phổi, chụp CT Scan phổi và tìm thêm những nguyên nhân khác gây ra ho kéo dài. Trong một số trường hợp, ho kéo dài ở người lớn tuổi là dấu hiệu của một bệnh lý ác tính khác. Tôi không thể chắc chắn tình trạng ho này là do Covid-19 hay do nguyên nhân khác. Đôi khi, trong lúc chụp phim phổi, CT Scan phổi, bác sĩ phát hiện ra họ có khối u nhỏ, thì lúc đó họ phải điều trị khối u đó. Do đó ta không nên quy chụp tất cả trường hợp ho kéo dài đều do Covid-19.

Về triệu chứng đau đầu

Một số người bị đau đầu kéo dài, đặc biệt là những người có tiền sử về nhức đầu migraine. Họ sẽ bị nhức đầu tái đi tái lại nhiều hơn. Những người này về bản chất họ đã nhức đầu tái đi tái lại nhiều lần. Sau khi hết Covid-19, họ sẽ tiếp tục nhức đầu kéo dài nữa. Vậy sau khi khỏi bệnh, họ nên đến gặp bác sĩ để chẩn đoán đúng chứng nhức đầu họ gặp phải. Từ đó bác sĩ sẽ có hướng điều trị phù hợp.

hội chứng hậu covid-19
Triệu chứng đau đầu sau khi khỏi covid-19

Một số người có thể bị nhức đầu migraine do các thực phẩm họ ăn. Lúc này, bác sĩ cần hỏi bệnh rất kỹ để xem bệnh nhức đầu đó là do Covid-19. Hay do trước đó có nhức đầu migraine rồi, sau đó bị nặng lên do Covid-19. Vậy, khi đó bác sĩ sẽ phải trị nhức đầu Migraine thì mới có thể giảm bớt tình trạng này.

Một số người bị đau đầu do tâm lý. Trong thời hậu Covid-19, vấn đề tâm lý được xem là vấn đề nan y, kéo dài. Thời Covid-19, nhiều người bị mất việc, giảm thu nhập, bị cách ly, làm việc tại nhà... Những điều này sẽ dễ gây trầm cảm. Đặc biệt, trong lúc cách ly, có thể họ đã chứng kiến những cảnh tượng đau lòng. Họ đã thấy những cái chết của người thân, người xung quanh. Điều đó, có thể gây tổn thương tâm lý kéo dài khiến họ nhức đầu. Vậy những người này nên đi tham vấn tâm lý. Khi trị liệu tâm lý thì có thể giải quyết được vấn đề nhức đầu.

Ăn kem có gây viêm họng?

Hỏi: Thưa bác sĩ, nhiều bà mẹ thường lo lắng cho trẻ ăn kem sẽ khiến bé bị viêm họng. Vậy điều này có đúng không ạ?

Trả lời: Viêm họng do siêu vi lây từ người này qua người khác. Viêm họng không do ăn kem, uống nước đá. Kem lạnh giúp họng bớt đau, làm tê họng. Ăn kem cung cấp nước để bồi hoàn nước khi bị sốt, kem không gây viêm họng. Khá nhiều bé Việt Nam không được ăn kem nhưng viêm họng nhiều. Điều đó cho thấy viêm họng do nguyên nhân khác.

Tương tự, không khí lạnh,thời tiết lạnh, tắm mưa... không phải nguyên nhân gây viêm họng, cảm lạnh. Nguyên nhân viêm họng do siêu vi lây từ người này sang người khác.

Khám hậu Covid-19 cho trẻ em

Hỏi: Thưa bác sĩ, có một khán giả hỏi rằng “ Bé nhà mình 37 tháng tuổi, đã bị Covid-19 một lần từ tháng 11/2021. Hiện đang bị Covid-19 lần 2, sốt nhẹ và ho nhẹ, vẫn chơi đùa bình thường. Tuy nhiên, mình vẫn rất lo lắng, mình có nên đưa bé đi khám hậu Covid-19 không? Nếu cần khám thì nên đi khám gì và ở đâu?”

Trả lời: Có rất nhiều trường hợp, trước đó họ bị nhiễm chủng Delta và hiện tại bị tái nhiễm chủng Omicron. Điều này có nghĩa là chủng Omicron đã thoát khỏi hàng rào bảo vệ của hệ miễn dịch. Tuy nhiên, khi một người bị tái nhiễm lần 2 thường sẽ nhẹ hơn lần 1. Theo tôi, trong trường hợp này, bé đã bị Covid-19 một lần vào tháng 11, khi bị nhiễm lần hai, bé sẽ bị rất nhẹ. Bé có thể sốt từ nửa ngày đến một ngày và rất ít bị triệu chứng hô hấp.

