Gaslight - Thủ thuật thao túng tinh thần nạn nhân

Thuật ngữ gaslight (nghĩa đen: “Thắp sáng đèn ga”) đến từ vở kịch Gas Light (1983) nói về hành vi bạo hành tâm lý có hệ thống của nhân vật Jack Manningham lên vợ ông là Bella Manningham.Đây là một dạng bạo hành tâm lý rất hiệu quả vì nó khiến nạn nhân tự nghi ngờ cảm xúc, bản năng và sự tỉnh táo của mình. Khi đó, kẻ bạo hành sẽ có rất nhiều quyền lực lên nạn nhân và có thể dễ dàng kiểm soát nạn nhân.
Monday, 22/04/2019

Gaslight là gì? 

Gaslight, về mặt định nghĩa, là một thủ thuật để điều khiển, bạo hành và thao túng nạn nhân khiến cho nạn nhân sợ hãi và nghi ngờ bản thân mình. Nói tóm lại, mục đích tối thượng của Gaslight là để ghi đè và sửa chữa sự thật mà nạn nhân muốn phơi bày.

Thuật ngữ gaslight (nghĩa đen: “Thắp sáng đèn ga”) đến từ vở kịch Gas Light (1983) nói về hành vi bạo hành tâm lý có hệ thống của nhân vật Jack Manningham lên vợ ông là Bella Manningham. Jack dùng đèn ga để tìm báu vật ở gác xép, nhưng khi người vợ nhận ra đèn đang mờ đi và bàn với chồng về chuyện đó thì ông phủ nhận và bảo rằng đấy chỉ là do bà tưởng tượng ra. Đây là một dạng bạo hành tâm lý rất hiệu quả vì nó khiến nạn nhân tự nghi ngờ cảm xúc, bản năng và sự tỉnh táo của mình. Khi đó, kẻ bạo hành sẽ có rất nhiều quyền lực lên nạn nhân và có thể dễ dàng kiểm soát nạn nhân. Một khi nạn nhân đã mất khả năng tin tưởng vào chính bản thân mình thì họ sẽ khó mà rời bỏ người bạo hành hơn.

Ảnh từ bộ phim gaslight

Người bạo hành có thể dùng những chiêu trò sau để gaslight nạn nhân:

1. Từ chối: Người bạo hành có thể giả vờ không hiểu hoặc từ chối lắng nghe hay chia sẻ cảm xúc. Họ sẽ nói những câu như “Tôi không muốn nghe về vấn đề này nữa” hoặc là “Anh/em/bạn đang cố làm tôi hoang mang phải không”.

2. Phản kháng: Người bạo hành sẽ chất vấn trí nhớ của nạn nhân mặc dù nạn nhân đã nhớ đúng. Một ví dụ là trong phim Gas Light, Jack thay đổi vị trí của các đồ vật trong nhà và khi Bella chỉ ra sự khác biệt đó thì Jack khăng khăng bảo rằng vợ mình bị điên và trí nhớ cô có vấn đề. “Anh/em sai rồi, anh/em chẳng bao giờ nhớ gì cả!” hay “Nhớ lần trước anh/em cũng nghĩ vậy mà rốt cuộc anh/em đã sai đấy!” là những câu nói điển hình của kẻ sử dụng chiêu trò này.

3. Ngăn chặn/Đánh lạc hướng: Người bạo hành tìm cách đánh lạc hướng bằng cách thay đổi chủ đề sang chất vấn suy nghĩ của nạn nhân. Chiêu trò này được thể hiện qua những câu như “Rõ ràng là mày đang tưởng tượng ra thôi chứ làm gì có chuyện như thế!”, “Con không đủ trình độ để hiểu, để nhận thức sự việc nên mới có phản ứng bốc đồng như vậy”, hoặc “Cái này chắc lại là suy nghĩ điên rồ từ đứa bạn của anh/em chứ gì! Sao cứ nghe lời nó mãi thế!”

