Sơ cứu Hồi sức tim phổi (CPR)

Hồi sức tim phổi (CPR) là một kỹ thuật cứu sống rất hữu ích trong nhiều trường hợp khẩn cấp, bao gồm đau tim hoặc sắp chết đuối (nạn nhân bị ngưng thở hoặc tim ngừng đập). Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến cáo tất cả mọi người, dù đã được huấn luyện hay chưa, hãy bắt đầu hồi sức tim phổi bằng cách ấn ngực.
Sơ cứu Hồi sức tim phổi (CPR)
(Hình minh họa)

Sẽ tốt hơn nếu bạn làm gì đó ngay cả khi không đủ kiến thức hoặc khả năng để thực hiện hồi sức tim phổi. Hãy nhớ rằng, sự khác biệt giữa việc bạn làm gì đó và không làm gì có thể cứu sống cả một mạng người.
Sau đây là lời khuyên của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ:
  • Đối với người chưa được huấn luyện: Nếu chưa được đào tạo về hồi sức tim phổi, bạn chỉ nên  thực hiện hồi sức tim phổi bằng tay. Điều đó có nghĩa là liên tục ấn ngực trong vòng 100 đến 120 lần mỗi phút cho đến khi nhân viên y tế đến nơi (được mô tả chi tiết hơn bên dưới). Bạn không cần phải hô hấp nhân tạo (hà hơi thổi ngạt vào miệng).
  • Đối với người đã được huấn luyện và sẵn sàng thực hiện. Nếu bạn đã được huấn luyện kỹ và tự tin vào khả năng bản thân, tiến hành ấn ngực trước thay vì kiểm tra đường thở và hô hấp nhân tạo. Bắt đầu hồi sức tim phổi với 30 lần ấn ngực trước khi kiểm tra đường thở và hô hấp nhân tạo.
  • Đối với người đã được huấn luyện theo các phương pháp trước đây. Nếu trước đây bạn đã được hướng dẫn hồi sức tim phổi nhưng không tự tin vào khả năng bản thân, hãy chỉ thực hiện việc ấn ngực ở mức 100 đến 120 lần mỗi phút. (Chi tiết được mô tả bên dưới)
Các lời khuyên trên áp dụng cho người lớn, trẻ em và em bé cần hồi sức tim phổi, nhưng không phải là trẻ sơ sinh.
Hồi sức tim phổi có thể giữ lượng oxy trong máu chảy vào não và các cơ quan quan trọng khác cho đến khi điều trị y tế khác có thể khôi phục lại nhịp tim bình thường.
Khi tim ngừng đập, thiếu oxy trong máu có thể gây tổn thương cho não trong vòng vài phút. Nạn nhân có thể chết trong vòng từ 8 đến 10 phút.
Để học hồi sức tim phổi đúng cách, hãy tham gia một khóa đào tạo sơ cứu được công nhận, bao gồm hồi sức tim phổi và cách sử dụng máy khử rung tim bên ngoài tự động (AED). Nếu bạn chưa được hướng dẫn và có mang theo điện thoại, hãy gọi 115 trước khi thực hiện hồi sức tim phổi. Điều phối viên có thể hướng dẫn các bước thực hiện cho đến khi người hỗ trợ đến.

Trước khi bắt đầu

Trước khi bắt đầu hồi sức tim phổi, hãy kiểm tra:
  • Nơi đó có an toàn cho nạn nhân/người bệnh không ?
  • Người đó vẫn còn ý thức hay bất tỉnh ?
  • Nếu người đó bất tỉnh, vỗ nhẹ hoặc lắc vai và hỏi lớn  “Anh/chị có sao không?”
  • Nếu không thấy có phản ứng gì và có 2 người ở đó, thì một người sẽ gọi 115 hoặc số khẩn cấp tại địa phương và người còn lại thực hiện hồi sức tim phổi. Trong trường hợp chỉ có một mình và có mang theo điện thoại, hãy gọi 115 trước khi tiến hành hồi sức tim phổi, trừ khi bạn nghĩ người đó không phản ứng do nghẹt thở (chẳng hạn như do chết đuối). Trong trường hợp đặc biệt này, tiến hành hồi sức tim phổi trong 1 phút và sau đó gọi 115 hay số khẩn cấp của bệnh viện địa phương.
  • Nếu có sẵn máy khử rung tim bên ngoài tự động, hãy tiến hành sốc tim theo hướng dẫn trên thiết bị, sau đó thực hiện hồi sức tim phổi.

