Stress ở trẻ - Nguyên nhân từ gia đình

Với stress ở tuổi thanh thiếu niên, có thể nói “stress” đồng nghĩa với “tuổi thanh thiếu niên”. Tuổi trẻ này rất dễ bị stress với nhiều nguyên nhân, mà nguyên nhân chủ yếu là do chính bản chất của lứa tuổi thanh thiếu niên. Tuy nhiên xét về các yếu tố gây stress, có thể khái quát những nguyên nhân như sau: những áp lực từ bên ngoài, áp lực từ bên trong, đồng thời trẻ cũng bị những tác động hàng ngày giống như người lớn.

Với stress ở tuổi thanh thiếu niên, có thể nói “stress” đồng nghĩa với “tuổi thanh thiếu niên”. Tuổi trẻ này rất dễ bị stress với nhiều nguyên nhân, mà nguyên nhân chủ yếu là do chính bản chất của lứa tuổi thanh thiếu niên. Tuy nhiên xét về các yếu tố gây stress, có thể khái quát những nguyên nhân như sau:

  • Những áp lực từ bên ngoài: Trẻ phải đương đầu với những vấn đề của gia đình; phải đối phó với uy quyền và cơ cấu nào đó; phải đương đầu với những vấn đề ở nhà trường và cho đến khi chuẩn bị bước vào đời…
  • Những áp lực từ bên trong: Những áp lực phát sinh từ sự thay đổi về tâm sinh lý của sự phát triển; trẻ bắt đầu hưng phấn về tình dục, cảm giác khi đối diện với người khác giới, sự không tin tưởng ở tương lai.
  • Ngoài ra, trẻ vẫn bị những tác động hàng ngày giống như của người lớn.

Điều quan trọng trong stress ở tuổi thanh thiếu niên là phải nhận ra những triệu chứng của stress, phải nhận định được những triệu chứng nào là nổi bật nhất và phải phán đoán được mức độ stress của trẻ.

Do xung đột trong gia đình

Trẻ em stress
Ảnh: Internet

Từ khi chào đời cho đến khi lớn lên, trẻ rất gắn bó với cha mẹ và học hỏi được rất nhiều điều từ cha mẹ. Tuy nhiên, con người vốn là không hoàn thiện nên không phải tất cả những điều cha mẹ dạy đều là tốt đẹp. Trẻ đã tiếp thu tất cả những điều về quan điểm tư tưởng và thái độ của cha mẹ, trong đó có cả những điều đáng ra không biết thì tốt hơn. Đến tuổi thanh thiếu niên, trẻ đã bắt đầu biết phân biệt và hình thành những quan điểm riêng, có khi trái ngược hẳn với quan điểm của cha mẹ. Chính điều này đã gây xung đột trong gia đình.
Việc duy trì những quan điểm khác nhau trong gia đình, điều đó không có gì là sai trái. Thậm chí các thành viên, cha mẹ, con cái có thể tranh luận với nhau, miễn là tranh luận trong tình thân ái.
Tuy nhiên, nhiều bậc cha mẹ không chấp nhận điều đó. Họ cho rằng việc con cái tranh luận thẳng thắn với cha mẹ là thiếu lòng kính trọng, là ngang ngạnh, là “trứng khôn hơn vịt”. Điều này dễ đi đến sự bất đồng, căng thẳng, khó thông cảm.

