Chấn thương - Gãy Xương
Miễn trừ trách nhiệm: Thông tin này không nhằm mục đích thay thế cho tư vấn và kết luận từ chuyên gia y tế, hướng dẫn điều trị khẩn cấp hoặc quy trình đào tạo sơ cứu chính thức. Không sử dụng thông tin này để chẩn đoán hoặc xây dựng kế hoạch điều trị cho bất kỳ vấn đề sức khỏe hoặc bệnh lý nào mà chưa tham vấn trực tiếp với chuyên gia y tế. Nếu bạn đang ở trong một tình trạng y tế khẩn cấp hoặc đe dọa đến tính mạng, hãy tìm kiếm sự trợ giúp từ các cơ sở y tế ngay lập tức.
Chấn thương nặng
Gãy xương cần có sự chăm sóc y tế. Nếu xương gãy do chấn thương nhẹ hay chấn thương nặng, bạn cần đến cơ sở y tế gần nhất, càng sớm càng tốt.
Bạn cũng cần gọi cấp cứu nếu:
- Bệnh nhân không phản xạ, không thở hoặc không cử động. Bắt đầu hô hấp nhân tạo nếu không có hơi thở hoặc nhịp tim.
- Có chảy máu nhiều.
- Chỉ những chuyển động nhẹ nhàng cũng gây đau đớn.
- Chi hoặc khớp bị biến dạng.
- Xương đâm xuyên qua da.
- Phần cuối của cánh tay hoặc chân bị thương, chẳng hạn như ngón chân hoặc ngón tay, bị tê hoặc hơi xanh ở đầu.
- Bạn nghi ngờ xương bị gãy ở cổ, đầu hoặc lưng.
Đừng di chuyển bệnh nhân, trừ khi cần thiết, để tránh làm bị tổn thương thêm.
Sơ cứu trước khi đến bệnh viện
Cầm máu
Dùng băng vô trùng, vải sạch hoặc quần áo sạch ép lên vết thương.
Cố định vùng bị thương
Đừng cố gắng sắp xếp lại xương hay tìm cách đẩy xương nhô ra ngoài. Nếu bạn đã được đào tạo về cách nẹp và không ở gần đội ngũ y tế, hãy nẹp vào vùng bên trên và bên dưới vị trí gãy xương. Đệm nẹp có thể giúp giảm bớt sự khó chịu.
Chườm túi đá để hạn chế sưng tấy và giúp giảm đau
Không chườm đá trực tiếp lên da. Bọc đá trong một chiếc khăn, mảnh vải hoặc một số vật liệu khác.
Điều trị sốc
Nếu người đó cảm giác như sắp ngất xỉu hoặc thở nông, thở gấp, hãy đặt người đó nằm xuống với đầu thấp hơn thân một chút và nếu có thể, hãy nâng cao chân họ lên.
Biên dịch bởi Wellcare (Nguồn: Mayo Clinic) - 22-03-2022