Rối loạn ấu dâm và lạm dụng tình dục trẻ em

Dù là kẻ biến thái bệnh hoạn hay mắc chứng rối loạn ấu dâm, nếu không kiểm soát được hành vi của mình mà dẫn đến lạm dụng tình dục trẻ em thì đều là hành vi phạm pháp và đáng bị lên án. 

Rối loạn ấu dâm (Pedophillic Disorder) 

Rối loạn ấu dâm là một rối loạn tình dục khi một người có sở thích hay cảm hứng tình dục chủ yếu hay chỉ với trẻ em dưới tuổi dậy thì. Đây là một rối loạn tâm thần, không phải là phạm pháp. Người được chẩn đoán phải từ 16 tuổi trở lên và lớn hơn đối tượng ít nhất 5 tuổi. Có thể gặp ở cả nam lẫn nữ, nhưng ở nam nhiều hơn.

Đây không phải là một sở thích có chọn lựa (non-chosen) tức là họ cũng không muốn vậy. Người bệnh có khi còn có cảm giác tội lỗi, lo âu, gây rối loạn cuộc sống, công việc và sinh hoạt xã hội.

Để thoả mãn nhu cầu này, những người bị rối loạn ấu dâm có sở thích xem sưu tầm tranh ảnh, phim khiêu dâm của trẻ em. Họ có thể bị ám ảnh tới mức sưu tầm, phân loại theo tuổi, giới tính, màu da như là một bộ sưu tập thực sự.

Ở mức cao hơn, họ có thể tiến tới tìm cơ hội lạm dụng tình dục trẻ em, sờ mó (molestation), thậm chí hiếp dâm trẻ em. Tuy nhiên không phải người nào mắc chứng này cũng lạm dụng trẻ em.

Khi mà người mắc chứng này không kiểm soát được hành vi mà lạm dụng tình dục trẻ em, hoặc sở hữu, lưu hành, trao đổi tranh ảnh và phim ảnh tình dục trẻ em thì trở thành phạm pháp, cho dù nguyên nhân là do rối loạn đi nữa. 

Lạm dụng tình dục trẻ em (Child Molestation) 

Tình trạng này rất phổ biến ở Mỹ, đối tượng bao gồm cả bé gái và trai. Bé gái thì do cha ruột, cha dượng, bạn trai của mẹ, bạn của ba mẹ, anh trai, anh họ, chú bác, hàng xóm,… Bé trai thì ít gặp hơn nhưng cũng không hiếm. 

Tiểu bang Texas vừa công bố danh sách 300 vị tu sĩ công giáo bị buộc tội lạm dụng tình dục trong 8 thập kỷ. Danh sách này được cho là đã giấu bớt vì chỉ tiểu bang Illinois với số nhà thờ chỉ bằng nửa Texas mà đã có hơn 500 vị tu sĩ lạm dụng tình dục trẻ em rồi.

Trong những người lạm dụng tình dục trẻ em bị buộc tội (sex offenders) chỉ có một số ít là mắc chứng ấu dâm (25%-50%), còn lại là vấn đề bạo hành trẻ em. 

Những người mắc rối loạn ấu dâm có hứng thú tình dục chủ yếu với trẻ em và không phải ai cũng lạm dụng tình dục trẻ em. Trong khi những người lạm dụng tình dục trẻ em theo xu hướng bạo hành thường do các động cơ sau: 

  • Lo âu (stress) 
  • Tình trạng hôn nhân không tốt 
  • Không có bạn tình là người lớn, bắt con nít vô thế (mấy vụ mà vợ đẻ rồi vô sờ mó con là gặp hoài)
  • Xu hướng chống đối xã hội, bạo hành 
  • Nghiện rượu 
  • Dùng chất gây nghiện 
  • Nhu cầu tình dục cao

Nạn nhân của lạm dụng tình dục trẻ em thường có rối loạn tâm sinh lý, tình dục kéo dài, có khi suốt đời. Ai đã xem phim 50 sắc thái thì biết nhân vật nam chính là nạn nhân của lạm dụng tình dục trẻ em. 

Hiện nay vẫn chưa có cách trị liệu triệt để cho rối loạn ấu dâm. Việc trị liệu bao gồm trị liệu về tâm lý, dùng các thuốc tâm thần như SSRI's để làm giảm nhu cầu tình dục, và thiến. Ở Mỹ đã từng dùng thiến thực sự (cắt trứng) trước 1975, sau này thì dùng thiến hoá học bằng thuốc làm mất ham muốn tình dục. Tuy nhiên cho dù bị thiến đi nữa, những người mắc rối loạn ấu dâm loại nặng vẫn tìm cách hành sự bằng dụng cụ, hay xem người khác hành sự hay xem các phim ảnh khiêu dâm có trẻ em. Rối loạn này là trong suy nghĩ, không phải chỉ là hành vi của cơ thể.

