Giữ gìn sức khỏe răng miệng khi về già
Nhận thức và suy nghĩ của mọi người về sức khỏe răng miệng đã thay đổi rất nhiều chỉ trong một khoảng thời gian ngắn… Gọi bác sĩ trực tuyến 24/7
Nhận thức và suy nghĩ của mọi người về sức khỏe răng miệng đã thay đổi rất nhiều chỉ trong một khoảng thời gian ngắn
Mặc dù các vấn đề về sức khỏe răng miệng chắc chắn sẽ trở nên phổ biến hơn khi bạn về già, nhưng cũng còn có rất nhiều điều hiểu lầm về sức khỏe răng miệng và tuổi già. Một trong số những hiểu lầm lớn nhất đó là khi về già, chắc chắn bạn sẽ bị rụng răng. Nhưng thực ra, điều này hoàn toàn không đúng.
Răng hoàn toàn có thể tồn tại trong suốt cuộc đời bạn mà không bị rụng. Tình trạng sức khỏe răng miệng của bạn là một vấn đề cũng vô cùng quan trọng đối với sức khỏe nói chung và sẽ góp phần kéo dài tuổi thọ của bạn. Chăm sóc sức khỏe răng miệng tốt cũng là bạn đang chăm sóc cho những phần còn lại của cơ thể và góp phần kéo dài tuổi thọ cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống của chính bản thân mình.
Không chăm sóc sức khỏe răng miệng trong thời gian dài có thể dẫn đến viêm lợi mạn tính (chảy máu lợi), từ đó có thể dẫn đến sự thoái hóa của các cấu trúc nền tảng của răng và sẽ dẫn đến rụng răng khi về già.
Tuổi già và nguy cơ bệnh tật
Có một số sự thật thú vị cũng như một số hiểu lầm giữa tình trạng sức khỏe răng miệng và tuổi tác.
Sâu răng: Thông thường, nguy cơ sâu răng của chúng ta sẽ cao nhất khi ở còn là trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên. Khi chúng ta lớn tuổi hơn, bộ răng của chúng ta đã bắt đầu hình thành ổn định thì rất ít khi tình trạng sâu răng mới sẽ xuất hiện. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là người lớn sẽ không bao giờ bị sâu răng. Có một loại sâu răng sẽ trở nên phổ biến hơn khi lớn tuổi đó là sâu chân răng (root carries). Đây là tình trạng tổn thương xuất hiện ở bề mặt chân răng (thường bị lợi bao phủ). Tình trạng này sẽ ảnh hưởng đến mức độ sản xuất nước bọt và có thể làm tăng đáng kể nguy cơ sâu chân răng. Các vùng khác cũng dễ có nguy cơ bị sâu răng khi về già là các răng đã được phục hình từ trước nhưng không được kiểm soát và thay thế đúng thời hạn.
Bệnh về lợi: Khi chúng ta lớn tuổi, nguy cơ mắc các bệnh về lợi (nướu) sẽ tăng lên. Càng lớn tuổi, chúng ta lại càng cần phải thận trọng nhiều hơn trong việc theo dõi, duy trì và chăm sóc sức khỏe răng miệng.Ung thư hàm mặt: Nguy cơ ung thư hàm mặt sẽ tăng lên theo tuổi. Mặc dù các yếu tố nguy cơ ung thư lớn nhất thuộc về lối sống, nhưng khi về già, vẫn cần đặc biệt thận trọng trong việc khám sàng lọc ung thư miệng và ung thư hàm mặt.
Khô miệng ở người già
Khô miệng có thể là một vấn đề lớn với người cao tuổi. Khô miêng ở người cao tuổi có thể liên quan với các tình trạng bệnh tật hoặc việc dùng thuốc. Nước bọt chứa rất nhiều chất khoáng và các tế bào miễn dịch giúp bảo vệ răng, chống sâu răng và nhiễm trùng, do vậy, nếu bạn bị giảm lượng nước bọt, bạn sẽ dễ mắc phải các vấn đề về răng miệng hơn. Sự cân bằng canxi trong miệng chịu sự chi phối của răng và mức độ vi khuẩn trong miệng, đóng một vai trò nhất định trong việc sản xuất ra nước bọt. Hãy đảm bảo rằng bạn uống đủ nước, tốt nhất là để bản thân không bao giờ thấy khát và trao đổi với bác sỹ về các loại sản phẩm có thể sẽ giúp kiểm soát tình trạng khô miệng của bạn.