Nhớ quy tắc C-A-B

Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ sử dụng các chữ cái đầu CAB, viết tắt của ấn ngực, thông đường thở, hà hơi thổi ngạt (compressions, airway, breathing) để giúp mọi nguời nhớ trình tự thực hiện hồi sức tim phổi.
Sơ cứu Hồi sức tim phổi (CPR)
(Nguồn: Saigonscouts)

Ấn ngực. Giúp máu lưu thông trở lại


  1. Đặt người đó nằm ngửa trên bề mặt chắc chắn.
  2. Quỳ xuống cạnh cổ và vai.
  3. Đặt gót bàn tay lên chính giữa ngực, ở giữa 2 nhũ hoa. Tay còn lại đè lên bàn tay thứ nhất. Giữ khuỷu tay thẳng, vai thẳng góc với tay.
  4. Sử dụng trọng lượng phần trên của cơ thể (không chỉ là cánh tay) và ấn thẳng xuống (nén) ngực tối thiểu 5cm nhưng không lớn hơn 6cm. Ấn mạnh ở mức 100 đến 120 lần một phút.
  5. Nếu chưa được hướng dẫn hồi sức tim phổi, tiếp tục ấn ngực cho đến khi có dấu hiệu cử động hoặc đến khi nhân viên y tế đến. Nếu bạn đã biết các bước thực hiện, tiếp tục kiểm tra đường thở và hà hơi thổi ngạt.

Đường thở. Làm thông đường thở


  1. Nếu bạn đã được hướng dẫn hồi sức tim phổi và đã thực hiện 30 lần ấn ngực, làm thông đường thở của người đó bằng cách cho ngửa đầu về phía sau và nâng cằm lên. Đặt lòng bàn tay lên trán nạn nhân và nhẹ nhàng đẩy đầu ngửa ra phía sau. Tay còn laị nhẹ nhàng đẩy cằm về phía trước.
  2. Kiểm tra nhịp thở bình thường trong vòng 5 hoặc 10 giây. Quan sát cử động của ngực, nghe tiếng thở, và cảm nhận hơi thở bằng cách áp má và tai vào ngực nạn nhân. Thở hổn hển là một triệu chứng bất thường. Nếu người đó hô hấp không bình thường và bạn đã được hướng dẫn hồi sức tim phổi, hãy tiến hành hà hơi thổi ngạt. Nếu người đó bất tỉnh do cơn đau tim và bạn chưa được hướng dẫn các bước tiến hành khẩn cấp, bỏ qua bước hà hơi thổi ngạt và tiếp tục ấn ngực.

Hà hơi thổi ngạt

Hà hơi thổi ngạt có thể thực hiện theo kiểu thổi hơi vào miệng hoặc vào mũi nếu miệng bị tổn thương nặng hoặc không thể mở được.

  1. Khi đường thở đã thông (bằng cách ngửa đầu ra sau, nâng cằm lên), hãy bịt mũi người đó để hà hơi thổi ngạt miệng-miệng và áp miệng bạn vào miệng người đó.
  2. Chuẩn bị thổi ngạt hai hơi. Thổi ngạt hơi đầu tiên trong 1 giây và quan sát xem lồng ngực có nâng lên không. Nếu ngực nâng lê, thổi ngạt hơi thứ hai. Nếu ngực không nâng lên, ngửa đầu ra sau và nâng cằm lên lại rồi thổi ngạt hơi thứ hai. Một chu trình bao gồm 30 lần ấn ngực sau 2 hơi thổi ngạt. Chú ý không thổi hơi quá nhiều hoặc cố hết sức thổi hơi.
  3. Ấn ngực để phục hồi tuần hoàn máu.
  4. Nếu người đó vẫn chưa cử động sau 5 chu trình (khoảng 2 phút) và có sẵn máy khử rung tim ngoài tự động, hãy mở máy và làm theo hướng dẫn. Tiến hành sốc lần một, sau đó tiếp tục hồi sức tim phổi, bắt đầu ấn ngực trước trong 2 phút trước khi thực hiện sốc lần 2. Nếu bạn chưa được hướng dẫn cách sử dụng máy, nhân viên trực tổng đài cấp cứu hoặc bác sĩ cấp cứu có thể hướng dẫn. Nếu không có sẵn máy, hãy thực hiện bước 5 bên dưới.
  5. Tiếp tục hồi sức tim phổi cho đến khi có dấu hiệu cử động hoặc đến khi nhân viên y tế đến.