4. Tầm thường hóa: Người bạo hành sẽ không coi trọng cảm xúc hay suy nghĩ của bạn. Họ sẽ nói những câu như là “Anh/em nhạy cảm quá đấy!” hoặc “Chuyện chẳng có gì mà sao mày cứ làm quá lên vậy!” hoặc “Cô/cậu định cãi nhau chỉ vì chuyện cỏn con như thế này thôi à?”

5. Giả quên/Chối bỏ: Người bạo hành giả vờ như họ đã quên mọi chuyện hoặc chối bỏ sự thật rằng họ đã làm việc gì đó, ví dụ như việc họ chối bỏ rằng họ đã hứa với nạn nhân để không phải thực hiện lời hứa. Họ sẽ coi lời cáo buộc đúng đắn của nạn nhân là vớ vẩn vì họ “chưa bao giờ làm như vậy”. Hoặc khi người bạo hành có câu nói mang tính xúc phạm nạn nhân và biết đó là sai, nhưng khi nạn nhân phản kháng hoặc tìm kiếm sự giúp đỡ, người đó sẽ lái câu chuyện sang một hướng khác và chối biệt việc mình đã làm.

Gaslighting thường diễn ra rất chậm. Ban đầu, hành vi của người bạo hành có vẻ như rất bình thường và vô hại. Tuy nhiên, qua thời gian, những hành vi này sẽ được lặp lại và tiếp diễn đến khi nạn nhân cảm thấy hoang mang, lo lắng, sợ sệt, cô độc, trầm cảm, và cuối cùng họ có thể bị mất khả năng nhận thức chuyện gì đang diễn ra và đâu là sự thật. Khi đó, họ sẽ phải nhờ vả và phụ thuộc vào người bạo hành để xác định đâu mới là thực tế, từ đó tạo nên một tình huống khiến việc dứt bỏ là vô cùng khó khăn.

Hậu quả của Gaslight (thao túng nạn nhân) có thể rất nặng nề, nhẹ nhất là khiến cho nạn nhân tự nghi ngờ bản thân cho đến nặng hơn cả là đẩy nạn nhân vào rối loạn trầm cảm, rối loạn lo âu và không còn tỉnh táo. Chúng ta cần phải để ý từng lời nói, hành động của mình và cố gắng đừng dồn ép người khác vào đường cùng chỉ để chứng minh quan điểm của mình là đúng.

Bạn có đang bị gaslight?

Chồng bạn đã đi quá giới hạn với việc tán tỉnh một người phụ nữ khác tại bữa tiệc tối. Khi bạn đối chất anh ta thì anh ta lại yêu cầu bạn dừng việc cảm thấy bất an và kiểm soát lại. Sau cuộc tranh luận dài, bạn xin lỗi vì đã gây khó dễ cho anh ta.

Sếp của bạn ủng hộ dự án của bạn khi bạn gặp riêng ông ta trong phòng làm việc, và bạn cứ thế làm. Nhưng trong cuộc họp nhân viên lớn – bao gồm cả nhân viên của bạn – ông ta đột nhiên thay đổi thái độ và công khai chỉ trích quyết định của bạn. Khi bạn nói cho ông ta suy nghĩ của mình về việc này sẽ ảnh hưởng uy tín của bạn thế nào, ông ta nói với bạn rằng dự án đã bị nhận định sai và bạn sẽ phải cẩn thận hơn trong tương lai. Bạn bắt đầu nghi ngờ năng lực của mình.

Mẹ bạn xem thường công việc của bạn, bạn bè của bạn, và bạn trai của bạn. Nhưng thay vì phản đối lại như lời bạn bè khuyên, bạn lại nói với họ rằng mẹ bạn thường đúng và một người trưởng thành nên có khả năng tiếp thu sự chỉ trích.

Nếu bạn nghĩ những điều này không thể xảy ra với mình, thì hãy nghĩ lại đi. Gaslight xảy ra khi một người nào đó muốn bạn làm việc mà bạn biết bạn không nên làm và tin vào những điều không thể tin nổi. Điều này có thể xảy ra với bạn và nó chắc chắn là đã xảy ra rồi. Làm thế nào để chúng ta biết được?