Vậy nên cha mẹ không cần cho bé khám hậu Covid-19. Phụ huynh chỉ cần dành thời gian chơi với bé và theo dõi bé, nếu sau khoảng từ 2-6 tuần đến khoảng 2-3 tháng sau khi khỏi Covid-19 mà bé sốt kéo dài cộng với triệu chứng MIS-C thì hãy cho bé đi kiểm tra. Nếu không có triệu chứng nêu trên thì không cần đưa bé đi kiểm tra.

Điều trị thuốc chống đông cho trẻ em

Hỏi: Thưa bác sĩ, người lớn thường được cho điều trị bằng thuốc chống đông, vậy ở trẻ có hiện tượng này không? Làm sao để biết bé có hiện tượng chống đông máu hay không, cách kiểm tra và khắc phục như thế nào?

Trả lời: Người lớn thường được điều trị bằng thuốc chống đông máu, nhưng không phải trường hợp nào cũng cần điều trị chống đông. Thực tế là, chỉ có những trường hợp người bệnh có vấn đề về đông máu và trước đó đã dùng thuốc chống đông, thì khi họ bị Covid-19 bác sĩ mới kê thuốc chống đông.

Ví dụ: trước đó họ bị bệnh tim, một số bệnh tim như rung nhĩ có thể tạo thành cục máu đông, thì những người này trước đó họ đã điều trị thuốc chống đông. Vậy khi nhiễm Covid-19 họ vẫn tiếp tục dùng thuốc chống đông chứ không phải vì Covid-19 nên họ mới uống thuốc đó.

Việc uống thuốc chống đông bừa bãi rất nguy hiểm. Bởi vì nếu không có có hội chứng tăng đông mà lại uống thuốc chống đông sẽ dẫn đến việc họ bị chảy máu không cầm.

Đối với trẻ em gần như không thấy hội chứng tăng đông máu giống như ở người lớn. Do vậy, phụ huynh không cần cho bé uống thuốc chống đông khi bé bị Covid-19. Phụ huynh cũng không cần quan tâm làm sao để biết có bị đông máu không và cũng không cần phải cho bé đi kiểm tra gì.

hội chứng hậu covid-19
Thuốc chống đông

Điều trị Covid-19 cho trẻ em

Hỏi: Thưa bác sĩ, có khán giả hỏi rằng: “Bé nhà em 8 tuổi bị Covid-19 ngày thứ tư. Em nên dùng thuốc gì để điều trị cho bé trong giai đoạn Covid-19 và hậu Covid-19?” Bác sĩ có thể giải đáp thắc mắc cho khán giả này được không ạ?

Trả lời: 

Chẩn đoán

Trong trường hợp này, bạn cần cung cấp thêm thông tin như bé còn sốt hay không... Khi đó tôi mới có thể chẩn đoán rõ ràng được tình trạng của bé. Thông thường, các bé bị Covid-19 thì chỉ sốt khoảng 1-2 ngày là hết. Đến ngày thứ tư, gần như các bé không bị triệu chứng gì. Một số bé có thể bị ho nhẹ, hay nghẹt mũi một chút, đôi khi ăn uống chưa hồi phục bình thường, vẫn còn nhạt miệng.

Kết luận

Trở lại với trường hợp của bé này, tôi cho rằng phụ huynh không cần phải cho bé uống thuốc gì cả. Nếu bé chưa ăn lại thì hãy cho bé ăn thứ bé thích. Ví dụ như bé thích ăn mì gói thì cho ăn mì gói, bé thích ăn xôi gấc thì cho ăn xôi gấc. Nếu chỉ ăn như vậy vài ngày thì không ảnh hưởng gì cả, mục đích là để bé lấy lại vị.

Tuy nhiên, nếu ngày thứ tư, bé vẫn còn sốt kéo dài, mệt đừ, đau, khó thở. Khi đó phụ huynh phải cho bé đi khám để bác sĩ kiểm tra phổi của bé. Việc kê thuốc gì cho bé này thì phải phụ thuộc vào tình trạng bệnh. Ví dụ: Bé có viêm phổi không? Viêm phổi đó có phải do Covid-19 hay do vi khuẩn khác như viêm phổi do vi khuẩn phế cầu? Khi đó tôi mới có thể kê thuốc phù hợp với bé này được.

Vậy, nếu thấy bé bị khó thở, rất lừ đừ, sốt kéo dài khoảng 4-5 ngày thì nên cho bé đi khám.

