Vacxin ngừa ung thư cổ tử cung

HPV (Human papillomavirus) là một virus gây bệnh lây truyền qua đường tình dục – gây ra các bệnh lí đường sinh dục và miệng ở cả nam và nữ. Nhiễm dai dẳng các loại virus HPV nguy cơ cao gây ra phần lớn các ung thư cổ tử cung ở phụ nữ.

HPV là gì ?

HPV (Human papillomavirus) là một virus gây bệnh lây truyền qua đường tình dục – gây ra các bệnh lí đường sinh dục và miệng ở cả nam và nữ. Nhiễm dai dẳng các loại virus HPV nguy cơ cao gây ra phần lớn các ung thư cổ tử cung ở phụ nữ.

Các loại gen HPV nguy cơ cao gồm type 16 và type 18 gây ra 70% các trường hợp ung thư cổ tử cung trên toàn thế giới. Type 31, 33, 45, 52 và 58 gây ra 20% còn lại. Type 16,18 cũng gây ra gần 90% ung thư hậu môn và một tỉ lệ đáng kể ung thư miệng, ung thư âm hộ - âm đạo và ung thư dương vật. HPV type 6 và type 11 gây ra 90% các trường hợp mụn cóc sinh dục.

(Ảnh minh họa)

Chích ngừa vacxin ung thư cổ tử cung. (Ảnh minh họa)

Có những loại vacxin ngừa virus HPV nào?

Vacxin HPV 4 type (Gardasil) ngừa 4 type là 6, 11, 16, 18.

Vacxin HPV 9 type (Gardasil 9) ngoài 4 type như loại trên còn có thêm type 31, 33, 45, 52, 58.

Vacxin HPV 2 type (Cervarix) chỉ có 2 type là 16, 18.

Chỉ định liều vacxin 

Theo ACIP (Hội đồng tư vấn thực hành tiêm chủng) của Mĩ khuyến cáo tiêm ngừa HPV cho cả nam và nữ theo lịch như sau:

  • Với bé gái: vacxin ngừa HPV được khuyến cáo vào độ tuổi từ 11-12, cũng có thể sớm hơn từ 9 tuổi. Chích đuổi được tiến hành cho những bé gái từ 13-26 tuổi mà chưa hề được chích ngừa trước đó hoặc có chích nhưng không đủ liều.
  • Với bé trai: Vacxin được khuyến cáo cho con trai từ 11-12 tuổi, có thể chích sớm hơn – từ 9 tuổi. Chích đuổi cho các em trai từ 13- 21 tuổi nếu trước đó chưa được chích hoặc chích không đủ liều.
  • Đối với nam giới từ 22 - 26 tuổi, nên tiêm phòng HPV nếu họ là nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) hoặc bị suy giảm miễn dịch (bao gồm cả nam giới nhiễm HIV).
  • Đối với người đã trên 26 tuổi, vì khả năng đã phơi nhiễm với HPV khá cao nên việc tiêm ngừa không có ích và tốn kém. Tuy nhiên nếu một người trên 26 tuổi quan hệ tình dục hoặc cặp vợ chồng chung thủy một vợ một chồng hoàn toàn thì việc chích ngừa vacxin có thể đem lại lợi ích vì họ có nguy cơ phơi nhiễm HPV về sau.

Lịch chích ngừa HPV 

Nếu chích lần đầu lúc dưới 15 tuổi:

  • Mũi 1: thời điểm chích
  • Mũi 2: sau mũi 1 6-12 tháng

Nếu mũi 2 vì lí do nào đó phải chích trước 5 tháng sau mũi 1 thì bổ sung thêm một mũi thứ 3 ít nhất 12 tuần sau mũi thứ 2 và ít nhất 5 tháng sau mũi thứ nhất.
Nếu chích lần đầu từ 15 tuổi trở lên: tổng cộng 3 mũi:

  • Mũi 1: tại thời điểm chích
  • Mũi 2: 1-2 tháng sau mũi 1
  • Mũi 3: 6 tháng sau mũi 1.

Khoảng cách tối thiểu giữa 2 mũi đầu tiên là 4 tuần, giữa liều thứ 2 và liều thứ 3 là 12 tuần. Giữa liều thứ nhất và liều thứ ba là 5 tháng. Nếu một liều nào đó được chích sớm hơn khoảng cách tối thiểu này thì cần thiết phải nhắc lại khi đủ thời gian theo khuyến cáo.

Tác dụng phụ của vacxin ngừa HPV

  • Rất hay gặp (≥1/10)
  • Hay gặp (≥1/100,<1/10)
  • Ít gặp (≥1/1000, <1/100)
  • Hiếm gặp (≥1/10000, <1/1000)
  • Rất hiếm gặp(<1/10000).

Rối loạn chung và phản ứng tại chỗ tiêm

  • Rất hay gặp: sốt
  • Rất hay gặp: ban đỏ, đau, sưng.
  • Hay gặp: xuất huyết và ngứa.
  • Rất hiếm gặp: phản ứng có hại nghiêm trọng là co thắt phế quản.
  • Tính an toàn của Gardasil khi dùng cùng với vacxin viêm gan B (tái tổ hợp) đã được đánh giá qua một nghiên cứu có đối chứng giả dược. Tần số các phản ứng có hại quan sát được khi dùng chung như vậy cũng tương đương với tần số của Gardasil khi dùng riêng rẽ.

Chống chỉ định: quá mẫn với bất kì thành phần nào của thuốc.

BS Trần Văn Công

Phòng khám Victoria Healthcare

- 28-05-2018 -

Bài viết liên quan