Độc - Viêm Dạ Dày Ruột
Miễn trừ trách nhiệm: Thông tin này không nhằm mục đích thay thế cho tư vấn và kết luận từ chuyên gia y tế, hướng dẫn điều trị khẩn cấp hoặc quy trình đào tạo sơ cứu chính thức. Không sử dụng thông tin này để chẩn đoán hoặc xây dựng kế hoạch điều trị cho bất kỳ vấn đề sức khỏe hoặc bệnh lý nào mà chưa tham vấn trực tiếp với chuyên gia y tế. Nếu bạn đang ở trong một tình trạng y tế khẩn cấp hoặc đe dọa đến tính mạng, hãy tìm kiếm sự trợ giúp từ các cơ sở y tế ngay lập tức.
Viêm dạ dày ruột là tình trạng viêm dạ dày và ruột. Nguyên nhân phổ biến là:
- Vi-rút
- Thực phẩm hoặc nước bị ô nhiễm bởi vi khuẩn hoặc ký sinh trùng
- Tác dụng phụ từ thuốc
Các dấu hiệu và triệu chứng đặc trưng bao gồm:
- Buồn nôn hoặc nôn mửa
- Tiêu chảy
- Đau bụng
- Sốt nhẹ (đôi khi)
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây viêm, các triệu chứng có thể kéo dài từ một ngày đến hơn một tuần.
Nếu người lớn bị viêm dạ dày ruột
Nhâm nhi chất lỏng, chẳng hạn như đồ uống thể thao hoặc nước, để tránh mất nước
Uống nước quá nhanh có thể làm buồn nôn và nôn nặng hơn, vì vậy hãy cố gắng uống từng ngụm nhỏ và thường xuyên trong vài giờ, thay vì uống dồn dập nhiều nước cùng một lúc.
Lưu ý đi tiểu
Bạn nên đi tiểu đều đặn và nước tiểu của bạn cần phải nhạt và trong. Nước tiểu sẫm màu và không đi tiểu thường xuyên là dấu hiệu của tình trạng mất nước. Chóng mặt và choáng váng cũng là dấu hiệu mất nước. Nếu có thêm bất kỳ dấu hiệu và triệu chứng nào khác và bạn không thể uống đủ nước, hãy khám với bác sĩ ngay.
Từ từ ăn uống trở lại
Chỉ ăn những lượng nhỏ thức ăn và thường xuyên khi bạn cảm thấy buồn nôn. Hoặc là, dần dần bắt đầu với những món ăn nấu nhạt, đơn giản, dễ tiêu hóa, chẳng hạn như bánh quy giòn, bánh mì nướng, chuối, táo, cơm và thịt gà. Và bạn nên ngừng ăn nếu cảm giác buồn nôn quay trở lại. Tránh sữa và các sản phẩm từ sữa, caffein, rượu, nicotin và thức ăn béo, thức ăn chứa nhiều gia vị trong vài ngày.
Nghỉ ngơi nhiều
Viêm dạ dày ruột và tình trạng mất nước có thể khiến cơ thể bạn yếu và mệt mỏi.
Khi nào cần khám với bác sĩ?
- Nôn kéo dài hơn hai ngày (48 tiếng)
- Tiêu chảy kéo dài hơn vài ngày
- Tiêu chảy ra máu
- Sốt hơn 39 độ C trở lên
- Choáng váng hoặc ngất xỉu khi đứng lên
- Không tỉnh táo
- Đau bụng nhiều và ngày càng tăng
Nếu trẻ bị viêm dạ dày ruột
- Cho trẻ nghỉ ngơi nhiều.
- Khi trẻ hết nôn, hãy bắt đầu cho trẻ uống ít một dung dịch bù nước (tương đương nước dừa tươi), sẽ tốt hơn nước lọc hoặc nước ép táo. Uống nước quá nhanh và quá nhiều có thể làm trẻ tăng cảm giác buồn nôn và nôn nhiều hơn, vì vậy hãy cho trẻ uống từng ngụm nhỏ và thường xuyên trong vài giờ, thay vì uống một lượng lớn cùng một lúc. Hãy thử sử dụng bình bú nước chứa dung dịch bù nước thay vì chai hoặc cốc.
- Từ từ cho trẻ ăn lại các loại thực phẩm nấu nhạt, dễ tiêu hóa, chẳng hạn như bánh mì nướng, cơm, chuối và khoai tây. Tránh cho trẻ ăn các sản phẩm từ sữa nguyên kem, như sữa nguyên chất hay các chế phẩm từ sữa, và các thức ăn có đường như sô-cô-la và bánh kẹo. Những thứ này có thể làm trẻ bị tiêu chảy nặng hơn.
- Nếu trẻ còn đang bú mẹ, hãy tích cực cho bé bú. Nếu trẻ bú bình, hãy cho bé uống từng lượng nhỏ dung dịch bù nước hoặc sữa công thức thông thường.
Khi nào cần cho trẻ khám với bác sĩ?
- Lừ đừ và li bì.
- Nôn ói rất nhiều hoặc nôn ra máu.
- Tiêu chảy ra máu.
- Có dấu hiệu mất nước, chẳng hạn như khô miệng và da, rất khát nước, mắt trũng sâu hoặc khóc mà không có nước mắt. Ở trẻ sơ sinh, hãy cảnh giác với phần thóp trên đỉnh đầu khi bị trũng xuống và tã bé vẫn khô trong ba giờ đồng hồ trở lên.
- Khi trẻ là một em bé sơ sinh và đang bị sốt.
- Khi trẻ lớn hơn ba tháng tuổi và bị sốt từ 39 độ C trở lên.
Biên dịch bởi Wellcare (Nguồn: Mayo Clinic) - 08-08-2023