Phụ huynh có nên tự ý sử dụng Ventolin cho trẻ không?

Ventolin là tên thương mại, chất thuốc có tác dụng chữa bệnh là salbutamol (loại thuốc người ta hay dùng cho lợn để tăng nạc). Tất cả các trường hợp có co thắt cơ trơn phế quản đều có thể dùng ventolin trừ phi bệnh nhân bị dị ứng với thuốc...

Ventolin là gì? 

Ventolin là tên thương mại, chất thuốc có tác dụng chữa bệnh là salbutamol (loại thuốc người ta hay dùng cho lợn để tăng nạc). 
Ventolin có tác dụng làm giãn các cơ trơn phế quản, từ đó làm giãn phế quản. Hệ thống phế quản của người giống như các cành cây, cành lớn chia ra các cành nhỏ, cành nhỏ chia các cành nhỏ hơn. Những cành nhỏ nhất được gắn vào lá, lá ở đây chính là phổi. Phế quản và những ống dẫn không khí ra vào phổi cũng giống như cành cây dẫn nước vào lá cây vậy. Ta thử tưởng tượng, có những sợi dây thun co giãn cuốn vòng quanh các cành cây này. 

Sử dụng thuốc xịt Ventolin giúp kiểm soát cơn hen suyễn hiệu quả. (Ảnh minh họa)

Khi những sợi dây thun co thắt lại nó sẽ bóp nghẹt các cành cây và làm hẹp lòng ống phế quản làm cho không khí ra vào phổi trở nên khó khăn. Khi không khí thổi qua một cái ống hẹp, nó ma sát vào vách ống và phát ra các thứ tiếng mà ta gọi là khò khè (wheezing) - cũng giống như gió mạnh thổi qua khe cửa hẹp sẽ phát thành tiếng. Khi không khí ra vào phổi khó khăn, bé sẽ đáp ứng lại bằng cách thở cho nhanh để lấy đủ oxy (trên lâm sàng ta sẽ có dấu hiệu thở nhanh) đây là một cách bù trừ thông minh của cơ thể bé). Nhưng nếu bệnh nặng, thở nhanh vẫn không lấy đủ oxy thì em bé phải gắng sức, vận dụng các cơ ở ngực và bụng để ráng thở cho thật mạn, trên lâm sàng ta có dấu hiện rút lõm ngực (retraction). Nếu vừa thở nhanh, vừa thở mạnh vẫn không lấy đủ oxy thì  bé sẽ bị tuột oxy trong máu, các cơ hô hấp mệt mỏi, em bé đuối sức (suy hô hấp) và có thể tử vong. 

Việc các cơ trơn phế quản co thắt có nguy hiểm không?

Khi ventolin được đưa vào cơ thể theo các cách khác nhau (khí dung, uống, chích...) nó có tác dụng làm thư giãn - thả lỏng các lợi cơ này. Do đó, lòng ống dẫn khí (phế quản) sẽ được rộng rãi thông thoáng trở lại, không khí ra vào phổi dễ dàng và em bé không cần phải gắng sức thở nhanh, thở mạnh, tiếng khò khè cũng giảm đi. 

Đó là cơ chế làm việc của ventolin khi em bé bị khò khè - khó thở. 

Ngoài ra ventolin có thể làm thư giãn các cơ trơn tử cung, do đó trong Sản khoa người ta dùng nó để điều trị những trường hợp tử cung co bóp - tránh sanh non hay sẩy thai.  

Cha mẹ có nên tự ý cho con sử dụng Ventolin không?

Không được tự ý sử dụng Ventolin cho trẻ. Trừ hai trường hợp sau: 

1. Tình huống khó thở cấp cứu

Giả sử nửa đêm, bạn đang đi du lịch hoặc nhà rất xa trung tâm y tế, con bạn đột ngột lên cơn khó thở, ngồi dậy để thở, khò khè dữ dội, rút lõm ngực nặng... tình huống có vẻ nguy kịch. Bạn có thể sử dụng khí dung ventolin 2 - 3 lần liên tục, mỗi 15 - 20 phút một lần, đồng thời Gọi thoại - Gọi video cho bác sĩ Nhi khoa để hỏi thêm ý kiến.

Sau 3 lần khí dung, nếu bé không bớt, hãy gọi cấp cứu ngay vì có thể đe dọa tính mạng ( cơn suyễn nặng, dị vật đường thở...).