Do sự khác biệt về tính cách tâm lý giữa các thành viên trong gia đình

Trong gia đình, trẻ phải chung sống với những người khác hẳn mình về tuổi tác, tính cách. Với điều kiện cuộc sống như vậy, trẻ phải là chính mình và chấp nhận rằng không thể có bất cứ người nào giống hệt người nào.
Hiểu “là chính mình” nghĩa là thế nào? Một người phải nhận biết về bản thân mình. Thường trẻ có sự nhận dạng sai lầm về bản thân mình là lại nhận dạng theo những yếu tố bên ngoài. Với lứa tuổi này, những yếu tố bên ngoài rất quan trọng và có ảnh hưởng đáng kể so với bất cứ thời kỳ nào trong cuộc đời. Mỗi ngày, trẻ phải đương đầu với những phê phán về thái độ, cách cư xử, lời ăn tiếng nói, sự phán đoán…từ bên ngoài.
Cần biết rằng, tất cả những yếu tố bên ngoài đều là những cái nhãn dán trên con người của trẻ mà thôi, và chúng chỉ đại diện cho một phần rất nhỏ của bản thân trẻ. Trong khi đó, con người thực sự của trẻ lại thường bị che khuất dưới lớp vỏ bọc bên ngoài. Cho nên đây chính là điều trẻ khó nhận biết về bản thân mình.
Nếu trẻ có cha mẹ là những người hiểu biết, khích lệ trẻ sống chân thực với bản thân mình và cởi mở với mọi người thì trẻ chắc chắn có đời sống nội tâm quân bình.
Tiếc rằng, đa số các gia đình, cha mẹ còn xét nét con cái hơn là lắng nghe. Do đó trẻ thường có cảm giác bị cha mẹ coi thường, chỉ trích và buộc phải “câm miệng”. Trẻ sẽ cực kỳ thu mình lại, hoặc ngược lại, trở thành người rất hung hãn. Con người bên trong của trẻ thực sự bị che khuất vì nỗi sợ bị xúc phạm và coi thường.
Khi trẻ càng hiểu biết về bản thân mình bao nhiêu, trẻ càng dễ cảm thông với người khác và ít phê phán họ bấy nhiêu. Chính thái độ khoan dung, cởi mở với mọi người sẽ đem đến cho trẻ cảm giác thoải mái với mọi người và với chính mình.

Do sự đụng chạm về tuổi tác, nhu cầu và cách sinh hoạt

Sự đụng chạm thường dưới hình thức những bực tức nhỏ như chờ đợi một phòng tắm chung, giữ điện thoại chung của gia đình để nói chuyện dài, để bừa bộn đồ đạc… Mỗi người có một cách sinh hoạt khác nhau, trong cuộc sống chung khó tránh khỏi sự đụng chạm.
Cách thức tốt nhất là thương lượng với nhau. Muốn làm được như vậy, cần tăng cường đối thoại. Đừng cãi cãi cọ nhau trong những chuyện lặt vặt, nhỏ nhặt. Việc tình nguyện “chịu thua”, nhường bước trước người khác một cách hiểu biết không phải là yếu đuối, hèn nhát mà ngược lại, chính nó phản ánh một sức mạnh tinh thần.

Stress bắt nguồn từ những mong đợi của cha mẹ

Trẻ em stress
Ảnh: drrobyn.wordpress.com

Cha mẹ thường mong muốn nhiều điều và đặt ra những tiêu chuẩn cao, đầy kỳ vọng ở con cái. Trong khi đó, thanh thiếu niên lại có xu hướng buông thả và được là chính mình. Đó là sự xung đột. Tuổi trẻ phải hiểu rằng, vì tình thương yêu của cha mẹ với con cái mà cha mẹ luôn mong những điều tốt đẹp nhất cho con cái mình. Nhưng cha mẹ cũng là những con người bình thường, nên không phải lúc nào cũng hoàn hảo. Vì vậy tuổi trẻ nên chấp nhận nhượng bộ khi có thể được. Ngay cả khi cha mẹ cư xử không mấy hợp lý, tuổi trẻ vẫn nên cư xử nhân nhượng vì lòng kính trọng đối với cha mẹ và ý thức trách nhiệm trong việc chăm lo cho bản thân mình. Nếu thực sự có nhiều mâu thuẫn, tuổi trẻ cần có sự bàn bạc với cha mẹ để đi đến những thỏa thuận chung cho ổn thỏa.

