Truyền thuyết về thiếu calcium hay vitamin D: tập 4

Chậm mọc răng là do thiếu calcium

Rất nhiều ngộ nhận về chuyện mọc răng, mà ngộ nhận nhiều nhất có lẽ là thời gian mọc răng.

Khi mới sinh ra đời, bộ răng sữa của bé đã có sẵn ở đó rồi, còn chuyện chừng nào từng cái răng trong bộ răng đó mọc lên là ... chuyện của nó. Khó ai biết được lúc nào những răng đó sẽ nhú ra (chuyện dự đoán khi nào răng sẽ mọc còn khó hơn dự báo thời tiết, mà dự báo thời tiết có khi còn trật lên trật xuống nữa là...). Tuy nhiên, dựa trên quan sát lịch mọc răng rất nhiều bé, người ta thống kê được rằng: khoảng 99% các bé sẽ mọc cái răng đầu tiên (thường là răng cửa dưới) trong khoảng từ 6 - 12 tháng tuổi, một số rất ít trường hợp (khoảng 1%) mọc răng đầu tiên khoảng 3 - 4 tháng tuổi hay sau 12 tháng tuổi (tôi đã gặp một bé mọc răng đầu tiên vào khoảng 16 tháng tuổi và bé này bây giờ răng đầy hàm rồi). Còn chuyện bé bị mất răng bẩm sinh thì lại còn cực kỳ hiếm hơn nữa. Và bởi vì không có bé nào giống bé nào hết (ngay cả hai bé sinh đôi cùng trứng) nên có bé sẽ mọc răng trước mà cũng có bé mọc răng sau. Vì vậy, nếu con bạn đến 1 tuổi mà vẫn chưa có cái răng nào hết thì bạn cũng không có gì đáng phải lo lắng đâu và đừng quy cho chuyện mọc răng trễ đó là do thiếu calcium hay vitamin D. 

Image result for mọc răng ở trẻ
Chậm mọc răng không phải dấu hiệu của thiếu calcium và vitamin D. (Ảnh minh họa)

Nếu ai đọc tiếng Anh thì có thể tham khảo những link sau:

http://www.webmd.com/parenting/baby/tc/teething-what-to-expect

http://www.webmd.com/oral-health/unusual-tooth-development

Cũng có một vài truyền thuyết về mọc răng như sốt mọc răng hay tước mọc răng. Mọc răng không gây sốt (mặc dù trong lúc mọc răng thì thân nhiệt của bé có thể tăng lên khoảng 0,1 độ C so với những ngày không mọc răng, nhưng đó không phải là sốt). Nếu bé sốt (thân nhiệt từ 38 độ C trở lên) thì nên đi tìm nguyên nhân khác, hơn là quy cho chuyện mọc răng. 

Hai hiện tượng xảy ra cũng lúc hay trước sau thì có mối quan hệ về thời gian (temporal relationship) nhưng chưa chắc có mối quan hệ nhân quả (causal relationship).

Xem thêm:

>>> Truyền thuyết về thiếu calcium hay vitamin D: tập 1

>>> Truyền thuyết về thiếu calcium hay vitamin D: tập 2

>>> Truyền thuyết về thiếu calcium hay vitamin D: tập 3

BS Nguyễn Trí Đoàn, ngày 30/4/2013

- 19-12-2018 -

Bài viết liên quan