Các tình trạng bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng
Một số tình trạng bệnh lý có liên quan và có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng ở người cao tuổi. Ví dụ như bệnh ung thư, tiểu đường và bệnh tim mạch. Sức khỏe răng miệng kém cũng có thể làm một số tình trạng bệnh diễn biến nặng hơn. Do vậy, việc thông báo cho nha sỹ biết nếu bạn đang mắc phải bất cứ tình trạng bệnh nào là vô cùng quan trọng để nha sỹ có thể tính đến các yếu tố khác, có thể ảnh hưởng đến việc điều trị cho bạn.
Có mối liên quan rất chặt chẽ chứa những người bị bệnh về lợi và bệnh tim mạch vì nguy cơ nhồi máu cơ tim là yếu tố nguy cơ chính ở những người bị bệnh về lợi ở mức độ nặng.
Tiểu đường typ 2 – căn bệnh rất phổ biến ở người cao tuổi cũng có thể làm nặng thêm tình trạng sức khỏe răng miệng bởi bệnh tiểu đường có thể ảnh hưởng đến hệ miễn dịch.
Các loại thuốc và sức khỏe răng miệng
Người cao tuổi thường sẽ phải dùng rất nhiều các loại thuốc khác nhau. Và trong số đó, nhiều khả năng sẽ có một vài loại thuốc gây ra những ảnh hưởng nhất định đối với khoang miệng.
Khô miệng, như đã nói ở trên, có thể do việc sử dụng một số loại thuốc gây ra. Các loại thuốc làm giảm sự tiết nước bọt có thể sẽ ảnh hưởng đến nguy cơ mắc các bệnh về răng miệng của bạn (ví dụ như sâu răng) bao gồm:
Thuốc chống trầm cảm: có rất nhiều loại thuốc chống trầm cảm có thể làm giảm sự tiết nước bọt bằng cách làm giảm các phản ứng của các tế bào thần kinh. Việc này cũng có thể gây ảnh hưởng đến sự sản xuất nước bọt tại các tuyến nước bọt. Do vậy, những người đang sử dụng các loại thuốc chống trầm cảm sẽ có nguy cơ bị sâu chân răng cao hơn.
*Thuốc điều trị Parkinson: *Cũng tương tự như thuốc chống trầm cảm, thuốc điều trị bệnh Parkinson có thể sẽ làm giảm sự sản xuất nước bọt.
Thuốc điều trị tăng huyết áp: Một số loại thuốc điều trị tăng huyết áp cũng có thể làm giảm sự tiết nước bọt. Một số loại khác có thể chỉ khiến người uống có cảm giác khô miệng, nhưng thực sự thì không làm giảm sự tiết nước bọt.
Bisphosphinates: Loại thuốc này ảnh hưởng đến tỷ lệ xương bị thay đổi và có thể làm tăng nguy cơ mắc các biến chứng như hoại tử răng do chiếu tia, sau khi tiến hành các thủ thuật như nhổ răng.Nếu bạn đang sử dụng những loại thuốc này hoặc các loại thuốc khác, ví dụ như thuốc kiểm soát đường huyết, thì việc thường xuyên tới gặp nha sỹ là rất cần thiết để đảm bảo rằng, bạn không có nguy cơ mắc phải các biến chứng.
Thay đổi lợi khi về già
Khi bạn lớn tuổi hơn, lợi có thể sẽ bị tụt do các tác động mà chúng ta gây ra làm tổn thương lợi. 3 điều mà bạn cần nhớ, và cũng vô cùng quan trọng đó là:
- Tình trạng tụt lợi có thể sẽ làm lộ ra bề mặt của chân răng, đây là phần răng không được men răng bảo vệ . Do vậy, hậu quả là bạn sẽ rất nhạy cảm với đồ ăn/đồ uống nóng hoặc lạnh. Sử dụng kem đánh răng dành riêng cho răng nhạy cảm sẽ làm giảm bớt tình trạng nhạy cảm, nhưng bạn cũng nên được nha sỹ kiểm tra trước để đảm bảo rằng, bạn không mắc phải các tình trạng bệnh nặng hơn, ví dụ như sâu răng hoặc tổn thương răng.