Nếu các triệu chứng của bé bớt nhiều hoặc hết thì bạn hãy bình tĩnh và sắp xếp cho con đi khám bệnh sau đó. 

2. Con bạn đã được chẩn đoán xác định là có bệnh suyễn (hen phế quản) và bé đang lên cơn

Bạn phải đảm bảo là mình có đủ kinh nghiệm nhận ra cơn suyễn của con và xử lý cơn theo hướng dẫn của bác sĩ. Nhớ ghi vào nhật kí suyễn để trình bày cho bác sĩ mỗi lần tái khám suyễn. Vì sự tái phát cơn có ý nghĩa quan trọng giúp bác sĩ phân bậc và đánh giá đáp ứng điều trị của bé. 

Ngoài hai tình huống trên, phụ huynh không nên tự dùng ventolin cho trẻ, cho dù bạn nghĩ bé đang khò khè. Một nghiên cứu ở phương Tây cho thấy, chỉ có 60% các phụ huynh và bác sĩ đồng thuận với nhau về việc bé đúng là bị khò khè. Ở Việt nam con số này thấp hơn, tiếng khò khè phát ra từ phổi phế quản thường bị ngộ nhận với các tiếng thở khác như nghẹt mũi , thở rít..... 

Tại sao không nên tự ý dùng Ventolin?

1. Nó sẽ ảnh hưởng đến chẩn đoán và làm chậm trễ chẩn đoán suyễn của con bạn. Mỗi lần con khò khè, mẹ lại khí dung dù chưa chắc là khò khè hoặc khò khẹ rất nhẹ, điều này làm mất hoặc lu mờ đi triệu chứng khiến bác sĩ gặp khó khăn trong chẩn đoán bệnh. 
2. Lờn thuốc: sử dụng quá nhiều ventolin có thể dẫn tới giảm độ nhạy cảm của phế quản với thuốc, lâu ngày có thể mất tác dụng, những khi con thật sự cần thuốc giãn phế quản thì lại không đáp ứng. 
3. Tác dụng phụ: thuốc nào cũng có tác dụng phụ, với ventolin tác dụng phụ có thể gặp gồm: đỏ mặt, run tay, tim nhanh hồi hộp đánh trống ngực, dị ứng, hạ kali máu...
4. Tốn kém kinh tế. 

Ventolin thường được dùng trong các bệnh nào ở trẻ em?

Dựa vào cơ chế tác dụng như trên, tất cả các trường hợp có co thắt cơ trơn phế quản đều có thể dùng ventolin trừ phi bệnh nhân bị dị ứng với thuốc. Bao gồm suyễn đã xác định hoặc các bệnh lý khác chưa phân biệt rạch rõ với suyễn như viêm tiểu phế quản (bronchiolitis), virus thúc đẩy khò khè (virus inducing wheezing), viêm phổi (pneumonia)... đối với các bệnh lý này tùy theo đáp ứng với ventolin có tốt hay không mà tiếp tục dùng hoặc ngưng sau vài cữ khí dung đầu tiên. 

Cách dùng Ventolin

Đường uống

Không khuyến khích uống salbutamol vì hiệu quả kém, tác dụng phụ nhiều. Nếu không có biện pháp khác thì miễn cưỡng dùng với liều 0.1 - 0.2 mg/kg/lần, mỗi 4 - 6 giờ 1 lần.

Khí dung

An toàn và hiệu quả nhất.
Trẻ dưới 5 tuổi: ventolin 2.5 mg 1 tub/ lần, mỗi 4 - 6 giờ/lần nếu cần.
Trẻ trên 5 tuổi: ventolin 5 mg 1 tub/ lần, mỗi 4 - 6 giờ/lần nếu cần. 
Trộn ventolin với dung dịch nước muối sinh lý sao cho đủ 3ml rồi mới phun. Trong trường hợp cắt cơn ở phòng cấp cứu có thể phun khí dung liên tục.

Chích - truyền

Dùng trong bệnh viên cho những ca nặng.

Buồng xịt định liều (MDI) với babyhaler (dụng cụ buồng hít)

BS Trần Văn Công

Chuyên khoa Nhi - Phòng khám Quốc tế Victoria Healthcare

- 24-07-2018 -

Bài viết liên quan