Còn lạm dụng tình dục thì cách điều trị là "ăn cơm tù" thôi.

Trẻ em luôn cần được bảo vệ, cho nên cha mẹ luôn phải giám sát môi trường sống của con, dạy chúng cách tự bảo vệ mình.

Tóm lại, cho dù là bị rối loạn ấu dâm hay là kẻ bạo hành bệnh hoạn, nếu không kiểm soát được hành vi của mình mà dẫn tới lạm dụng tình dục trẻ em thì đều là hành vi phạm pháp, không phải có cái mác rối loạn ấu dâm thì có quyền đè con người ta ra mà "nựng".  

Ở Mỹ, các kẻ lạm dụng tình dục trẻ em đều được lên danh sách và có thể tìm trong website của chính phủ dưới đây, biết đâu ông hàng xóm mình có trong danh sách này:

https://www.nsopw.gov/

BS Trương Hoàng Hưng tốt nghiệp Đại học Y Dược TP HCM năm 2000, sau đó làm nội trú Nhi khoa tại Đại học Y Dược TP HCM và Texas Tech University (TTU). Hiện đang hành nghề BS Nhi khoa và BS giảng dạy lâm sàng tại TTU, Texas, Hoa Kỳ.

Theo Bs. Trương Hoàng Hưng, 05/04/2019

- 13-04-2024 -

Bài viết liên quan

  • Phần lớn các kiến thức bạn có được về các rối loạn tâm lý đến từ những tờ báo bạn đọc, những chương trình truyền hình bạn theo dõi và những bộ phim bạn xem. Nghiên cứu chỉ ra rằng các phương tiện truyền thông đại chúng là nguồn thông tin chủ yếu của công chúng về các dạng rối loạn như rối loạn lưỡng cực, tâm thần phân liệt và trầm cảm. 

  • Tài liệu thống kê và chẩn đoán các rối loạn tâm thần DSM IV đã xếp kleptomanie (ăn cắp từ góc độ rối loạn hành vi) là rối loạn kiểm soát xung năng. Đó là một rối loạn không phổ biến và thường thấy ở phụ nữ, để lại các hậu quả liên quan tới gia đình, công việc xã hội và cả pháp lý

  • Rối loạn căng thẳng hậu chấn thương tâm lý không phải là một nỗi buồn vu vơ nào đó mà chúng ta thi thoảng gặp, không phải là những áp lực mệt mỏi hằng ngày, chỉ cần sự sẻ chia yêu thương là tan biến. Mà nó là một nỗi đau, một bệnh tâm lý cần được chữa trị từng bước một trong một khoảng thời gian dài với một đội ngũ bác sĩ chuyên gia tâm lý được đào tạo lâu năm. Bởi vì nếu chỉ tính riêng quân nhân giải ngũ thì cứ mỗi ngày lại có 22 người tự sát, cứ mỗi 65 phút thì lại có một người tự kết thúc mạng sống của mình.

  • Rối loạn đa nhân cách (MPD) một căn bệnh từng được bác sĩ người Pháp Pierre Janet mô tả vào thế kỉ XIX. Là một dạng bệnh lý tâm thần mà biểu hiện là sự mất nhận thức về bản thân và vì thế người mắc bệnh thường đồng nhất hoá mình với người khác. Sự đồng nhất đó không vững chắc, một chấn động tinh thần cũng có thể làm biến mất và thường đồng nhất hoá tiếp với một nhân cách khác. Người mắc bệnh MPD phải chịu những diễn biến tâm lý hết sức phức tạp. Họ bị hai hay nhiều nhân cách thay nhau kiểm soát và chi phối, cá biệt có những người bị giằng xé cùng một lúc bởi hai nhân cách hoàn toàn trái ngược nhau.

  • Rối loạn ngôn ngữ diễn đạt ở trẻ là khi trẻ có khó khăn trong việc truyền tải hoặc diễn đạt thông tin bằng các kỹ năng nói, viết, dùng ký hiệu hoặc cử chỉ. Đối với các bé ở độ tuổi mầm non, sự suy yếu của chức năng diễn đạt chưa được diễn tả rõ ràng bằng kỹ năng viết vì các bé chưa chính thức học viết.

  • Hầu hết những stress đến từ nhà trường đều phát sinh từ ba lĩnh vực: những vấn đề về học tập, áp lực từ bạn bè, và mâu thuẫn với thầy, cô giáo.