Nếu bạn đang cân nhắc câu trả lời “có” với thậm chí là chỉ một trong số các câu hỏi sau thì bạn chắc chắn là đã từng bị gaslight:Quan điểm của bạn về bản thân có thay đổi theo sự tán thành và phản đối của người khác, những người có vai trò quan trọng trong cuộc đời bạn, ví dụ như là người bạn đời, bố mẹ, thành viên gia đình, bạn thân?Bạn có hoảng sợ khi những sai lầm nhỏ nhặt xảy ra trong gia đình – mua nhầm loại kem đánh răng, chưa chuẩn bị bữa tối kịp, một buổi hẹn bị ghi sai trên lịch?

Gaslight là một hình thức xấu xa của lạm dụng và điều khiển cảm xúc, cái rất khó để nhận ra và để thoát khỏi nó còn khó hơn. Đó là vì nó tham gia vào một trong những nỗi sợ hãi tồi tệ nhất của chúng ta – sợ bị bỏ rơi – và rất nhiều khao khát thầm kín của chúng ta: được thấu hiểu, tôn trọng và yêu thương. Trong hướng dẫn đổi mới này, nhà trị liệu nổi tiếng bác si Robin Stern chỉ ra cách hiệu ứng Gaslight hoạt động và nói cho bạn cách để:

Bật rada Gaslight của bạn lên, để bạn biết khi nào mối quan hệ đang tiến đến rắc rối.

Nhận ra 3 giai đoạn của gaslight: hoài nghi, phòng thủ & trầm cảm

Quá trình gaslight xảy ra theo các giai đoạn – mặc dù các giai đoạn không phải lúc nào cũng theo đường thẳng và thỉnh thoảng gối lên nhau, chúng phản ánh những trạng thái tâm lý và cảm xúc khác nhau của tâm trí.

Giai đoạn đầu tiên là sự** hoài nghi**: khi dấu hiệu đầu tiên của gaslight xuất hiện. Trong suốt giai đoạn đầu tiên này, những chuyện xảy ra giữa bạn và người bạn đời của bạn – hoặc sếp, bạn bè, thành viên gia đình bạn – dường như kỳ quặc đối với bạn. Một phụ nữ trẻ tôi quen biết – Rhonda, kể với tôi về cuộc hẹn hò lần thứ hai với Dean. Cô bị sốc khi, sau một bữa ăn tối kinh khủng, anh ta đã bỏ mặc cô ở bến xe bus – anh bảo cô là đồ dở hơi khi chờ xe bus, và nếu cô muốn đi lại theo cách đó thì anh sẽ không chờ xe bus cùng với cô và sẽ gặp cô lúc khác. Nhưng, món ấn tượng là anh ta gọi lại cho cô đêm đó – lưu ý là cô cũng nghe điện thoại – và anh ta khẳng định rằng mình không sai khi đi tàu điện ngầm, trong khi cô đi xe bus – thêm nữa, anh ta nói với cô là chắc chắn có điều gì đó sai trái về lựa chọn đi lại của cô. Cô tranh cãi, nhưng cuối cùng lại không xem hành vi của anh ta là “thực sự kì quặc”. Khi kể lại câu chuyện, cô nói nó thật là “kì quặc” và anh ấy nhất định phải có một “điều gì đó” về những chiếc xe bus — nhưng cô thực sự muốn gặp lại anh— họ có quá nhiều điểm chung và anh ấy rất lãng mạn.

