Chấn Thương - Vết Thương Bị Đâm Thủng
Miễn trừ trách nhiệm: Thông tin này không nhằm mục đích thay thế cho tư vấn và kết luận từ chuyên gia y tế, hướng dẫn điều trị khẩn cấp hoặc quy trình đào tạo sơ cứu chính thức. Không sử dụng thông tin này để chẩn đoán hoặc xây dựng kế hoạch điều trị cho bất kỳ vấn đề sức khỏe hoặc bệnh lý nào mà chưa tham vấn trực tiếp với chuyên gia y tế. Nếu bạn đang ở trong một tình trạng y tế khẩn cấp hoặc đe dọa đến tính mạng, hãy tìm kiếm sự trợ giúp từ các cơ sở y tế ngay lập tức.
Vết thương đâm thủng, chẳng hạn như do giẫm phải đinh, đa số không gây chảy máu nhiều. Nhưng những vết thương này thường sâu và có thể nguy hiểm vì nguy cơ nhiễm trùng.
Hướng dẫn chăm sóc vết thương thủng
Rửa tay
Rửa tay sẽ giúp ngăn ngừa nhiễm trùng.
Cầm máu
Đè lên vết thương bằng một lực nhẹ bằng băng hoặc vải sạch.
Lau vết thương
Rửa vết thương bằng nước sạch trong 5 đến 10 phút. Nếu bụi bẩn hoặc mảnh vụn còn sót lại trong vết thương, hãy dùng khăn lau nhẹ nhàng. Bạn cần được nhân viên y tế giúp làm sạch vết thương, nếu bạn không thể tự loại bỏ hết bụi bẩn hoặc mảnh vụn.
Bôi thuốc mỡ
Thoa mỏng một lớp kem hoặc thuốc mỡ kháng sinh (Neosporin, Polysporin). Trong hai ngày đầu tiên, hãy rửa lại vùng bị thương và bôi lại thuốc kháng sinh khi thay băng. Một số thành phần trong một số loại thuốc mỡ có thể gây phát ban nhẹ ở một số người. Nếu phát ban xuất hiện, hãy ngừng sử dụng thuốc mỡ và chăm sóc vết thương ở cơ sở y tế. Đối với một số người bị dị ứng với kem hoặc thuốc mỡ kháng sinh, có thể sử dụng mỡ khoáng (Vaseline).
Che vết thương
Băng bó để giúp giữ vết thương sạch sẽ.
Thay băng
Vết thương cần được thay băng hàng ngày hoặc bất cứ khi nào lớp băng bị ướt hoặc bẩn.
Theo dõi các dấu hiệu nhiễm trùng
Hãy đi khám bác sĩ nếu vết thương không lành hoặc bạn nhận thấy nó ngày càng đau, có mủ, sưng tấy hoặc sốt. Vết đỏ lan rộng là dấu hiệu của nhiễm trùng. Bạn có thể không nhìn thấy vết đỏ nếu có làn da màu nâu hoặc đen. Các vết nhiễm trùng cũng có thể có màu xám tía hoặc đậm hơn màu da thông thường của bạn.
Chăm sóc tại cơ sở y tế nếu vết thương có dấu hiệu nhiễm trùng
Các dấu hiệu nhiễm trùng bao gồm:
- Sốt.
- Đỏ, sưng, nóng hoặc đau ngày càng tăng xung quanh vết thương.
- Vết thương bốc ra mùi hôi
- Mủ chảy ra từ vết thương.
- Các vệt đỏ xuất hiện xung quanh vết thương hoặc chạy dài lên cánh tay hoặc chân.
Chăm sóc y tế kịp thời
Đến cơ sở y tế ngay lập tức nếu vết thương của bạn:
- Vẫn tiếp tục chảy máu sau vài phút đè băng trực tiếp vào vết thương (áp lực vừa phải).
- Do bị động vật hoặc con người cắn.
- Sâu và bẩn.
- Do một vật kim loại gây ra.
- Sâu và ở vị trí đầu, cổ, bìu, ngực hoặc bụng.
- Trên vị trí của một khớp và có thể là sâu.
- Là do bị hành hung hoặc cố gắng tự sát.
Nếu bạn chưa tiêm phòng uốn ván trong 5 năm qua và vết thương sâu hoặc bẩn, bác sĩ có thể sẽ đề nghị tiêm nhắc lại. Bạn nên tiêm nhắc lại trong vòng 48 giờ sau khi bị thương.
Nếu vết thương do mèo hoặc chó, hãy xác nhận rằng chúng đã được việc tiêm phòng bệnh dại đầy đủ và đúng hạn. Còn nếu là do động vật hoang dã, thì hãy tư vấn với bác sĩ để loại trừ loài động vật nào là có nhiều khả năng mang bệnh dại nhất.
Biên dịch bởi Wellcare (Nguồn: Mayo Clinic)
- 17-08-2023 -