Độc - Nhiễm Độc

Thursday, 31/10/2024

Miễn trừ trách nhiệm: Thông tin này không nhằm mục đích thay thế cho tư vấn và kết luận từ chuyên gia y tế, hướng dẫn điều trị khẩn cấp hoặc quy trình đào tạo sơ cứu chính thức. Không sử dụng thông tin này để chẩn đoán hoặc xây dựng kế hoạch điều trị cho bất kỳ vấn đề sức khỏe hoặc bệnh lý nào mà chưa tham vấn trực tiếp với chuyên gia y tế. Nếu bạn đang ở trong một tình trạng y tế khẩn cấp hoặc đe dọa đến tính mạng, hãy tìm kiếm sự trợ giúp từ các cơ sở y tế ngay lập tức.

Ngộ độc là thương tích hoặc tử vong do nuốt, hít, chạm hoặc tiêm nhiều loại thuốc, hóa chất, nọc độc hoặc khí. Nhiều chất - chẳng hạn như thuốc và carbon monoxide - chỉ độc ở nồng độ hoặc liều lượng cao hơn. Một số loại chất tẩy rửa chỉ có hại nếu nuốt phải, trong khi những loại khác thì thải ra khí/khói độc hại. Trẻ em đặc biệt nhạy cảm, với ngay cả một lượng nhỏ một số loại thuốc và hóa chất.

Cách bạn xử trí để hỗ trợ người bị nhiễm độc sẽ phụ thuộc vào:

  • Triệu chứng của người đó
  • Tuổi của người đó
  • Bạn có xác định được loại và lượng chất gây ngộ độc hay không

Bạn cũng có thể nhận được sự trợ giúp từ trung tâm phòng chống độc thuộc bộ y tế và các bệnh viện lớn. Và trong nhiều trường hợp nhẹ, các chuyên gia của trung tâm có thể hướng dẫn chăm sóc và theo dõi tại nhà.

Khi nào nghi ngờ bị ngộ độc?

Các dấu hiệu và triệu chứng của ngộ độc có thể giống với các tình trạng khác, chẳng hạn như co giật, ngộ độc rượu, đột quỵ và phản ứng insulin. Các dấu hiệu và triệu chứng ngộ độc có thể bao gồm:

  • Bỏng hoặc đỏ quanh miệng và môi
  • Hơi thở có mùi hóa chất, chẳng hạn như xăng hoặc chất sơn pha loãng
  • Nôn mửa
  • Khó thở
  • Buồn ngủ
  • Lú lẫn hoặc trạng thái tinh thần đổi khác

Nếu nghi ngờ bị ngộ độc, hãy cảnh giác với những manh mối như chai hoặc vỏ thuốc rỗng, thuốc vương vãi, vết bỏng, vết bẩn và mùi hôi trên người hoặc đồ vật gần đó. Với một đứa trẻ, hãy cân nhắc khả năng trẻ có thể đã tự bôi miếng dán thuốc, uống thuốc kê đơn hoặc nuốt phải pin cúc áo.

Khi nào cần gọi cấp cứu?

Hãy gọi 115 hoặc số cấp cứu của địa phương ngay lập tức nếu người đó:

  • Buồn ngủ hoặc bất tỉnh
  • Khó thở hoặc đã ngừng thở
  • Bồn chồn hoặc kích động không kiểm soát được
  • Bị co giật
  • Được biết là đã dùng thuốc hoặc bất kỳ chất nào khác, dùng quá liều một cách cố ý hoặc vô tình (trong những tình huống này, ngộ độc thường liên quan đến lượng lớn hơn, thường là cùng với rượu)

Hoặc tư vấn với trung tâm hỗ trợ và phòng chống ngộ độc của địa phương trong các tình huống sau:

  • Người đó ổn định và không có triệu chứng gì
  • Người đó đang chờ được chuyển đến khoa cấp cứu địa phương

Hãy mô tả các triệu chứng, tuổi tác, cân nặng, các loại thuốc khác mà người đó đang dùng và bất kỳ thông tin nào bạn có về chất độc. Cố gắng xác định số lượng đã ăn vào và thời gian người đó tiếp xúc với chất độc. Nếu có thể, hãy chuẩn bị sẵn lọ thuốc, gói thuốc hoặc hộp đựng mà bạn nghi ngờ để cung cấp thêm chi tiết trên nhãn mác khi tư vấn với chuyên viên hỗ trợ.

