Sơ cứu Viêm dạ dày ruột

Sơ cứu Viêm dạ dày ruột
(Hình minh họa)

Viêm dạ dày ruột là tình trạng viêm niêm mạc ở dạ dày và ruột. Nguyên nhân gây viêm thường do:
  • Các loại vi rút.
  • Thức ăn hoặc nước bị nhiễm khuẩn hay ký sinh trùng.
  • Phản ứng với thức ăn lạ. Trẻ nhỏ có thể có các dấu hiệu và triệu chứng do nguyên nhân này. Trẻ sơ sinh đang bú mẹ có thể phản ứng với sự thay đổi chế độ dinh dưỡng của mẹ.
  • Tác dụng phụ của thuốc.
Các dấu hiệu và triệu chứng đặc trưng bao gồm:
  • Buồn nôn hoặc nôn
  • Tiêu chảy
  • Đau quặn bụng
  • Đôi khi sốt nhẹ
Tùy theo nguyên nhân gây viêm mà các triệu chứng trên có thể kéo dài một ngày tới hơn một tuần.

Nếu bạn nghi ngờ mình bị viêm dạ dày ruột:

  • Ngừng ăn trong vài giờ để dạ dày ổn định.
  • Uống nhiều nước, chẳng hạn như nước dành cho người chơi thể thao hoặc nước lọc, để tránh mất nước. Nếu bạn gặp vấn đề về dung nạp các loại chất lỏng, hãy uống từng ngụm nhỏ. Đảm bảo lượng nước tiểu bình thường và có màu vàng nhạt, trong suốt (không sẫm màu). Đi tiểu ít và nước tiểu sậm màu, hoặc chóng mặt và hoa mắt là các dấu hiệu của mất nước. Nếu có bất kỳ triệu chứng nào kể trên và bạn không thể uống đủ nước, hãy đi khám ngay.
  • Từ từ ăn trở lại: bắt đầu bằng thức ăn mềm, dễ tiêu như bánh quy giòn, bánh mỳ nướng, thạch, chuối, cơm và thịt gà. Dừng ăn khi lại bị nôn. Tránh sữa và các sản phẩm từ sữa, cà phê, rượu, thuốc lá và các loại thực phẩm béo, đồ ăn có nhiều gia vị trong vài ngày.
  • Cân nhắc sử dụng acetaminophen (Tylenol,...) để làm giảm sự khó chịu (không sử dụng cho nguời có bệnh gan).
  • Nghỉ ngơi: Bệnh và tình trạng mất nước có thể khiến bạn yếu đi và mệt mỏi.

Hãy đi khám bác sĩ khi bạn:

  • Nôn ói kéo dài hơn 2 ngày.
  • Tiêu chảy kéo dài hơn vài ngày.
  • Tiêu chảy có máu.
  • Sốt từ 38,3 độ C trở lên
  • Chóng mặt hoặc ngất xỉu khi đứng.
  • Lú lẫn.
  • Đau bụng ngày càng dữ dội

Nếu bạn nghi ngờ trẻ  bị viêm dạ dày ruột:

  • Để trẻ nghỉ ngơi.
  • Khi trẻ ngừng ói, bắt đầu cho trẻ uống từng lượng nhỏ dung dịch bù nước (CeraLyte, Enfalyte, Pedialyte). Đừng chỉ cho uống nước lọc hay nước táo.
  • Cho trẻ ăn lại từ từ với thức ăn nhạt, dễ tiêu như bánh mì nướng, cơm, chuối và khoai tây. Tránh cho ăn các sản phẩm từ sữa nhiều chất béo bão hòa như sữa nguyên kem (whole milk), kem lạnh, các loại thực phẩm có đường, như soda và bánh kẹo. Chúng có thể khiến tình trạng tiêu chảy nặng hơn.
  • Cân nhắc dùng acetaminophen (Tylenol,...)  để làm giảm sự khó chịu (không dùng khi trẻ bị bệnh về gan). Không nên cho bé uống aspirin.
  • Nếu bạn đang cho con bú, hãy tiếp tục cho trẻ bú mẹ. Nếu trẻ đang bú bình, hãy cho trẻ uống từng lượng nhỏ dung dịch bù nước đường uống hoặc sữa công thức thông thường.

Hãy đưa bé đi khám nếu bé:

  • Buồn ngủ bất thường.
  • Nôn ra máu.
  • Đi tiêu lỏng kèm máu.
  • Có dấu hiệu mất nước, như da khô, miệng khô, khát nhiều, mắt trũng, hoặc khóc không ra nước mắt. Ở trẻ sơ sinh, cần cảnh giác khi thóp ở đỉnh đầu trũng xuống và tã lót của trẻ vẫn khô từ 3 giờ trở lên.
  • Dưới 2 tuổi và bị sốt kéo dài hơn một ngày, hoặc bé 2 tuổi sốt trên ba ngày.


(Nguồn: Mayo Clinic)

- 28-05-2018 -