Tiêm ngừa Covid-19 cho trẻ em

Hỏi: Thưa bác sĩ, có những bé đã nhiễm Covid-19, sau khỏi thì có nên cho bé tiêm ngừa hay không? Tiêm ngừa lúc nào phù hợp, cần kiểm tra sức khỏe trước khi tiêm không? Mong được bác sĩ giải đáp.

Trả lời: Theo tôi, với những bé bị Covid-19 và đã khỏi Covid-19, nếu bé đủ tiêu chuẩn, đủ tuổi thì nên đi tiêm ngừa.

Thế nào là đủ tiêu chuẩn, đủ tuổi?

  • Cho tới lúc này ( Tháng 3/2021), trẻ từ 12 tuổi trở lên được coi là đủ tuổi tiêm vắc xin. Thời gian sắp tới, sẽ triển khai tiêm ngừa cho bé từ 5- 11 tuổi.

Tiêm khi nào là phù hợp?

  • Khi nào có đợt thì tiêm, có đội tiêm phòng thì cho bé đi tiêm.

Có cần kiểm tra sức khỏe gì trước khi tiêm không?

  • Không cần kiểm tra sức khỏe trước khi tiêm. Khi tiêm bác sĩ sẽ hỏi trước đây, bé có phản ứng nặng khi chích ngừa không? Có bị sốc phản vệ khi chích ngừa không? Bé có bị khó thở, bất tỉnh, dị ứng... hay có những vấn đề gì hay không?

Trẻ em ít bị ảnh hưởng bởi Covid-19, tại sao vẫn phải tiêm vắc xin?

Hỏi: Thưa bác sĩ, một số bé đã bị Covid-19 và chỉ bị nhẹ. Nếu đã biết rằng Covid-19 không gây ảnh hưởng nghiêm trọng thì có cần thiết phải đi tiêm ngừa không? Vì hiện nay, có một số trẻ em tiêm vắc-xin bị sốc phản vệ và một số vấn đề khác.

Trả lời: Đây là câu hỏi mà các bậc phụ huynh bên Mỹ cũng hỏi khi quyết định có tiêm vắc xin cho trẻ em không. Họ thấy rằng, bé bị Covid-19 thường bị nhẹ và tự khỏi.

Có một số rất ít trẻ sau khi nhiễm Covid-19 có thể dẫn tới hội chứng MIS-C. Và ta cũng không thể biết bé nào có thể dẫn đến MIS-C. Cách đây khoảng vài tháng cao điểm chủng Delta thì ước tính trong 100.000 bé có khoảng hơn 300 bé bị MIS-C. Hiện nay tỷ lệ đã hạ thấp. Trong 100.000 bé chỉ có 1-2 bé bị MIS-C, nhưng không biết bé nào sẽ bị.

Vậy rất nên tiêm vắc xin cho bé, đây là cách phòng ngừa tốt nhất. Điều này sẽ làm giảm hẳn tỷ lệ bị hội chứng MIS-C. Vậy lý do nên cho bé chích ngừa là:

  • Để bé đừng bị MIS-C nếu nhỡ mà bé bị Covid-19
  • Giảm nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cho gia đình, cho cộng đồng.

Khái niệm sốt

Hỏi: Thưa bác sĩ, bác có thể chia sẻ khái niệm sốt cho mọi người được biết không ạ? Liệu có phải sốt từ 37.5 độ trở lên thì mới gọi là sốt không? Khái niệm sốt kéo dài có phải là tình trạng sốt rồi hạ sau đó lại sốt không?

Trả lời: Sốt nghĩa là thân nhiệt trung tâm từ 38 độ trở lên. Thân nhiệt trung tâm đo bằng cách:

  • Một là đo nhiệt độ ở hậu môn
  • Hai là đưa ống vào thực quản đi vào trung tâm cơ thể để đo.

Tuy nhiên, cách này không khả thi, do đó chỉ có thể đo thân nhiệt ngoại biên để dự đoán thân nhiệt trung tâm. Thân nhiệt ngoại biên đo ở trán( đo nhiệt độ động mạch vùng thái dương), đo ở nách ( đo nhiệt độ mạch máu ở nách). Từ đó dự đoán thân nhiệt trung tâm. Theo dự đoán, thân nhiệt ngoại biên cách thân nhiệt trung tâm khoảng 0.4 -0.5 độ. Vậy nếu đo ở nách hay trán là 37.5 độ cộng thêm 0.4 - 0.5 độ thì thân nhiệt trung tâm là 38 độ. Như vậy đã có thể tính là sốt.

