Sơ cứu Bỏng do điện giật

Bỏng điện có thể gây ra bởi một số nguồn điện như sét đánh, súng gây choáng hay do tiếp xúc với nguồn điện gia đình. Bạn có thể điều trị bỏng điện nhẹ giống như cách điều trị vết bỏng nhỏ khác.
Sơ cứu Bỏng do điện giật
(Hình minh họa)

Khi nào cần liên lạc với bác sĩ

Nếu bạn hoặc ai đó bị thương do tiếp xúc với điện, phải đến gặp bác sĩ ngay. Đôi khi vết thương do điện có thể gây tổn thương các mô bên trong, thường là ở cánh tay hoặc chân. Vết bỏng có thể nặng hơn là bạn nghĩ.

Chú ý

  • Không chạm vào người bị điện giật nếu họ vẫn đang tiếp xúc với dòng điện.
  • Gọi 115 hoặc cấp cứu nếu nguồn điện là dây cao áp hoặc sét đánh. Không được đến gần dây điện áp cao thế cho đến khi nguồn điện được ngắt vì điện cao thế thường không được cách điện. Ở cách xa ít nhất 6 mét, xa hơn nếu dây nhảy và đánh lửa.
  • Không di chuyển người bị bỏng điện trừ khi người đó đang gặp nguy hiểm.

Khi nào cần đến bệnh viện

  • Vết bỏng nặng
  • Đầu óc không minh mẫn
  • Khó thở
  • Có các vấn đề với nhịp tim (loạn nhịp tim)
  • Tim ngừng đập
  • Đau cơ và co thắt
  • Động kinh
  • Mất ý thức
Trong lúc chờ nhân viên y tế đến, hãy thực hiện theo các bước sau:
  • Ngắt nguồn điện nếu có thể. Nếu không, bạn hãy dùng một vật khô không dẫn điện làm từ bìa cứng, nhựa hay gỗ để tách người bị điện giật ra khỏi dòng điện.
  • Tiến hành hô hấp nhân tạo nếu người đó không có dấu hiệu tuần hoàn, chẳng hạn như thở, ho hoặc cử động.
  • Cố gắng tránh không cho nạn nhân bị lạnh.
  • Băng vùng bị bỏng bằng băng gạc vô trùng (nếu có) hoặc bằng vải sạch. Tránh dùng chăn hoặc khăn bông vì sợi bông có thể dính vào vết bỏng.


(Nguồn: Mayo Clinic)

- 28-05-2018 -