Stress do bất mãn trước sự nghiêm khắc của gia đình

Những quyền lực và những qui tắc, luật lệ gia đình là lĩnh vực chính gây căng thẳng cho tuổi thanh thiếu niên. Hãy nhìn những qui tắc đó theo quan điểm của cha mẹ: Họ phải điều hành một gia đình có nhiều người khác chứ không chỉ có riệng một mình một người nào. Nếu ai cũng muốn sống thoải mái theo ý riêng của mình thì chắc chắn gia đình sẽ hỗn loạn. Bất cứ một cơ cấu hoặc cuộc sống chung nào đều chỉ có thể tồn tại khi có qui tắc, luật lệ.
Sự giao tiếp giữa các thế hệ là vũ khí tốt nhất, nhưng thật đáng buồn là người ta lại cảm thấy đây là vũ khí khó sử dụng và ít được sử dụng nhất. Hầu hết các bậc cha mẹ có con tuổi thanh thiếu niên đều cho rằng khía cạnh tồi tệ nhất trong những vấn đề gia đình là trẻ thường cho rằng mình đang bị đối xử như những kẻ thù; trong khi con cái không còn nhìn nhận cha mẹ là những người đáng yêu như trước nữa.
Hãy nỗ lực nhận ra những dấu hiệu chăm sóc thương yêu của những người thân trong gia đình, từ những dấu hiệu nhỏ nhặt, khó nhận biết nhất. Hãy cố gắng tìm kiếm những điều đó và cố gắng bỏ qua những dấu hiệu tức giận, bực bội thường dễ nhận thấy hơn.

Theo PGS.TS.BS Nguyễn Văn Thọ

- 23-07-2018 -

Bài viết liên quan

  • Rối loạn nhân cách tính được đặc trưng bởi sự đam mê, đóng kịch, hành vi biểu diễn cảm xúc bùng nổ. Họ mất khả năng kiên nhẫn và gắn bó lâu dài với một việc gì đó. Tỷ lệ rối loạn này chiếm 2 - 3% dân số, nữ cao hơn nam, bệnh hay phối hợp với rối loạn dạng cơ thể và sử dụng rượu. 

  • Rối loạn tăng động kém chú ý (ADHD) dùng để mô tả những trẻ có biểu hiện thường xuyên các triệu chứng kém chú ý, tăng hoạt động, xung động không phù hợp theo tuổi, những triệu chứng này đủ để gây ra suy kém các hoạt động chủ yếu trong đời sống hằng ngày (APA,2000)

  • Hoang tưởng thường gặp ở nhứng bệnh loạn thần nặng (tâm thần phân liệt, loạn thần do nghiện rượu, loạn thần cấp...) thường được đưa vào bệnh viện điều trị. Tuy nhiên, có một số không nhỏ những người bệnh có hoang tưởng vẫn có thể sống và làm việc tương đối bình thường. Nhưng họ gây ra những gánh nặng nhất định cho gia đình, xã hội, cho những người sống quanh họ.

  • Khi vật lộn với căn bệnh tâm lý của mình, đôi lúc, bạn có thể trở thành kẻ thù lớn nhất của bản thân. Không tác động nào và không một ai có thể gây hại đến bạn hơn chính bản thân bạn.

  • Ái nhi là bản năng hay ham muốn tình dục mà người ái nhi bị thu hút bởi trẻ em thông thường ở dưới tuổi 12. Ấu dâm là một chứng rối loạn tình dục bao gồm những ham muốn tình dục đối với trẻ em dưới tuổi vị thành niên, tức là khoảng dưới 14 tuổi thể hiện qua các hành động nhìn ngắm, âu yếm, vuốt ve, thủ dâm và cưỡng ép quan hệ tình dục cả đồng tính.

  • Trong giao tiếp, có đôi khi do truyền đạt ý không rõ ràng khiến chúng ta hiểu lầm nhau. Khi sự hiểu lầm kéo dài, chúng sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến các mối quan hệ, dẫn đến sự rạn nứt, tan vỡ hoặc gây ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý.…