Sốt rồi hết rồi lại sốt không phải sốt kéo dài, mà sốt kéo dài là dựa trên số ngày sốt. Việc sốt có hạ hay không hạ không quan trọng. Khái niệm sốt kéo dài nghĩa là sốt khoảng 5 ngày và ta tính 1 ngày 24h hoặc gần 24h.

Triệu chứng nổi mẩn ngứa ở trẻ em khi nhiễm Covid-19

Hỏi : Thưa bác sĩ, có một khán giả chia sẻ rằng “ Bé nhà mình nhiễm Covid-19. Bé bị sốt lúc 18h tối 26, thì 23h đêm hôm đó bé bị nổi mẩn ngứa rất nhiều. Mình không cho bé uống thuốc gì cả. Đến 8h sáng ngày 27 bé chưa hết sốt nhưng mẩn ngứa lặn. Đến chiều tối 27 bé lại tiếp tục nổi mẩn ngứa. Ban đầu là ở 1 tay sau đó lan ra cả 2 tay. Đến nửa đêm bé lại lặn các nốt mẩn đó. Sáng ngày 1/3 bé hết hẳn sốt. Nhưng 23h đêm 1/3 bé lại bị nổi mẩn ngứa.” Với tình trạng của bé này, liệu có liên quan đến Covid-19 không?

Trả lời: Theo tôi, việc nổi mẩn ngứa là do hệ miễn dịch của bé phản ứng quá mức. Hay nói cách khác là do cơ địa của bé nhạy cảm dễ bị mẩn ngứa khi bị siêu vi xâm nhập. Vậy, khi bé bị bất kỳ nhiễm siêu vi, bao gồm siêu vi Covid-19 thì hệ miễn dịch đều phản ứng quá mức và gây ra tình trạng mẩn ngứa.

Trong trường hợp của bé này, việc nổi mẩn ngứa có thể do siêu vi Covid-19. Tuy nhiên, với bé này thì bất kỳ siêu vi nào, bao gồm siêu vi Covid-19 đều sẽ kích hoạt hệ miễn dịch của bé, gây triệu chứng ngứa. Về cách khắc phục, nếu phụ huynh thấy bé khó chịu thì có thể cho bé uống thuốc giảm ngứa.

Trẻ em nhiễm Covid-19 có uống Medrol được không?

Hỏi: Thưa bác sĩ, có một số phụ huynh khi bé sốt cao trên 39-40 độ thì ngoài cho uống thuốc hạ sốt. Ngoài ra phụ huynh còn cho bé uống thêm Medrol 4mg. Việc cho bé uống thuốc này có ảnh hưởng gì không ạ?

Trả lời: Medrol là một loại thuốc Corticoid. Theo tôi thì không nên dùng loại thuốc này cho bé bị Covid-19. Và cũng không nên dùng cho người lớn bị Covid-19. Nếu người bệnh không có các phản ứng viêm cần dùng Medrol để điều trị thì không nên kê Medrol. Trường hợp này, có thể các phụ huynh này dựa theo toa thuốc trên mạng. Cứ bị Covid-19 thì uống Medrol, uống thuốc chống đông… Việc uống Medrol gây hại nhiều hơn có lợi. Vậy thì trong trường hợp này, cha mẹ chỉ cần cho bé uống nước, nghỉ ngơi. Nếu bé quá khó chịu thì cho bé uống thuốc hạ sốt.

hội chứng hậu covid-19
Thuốc Medrol không nên dùng cho trẻ bị covid-19

Lý do bác sĩ kê Medrol là do điều trị phác đồ. Khi kê Medrol bác sĩ phải xem phản ứng viêm của người bệnh có cần phải uống Medrol không? Phác đồ chỉ là phác thảo, tùy tình huống cụ thể mà sẽ đưa ra các hướng điều trị khác nhau. Điều trị phác đồ rất nguy hiểm, vì mỗi bệnh nhân là một cá thể, không ai giống ai. Đáp ứng miễn dịch, bệnh nền của mỗi người khác nhau nên cần có những hướng điều trị khác nhau.

Bé khỏi Covid-19 mà vẫn còn ho, nhiều đờm thì nên làm gì?

Hỏi: Thưa bác sĩ, một số bé khỏi Covid-19 cách đây 2 tháng mà hiện tại vẫn còn ho, nhiều đờm. Vậy với những bé này có cần cho bé uống thuốc long đờm giảm ho không?

Trả lời: Theo tôi, thuốc long đờm tốt nhất là nước, không có thuốc nào có thể long được đờm. Phụ huynh nên khuyến khích bé uống nước, cung cấp đủ nước sẽ giúp loãng đờm. Chỉ cần cung cấp đủ nước và nghỉ ngơi hợp lý, thì bé sẽ mau khỏi bệnh.

