Sốt co giật ở trẻ
Sốt co giật (febrile seizure hay febrile convulsion) là tình trạng bệnh đặc thù ở trẻ em, thường gặp ở lứa tuổi 6 tháng – 5 hoặc 6 tuổi. Sốt co giật hầu như không nguy hiểm và không để lại di chứng gì về thần kinh sau này. Một nghiên cứu cho thấy, những trẻ bị sốt co giật từ nhỏ thì sau này vẫn thông minh, học giỏi, trí nhớ tốt, hành vi cư xử bình thường như những trẻ không bị sốt co giật.
Sốt co giật là một bệnh thường gặp ở trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi (chủ yếu ở lứa tuổi từ 12 – 18 tháng), khi có đợt sốt cao, dấu hiệu co giật chiếm tỉ lệ khoảng 5%.
Trước thực trạng nhiều cha mẹ tỏ ra vô cùng lo lắng, lúng túng khi trẻ bị lên cơn sốt co giật, BS Nguyễn Trí Đoàn, Trưởng khoa Nhi - Phòng khám Victoria Healthcare đã có những chia sẻ trên facebook cá nhân ngày 21/05/2015 nhằm cung cấp cho cha mẹ những kiến thức bổ ích về sốt co giật ở trẻ em.
*"*Vừa rồi khi tôi vừa post lên thông tin mới về chuyện uống thuốc hạ sốt (theo một kết quả nghiên cứu mới được công bố) thì tôi biết chắc là sẽ có những câu hỏi về chuyện co giật do sốt. Chuyện này tôi cũng đã viết cách đây một thời gian rồi, nhưng có lẽ nó tiêu diêu lạc lõng ở đâu đó nên cũng có người hỏi lại.
Sốt co giật (febrile seizure hay febrile convulsion) là tình trạng bệnh đặc thù ở trẻ em, thường gặp ở lứa tuổi 6 tháng đến 5 hay 6 tuổi. Cho đến giờ, hầu như chưa ai biết tại sao trẻ lại bị co giật khi sốt như vậy. Có lẽ rằng tác nhân gây co giật trong trường hợp đó là do chất hóa học gì đó do cơ thể tiết ra hơn là do bản thân nhiệt độ của sốt.
Trong lứa tuổi trên, chỉ có khoảng 3 - 4% trẻ sốt bị co giật, có nghĩa là 96 - 97% (đa số) trẻ bị sốt sẽ không bị co giật. Tình trạng sốt co giật đó thường hay có yếu tố gia đình, có thể tiền căn trong gia đình đã có những người bị co giật khi sốt như vậy lúc nhỏ. Tình trạng sốt co giật đó hầu như không nguy hiểm và không để lại di chứng gì về thần kinh sau này. Một nghiên cứu cho thấy những trẻ bị sốt co giật từ nhỏ thì sau này vẫn thông minh,học giỏi, trí nhớ tốt, hành vi cư xử bình thường như những trẻ không bị sốt co giật (nếu không nói là giỏi hơn!).
Việc uống thuốc hạ sốt có ngừa được sốt co giật không?
Về mặt lý thuyết (hay lý luận) thì uống hạ sốt sớm sẽ giảm sốt và (hy vọng) giảm nguy cơ bị co giật do sốt. Tuy nhiên, vì sốt co giật thường xảy ra ngay cơn sốt đầu tiên của đợt bệnh và khi nhiệt độ tăng cao đột ngột (trước đó hoàn toàn không biết được bé sẽ bị sốt), nên hầu như cha mẹ không bao giờ kịp cho bé uống thuốc hạ sốt (và nếu có cho bé uống thì phải mất 20 phút sau hy vọng mới hạ sốt và trong thời gian đó bé đã bị co giật rồi). Đã có nghiên cứu về việc cho uống thuốc hạ sốt để phòng ngừa co giật do sốt này và kết quả là chưa có nghiên cứu nào rút ra được bằng chứng về việc uống thuốc hạ sốt sẽ ngừa được co giật do sốt.
Vậy khi trẻ bị co giật do sốt, người nhà phải làm gì?
Thường đa số trường hợp co giật do sốt sẽ tự chấm dứt sau vài phút, nên đa số không cần phải tiêm thuốc chống co giật. Điều quan trọng nhất là người chăm sóc trẻ phải giữ cho đường thở của bé được thông thoáng bằng cách cho bé nằm nghiêng người sang một bên và đầu hơi thấp xuống để đàm nhớt chảy ra. Không được nhét bất cứ cái gì vào miệng bé. Nhiều người lo sợ bé sẽ cắn lưỡi khi co giật. Điều này hầu như hiếm bao giờ xảy ra, bởi vì ngay trước khi co giật hiếm có bé nào để lưỡi của mình giữa hai hàm răng, nên khi bé co giật, nó đã nghiến chặt hai hàm răng lại rồi, làm sao mà nó có thể cắn được răng?
Trong đời làm bác sĩ tại khoa cấp cứu của tôi, quả thật chưa bao giờ tôi gặp bé nào bị co giật mà cắn lưỡi hết, mà chỉ toàn gặp những trường hợp bé cắn rách hay đứt tay người nào nhét tay vào miệng bé, hoặc gặp những trường hợp người lớn cố gắng nạy răng bé ra làm chảy máu nướu hay gãy răng của chúng.
Sai lầm khác hay gặp là người lớn vắt chanh hay sả vào miệng đứa bé đang co giật, đến khi bé ngưng co giật thì có thể bé sẽ hít sặc hột chanh hay dị vật vào đường thở và làm nó bị nghẹt thở (đã có trường hợp để lại di chứng não do bị thiếu oxy não do nghẹt thở như vậy). Xin khẳng định rằng việc vắt chanh hay sả vào miệng, hay cạo gió hay… gì gì nữa thì cũng không làm cho bé ngưng co giật, mà sau vài phút thì hầu hết cơn co giật sẽ tự chấm dứt. Khi bé ngưng co giật và bắt đầu tỉnh lại, người nhà có thể cho bé uống thuốc hạ sốt (paracetamol hay ibuprofen).
Ngày xưa, thường người ta khuyên nên lau mát bằng nước ấm khi bé bị sốt co giật, nhưng hiện nay người ta không nghĩ rằng động tác này giúp ích gì nên cũng không khuyến cáo nữa (khi nói điều này thì chắc sẽ lại… dậy sóng nữa đây, hì hì).
Nếu bạn nào tham khảo được tiếng Anh thì xin đọc thêm những thông tin về sốt co giật ở trẻ em ở những website sau để rõ hơn về việc uống thuốc hạ sốt trược ngừa được co giật do sốt hay không (xin nhắc lại, tôi không hề cấm cha mẹ không cho bé uống hạ sốt nhe):
http://www.patient.co.uk/health/Febrile-Seizure-(Febrile-Convulsion).htm
http://www.mayoclinic.com/health/febrile-seizure/DS00346/DSECTION=prevention."
Wellcare tổng hợp
Nguồn: Facebook cá nhân của BS Nguyễn Trí Đoàn