Sơ cứu trong khi chờ nhận sự giúp đỡ

Thực hiện các hành động sau cho đến khi nhận được sự trợ giúp:

Nuốt phải chất độc

Loại bỏ bất cứ thứ gì còn sót lại trong miệng của người đó. Nếu chất độc bị nghi ngờ là chất tẩy rửa gia dụng hoặc hóa chất khác, hãy đọc nhãn của hộp đựng và làm theo hướng dẫn đối với trường hợp vô tình bị ngộ độc.

Chất độc trên da

Cởi bỏ quần áo bị nhiễm bẩn bằng găng tay. Rửa sạch da trong 15 đến 20 phút dưới vòi sen hoặc bằng vòi nước.

Chất độc vào mắt

Nhẹ nhàng rửa mắt bằng nước mát hoặc nước ấm trong 20 phút hoặc cho đến khi nhận được sự trợ giúp y tế.

Hít phải chất độc

Đưa người đó ra nơi có không khí trong lành càng sớm càng tốt.

Nếu người đó nôn

Hãy quay đầu sang một bên để họ không bị nghẹn.

Bắt đầu hô hấp nhân tạo

Nếu người đó không có dấu hiệu của sự sống, chẳng hạn như cử động, thở hoặc ho.

Hãy gọi tới trung tâm phòng chống độc

Hoặc cơ quan kiểm soát chất độc tại khu vực địa phương để được hướng dẫn thêm.

Nhờ ai đó thu thập thông tin về chất độc

Là các chai thuốc, gói hoặc hộp đựng có nhãn và bất kỳ thông tin nào khác về chất độc để đưa cho đội cứu thương mang theo về trung tâm cấp cứu.

Trong trường hợp quá liều opioid

Nếu người đó có nguy cơ dùng quá liều thuốc giảm đau opioid và bạn đang có sẵn naloxone (Narcan), vui lòng dùng ngay. Ngày nay, một số bác sĩ thường cung cấp sẵn cho mọi người những đơn thuốc tiêm Narcan phòng nguy cơ họ bị quá liều. Những người thân của bệnh nhân nên làm quen với cách sử dụng trước.

Thận trọng

Xi-rô ipecac.

Không cho uống si-rô ipecac hoặc làm bất cứ điều gì để kích thích gây nôn. Các nhà khoa học ngày nay không còn tán thành việc sử dụng ipecac trên trẻ em hoặc người lớn đã uống thuốc hoặc các chất có khả năng gây độc khác. Không có bằng chứng xác đáng nào chứng minh được tính hiệu quả của nó và nó thường có thể gây hại nhiều hơn là có lợi.

Nếu bạn vẫn còn những chai xi-rô ipecac cũ trong nhà, hãy vứt chúng đi.

Pin nút

Các loại pin nhỏ, phẳng được sử dụng trong đồng hồ và các thiết bị điện tử khác - đặc biệt là loại pin lớn hơn, có kích thước bằng niken - đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ nhỏ. Pin mắc kẹt trong thực quản có thể gây bỏng mô nghiêm trọng.

Nếu bạn nghi ngờ trẻ đã nuốt phải một trong những cục pin này, hãy ngay lập tức đưa trẻ đi chụp X-quang khẩn cấp để xác định vị trí của pin. Nếu pin nằm trong thực quản thì phải lấy ra. Nếu nó đã đi vào dạ dày, thì việc để cho nó đi qua đường ruột thường là an toàn.

Miếng dán thuốc

Nếu bạn cho rằng trẻ dùng miếng dán thuốc - loại thuốc dán để đưa thuốc vào cơ thể qua da - hãy kiểm tra cẩn thận da của trẻ và loại bỏ bất kỳ miếng dán nào còn dính. Ngoài ra, hãy kiểm tra vòm miệng, nơi miếng dán thuốc có thể bị kẹt nếu trẻ ngậm.

Biên dịch bởi Wellcare (Nguồn: Mayo Clinic) - 04-06-2022

Đăng ký Khám từ xa

LogoWellcare
Đối tác sức khỏe TIN CẬYChúng tôi giúp bạn duy trì một lối sống lành mạnh, và khi bạn cần tham vấn y tế, chúng tôi kết nối bạn với những bác sĩ chuyên khoa hàng đầu qua gọi thoại và gọi video.
Thông tin công ty
(+84) 28 3622 6822[email protected]LA0208 Lexington Office, 67 Mai Chi Tho, An Phu Ward, Ho Chi Minh City, Vietnam
Tải ứng dụng
Theo dõi
© 2015 - 2024 • Wellcare • All Rights Reserved