- Phần bề mặt chân răng lộ ra cũng có nghĩa là chân răng của bạn sẽ trở thành mục tiêu tấn công của cao răng và sâu răng
- Người cao tuổi sẽ dễ mắc phải các vấn đề về lợi hơn
Do vậy, càng lớn tuổi, việc quan tâm chăm sóc sức khỏe răng miệng lại càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Các cách chăm sóc răng miệng khi về già
Dưới đây là 6 cách bạn có thể áp dụng để giữ gìn sức khỏe răng miệng
Hạn chế tiêu thụ đồ ngọt và đồ ăn/uống giàu tinh bột
Cả đồ ngọt và đồ nhiều tinh bột đều không tốt cho răng của bạn, cho dù bạn già hay trẻ. Đường sẽ tạo ra axit và có thể sẽ khiến răng bạn bị mòn. Thực phẩm giàu tinh bột sẽ bám vào răng và dẫn đến hình thành các mảng bám, gây tích tụ vi khuẩn. Tránh sử dụng cả các chất tạo ngọt nhân tạo như aspartame bởi chúng có thể sẽ khiến bạn thèm đồ ngọt hơn, liên quan đến nguy cơ tăng cân và tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, tăng huyết áp và bệnh tim mạch.
Chải răng và dùng chỉ nha khoa hàng ngày
Hãy đảm bảo rằng bạn chải răng hai lần một ngày và dùng chỉ nha khoa một lần một ngày. Chải răng và dùng chỉ nha khoa là những cách tốt nhất giúp bạn chống lại việc hình thành mảng bám, sâu răng và bệnh về lợi.
Thường xuyên đi khám nha sỹ
Bằng việc thường xuyên đi khám nha sỹ, bạn có thể sẽ phát hiện được sớm các vấn đề răng miệng mà mình gặp phải. Nếu trì hoãn điều trị, bạn có thể sẽ bị những tổn thương vĩnh viễn. Khi đi khám răng, bạn sẽ được làm sạch răng, kể cả những mảng bám cứng đầu mà bình thường bạn không thể tác động được, và do đó, giúp răng và lợi của bạn sạch và khỏe mạnh hơn.
Cai thuốc lá
Hút thuốc lá sẽ làm nặng thêm các tổn thương ở răng và các mô tại khoang miệng vì sẽ làm giảm hệ miễn dịch, giảm lượng oxy trong máu. Những người hút thuốc đặc biệt nhạy cảm với các bệnh về lợi, nếu phối hợp cùng yếu tố là tuổi già, thì các vấn đề về răng hàm mặt có thể trở thành một mối lo ngại lớn. Hút thuốc cũng là yếu tố nguy cơ chính trong việc phát triển ung thư hàm mặt và ung thư khoang miệng.
Bảo dưỡng răng định kỳ.
Với những người đã từng phục hồi hoặc thực hiện các thủ thuật về răng, hãy đảm bảo rằng bạn theo dõi cũng như đi khám, bảo dưỡng định kỳ đúng như lịch hẹn của bác sỹ. Nếu bạn dùng răng giả, hãy đảm bảo rằng luôn giữ răng giả của mình sạch và tuân theo những hướng dẫn chăm sóc răng giả đặc biệt của nha sỹ. Cũng như răng thật, răng giả có thể sẽ sử dụng được rất lâu nếu bạn biết cách chăm sóc. Nếu bạn bị sưng, đau, hơi thở hôi hoặc khó chịu khi dùng răng giả, hãy hẹn gặp nha sỹ ngay.
Thực hiện chế độ ăn cân đối, giàu dinh dưỡng
Một chế độ ăn cân đối, giàu dinh dưỡng không chỉ khiến bạn cảm thấy khỏe mạnh hơn, mà cũng rất tốt cho răng của bạn. Đảm bảo rằng bạn có tiêu thụ các loại thực phẩm lên men để giúp giữ cân bằng lượng vi khuẩn trong khoang miệng. Những loại thực phẩm này có thể bao gồm các sản phẩm lên men từ sữa, ví dụ như phô mai, bơ, kefir và sữa chua truyền thống. Các thực phẩm lên men khác bạn có thể sử dụng bao gồm dưa muối chua, kim chi, kombucha hoặc miso.
Một số loại thực phẩm có thể giúp tăng cường hệ miễn dịch của bạn và cũng rất hữu ích đối với tuổi già cũng như với sức khỏe răng miệng của bạn như tỏi, dầu dừa, rau có lá xanh và spirulina. Vitamin D3 cũng rất tốt cho hệ miễn dịch và sức khỏe tinh thần của bạn, do vậy, hãy đảm bảo rằng bạn dành thời gian đi bộ dưới ánh nắng mặt trời mỗi ngày để hấp thụ đủ lượng vitamin D3 mà cơ thể cần.
Ths.Bs.Cao Thanh Hóa, Liên Hương - Viện Y học ứng dụng Việt Nam