Giai đoạn tiếp theo là phòng thủ: ở đó bạn đang tự bảo vệ bản thân chống lại sự thao túng của kẻ gaslight. Hãy nghĩ về nó – ví dụ, bạn nói với sếp rằng bạn không vui với những nhiệm vụ mà bạn được phân công làm; bạn cảm thấy bạn bị bỏ qua ở những nhiệm vụ tốt nhất — bạn hỏi ông ấy tại sao như vậy. Thay vì giải quyết vấn đề, ông ấy nói là bạn quá nhạy cảm và quá căng thẳng…vâng, có thể bạn đang quá nhạy cảm và căng thẳng, nhưng nó vẫn chưa trả lời câu hỏi tại sao bạn lại bị bỏ qua trong những nhiệm vụ tốt hơn kia. Nhưng thay vì dừng lại ở đó hoặc chuyển đề tài nói chuyện, bạn lại bắt đầu bảo vệ bản thân – nói với sếp là bạn không nhạy cảm hay bị stress, hoặc stress không ảnh hưởng đến khả năng làm việc của bạn. Trong suốt giai đoạn này, bạn phát điên bởi cuộc nói chuyện…nghiễn ngẫm liên tục như một cuộn băng vô tận trong tâm trí bạn Những kiểu nói chuyện đó là đặc trưng của các mối quan hệ của bạn. Bạn không thể chịu được việc sếp nhận định tình hình như vậy và bạn càng làm việc nhiều hơn ở những nhiệm vụ mà bạn thấy tẻ nhạt, thậm chí làm bạn mất giá trị, chỉ để chứng minh rằng bạn không quá nhạy cảm và bị stress.

Giai đoạn tiếp theo là trầm cảm: khi bạn đến giai đoạn này thì bạn cảm thấy thiếu niềm vui một cách rõ ràng, bạn hầu như không nhận ra được chính mình nữa. Một số hành vi của bạn có cảm giác thực sự xa lạ. Trên thực tế, bạn không kể với mọi người về mối quan hệ của bạn – chẳng có người bạn nào thích anh chàng của bạn. Mọi người có thể bày tỏ nỗi lo lắng về bạn — họ đối xử với bạn như thể bạn thực sự đang gặp vấn đề. Một trong những ví dụ mà tôi viết về Melanie, một phụ nữ đáng yêu trong cuốn sách The Gaslight Effect: How to Spot and Survive the Hidden Manipulations Other People Use to Control Your Life. Trong câu chuyện, Melanie phát rồ vì cô không thể tìm được “đúng” loại cá hồi mà chồng cô thích (chồng cô thích cá hồi hoang dại) để nấu bữa tiệc tối cho công ty của chồng. Cô biết rằng chồng sẽ buộc tội cô không biết quan tâm đến anh ta để mà lo đi chợ sớm hơn. Những vụ việc như thế này đã từng xảy ra rất nhiều ở nhà, Melanie bắt đầu tin là anh ấy đúng – sau tất cả thì có điều gì quan trọng hơn chồng của cô. Tại sao cô không trở thành một người vợ biết quan tâm, chu đáo hơn? Cô cảm thấy không vui gần như là thường xuyên – và cô thực sự tin rằng mình có thể là một người vợ tốt hơn, chu đáo hơn. Cô bắt đầu tìm kiếm bằng chứng ủng hộ cho hành vi tồi tệ của cô. Melanie theo thời gian đã đánh mất khả năng nhận thấy có điều gì đó bất ổn trong mối quan hệ vợ chồng.

Cần một khoảng thời gian rất lâu và nhiều suy ngẫm và phân tích, kiểm tra thực tế và quản lý bản thân để quan điểm của Melanie thay đổi và để cô ấy đòi lại cuộc sống của cô và thực tế của cô.

Nguồn bài viết:

https://beautifulmindvn.com/2017/02/06/gaslight-thu-thuat-thao-tung-nan-nhan-va-nhung-he-qua-cua-no/

http://tamlyhoctoipham.com/hieu-ung-gaslighting-thao-tung-tinh-than

Wellcare tổng hợp

Đăng ký Khám từ xa

LogoWellcare
Đối tác sức khỏe TIN CẬYChúng tôi giúp bạn duy trì một lối sống lành mạnh, và khi bạn cần tham vấn y tế, chúng tôi kết nối bạn với những bác sĩ chuyên khoa hàng đầu qua gọi thoại và gọi video.
Thông tin công ty
(+84) 28 3622 6822[email protected]LA0208 Lexington Office, 67 Mai Chi Tho, An Phu Ward, Ho Chi Minh City, Vietnam
Tải ứng dụng
Theo dõi
© 2015 - 2024 • Wellcare • All Rights Reserved