Trẻ em bị tim đập nhanh sau khi nhiễm Covid-19

Hỏi: Thưa bác sĩ, có khán giả hỏi rằng “ Mình có một bé 9 tuổi đang nhiễm Covid-19. Ba ngày sau khi nhiễm Covid-19 thì tim bé bị đập nhanh. Mình đang rất lo lắng. Liệu bé có nguy cơ bị ảnh hưởng vùng cơ tim không?”

Trả lời: 

Nếu bé bị tim đập nhanh thì phải cung cấp thêm các thông tin như: Tim bé đập nhanh như thế nào? Tim bé đập nhanh thường xuyên hay có lúc đập nhanh có lúc đập chậm trở lại? Lúc tim đập nhanh bé đang hoạt động gì? Phụ huynh phải mô tả cụ thể hơn để tôi có thể chẩn đoán rõ ràng được tình trạng của bé. Nếu phụ huynh chỉ nói tim bé đập nhanh thôi thì tôi không biết bé bị tổn thương vùng nào về cơ tim.

Nói chung, bé bị Covid-19 gần như không bị biến chứng ở tim. Ta cần phải xem hiện tượng tim đập nhanh xuất hiện trong bối cảnh nào để có thể biết được nguyên nhân và tìm ra hướng khắc phục. Chẳng hạn như khi tim bé đập nhanh thì bé sốt hay không? Bé có uống đủ nước hay không? Vì nếu thiếu nước thì thể tích máu giảm, khi đó tim phải đập nhanh hơn để cung cấp đủ máu cho cơ thể”.

Vậy trong trường hợp này, cha mẹ nên cho bé uống đầy đủ nước, nghỉ ngơi. Phụ huynh cần theo dõi xem bé có sốt hay không, có khó thở hay không. Theo phán đoán của tôi, trong trường hợp này, bé không bị ảnh hưởng vùng cơ tim, có thể tim đập nhanh là do một nguyên nhân khác.

Kết luận

Hi vọng rằng những thông tin trên sẽ giúp ích cho bạn và gia đình trong việc chăm sóc sức khỏe hậu Covid-19. Nếu bạn có vấn đề, thắc mắc, cũng như có nhu cầu khám, chữa bệnh cho bé với BS. Nguyễn Trí Đoàn, hãy truy cập vào đường link: Bác sĩ nhi khám từ xa - BS. Nguyễn Trí Đoàn

Xem thêm: BÁC SĨ NHI TƯ VẤN COVID ONLINE CHO BÉ

- 10-05-2022 -

Bài viết liên quan

  • 23-03-2022
    Máy đo nồng độ oxy trong máu là một thiết bị nhỏ kẹp vào ngón tay của trẻ, để đo nồng độ oxy trong máu một cách nhanh chóng và dễ dàng.
  • 18-11-2021

    Tư vấn bệnh online không còn là khái niệm xa lạ với mọi gia đình trong những năm gần đây, đặc biệt là khoảng thời gian dịch bệnh kéo dài. Đây là giải pháp giúp việc khám và chữa bệnh trở nên đơn giản và dễ dàng hơn.

  • 24-05-2021

    Thành viên tham gia thử thách đi bộ từ ứng dụng MOVE sẽ được khám từ xa bằng mã ưu đãi của Manulife.

  • 28-02-2022
    Hội chứng Hậu Covid-19 thường kéo dài, với nhiều triệu chứng và mức độ nặng nhẹ khác nhau. Người bệnh cần trang bị những kiến thức xung quanh vấn đề này và tránh hoang mang, lo lắng quá mức
  • 10-11-2021

    Khi dịch bệnh covid-19 bùng phát mạnh, các bệnh viện, cơ sở y tế đóng vai trò là nơi chăm sóc sức khỏe người dân bỗng chốc lại trở thành điểm nóng có nguy cơ lây nhiễm rất cao. Và đây là lý do chính khiến hình thức khám bệnh trực tuyến trở thành công cụ hữu hiệu để bác sĩ chăm sóc sức khỏe cho người dân từ xa. Cũng từ đây, mọi người dần nhận ra, hóa ra khám bệnh trực tuyến lại dễ dàng và hiệu quả đến vậy.

  • 30-03-2022
    Hội chứng hậu Covid-19 là vấn đề mà nhiều F0 sau khi khỏi bệnh rất lo lắng. Liệu hội chứng hậu Covid-19 có đáng lo ngại hay không và cần làm gì để khắc phục các triệu chứng hậu Covid-19?