Hồi sức tim phổi ở trẻ em

Quá trình hồi sức tim phổi cho trẻ từ 1-8 tuổi về cơ bản giống như các bước dành cho người lớn. Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ cũng đề nghị các bước sau để thực hiện CPR cho trẻ:
  • Nếu chỉ có một mình, thực hiện 5 chu kỳ ấn ngực và thổi ngạt cho trẻ (việc này thường mất khoảng 2 phút) trước khi gọi 115 hay số khẩn cấp địa phương hoặc sử dụng máy khử rung tim tự động.
  • Sử dụng cả 2 tay, hoặc 1 tay (nếu nạn nhân là trẻ nhỏ) để ấn ngực. Ấn thẳng xuống (nén) ngực khoảng 5cm. Đối với trẻ vị thành niên, ấn thẳng xuống (nén) ngực tối thiểu khoảng 5 cm, nhưng không lớn hơn khoảng 6cm.
  • Thổi ngạt nhẹ nhàng.
  • Thực hiện các bước ấn ngực và thổi ngạt tương tự như thực hiện với người lớn: gồm 30 lần ấn ngực tiếp theo là 2 lần thổi ngạt, được tính là 1 chu kỳ. Sau hai hơi thổi ngạt, lập tức bắt đầu chu kỳ ấn tim và thổi ngạt tiếp theo. Nếu có 2 người thực hiện hồi sức tim phổi, tiến hành 15 lần ấn ngực tiếp theo là 2 lần thổi ngạt.
  • Sau 5 chu trình (khoảng 2 phút) hồi sức tim phổi, nếu người đó không có phản ứng và có sẵn máy khử rung tim tự động, mở máy và làm theo các bước hướng dẫn. Sử dụng miếng đệm trẻ em nếu có cho trẻ từ 1 đến 8 tuổi. Nếu không có miếng đệm trẻ em, sử dụng miếng đệm dành cho người lớn. Không dùng máy khử rung tim cho trẻ dưới 1 tuổi. Tiến hành sốc lần một, sau đó tiếp tục hồi sức tim phổi (bắt đầu ấn ngực) trong 2 phút trước khi thực hiện sốc lần 2. Nếu bạn chưa được hướng dẫn sử dụng máy rung tim, nhân viên trực tổng đài cấp cứu có thể hướng dẫn.
Tiếp tục cho đến khi bé cử động hoặc nhân viên y tế đến.

Hồi sức tim phổi ở trẻ sơ sinh

Hầu hết ngừng tim ở trẻ sơ sinh xảy ra do thiếu oxy, chẳng hạn do chết đuối hoặc nghẹt thở. Nếu bạn nhận thấy bé bị nghẹt đường thở, hãy tiến hành sơ cứu nghẹt thở. Nếu không biết nguyên nhân bé ngừng thở, hãy tiến hành hồi sức tim phổi.
Để bắt đầu, kiểm tra tình trạng. Vuốt bé và xem có phản ứng gì không, chẳng hạn như cử động, nhưng tuyệt đối không được lắc bé.
Nếu không có phản ứng, hãy làm theo các bước CAB bên dưới và ghi lại thời gian gọi điện nhờ hỗ trợ.
  • Nếu chỉ có một mình và cần tiến hành hồi sức tim phổi, hồi sức tim phổi trong 2 phút (gồm 5 bước) trước khi gọi 115 hoặc số khẩn cấp của bệnh viện địa phương.
  • Nếu có 2 người, hãy nhờ người gọi hỗ trợ ngay lập tức trong khi bạn chăm sóc cho bé.

Ấn ngực để phục hồi tuần hoàn máu


  1. Đặt bé nằm ngửa trên mặt phẳng chắc chắn, chẳng hạn như mặt bàn hoặc mặt đất.
  2. Hãy tưởng tượng một đường nằm ngang được vẽ giữa 2 vú bé. Đặt 2 ngón tay của 1 tay bên dưới đường này, ngay chính giữa ngực.
  3. Nhẹ nhàng ấn ngực xuống khoảng 4 cm.
  4. Đếm trong khi thực hiện ấn ngực (100 - 120 cái/phút)

Đường thở. Thông đường thở


  1. Sau 30 lần ấn ngực, đẩy nhẹ đầu về phía sau bằng cách nâng cằm lên với 1 tay và đẩy trán xuống bằng tay còn lại.
  2. Trong vòng 10 giây, để tai gần miệng của bé để kiểm tra hơi thở: Tìm kiếm cử động ngực, nghe tiếng thở,và cảm nhận hơi thở bằng má và tai.

Hà hơi thổi ngạt


  1. Dùng miệng bạn phủ lên cả miệng và mũi của bé
  2. Chuẩn bị thổi hơi 2 lần liên tiếp. Dùng lực của má để nhẹ nhàng thổi hơi (thay vì lấy một hơi sâu từ phổi) từ từ thổi vào miệng bé một lần, lấy hơi trong vòng 1 giây. Quan sát xem ngực bé có phồng lên không. Nếu có, tiếp tục hà hơi thổi ngạt lần 2. Nếu không, cho bé ngửa đầu về phía sau, nâng cằm lên và tiến hành hà hơi thổi ngạt lần 2.
  3. Nếu ngực của bé vẫn không phồng lên, hãy kiểm tra miệng để chắc chắn rằng không có vật lạ ở bên trong. Nếu có thể thấy được dị vật, hãy dùng ngón tay để lấy nó ra. Nếu đường thở dường như bị tắc nghẽn, thực hiện các bước sơ cứu đối với trường hợp trẻ bị nghẹt thở.
  4. Thực hiện 2 hơi thổi ngạt sau mỗi 30 lần ép ngực. Nếu hai người đang tiến hành hồi sức tim phổi, thổi ngạt hai lần sau mỗi 15 lần ép ngực.
  5. Thực hiện hồi sức tim phổi khoảng hai phút trước khi gọi giúp đỡ trừ khi có người thực hiện cuộc gọi trong khi bạn sơ cứu cho bé.
  6. Tiếp tục hồi sức tim phổi cho đến khi thấy dấu hiệu của sự sống hoặc cho đến khi nhân viên y tế đến.


(Nguồn: Mayo Clinic)

- 28-05-2018 -