Truyền thuyết về thiếu calcium hay vitamin D: tập 1

Ở Việt Nam, có quá nhiều truyền thuyết về thiếu calcium và vitamin D và phần lớn những truyền thuyết đó là không có cơ sở khoa học.

Trẻ thường xuyên vặn mình là do thiếu calcium hay vitamin D

Em bé sơ sinh vặn mình nhiều và hay giật mình nên được chẩn đoán là thiếu calcium hay vitamin D. Điều này chắc là không đúng rồi. Vặn mình là một biểu hiện hoàn toàn bình thường ở trẻ sơ sinh. Khi bé mới sinh ra, não của bé chưa phát triển hoàn chỉnh nên chúng chưa kiểm soát được tay chân và thân mình của chúng. Vì vậy, nên những bộ phận đó cử động 'vô tổ chức' hay 'không kiểm soát', do đó ba mẹ bé rất lo lắng không biết nó có khó chịu gì không. Và khi đi khám định kỳ, phụ huynh được cho đem về vài thuốc calcium hay vitamin D với chẩn đoán "thiếu calci". Những thuốc này là thừa đối với bé (ngoại trừ trường hợp bé uống vitamin D bổ sung khi bú mẹ hoàn toàn, vì sữa mẹ không đủ vitamin D). Não của bé sẽ phát triển dần dần theo hướng kiểm soát từ đầu đến chân. Vì vậy, đến khoảng 4 tháng tuổi là đa số các bé kiểm soát được thân mình (nên bé có thể sẽ lật được) và hết vặn vẹo mình. Đôi khi hiện tượng vặn mình này còn được gán cho một số truyền thuyết khác như mọc lông ở lưng hay gì gì đó nữa...

Trẻ vặn mình không phải là dấu hiệu của thiếu vitamin D và canxi. (Ảnh minh họa)

Các phụ huynh nên tham khảo những tài liệu sau để biết biểu hiện bình thường của bé sơ sinh.

http://www.cpnonline.org/CRS/CRS/pa_devbirth_pep.htm 

http://www.cpnonline.org/CRS/CRS/pa_newbehav_hhg.htm

Nói về sự phát triển não bộ của trẻ em, không có bé nào phát triển giống bé nào cả, tuy chiều hướng phát triển của não là tương đối giống nhau. Có nghĩa là về mặt vận động thì não bé sẽ phát triển dần dần (giống như trái cây chín dần) theo hướng kiểm soát từ trên đầu xuống dưới chân. Vì vậy nên những kiểm soát đầu tiên sẽ là kiểm soát cổ (bé sẽ nhấc đầu lên khi bế tư thế đứng), rồi đến kiểm soát lưng và thân mình (bé sẽ lật), rồi đến mông, đùi, chân... (bé sẽ đạp trườn, co chân lên để gặm ngón chân, ngồi, chống chân đứng lên...). Đồng thời những cử động tinh vi cũng sẽ được hoàn thiện hơn: bé sẽ cầm nắm được, với tay ra chụp vật trước mặt một cách chính xác, đưa ngón tay vào miệng mút một cách thiện nghệ, rồi khoảng 1 tuổi là có thể dùng ngón tay bốc nhặt những vật rất nhỏ (hạt đất, con kiến...). Tuy nhiên, giống như những trái cây trên cành chín không đều nhau, có bé sẽ làm được việc này sớm hơn bé khác, nhưng việc khác lại làm trễ hơn bé khác. Có bé sẽ biết lật sớm, nhưng cũng có bé sẽ bỏ qua luôn giai đoạn lật và chuyển sang ngồi hay đứng lên đi luôn. Nếu bé đứng lên đi được thì không việc gì phải bắt bé nằm xuống lật cho "đủ bộ như con người ta". Và những bé biết ngồi hay đứng lên trễ hơn bé khác cũng không có nghĩa là bé đó bị thiếu calcium hay vitamin D. Điều quan trọng là bác sĩ sẽ phải hỏi kỹ từng giai đoạn phát triển và đánh giá sự phát triển não của bé một cách toàn diện chứ không hẳn dựa vào một triệu chứng đơn lẻ nào để 'phán quyết' được. 

Sự phát triển não bộ của em bé (hay con người) là một điều kỳ diệu. Càng quan sát và nhận xét sẽ càng phát hiện nhiều điều thú vị. Các ba mẹ hãy dành thời gian quan sát những phát triển về vận động, nhận thức, ngôn ngữ... của các bé và giúp chúng phát triển tốt nhất bằng những biện pháp thật đơn giản nhưng hiệu quả như đối xử với chúng bằng tình yêu thương (cho bé bú sữa mẹ là một cách tốt), trò chuyện với chúng từ lúc chúng còn thơ, cười với chúng, tập cho chúng vận động (để đồ vật cho bé với chụp, đừng cản chúng dùng tay đập một đồ chơi nào đó, nhưng đừng để nó cầm iphone đập nhe) và tránh đối xử với chúng bằng "bạo lực" (tuyệt đối không bao giờ ép ăn).

Xem thêm:

>>> Truyền thuyết về thiếu calcium hay vitamin D: tập 2

>>> Truyền thuyết về thiếu calcium hay vitamin D: tập 3

>>> Truyền thuyết về thiếu calcium hay vitamin D: tập 4

BS Nguyễn Trí Đoàn, ngày 30/4/2013

- 19-12-2018 -

Bài viết liên quan

  • 28-05-2018

    Tiểu lắt nhắt được định nghĩa là trẻ đi tiểu rất nhiều lần, khoảng cách giữa các lần rất ngắn có khi cứ vài phút trẻ lại đòi đi tiểu một lần, nhưng mỗi lần chỉ một chút nước tiểu. Thông thường trẻ đi trên 7 lần/ngày có thể coi là tiểu nhiều lần. Tiểu lắt nhắt có thể kèm theo những than phiền khác: đau, buốt, nóng, rát khi đi tiểu, thay đổi tính chất nước tiểu...

  • 18-03-2019

    Khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Bộ Y tế Việt Nam về việc sử dụng vitamin A liều cao trong điều trị bệnh sởi. 

  • 28-05-2018

    Bệnh lây truyền qua đường tình dục (LTQĐTD) là do các tác nhân vi sinh vật lây truyền từ người này sang người khác chủ yếu qua tiếp xúc tình dục. Các bệnh lây truyền qua đường tình dục bao gồm: Lậu: Gây tắc vòi trứng dẫn đến vô sinh; Giang mai: Gây biến chứng nặng về thần kinh nếu không được điều trị kịp thời; Chlamydia: Gây viêm vùng chậu làm cho bạn đau âm ỉ vùng hạ vị; HIV...

  • 28-05-2018

    HPV (Human papillomavirus) là một virus gây bệnh lây truyền qua đường tình dục – gây ra các bệnh lí đường sinh dục và miệng ở cả nam và nữ. Nhiễm dai dẳng các loại virus HPV nguy cơ cao gây ra phần lớn các ung thư cổ tử cung ở phụ nữ.