Sơ cứu Chấn thương đầu

Hầu hết chấn thương vùng đầu thường nhẹ và không cần theo dõi chuyên khoa hoặc nhập viện điều trị. Tuy nhiên ngay cả các chấn thương nhẹ vẫn có thể gây ra các triệu chứng mãn tính dai dẳng như đau đầu, khó tập trung, và bạn có thể phải mất một thời gian tránh các hoạt động bình thường để có thể nghỉ ngơi đầy đủ nhằm đảm bảo cho việc phục hồi hoàn toàn.
Sơ cứu Chấn thương đầu
(Hình minh họa)

Hãy gọi số 115 hoặc số cấp cứu tại địa phương nếu có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng rõ ràng nào dưới đây bởi vì chúng có thể là dấu hiệu của một chấn thương nghiêm trọng hơn.

Người lớn

  • Chảy nhiều máu vùng đầu hoặc mặt
  • Chảy máu hay tiết dịch từ mũi hoặc tai
  • Đau đầu dữ dội
  • Thay đổi mức độ ý thức trong vòng nhiều hơn một vài giây
  • Xuất hiện vết xanh tím dưới mắt hay sau tai
  • Ngừng thở
  • Bồn chồn
  • Mất thăng bằng
  • Yếu hay liệt một tay hay chân
  • Kích thước đồng tử không đều nhau
  • Nói lắp
  • Co giật

Trẻ em

  • Bất cứ dấu hiệu hay triệu chứng nào giống người lớn
  • Khóc liên tục
  • Bỏ ăn
  • Phồng thóp ở phía trước đầu (trẻ sơ sinh)
  • Nôn nhiều lần

Nếu xảy ra chấn thương đầu nặng

  • Giữ người đó nằm yên. Trong khi chờ các nhân viên y tế đến, cho người đó nằm xuống với đầu và vai nâng lên một chút. Không di chuyển nạn nhân trừ khi cần thiết, và tránh di động cổ. Nếu người đó đang đội mũ bảo hiểm thì không được tháo mũ ra.
  • Cầm máu. Sử dụng gạc vô trùng hay vải sạch để băng vết thương. Không băng trực tiếp lên vết thương nếu nghi ngờ vỡ xương sọ.
  • Theo dõi những thay đổi trong nhịp thở và ý thức. Nếu không có dấu hiệu tuần hoàn (thở, ho hay cử động), hãy tiến hành hồi sức tim phổi (CPR).


(Nguồn: Mayo Clinic)

- 28-05-2018 -